Hình thức lừa đảo đa dạng qua mạng viễn thông
Năm 2021, riêng lực lượng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ, xử lý 1.691 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (đạt tỷ lệ 74,46%), xử lý 2.089 đối tượng. Điển hình: Cục Cảnh sát Hình sự phá Chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh cán bộ ngân hàng, hoạt động trên địa bàn TP. Hà Nội và một số địa phương; Công an Hà Tĩnh đấu tranh Chuyên án triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng bằng hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online; bắt giữ, triệu tập 83 đổi tượng, khởi tổ 41 bị can...
Quý I năm 2022, lực lượng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ, xử lý 372 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (đạt tỷ lệ 79,15%), xử lý 491 đối tượng. Những đối tượng này đã sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội để đăng bài trong các hội, nhóm từ thiện với nội dung liên quan người có hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi mọi người chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để ủng hộ, lừa 1.617 bị hại với số tiền hơn 200 triệu đồng…
Thủ đoạn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng mạng viễn thông Internet ngày càng đa dạng về hình thức cũng như cách thức đối phó với cơ quan chức năng... Một số đối tượng giả danh quân nhân Mỹ tại Iraq, Afganistan, Syria... để vào làm quen người bị hại. Khi đã chiếm được tình cảm của bị hại, các đối tượng nhờ bị hại nhận một số thùng hàng có giá trị vài triệu USD nhưng thực tế không có; đồng thời một số đối tượng khác giả danh là nhân viên sân bay gọi điện thoại thông báo bị hại phải đóng các khoản phí, thuế hải quan, lót tay,... để nhận hàng. Thậm chí một số bị hại còn tin lời các đối tượng để đi nước ngoài (Oman) và giao hàng chục ngàn USD cho các đối tượng.
Loại tội phạm này đã và đang phát triển ngày càng nhiều, tập trung tại các tỉnh/thành phố khu vực biên giới Tây Nam Bộ, Tây Bắc hoặc sinh sống làm ăn tại nước ngoài như Malaysia, Trung Quốc, Campuchia. Chúng hoạt động theo nhóm có sự phân công nhiệm vụ mang tính chuyên môn hóa cao trong tổ chức tội phạm: chát qua Facebook, gọi điện thoại lừa đảo, đăng ký lập tài khoản ngân hàng, rửa tiền qua hệ thống ngân hàng ...
Một số đối tượng khác thì thực hiện thủ đoạn lừa đảo nhờ mua thẻ cào điện thoại, ủng hộ tiền từ thiện. Trên Facebook, một số người bị chiếm quyền tài khoản, sau đó kẻ gian tìm cách sử dụng tài khoản đó để chat với những người có trong danh sách liên hệ nhờ mua thẻ điện thoại, mượn tiền, kêu gọi ủng hộ tiền từ thiện vào các tài khoản ngân hàng... rồi chiếm đoạt.
Các đối tượng thường lập các web phishing, mail phishing... để chiếm quyền điều khiển Facebook hoặc phát tán tin nhắn rác. Chúng thường chiếm đoạt tài khoản của người Việt tại nước ngoài, lợi dụng "mác" Việt kiều để nhờ mua thẻ cào điện thoại. Để tiêu thụ số tài sản trên, chúng thường lập tài khoản tại các cổng thanh toán, ví điện tử, sử dụng tài khoản ngân hàng giả để rút tiền.
Các đối tượng cũng dùng thủ đoạn gọi điện thông báo trúng thưởng để lừa đóng phí, thuế qua điện thoại di động. Chúng giả danh cán bộ ngân hàng chủ động gọi điện thông báo trúng thưởng số tiền hàng trăm triệu đồng và xe máy SH, yêu cầu nộp các khoản tiền bằng thẻ cào điện thoại để làm thủ tục nhận giải, sau đó chiếm đoạt.
Các đối tượng còn giả danh cán bộ viễn thông, Công an... Qua điện thoại, một số đối tượng giả danh cán bộ viễn thông thông báo cho người bị hại về tình hình nợ cước điện thoại, sau đó chuyển máy cho một đối tượng giả danh cán bộ Công an thông báo trong tài khoản nhận được hàng tỷ đồng nghi do liên quan đến tội phạm mà có, yêu cầu bị hại nộp lại khoản tiền đó vào tài khoản ngân hàng khác để điều tra, sau đó chiếm đoạt.
Điều đáng nói là các xu hướng của loại tội phạm này có độ tuổi ngày càng trẻ hóa, trong đó đa phần là các đối tượng trong độ tuổi từ 16 đến 25. Chúng hoạt động theo ổ nhóm, có sự phân công nhiệm vụ mang tính chuyên môn hóa cao và hoạt động trên nhiều địa bàn trong và ngoài nước. Trong đó đích đến của dòng tiền chiếm đoạt thường là các ngân hàng, cột ATM tại nước ngoài như Campuchia, Malaysia, Trung Quốc,...
Chúng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, viễn thông và ngân hàng để phạm tội. Đồng thời, sử dụng các công cụ phương tiện hiện đại để che giấu nguồn gốc như: giả (fake) IP, điện thoại thay đổi sim, smartphone, máy tính cấu hình cao...
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, mạng viễn thông
Để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phát ngôn Bộ Công an khuyến cáo: người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các thông báo phương thức thủ đoạn phạm tội của cơ quan chức năng trên các phương tiện, thông tin đại chúng. Nghiên cứu, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện các giao dịch về tài chính, đề phòng trước những khoản đầu tư mang lại "lợi nhuận cao".
Riêng về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, đề nghị người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định. Khi người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, thì không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó. Đặc biệt, không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định.
Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Thường xuyên thay đổi để đảm bảo tính an toàn của mật khẩu; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết./.
Tài liệu tham khảo:
Các Cổng thông tin điện tử: tỉnh Lạng Sơn, Bộ Công an, Công an Hà Tĩnh