Kinh tế số

Câu chuyện kinh doanh homestay online tại ngôi làng đá 400 năm tuổi

Ngọc Mai 07/03/2024 06:00

Làng đá Khuổi Ky, ngôi làng 400 năm tuổi ở Cao Bằng, đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Những người chủ của 13 homestay ở ngôi làng này đều biết cách kinh doanh online, sau khi học theo chị Lý Thị Điệp và anh Triệu Ích Sỹ - đôi vợ chồng người Tày thuộc thế hệ 9x.

Phát triển du lịch cộng đồng ở ngôi làng độc đáo vùng cao biên giới

Một chiều cuối năm 2023, chúng tôi ghé thăm Khuổi Ky, ngôi làng đá 400 năm tuổi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tinh thần của người dân tộc Tày ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Tên gọi “làng đá” không phải do người dân địa phương mưu sinh bằng nghề truyền thống liên quan tới đá quý như lúc đầu chúng tôi liên tưởng, mà bởi ở đây có những kiến trúc nhà ở vô cùng độc đáo: Tường nhà bằng đá, bờ rào bằng đá, nền sân cũng bằng đá... Người Tày có tín ngưỡng thờ đá. Họ quan niệm đá là trung tâm vũ trụ, là khơi nguồn của sự sống; con người sinh ta từ đá và chết sẽ hóa thành đá.

lang-da-1.jpg

Theo tư liệu lịch sử và dân gian tương truyền, Khuổi Ky được hình thành vào khoảng sau năm 1592, khi nhà Mạc rút chạy lên Cao Bằng, những ngôi nhà bằng đá giống như những “pháo đài” được dựng lên để phòng thủ lúc chiến tranh cũng như để phòng chống thú dữ, trộm cướp khi không còn khói lửa đao binh.

Hàng trăm năm qua, những căn nhà sàn bằng đá vẫn trường tồn ở Khuổi Ky, tạo nên một ngôi làng đặc biệt ở vùng cao biên giới phía Bắc, đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người.

Với mong muốn tìm hiểu thêm được nhiều điều hơn nữa về làng đá Khuổi Ky, chúng tôi dừng chân tại Yến Nhi Homestay ở xóm Bản Gun, cơ sở kinh doanh của đôi vợ chồng người Tày thuộc thế hệ 9x - chị Lý Thị Điệp và anh Triệu Ích Sỹ.

homestay.png

Pha trà mời khách, anh Sỹ hào hứng khoe: “Ở làng hiện có nhiều ngôi nhà làm bằng đá, nhưng chỉ duy nhất nhà mình có một hang đá độc đáo để thu hút khách du lịch. Đều là của các cụ từ ngày xưa để lại cho con cháu. Nhiều năm về trước, bà con trong làng chỉ biết làm ruộng để sinh nhai. Một lần vợ chồng mình đi Hà Giang chơi, thấy họ làm homestay cũng hay hay nên muốn học theo. Lúc đấy mạn Cao Bằng chưa biết homestay là thế nào đâu. Năm 2016, vợ chồng mình là nhà đầu tiên làm homestay tại Khuổi Ky này đấy. Lúc đầu ít khách du lịch, mình vẫn phải đi làm ruộng, có khách đến thì mới về homestay phục vụ khách”.

“Từ năm 2016, xuất phát từ việc nhiều du khách xin ở nhờ khi đến thăm làng, mình nảy ra ý tưởng làm du lịch cộng đồng. Yến Nhi là tên của con gái, mình lấy để đặt tên cho homestay. Sau này nhiều nhà khác cũng lấy tên con của họ để đặt cho homestay như thế. Hiện cả làng đã có 13 hộ kinh doanh homestay, thường xuyên đón khách du lịch rồi. Có lần nhà mình đón đoàn khách đông tới hơn 300 người, không thể đủ chỗ ở nên đã chia sẻ mối khách cho các homestay khác trong làng để cùng phục vụ khách chu đáo. Trước chưa làm du lịch cộng đồng thì chỉ biết làm ruộng và chăn nuôi, vất vả lắm. Sau khi làm homestay thì cuộc sống ổn định hơn”, chị Điệp tiếp lời chồng.

Sau 7 năm, hiện Yến Nhi Homestay của vợ chồng chị Điệp đã có 5 bungalow và 8 phòng riêng, giá dịch vụ trung bình 500.000 đồng/ ngày đêm; phòng hang động là phòng đặc biệt nhất, có giá khoảng 1 triệu đồng/ngày đêm, được chấm điểm khá cao trên các trang đặt phòng trực tuyến.

“Cao điểm đón khách du lịch là từ tháng 3 đến tháng 6. Homestay nhà mình ít phòng nên lúc nào cũng có khách. Cuối tuần thì đông khách hơn ngày thường”, chị Điệp đang dở câu chuyện với chúng tôi thì tạm ngưng khi nhân viên thông báo có một đoàn khách rất đông vừa dừng xe ở cửa homestay. Bà chủ 9x để chồng ngồi lại tiếp trà chúng tôi, còn mình nhanh nhẹn xuống chào đón đoàn khách mới đến.

yen-nhi-homestay-3-khach-du-lich-den.jpg

Kinh doanh qua... smartphone

Trong lúc chờ chị Điệp quay lại, chúng tôi tranh thủ đi dạo một vòng quanh homestay. Nhóm khách mới đến là các sinh viên của trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, đang vô cùng háo hức khi đặt chân tới ngôi làng đặc biệt. Đôi ba nhóm bạn trẻ tranh thủ “check in” khi trời chiều còn nắng đẹp. Còn toán khác đưa vali lên nhà sàn, ngả lưng duỗi vai sau chặng đường dài. Trong lúc đó, các nhân viên homestay nhanh nhẹn chuẩn bị đồ ăn bữa tối và các vật dụng cần thiết cho du khách có một đêm trải nghiệm khó quên bên bếp lửa hồng trong hang đá.

Trước khi quay lại bên bàn trà, chúng tôi tò mò ngắm nghía một loạt khung bằng khen, chứng chỉ treo trên tường phòng khách. Nổi bật là Chứng nhận OCOP 3 sao của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng dành cho sản phẩm Yến Nhi - Bản Giốc Homestay (được ký hồi đầu năm 2022).

“Lúc đầu nhà mình cũng chỉ biết kinh doanh theo kiểu có khách đến thì phục vụ chứ không biết quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Tình cờ một lần có ông khách người Úc đến nghỉ rồi chỉ cho cách dùng Facebook. Thực tình mình cũng có hiểu ông ấy nói gì đâu. Ông ấy nhiệt tình cứ vừa làm vừa chỉ cho mình biết cách làm theo. Nhà mình là homestay đầu tiên ở Khuổi Ky có fanpage trên Facebook”, chị Điệp trở lại kể tiếp câu chuyện cho chúng tôi nghe.

Năm 2018, chị Điệp được chính quyền địa phương hỗ trợ đi Hà Giang học hỏi thêm quảng bá qua các kênh mạng xã hội. Lúc đó chị mới vỡ lẽ, nếu chỉ dùng Facebook cá nhân thì khó tìm kiếm và tiếp cận khách hơn là khi lập hẳn fanpage cho homestay. Kinh nghiệm này đã được chị nhanh chóng chia sẻ với bà con kinh doanh homestay trong làng. Và phong trào lập fanpage riêng trên mạng xã hội của các hộ gia đình kinh doanh homestay ở Khuổi Ky được hình thành ngay trong năm 2018.

Sau này, vợ chồng chị Điệp học được cả cách bán phòng online trên các kênh như Booking, Traveloka, Agoda, TikTok, Facebook và Zalo. “Bây giờ khách Việt Nam hầu như liên hệ đặt phòng qua Facebook, còn khách nước ngoài chủ yếu qua Booking, Agoda. Khi có khách nước ngoài liên hệ, mình thường dùng cách nhắn tin, có công cụ hỗ trợ dịch cho mình hiểu họ muốn gì để còn phục vụ”, chị Điệp cho hay.

Những năm gần đây, hệ thống WiFi, mạng di động 3G, 4G tại Khuổi Ky được chính quyền tỉnh Cao Bằng và huyện Trùng Khánh ưu tiên đầu tư để làm mô hình điểm về du lịch cộng đồng. Đối với vợ chồng chị Điệp cũng như các hộ kinh doanh homestay khác ở Khuổi Ky, dùng smartphone quay video các phòng nghỉ đăng lên YouTube, TikTok hoặc livestream trực tiếp trên các trang mạng xã hội để quảng bá dịch vụ đã trở thành việc làm thường ngày.

Học theo vợ chồng chị Điệp, chị Nguyễn Kim Phương, chủ của Tày’s Homestay cũng đã rất thành thạo với việc dùng smartphone để “chốt khách” thông qua các kênh đặt phòng trực tuyến hoặc qua fanpage trên mạng xã hội. “Hiện giờ rất nhiều khách của chúng tôi đến từ kênh fanpage Facebook và Zalo. 80% khách hàng thanh toán bằng cách chuyển khoản”, chị Phương cho biết.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi với chị Phượng chỉ diễn ra trong khoảng ít phút mà cũng bị cắt ngang mấy lần để chị nghe điện thoại liên hệ đặt phòng của du khách từ thông tin trên fanpage Tày’s Home.

Theo số liệu thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trùng Khánh, đến cuối tháng 12/2023, tất cả 13 hộ làm dịch vụ homestay ở Khuổi Ky đều đã biết cách quảng bá dịch vụ qua mạng xã hội và các kênh online; áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt...

Ước tính cả năm 2023 có gần 1 triệu lượt khách du lịch đến với huyện Trùng Khánh, thì trong đó gần 5.000 lượt tìm đến làng đá Khuổi Ky, khoảng 20% là khách quốc tế. Kết quả này có được phần lớn là nhờ bà con dân tộc Tày ở Khuổi Ky đã biết cách kinh doanh homestay bằng điện thoại.

lang-da-5-in-dam-van-hoa-truyen-thong-cua-nguoi-tay.jpg

Mong muốn được học cách dùng máy tính

“Nói chung là các hoạt động kinh doanh homestay hiện nay, nhà mình đều dùng điện thoại là chủ yếu. Mình cũng nghe nhiều người nói là dùng máy tính, phần mềm thì sẽ làm được nhiều việc hơn, kinh doanh tốt hơn. Chẳng hạn như hệ thống khai báo lưu trú nếu dùng máy tính để khai báo thông tin cho đoàn khách đông người sẽ mất ít thời gian hơn so với khi dùng điện thoại. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền về việc dùng hóa đơn điện tử và máy tính rồi. Thế nhưng nhà mình học ít nên chưa biết gõ chữ trên máy tính. Không chỉ riêng nhà mình mà cả làng này hiện vẫn chưa có ai thông thạo cách dùng máy tính để kinh doanh homestay đâu. Mình rất muốn được hỗ trợ tập huấn cách dùng máy tính”, chị Điệp thật thà tâm sự.

Với mong muốn giúp vợ chồng chị Điệp sớm hiện thực hóa mong muốn của mình, chúng tôi đã mang câu chuyện kể với ông Lương Văn La, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trùng Khánh.

Ông La phản hồi: “Việc chuyển đổi số bằng điện thoại thì bà con đã làm tốt rồi, nhưng đúng là vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận máy tính. Dự kiến trong năm 2024, chúng tôi sẽ mở các lớp tập huấn chuyên sâu cho bà con về việc tiếp cận máy tính và công nghệ, để bà con có thêm kiến thức triển khai chuyển đổi số, phát triển du lịch cộng đồng một cách đồng bộ. Cùng với đó, chúng tôi sẽ ưu tiên lựa chọn một số khu/làng du lịch cộng đồng của các dân tộc thiểu số để nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số trong du lịch”.

yen-nhi-homestay-7-phong-nghi-dac-biet-phong-hang-dong-.jpg

Cũng theo ông La, năm 2024, huyện Trùng Khánh sẽ đầu tư vận hành một trong thông tin điện tử chuyên về du lịch của huyện, hỗ trợ thu hút thêm nhiều du khách đến với những địa điểm độc đáo như Làng đá Khuổi Ky.

Rời ngôi làng đá 400 năm tuổi khi bóng tối đã bao phủ khắp các mái nhà, những lời của Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trùng Khánh khiến chúng tôi cảm thấy phấn chấn hơn khi nghĩ về tương lai, làng đá Khuổi Ky sẽ ngày càng có thêm nhiều du khách trong nước cũng như quốc tế "vì yêu mà đến"./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1+2, tháng 1/2024)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện kinh doanh homestay online tại ngôi làng đá 400 năm tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO