Cần xây dựng khung pháp lý thống nhất cho chăn nuôi tuần hoàn ở Việt Nam
Ngành chăn nuôi Việt Nam phát sinh hơn 60 triệu tấn phân và trên 304 triệu m3 nước thải/ năm. Tuy nhiên, nguồn chất thải này đến nay vẫn chưa được sử dụng thực sự hiệu quả để gia tăng lợi nhuận cho ngành chăn nuôi, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường…
Chưa tận dụng tốt nguồn chất thải chăn nuôi
Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với tổng đàn lợn đạt xấp xỉ 30 triệu con, gia cầm đạt trên 500 triệu con và đại gia súc đạt trên 12 triệu. Giá trị toàn ngành chăn nuôi năm 2022 ước đạt 23,7 tỷ USD.
Những năm qua ngành chăn nuôi phát triển quy mô tổng đàn tạo nên những giá trị lớn về kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đang tiếp tục kéo theo các hệ lụy về ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính… khi các phụ phẩm trong chăn nuôi chưa được tái sản xuất trong các lĩnh vực khác.
Theo Ths. Nguyễn Quỳnh Hoa, Cục Chăn nuôi, một trong những vấn đề lớn đối với ngành chăn nuôi là phân và chất thải từ vật nuôi. Theo ước tính, giai đoạn 2018-2022, với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành, mỗi năm có trung bình hơn 60 triệu tấn phân và trên 304 triệu m3 nước thải được thải ra từ các loại vật nuôi chính cần phải được xử lý. Hiện, tỷ lệ hộ chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi là 72%; còn 28% hộ chăn nuôi thải trực tiếp chất thải chăn nuôi vào môi trường.
Trong lúc đó, kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi ở Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất, còn sơ khai; tỉ lệ thu và tái chế các phụ phẩm còn rất thấp. Tư duy chủ yếu vẫn còn coi phụ phẩm là rác thải, chưa coi đó là tài nguyên cần được xử lý để tiếp tục tuần hoàn nên chất thải trong chăn nuôi không được tận dụng mang lại giá trị gia tăng cho ngành, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh, chất thải chăn nuôi. Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong chăn nuôi vẫn hạn chế, chưa đồng bộ, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc xử lý chất thải dẫn đến ô nhiễm môi trường còn nhiều.
Các doanh nghiệp thu mua chất thải chăn nuôi còn ít, mới chỉ dừng lại trong việc tái sử dụng cho cây trồng của chính các chủ trang trại hoặc thương lái nhỏ lẻ. Một số nơi chưa quan tâm công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi; chất thải vẫn chủ yếu thải trực tiếp ra môi trường…
Thiếu khung quy định và các tiêu chuẩn để phát triển chăn nuôi tuần hoàn
Theo định hướng kinh tế tuần hoàn của Bộ NN&PTNT, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý cần khai thác hiệu quả. Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi thủy sản và lâm nghiệp.
Hiện nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn ở nước ta chưa được hoàn thiện. Các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn nói chung, nông nghiệp tuần hoàn nói riêng nằm rải rác ở các Luật, Nghị định khác nhau, thiếu hướng dẫn và chưa có tiêu chuẩn hóa về kinh tế tuần hoàn. TS. Nguyễn Phong, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: "Nước ta vẫn chưa đưa ra được các quy định, các tiêu chí, tiêu chuẩn để nhận diện, đánh giá, các tiêu chuẩn về công nghệ (sinh học, kỹ thuật nuôi, chế biến) cho các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp".
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng, doanh nghiệp gặp khó vì chưa đồng bộ giữa các bộ luật trong việc coi phụ phẩm của ngành này là nguyên liệu của ngành khác, thậm chí Luật Bảo vệ Môi trường có các điều khoản coi phụ phẩm là “rác thải.” Đây là rào cản chính sách đang cần được tháo gỡ.
Đối với các đơn vị sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, lấy phụ phẩm của ngành này để làm nguyên liệu cho ngành khác nhưng lại vướng các quy định của Luật Môi trường, Luật Bảo vệ Môi trường. Mua phân gia súc để chế biến phân bón rất khó vận chuyển, do Luật Môi trường vẫn đang quy định phân gia súc là chất thải.
Vì thế, nước ta cần sớm xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng, trong đó hoàn thiện cơ chế chính sách để đưa ra quy chuẩn sản xuất và thương mại hóa; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất áp dụng công nghệ về kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế; số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu về kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đến nay với quy mô chăn nuôi lớn hơn, cần bước đi bền vững hơn, cách tiếp cận mới hơn, phù hợp hơn với xu thế của thế giới và khu vực; áp dụng khoa học công nghệ trên thế giới, khu vực và sáng kiến từ doanh nghiệp, các nhà khoa học trong nước và nước ngoài để xử lý phụ phẩm chăn nuôi hiệu quả, đảm bảo môi trường.