Cần một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh để kinh tế số chiếm 20% GDP

Trần Thường| 09/11/2021 08:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội và phòng, chống dịch Covid-19 tại Quốc hội hôm nay, các Đại biểu Quốc hội đặt nhiều vấn đề liên quan đến thích ứng trong môi trường số, khi mạng xã hội phát triển mạnh.

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội và phòng, chống dịch Covid-19 tại Quốc hội hôm nay, các Đại biểu Quốc hội đặt nhiều vấn đề liên quan đến thích ứng trong môi trường số, khi mạng xã hội phát triển mạnh.

ĐB Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng thực trạng hiện nay những khó khăn thách thức truyền thống, phi truyền thống (già hóa dân số, biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng hóa thạch...) đang ngấm dần lên các nền tảng.

Ông phân tích cụ thể về chuyển đổi số để hình thành kinh tế số, xã hội số với nền tảng là cơ sở dữ liệu trở thành nguồn động lực quan trọng cho tăng trưởng, cũng là công cụ phục vụ đắc lực cho quản trị quốc gia.

Tuy nhiên, ĐB đặt vấn đề chuyển đổi số với công nghệ nền phải được thực hiện thế nào để không những đem lại hiệu quả cho quản trị, mà còn đảm bảo an ninh con người, an ninh chính trị, an ninh kinh tế. Ông nêu thực tế, khi nền tảng Google, Facebook và gần đây là TikTok tưởng chừng hỗ trợ cho tăng trưởng nhưng lại đang âm thầm theo dõi, định hướng, can thiệp, chế tác lại hành vi người dùng.

Cần một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh để kinh tế số chiếm 20% GDP - Ảnh 1.

ĐB Phạm Trọng Nhân.

"Các nhà khoa học đã đặt cho nó một cái tên đáng sợ là chủ nghĩa tư bản giám sát. Nhất cử nhất động của người dùng đã bị giám sát bởi các nền tảng miễn phí này cùng vô số thiết bị dính lỗ hổng bảo mật”, ông Nhân cảnh báo.

Từ các thao tác tưởng chừng vô hại như "like, share, thả tim" trong các dòng trạng thái, tin nhắn, cuộc gọi thì người dùng đã tự phơi bày riêng tư nhất. Hành vi phân tích theo ĐBQH là hết sức tinh vi của "tư bản giám sát" đến từng tầng nhận thức của người dùng.

ĐB tỉnh Bình Dương chỉ ra thông tin và định hướng hành vi công dân của quốc gia, chính là nguyên liệu cho quản trị lại nằm trong tay các nhà tư bản này, hình thành lên "một thị trường hành vi" mà ở đó các nền tảng hiểu rõ người dùng.

Ông nêu: "những hành vi thầm kín, riêng tư của người dùng có thể bị mở toang qua từng click chuột...".

Mặt khác, ĐB còn cho rằng, các nền tảng trên còn gợi ý, giới thiệu những nhóm người đến với nhau mà phong trào mùa xuân Ả Rập là một điển hình. “Các dòng trạng thái từ thay đổi chính trị ở Ai Cập, các clip biểu tình, bình luận chính trị ở nước này đã lan khắp thế giới với hàng triệu lượt người xem…”

Nêu thực tế Việt Nam khi 72 triệu người sử dụng mạng xã hội dành trung bình 2h/ngày, trong đó ở nhóm đối tượng thanh niên thì dành tới 7h/ngày trên mạng (thuộc top cao của thế giới), ông Nhân cho rằng phải "gióng lên hồi chuông báo động".

"Chúng ta làm gì để giữ vững chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng mà Đại hội XIII đã đề ra", ông đặt vấn đề.

Định hình một xã hội số với những công dân số để phát triển kinh tế số thì quản lý trong đời thực như thế nào thì cũng cần quản lý công dân trên xã hội số như thế đó.

Góp ý về vấn đề thể chế trong chuyển đổi số, ĐB Nguyễn Thị Mai Phương đánh giá, hầu hết khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này hiện nay còn rất hạn chế.

Để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, nhằm đạt mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ lệ kinh tế số trong các lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, "rất cần có một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh".

Còn theo ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia và bứt phá vươn lên trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần có hạ tầng công nghệ số của riêng mình để đi trước trong chuyển đổi số và chủ động kiểm soát đảm bảo an toàn cho tài sản số quốc gia.

Cần một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh để kinh tế số chiếm 20% GDP - Ảnh 2.

ĐB Hoàng Văn Cường

Nếu được Chính phủ đặt hàng, ông tin rằng đội ngũ kỹ sư tin học và công nghệ của Việt Nam thừa sức phát triển được các sản phẩm để khẳng định được vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ số. Vấn đề đặt ra là nguồn lực từ đâu để hỗ trợ lãi suất và đặt hàng cho các dự án đầu tư mang tính đột phá.

Gói kích thích kinh tế đủ mạnh, vẫn phải đảm bảo an ninh tài chính

Nói về kinh tế, ĐB Hoàng Văn Cường cho biết, qua 4 tháng nghiêm ngặt giãn cách phòng chống dịch, kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và hàng nghìn lao động mất việc làm, rời bỏ các trung tâm kinh tế để về quê.

"Điều đó cho thấy rằng sức chống chịu của nền kinh tế rất yếu và tiềm lực của các doanh nghiệp đã suy kiệt", ông nêu.

Để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới, đại biểu Cường cho rằng các doanh nghiệp không chỉ cần có thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn phải vượt lên, đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao, trong bối cảnh thế giới đang phân bố lại chuỗi cung ứng.

Muốn vậy, theo ĐB, các doanh nghiệp cần phải được tăng thêm nguồn lực đầu tư từ các nguồn vốn giá rẻ và các đơn đặt hàng từ chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ.

Về các giải pháp phục hồi kinh tế, ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho biết, từ kỳ họp thứ nhất đến nay, đặc biệt là trước thềm kỳ họp này nhiều doanh nghiệp và đại biểu đều quan tâm đến gói kích thích kinh tế đủ mạnh nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Cần một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh để kinh tế số chiếm 20% GDP - Ảnh 3.

ĐB Hà Sỹ Đồng

Bộ trưởng Tài chính đã cho biết gói hỗ trợ lãi suất khoảng 20.000 tỷ một năm và phát hành công trái huy động ngoại tệ trong nước. Ông cho rằng chỉ có gói hỗ trợ lãi suất là khả thi, vì doanh nghiệp đang đói vốn nay được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, giảm được 2 đến 3% so với mức vay thương mại hiện hành 6 đến 10%, sẽ có động lực để khôi phục sản xuất và kinh doanh.

Đưa ra nhận định điện gió là năng lượng sạch và thân thiện với môi trường, phát triển bền vững và cả thế giới đang hướng đến, ĐB Hà Sỹ Đồng cho rằng, cần khuyến khích để thu hút đầu tư và phải có chính sách bền vững. Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp điện gió và các địa phương kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ cho phép lùi thời hạn áp dụng giá phí thêm 6 tháng đến 1 năm đối với các dự án đã thi công nhưng chậm tiến độ do dịch Covid-19 và các khó khăn khác là có cơ sở.

Bài liên quan
  • Phát triển kinh tế số ở Đông Nam Á: Cơ hội và thách thức
    Nền kinh tế số Đông Nam Á đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây nhờ mức độ số hoá, thâm nhập và sử dụng Internet ngày càng gia tăng. Kể từ năm 2016, số người dùng Internet trong khu vực đã tăng gấp đôi ở 6 quốc gia lớn nhất: Singapore, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh để kinh tế số chiếm 20% GDP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO