Hàng năm, các hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã cung cấp ra thị trường từ 12 - 14 triệu con gà đồi, giá trị sản xuất khoảng 1.500 tỷ đồng; đồng thời, tập trung quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu sản phẩm gà đồi Yên Thế và nhiều năm liền được nhận các giải thưởng do các tổ chức, hiệp hội bình chọn.
Nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế hiện đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại các nước: Lào, Trung Quốc, Singapore. Ở trong nước, thương hiệu gà đồi Yên Thế đã trở nên quen thuộc và được người tiêu dùng nhiều tỉnh, thành sử dụng trong các bữa ăn của mình…
Xác định được thế mạnh của huyện, đồng chí Bùi Thế Chung, Bí thư Huyện ủy Yên Thế khẳng định trong thời gian tới, huyện sẽ phát huy lợi thế, tiềm năng, tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng và thương hiệu gà đồi Yên Thế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Huyện Yên Thế đặt mục tiêu cung cấp sản phẩm thịt gà sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe của người dân, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế và đẩy mạnh phong trào chăn nuôi gà an toàn sinh học quy mô trang trại.
Từ năm 2016, nhiều hộ gia đình đã được lựa chọn tham gia Dự án "Xây dựng cơ sở chăn nuôi gà an toàn sinh học" trên địa bàn huyện Yên Thế do Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang) triển khai. Năm 2021, huyện Yên Thế định hướng quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi gà đồi trên quy mô lớn hơn.
Anh Nguyễn Hiếu ở thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm cho biết: "Trước kia chúng tôi chăn nuôi gà bằng phương pháp thủ công, việc mở rộng quy mô đàn khiến môi trường bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến năng suất, có những lứa gà nuôi bị dịch bệnh chết gần hết, coi như là mất trắng. Từ khi áp dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi đã giúp giảm công lao động, tạo môi trường sống tốt, không ô nhiễm. Gà nuôi phát triển tốt, ít dịch bệnh. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, gà theo mô hình an toàn sinh học, trọng lượng mỗi con đạt từ 1,8kg/con, giá bán dao động từ 55.000 – 75.000 đồng/kg (tùy từng loại gà, thời điểm). Mỗi lứa xuất bán, gia đình tôi có thể thu lãi từ 20 triệu đồng trở lên/1.000 con.
Lứa gà thương phẩm của gia đình anh Văn chuẩn bị xuất bán
Đến thăm mô hình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học kết hợp với trồng cây ăn quả của hộ anh Lăng Hồng Văn ở thôn Tiến Trung, xã Tiến Thắng người dân tộc Nùng mới thấy được sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của người thanh niên trẻ tuổi này. Với kinh nghiệm hơn chục năm chăn nuôi gà đồi anh Văn chia sẻ: yếu tố quyết định thành công trong chăn nuôi nói riêng và phát triển kinh tế nói chung đó là sự mạnh dạn đầu tư, tìm tòi, học hỏi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế.
Anh Văn bộc bạch với chúng tôi, trước đây gia đình anh chỉ nuôi bình quân từ 1.000 đến 2.000 gà thịt/lứa. Sau một thời gian, vợ chồng tôi đã bàn bạc và mạnh dạn đầu tư thêm vốn liếng xây dựng thêm chuồng trại, tìm tòi, học hỏi kỹ thuật đồng thời mở rộng quy mô lên 3.000 con/lứa và nuôi 3 lứa/năm.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên mỗi lứa gà xuất chuồng của gia đình đều khỏe mạnh, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Bình quân mỗi lần xuất bán, gia đình anh đều thu lãi từ 20 đến 25 triệu đồng/1.000 gà. Từ đó kinh tế gia đình càng vững vàng hơn, chăn nuôi cũng đỡ vất vả hơn trước đây.
Với chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 và trên cơ sở cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, trong đó, có sản phẩm gà đồi Yên Thế, huyện Yên Thế đã tập trung phát triển các hình thức liên kết sản xuất, đổi mới phương thức chăn nuôi gà đồi thông qua cơ chế khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi, làm cơ sở xây dựng các liên kết theo chuỗi giá trị./.