Cấp nước sạch nông thôn: Cần những giải pháp để sớm tháo gỡ khó khăn

P.V| 26/08/2022 11:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiện nay, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết để đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển đời sống, kinh tế cho người dân.

Chỉ mới có 51% người dân nông thôn được cấp nước sạch đạt quy chuẩn

Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện mỗi năm, có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250 ngàn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước.

Theo một nghiên cứu của WHO về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, đã đưa ra cảnh báo, hiện có khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và kém về vệ sinh. Bên cạnh đó, có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen. Điều rất đáng lo ngại là, trên thực tế vẫn còn một bộ phận dân cư bất chấp những con số báo động đỏ này. Theo một báo cáo gần đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn có đến 30% dân số chưa nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng nước an toàn.

Vì những lý do đó, WHO xếp Việt Nam vào số những nước có tình trạng an ninh nguồn nước đáng báo động, nhất là ở khu vực nông thôn.

Mặc dù vấn đề chất lượng nước sinh hoạt nông thôn đã được quan tâm trong những năm gần đây nhưng thực tế, năng lực và nguồn lực cho kiểm soát chất lượng nước ở nhiều địa phương còn rất hạn chế. Hiện nay, chỉ 51% người dân nông thôn được cấp nước sạch đạt quy chuẩn. Khu vực người dân được dùng nước sạch cao nhất là Đồng bằng sông Hồng (53,7%), thấp nhất là Tây Nguyên (33,7%). Nguồn lực đầu tư hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước trong khi nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước có hạn và khó đáp ứng được nhu cầu đầu tư cho cấp nước nông thôn ngày càng cao.

Hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khu vực dân cư thưa thớt nên khó khăn trong việc đầu tư xây dựng các công trình nước sạch. Mùa nắng nóng, tình trạng "khát" nước sạch diễn ra rất phổ biến.

Cấp nước sạch nông thôn: Cần những giải pháp để sớm tháo gỡ khó khăn - Ảnh 1.

Hiện nay, Việt Nam mới có khoảng 51% người dân nông thôn được cấp nước sạch đạt quy chuẩn.

Nhất là tại vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nước các khe suối cũng cạn dần trong mùa khô. Một số vùng đồng bằng, nguồn nước cũng đang bị ô nhiễm bởi rác thải và thuốc bảo vệ thực vật… Khoảng 17,2 triệu người (tương đương 21,5% dân số) đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý. Những vấn đề trên gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn. Vì vậy, vấn đề bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân nông thôn là cấp thiết.

Việc sinh hoạt của người dân tại các vùng nông thôn trở nên khó khăn do nguồn nước đang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải sinh hoạt, nước thải từ các nhà máy xí nghiệp xả ra mà chưa được xử lý. Dù Việt Nam đã gia tăng đáng kể việc tiếp cận với nước sạch cho người dân từ công trình cấp nước tập trung ở nông thôn, tuy nhiên hơn 30% công trình do cộng đồng quản lý hoặc các công trình công ích đã dừng hoạt động, hoặc không vận hành ở mức yêu cầu. Thậm chí, nhiều công trình đã xuống cấp. Trong khi đó, nguồn hỗ trợ của nhà tài trợ và nguồn vốn công cho cấp nước nông thôn ở Việt Nam đang giảm dần.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA), Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia "thiếu nước". Nguồn nước nội địa của Việt Nam đạt trung bình kém, ở mức 3.840 m3/người/năm, thấp hơn 400 m3/người/năm so với mức bình quân toàn cầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng dự báo, đến năm 2025 lượng nước bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ còn một nửa con số nêu trên. Đây được xem là một nghịch lý đối với một quốc gia có mạng lưới sông ngòi và hệ thống ao hồ dày đặc.

Xây dựng chiến lược về cấp nước và vệ sinh nông thôn

Hiện nay dân số nước ta đã vượt mốc 90 triệu người, là quốc gia có dân số đứng thứ 13 trên thế giới, và thứ 3 ở Đông Nam Á. Gia tăng dân số nhanh chóng kéo theo những nhu cầu ngày càng tăng về sinh hoạt, giáo dục, đào tạo, chăm sóc y tế, giao thông vận tải, nhà ở, việc làm,... làm gia tăng sức ép đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, trong đó có việc cung cấp, sử dụng nguồn nước sạch. Các quy định thiếu đồng bộ, chưa tạo ra chuỗi liên hoàn gắn kết trách nhiệm đối với các cơ quan quản lý, dẫn đến tình trạng vẫn còn "đùn đẩy" lẫn nhau, hoăc "cha chung không ai khóc"; ý thức của doanh nghiệp, người dân và cộng động không được đảm bảo.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tuy đã xác định rõ các tiêu chí nước sạch và vệ sinh nông thôn (nội dung 9 mục Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội), nhưng trên thực tế, gần như 100% các xã không có đầu tư cấp nước sạch cho người dân. Vì vậy, cần có hướng dẫn thực hiện cho chính quyền địa phương các cấp cụ thể phần ngân sách cho nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (trích trong tổng ngân sách xây dựng nông thôn mới của mỗi xã dành khoảng 5% cho nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân).

Vừa qua, "Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã được Chính phủ phê duyệt, đây được xem là bước đột phá để cải thiện chất lượng nước sinh hoạt vùng nông thôn. Chiến lược đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cấp nước và vệ sinh nông thôn hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện Chiến lược này, việc đầu tư phải đủ và triển khai có chọn lọc theo đặc thù của từng vùng miền, địa phương; phải có cam kết mạnh mẽ để "không ai bị bỏ lại phía sau", đồng thời phải tiếp cận theo hướng đa chiều với sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ ngành từ Trung ương đến địa phương.

Lĩnh vực nước sạch nông thôn sẽ được gắn với quy hoạch thủy lợi. Đồng thời, lồng ghép nguồn lực trong việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia như: xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững. Cùng với đó lồng ghép nguồn vốn để đầu tư nước sạch và vệ sinh nông thôn với nguồn vốn đầu tư công trung hạn.

Việc cấp nước sạch và vệ sinh cần được lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp tỉnh và của các ngành. Điều đó đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt, sự điều phối hiệu quả và trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan. Thực hiện tốt Chiến lược này, cuộc sống của hàng chục triệu người dân Việt Nam sẽ được cải thiện.

Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cho các mô hình cấp nước quy mô nhỏ (cụm dân cư, trường học do đơn vị quản lý phi lợi nhuận) xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn chống thất thoát nước và xây dựng tiêu chí đánh giá thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cấp nước sạch nông thôn: Cần những giải pháp để sớm tháo gỡ khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO