Câu chuyện CĐS thành công ở các tỉnh, thành mới là khởi đầu cho một ước mơ lớn

Thế Phương| 14/01/2022 09:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, các câu chuyện chuyển đổi số (CĐS) của 63 tỉnh, thành phố là khởi đầu cho một hành trình dài, cho một ước mơ lớn, để người Việt Nam có thể tự hào, tạo cảm hứng khi kể về câu chuyện thành công của chính mình.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm CĐS ngày 13/1. Hội nghị được tổ chức tại 63 điểm cầu Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Câu chuyện CĐS thành công và bài học kinh nghiệm của 63 tỉnh thành

Hội nghị là cơ hội để đại diện 63 tỉnh, thành phố ngồi lại với nhau chia sẻ các câu chuyện, ý tưởng, bài học, cách làm và kinh nghiệm hay trong CĐS ứng dụng công nghệ số trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. 8 bài tham luận là các kinh nghiệm và bài học hay về CĐS trong 3 nhóm chủ đề gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Trong đó tiêu biểu là kinh nghiệm triển khai nền tảng sổ tay đảng viên điện tử tại Thái Nguyên và Thái Bình, kinh nghiệm triển khai nền tảng Hue-S của tỉnh Thừa Thiên Huế, việc triển khai và ứng dụng công nghệ trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, hay giải pháp tổng đài AI để tư vấn, hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hay việc triển khai Hệ thống thông tin phục vụ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh…

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đã ra mắt Cổng thông tin T63 (T63.mic.gov.vn) - Câu chuyện số của 63 tỉnh, thành phố. Ông Hoàng Anh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (HTQTT) - Bộ TT&TT đã kể lại câu chuyện được phân công đi Thừa Thiên Huế để tìm hiểu câu chuyện ứng dụng công nghệ phòng, chống COVID-19 bao gồm thẻ kiểm soát dịch bệnh bằng mã QR quốc gia, Phác đồ công nghệ phòng chống COVID-19 và việc củng cố niềm tin của người dân vào công nghệ. 

Khi được Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đề nghị tìm hiểu thêm về câu chuyện của 10 tỉnh thành khác, ông Tú thấy rằng cần phải xây dựng một trang web/cổng thông tin để các tỉnh, thành có thể đăng tải câu chuyện của địa phương mình. "Tôi tin rằng, sẽ có rất nhiều câu chuyện cũng như bài học CĐS hay tại các tỉnh, thành nhưng lại để nó rời rạc trong đơn vị mình", ông Tú nói.

Do đó, Cổng thông tin T63 được ra đời để có một nơi tập hợp câu chuyện CĐS của các địa phương. Tại đây, mọi người có thể vào và cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Bởi vì, những việc khó của địa phương này có khi đã được giải quyết ở một tỉnh khác. "Vì vậy, khi chúng ta chia sẻ câu chuyện của địa phương mình ra bên ngoài thì có thể sẽ lại giúp ích cho người khác khi giải quyết vấn đề", ông Tú cho biết thêm.

Hiện trang web đang được đặt tại địa chỉ t63.mic.gov.vn, một số tỉnh thành đã chia sẻ câu chuyện của mình lên Cổng thông tin T63. Các địa phương có thể đăng tải thông qua văn bản không quá 1.000 chữ hoặc video có độ dài dưới 12 phút. Việc giới hạn nhằm giúp các đơn vị tập trung hơn vào câu chuyện muốn truyền tải như câu chuyện thành công, bài học cần rút ra thay vì giới thiệu các giải pháp công nghệ. Để làm sao sau khi xem xong, sẽ thay đổi tư duy, giải pháp và muốn thực hiện, ứng dụng CĐS.

Ông Tú cũng hy vọng sau khi trang web được giới thiệu chính thức thì sẽ có nhiều bài học, câu chuyện thành công của những địa phương khác. Về kế hoạch trong thời gian tới, theo ông Tú, mặc dù sẽ có các buổi nói chuyện với các địa phương cụ thể để xây dựng video hay đến tận nơi ghi hình, nhưng vẫn khuyến khích các tỉnh, thành tự thực hiện và đăng tải. 

Cũng tại Hội nghị, bà Trần Thị Quốc Hiền - Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) đã giới thiệu Kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn về CĐS cho 10.000 cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước (CQNN) và trong các cơ quan truyền thông, báo chí. 

Để làm nên các câu chuyện CĐS thành công, nguồn nhân lực đóng vai trò cốt lõi. Do đó, chương trình nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác CĐS trong CQNN, qua đó hình thành mạng lưới CĐS quốc gia xuyên suốt từ trung ương cho đến cấp xã. Các đối tượng bồi dưỡng tập huấn bao gồm: Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh, thành phố, cán bộ chuyên trách CĐS từ cơ quan trung ương cho đến cấp xã, cán bộ quản lý cơ quan báo chí…thông qua trực tiếp kết hợp trực tuyến hoặc 100% trực tuyến.

Nội dung sẽ được biên soạn phù hợp vỡi 4 nội dung chính, trong đó đáng chú ý là những nội dung như nâng cao nhận thức chung về CĐS, phổ biến chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các câu chuyện CĐS thành công, bài học điển hình… hay các kiến thức liên quan đến chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kinh nghiệm cách làm hay để nhân rộng, bảo đảm ATTT mạng, phân tích dữ liệu, thanh toán số… Thời gian triển khai bắt đầu từ tháng 2/2022. 

"Cục Tin học hoá xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong năm 2022 và có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi sự tham gia của các đơn vị liên quan, địa phương", bà Hiền nhấn mạnh.

Câu chuyện CĐS thành công ở các tỉnh, thành mới là khởi đầu cho một ước mơ lớn - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm CĐS ngày 13/1 được tổ chức tại 63 điểm cầu Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Câu chuyện nhỏ, khởi đầu cho những thành công lớn hơn vào năm 2025

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2020 là năm Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình CĐS quốc gia, năm 2021 là năm cả nước khởi động triển khai việc CĐS trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Do đó, việc chia sẻ kinh nghiệm triển khai CĐS sẽ giúp các địa phương học hỏi lẫn nhau, qua đó làm tốt hơn trong năm 2022. 

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, dù là quá trình CĐS quốc gia nhưng nó là câu chuyện của 63 địa phương, hơn 700 huyện, gần 11.000 xã, phường, thị trấn. Đấy là những cấp chính quyền gần dân nhất và cảm nhận được việc mang CĐS vào cuộc sống, cũng như sự thay đổi mà CĐS đem lại. 

"Những câu chuyện chia sẻ tại hội nghị này mới chỉ là những bước chân nhỏ, khởi đầu tiến trình của năm từ năm 2022 đến năm 2025 mà quá trình CĐS sẽ diễn ra rất mạnh mẽ", Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định.

Ngoài ra, thông qua các câu chuyện được chia sẻ, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã thấy rõ hơn CĐS không chỉ là câu chuyện của chính quyền, mà còn là CĐS công tác Đảng như tại Thái Bình, Thái Nguyên. CĐS là cái mới, là việc của người đứng đầu nên trong các CQNN, CĐS là việc đầu tiên của cấp uỷ phải làm. Do đó, Bộ TT&TT đề nghị các địa phương ban hành nghị quyết về CĐS. Đến nay đã có 50% ban hành nghị quyết của Thành uỷ, Tỉnh uỷ về CĐS, nên các Sở TT&TT cần chủ động tham mưu để sớm ban hành.

CĐS là giải quyết nỗi đau, các vấn đề của xã hội, địa phương mình trong đó lớn nhất là phòng chống dịch COVID-19, đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường. Trong đó, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cảm thấy ấn tượng nhất với câu chuyện triển khai nền tảng xét nghiệm của tỉnh Bắc Giang. Nếu các địa phương cũng triển khai được việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh, trả kết quả nhanh để từ đó thực hiện các biện pháp y tế phù hợp. Một số Sở TT&TT sau khi nghe trình bày của Bắc Giang đã đến trực tiếp tỉnh để có thể sớm triển khai tại địa phương mình.

CDS là câu chuyện con người và nhận thức. Do đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT đã đánh giá cao việc hình thảnh các tổ công nghệ cộng đồng của tỉnh Lạng Sơn với khoảng từ 7.000-10.000 người tham gia vào mạng lưới. Đây là những người trực tiếp hỗ trợ người dân tại cơ sở một cách hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, CĐS còn là câu chuyện đào tạo kỹ năng số cho người dân, cán bộ viên chức nhưng vẫn chưa có bài học kinh nghiệm nào thành công nổi bật ở địa phương. Tương tự, CĐS là việc dùng công cụ để chuyển đổi nhưng vẫn chưa có nhiều sự phác hoạ việc dùng nền tảng/ứng dụng nào để CĐS thành công như dùng để truyền tải từ chính quyền đến người dân, đưa 100% người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, để bà con nông dân tăng thu nhập… Thứ trưởng hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều câu chuyện cụ thể như vậy.

Đồng thời, nếu CNTT là việc của phần mềm, thì CĐS là câu chuyện của dữ liệu. Nhưng đến nay vẫn chưa có câu chuyện thành công của việc dùng dữ liệu ra đưa ra kết quả hiệu quảnhư  phân bổ nguốn vốn đầu tư công hay sử dụng dữ liệu trẻ em để tiêm chủng, phổ cập tiểu học…

Tiếp theo, CĐS là tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm cả trong nước và quốc tế. Vì vậy, khi giao nhiệm vụ cho Vụ HTQT, để có cái nhìn khách quan về quá trình CĐS cũng như thông qua đó có thể mang câu chuyện thành công của các nước vào Việt Nam và ngược lại, lan toả câu chuyện của Việt Nam ra quốc tế.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, hội nghị hôm nay là khởi đầu cho một hành trình dài, cho một ước mơ lớn. Khi mà trước đây, mọi người thường sử dụng những câu chuyện thành công của nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… để tạo cảm hứng. 

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng mong rằng từ bây giờ, mọi người cũng sẽ cảm thấy tự hào khi kể những câu chuyện thành công của chính mình thay vì kể câu chuyện của người khác. "Chúng ta sẽ còn mục tiêu 3 năm để những câu chuyện được chia sẻ tại Hội nghị trở nên phổ biến, thành công ở tầm quốc gia. Vì chỉ có như vậy sự nghiệp CĐS mới thành công vào năm 2025", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định.

Thứ trưởng Bộ TT&TT đề nghị Vụ HTQT và Cục Tin học hoá hoàn thiện Cổng thông tin T63 để mọi người có thể dễ dàng gửi, lan truyền câu chuyện thành công của mình ra các mạng xã hội. Đồng thời, Cổng T63 cũng sẽ trở thành một kho câu chuyện để VTV, VTC, VOV hay các đài địa phương khai thác, làm tư liệu từ những câu chuyện gốc hay các báo truyền tải thành bài E-Magazine để lan toả.

Với chương trình đào tạo về CĐS cho 10.000 cán bộ, công chức, viên chức trong CQNN trên toàn quốc, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị các tỉnh gắn chương trình đào tạo của mình để gắn kết từ trung ương đến địa phương để có thể triển khai hiệu quả nhất. 

Thứ trưởng cũng mong rằng sau 6 tháng sẽ lại tổ chức những Hội nghị chia sẻ những bài học CĐS thành công giống như chương trình hôm nay. Hay tổ chức các cuộc thi về trợ lý ảo giữa các địa phương, để có thể nhân rộng, thống nhất ra toàn ngành./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện CĐS thành công ở các tỉnh, thành mới là khởi đầu cho một ước mơ lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO