Truyền thông

“Cầu nối” vững chắc cho những vần thơ Quốc âm - Quốc ngữ

Trọng Nhi 16/07/2023 19:58

Suốt trong nhiều thế kỉ cho đến trước khi chữ Quốc ngữ được sử dụng rộng rãi, chữ Nôm - văn tự gắn liền với ngôn ngữ dân tộc bởi đặc tính ghi âm - đã chuyển tải những tác phẩm thơ văn có giá trị, chiếm những vị trí cao nhất trong nền văn học Trung đại Việt Nam.

Tóm tắt:
Chữ Nôm - vốn quý của văn học dân tộc đang bị mai một, gặp nhiều khó khăn trong việc phổ biến.

Công trình Thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm với nhiều khám phá mới: Về văn bản học; về phiên âm; về chú giải.

Những nghiên cứu mới về thơ Nôm Hồ Xuân Hương.

Bản Truyện Kiều Quốc ngữ hoàn hảo.

Ngày nay, có lẽ chúng ta đều thống nhất với nhau rằng, những danh nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… không chỉ là những chính khách có tài kinh bang tế thế mà còn là những nhà thơ lớn của dân tộc, thể hiện qua hàng trăm bài thơ Quốc âm (viết bằng chữ Nôm) có giá trị còn để lại cho hậu thế. Hay gần và phổ biến hơn, là “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương, cùng đại thi hào Nguyễn Du, với Truyện Kiều - tác phẩm “tuyệt đỉnh thiên cổ”…

Những kiệt tác bằng chữ Nôm - tiếng Ta - rõ ràng là vốn quý của văn học dân tộc (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng), song để có thể phổ biến di sản quý giá ấy của tiền nhân tới đại chúng thì không đơn giản, bởi sự đứt gãy về mặt văn tự mà chúng ta đều đã biết. May mắn thay, tuy đã thưa vắng dần nhưng vẫn còn đó những “cánh chim không mỏi”, am hiểu Hán - Nôm, có đủ kiến thức, trải nghiệm và đam mê, làm công việc hết sức khó nhọc mà ý nghĩa, đó là phiên chú các tác phẩm văn học Nôm tiêu biểu sang Quốc ngữ, khảo cứu một cách khoa học để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng về âm, nghĩa, về tác giả - tác phẩm hay về văn bản học… Chúng tôi đang nói tới nỗ lực của GS.TS. Kiều Thu Hoạch - nhà khoa học lão thành đã có thâm niên hơn nửa thế kỷ nghiên cứu Hán Nôm, với hàng chục đầu sách được xuất bản.

Đặc biệt, trong ba năm qua, liên tiếp từ 2021 đến 2023, ông đã lần lượt giới thiệu tới bạn đọc ba tác phẩm được làm mới hết sức công phu: Thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb. KHXH, H., 2021; Thơ Nôm Hồ Xuân Hương (tái bản), Nxb KHXH, H., 2022); và Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh), Nxb Hà Nội, H., 2023. Đây đều là những công trình về các tác giả và tác phẩm tiêu biểu bậc nhất trong nền văn học Nôm thời Trung đại. Và những công trình này cũng tạo tiền đề về mặt ngữ liệu để tiến tới số hóa kho tàng thơ văn Quốc âm phiên chú sang Quốc ngữ vô cùng giá trị trong toàn bộ nền văn hiến đồ sộ, giàu truyền thống của dân tộc Việt Nam.

“Trả lại cho César cái gì thuộc về César”

Công trình Thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm (Khảo cứu văn bản học so sánh - Phiên âm mới - Chú giải mới) đã có những khám phá mới về cả ba mặt: văn bản học - phiên âm Nôm - và chú giải từ ngữ, điển cố.

- Thứ nhất là về văn bản học, bằng các cứ liệu có cơ sở khoa học về văn bản học, ngôn ngữ học và phong cách học, đã giải quyết dứt điểm hơn 30 bài thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm bị chép lẫn, trùng lặp, xác định rõ tác giả từng bài, do đó đã loại trừ được 13 bài không phải thơ Nguyễn Trãi và 22 bài không phải thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm bị chép lẫn. Đây là đóng góp quan trọng và có ý nghĩa (dù ông không phải người đầu tiên hay duy nhất từng làm việc này).

4287450767_68d0bafa8c_b.jpg
Bản phiên âm quốc ngữ Quốc âm thi tập của Trần Văn Giáp, Phạm Trọng Điềm (NXB. Văn Sử Địa năm 1956).

- Thứ hai là phiên âm mới hoàn toàn Quốc âm thi tậpBạch Vân thi tập. Thao tác phiên âm căn cứ theo quy luật ngữ âm lịch sử tiếng Việt và tham chiếu các từ điển từ Việt cổ của các tác giả như A. de Rhodes (1651), Pigneaux de Béhaine (1772), Huình Tịnh Paulus Của (1895)... Sở dĩ phải tốn công như vậy là vì tất cả các bản phiên âm trước đây đều có những hạn chế nhất định (do khách quan lịch sử hoặc do năng lực chủ quan của người thực hiện): Đọc sai âm, dẫn đến hiểu sai nghĩa hoặc gán ghép nghĩa một cách gượng ép, khiên cưỡng. Đặc biệt, tác giả đã khám phá cách đọc hai chữ song viết 双 曰 đầy thuyết phục, cả về ngữ âm và ngữ nghĩa mà nhiều bậc tiền bối Hán học suốt bao năm chưa thể giải mã triệt để.

- Thứ ba là về chú giải, đã nêu rõ ý nghĩa và xuất xứ, nguồn gốc của các từ cổ và điển cố, không chỉ là hỗ trợ để người đọc hiện nay hiểu được nội dung các bài thơ một cách chính xác hơn, mà còn khắc phục một vi phạm nguyên tắc văn bản học phổ biến của hầu hết các bản phiên chú lâu nay, đó là thường “quên” ghi xuất xứ của lời chú.

Đối với Quốc âm thi tậpBạch Vân thi tập, đây là bản phiên âm, chú giải tin cậy, chuẩn xác, công phu và đầy đủ bậc nhất từ trước đến nay. (Tổng cộng, có 254 bài của Nguyễn Trãi và 168 bài của Nguyễn Bỉnh Khiêm, không kể phần Khảo cứu và Phụ lục khoa học).

“Bà chúa thơ Nôm” - thấy vậy mà không phải vậy

Danh xưng (chữ của Lê Tâm) đã nói lên tất cả! Giống như trường hợp Nguyễn Du, mặc dù cũng xuất sắc khi làm thơ chữ Hán nhưng nói đến Hồ Xuân Hương thì những bài thơ Nôm mới thực sự là nét tài hoa nổi trội làm nên tên tuổi của bà.

Vấn đề là, thơ Nôm Hồ Xuân Hương sau khi đã phiên âm, chú thích thì ai cũng có thể thưởng thức. Nhưng sưu tập, tuyển chọn văn bản thơ Nôm Hồ Xuân Hương từ nguyên bản chữ Nôm thì không phải ai cũng làm được. Đây là công việc có điều kiện, mà là điều kiện khá khắc nghiệt. Bởi chữ Nôm là văn tự ghi âm, trong đó có những âm cổ và những chữ cấu tạo đặc thù rất khó đọc. Vả lại chữ Hán còn có các loại tự điển để tra cứu, chữ Nôm thì không hẳn như vậy.

Ngay một nho sĩ như Phạm Đình Hổ trong lời “Tự thuật” ở đầu sách Vũ trung tùy bút cũng đã tâm sự: “Ta từ khi đã học thiệp liệp được ít kinh sử, thế mà chữ Nôm ta không thể hiểu hết được”. Chả thế mà cách đây ít năm, từng có một tác giả vốn là dân “ngoại đạo” Hán Nôm đã viết cả một quyển sách gần 800 trang bàn về cả con người - tư tưởng - tác phẩm của Hồ Xuân Hương, trích đủ nguồn văn bản làm dữ liệu để bình tán, trong đó có bản Quốc ngữ Hồ Xuân Hương thi tập (Nhà in Xuân Lan 1913, 1914), mà bản này thì có những lỗi rất buồn cười, chẳng hạn như trường hợp bài Thăng Long hoài cổ (dẫn theo Xuân Lan 1913), có câu: “Kinh thành ngày trước TIẾNG bây giờ”, do lỗi đọc âm Nôm sai đã dẫn tới cách hiểu sai ngữ nghĩa của văn bản. Đối chiếu với nguyên bản Nôm của bản Xuân Hương thi sao kí hiệu Hán Nôm AB. 620, hóa ra chữ “tiếng” là do chữ “tỉnh” bị đọc sai. Đây là câu thơ cảm khái của Hồ Xuân Hương: “Kinh thành ngày trước TỈNH bây giờ”. Từ niên hiệu Minh Mệnh 12 (1831) kinh thành Thăng Long trước đó đã đổi thành tỉnh thành Hà Nội. Tác giả này viết: “Những gì đặc trưng nhất cho kinh thành Thăng Long mà tiếng còn để lại đến bây giờ...”(!).

Có thể nói, từ trước đến nay, dường như những người đã bàn về thơ Nôm Hồ Xuân Hương đều không quan tâm đến văn bản gốc, xem từ ấy, chữ ấy được ghi bằng chữ Nôm như thế nào. Chính vì vậy mà có những lời bình hoặc rơi vào chủ nghĩa duy mĩ hoặc rơi vào quan điểm xã hội học dung tục. Chẳng hạn như bài Đền Sầm Nghi Đống, vốn chỉ thấy có ở văn bản Nôm Quan Văn Đường, khắc in năm Khải Định Nhâm Tuất (1922), chữ Nôm in rành rành là chữ “lên” (trong câu: “Ghé mắt trông LÊN thấy bảng treo”). Ấy vậy mà nhà thơ Xuân Diệu cứ tán lấy được: “Chỉ đáng trông NGANG bằng nửa con mắt thôi”, bởi theo ông “trông lên thì chiêm ngưỡng”. Và, không ít người đã bình tán theo quan điểm “phi văn bản học” này của Xuân Diệu, mà không nghĩ rằng, ngôi đền vốn nằm trên gò Đống Đa thì làm sao có thể trông ngang được! Còn nhiều bài khác cũng tương tự như thế, mọi người cứ mặc sức phán xét theo các bản sưu tập của Xuân Lan, Văn đàn bảo giám... mà không truy cập đến những bản Nôm gốc, do đó đã dẫn tới những hiểu lầm về “Bà chúa thơ Nôm”. Các bài: Tát nước, Đánh cờ người... chẳng hạn, là như vậy.

ban-kieu-nom-co-nam-tu-duc-thu-19-1866-.-anh-bach-khoa.jpg
Bản Kiều Nôm in năm Tự Đức thứ 19 (1866). (Ảnh: Bách Khoa)

Bản Kiều Quốc ngữ hoàn hảo

Đã có hàng chục bản Truyện Kiều Quốc ngữ đã xuất bản, sớm như bản Trương Vĩnh Ký (1875) và lần lượt nhiều bản sau đó. Theo dư luận trong giới nghiên cứu thì bản Kiều Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim và bản Kiều Tản Đà là đáng chú ý hơn cả. Tuy nhiên, đây cũng là những bản còn không ít khiếm khuyết về phiên âm và chú thích.

Nhìn chung, tất cả các bản Kiều Quốc ngữ đều chưa quan tâm đến chú thích như một thao tác quan trọng của văn bản học Hán Nôm. Nhiều từ cổ, nhiều điển cố trong đó nếu không được chú thích, chú giải thì công chúng đương đại làm sao hiểu được! Ấy là chưa kể đến một khuyết điểm chung của các bản Kiều Quốc ngữ, là nếu có chú thích thì cũng chỉ qua loa, sơ sài, không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ. Do đó, không tránh được những chú thích mang tính suy diễn tùy tiện, thiếu sức thuyết phục đối với người đọc.

truyen-kieu.jpg
Truyện Kiều một tác phẩm viết bằng chữ Nôm của Nguyễn Du (bản in năm 1926 tại Pháp).

Tuy nhiên, đối với bản Kiều Quốc ngữ của GS.TS. Kiều Thu Hoạch thì khác hẳn về cả hai mặt phiên âm và chú giải. Đây vốn là bản Kiều Nôm do Kiều Oánh Mậu khảo đính, chú thích có tên Đoạn trường tân thanh, do Đào Nguyên Phổ mang từ Huế ra Bắc năm 1898, đưa làm quà cho Kiều Oánh Mậu. Từ bản Nôm này, Kiều Oánh Mậu đã khảo cứu, chú thích, nghiền ngẫm so sánh văn bản nhiều năm rồi mới giao cho thợ khắc in vào năm 1902. Theo nhà thư tịch học Trần Văn Giáp thì bản Nôm này phần lớn khác với bản Kim Vân Kiều phổ biến, in ở Hàng Gai, Hà Nội, có đến thời ấy. Vậy, có thể gọi bản Kiều in ở Hàng Gai là “bản Phường”, còn bản Đoạn trường tân thanh của Kiều Oánh Mậu là “bản Kinh”, tức bản Kiều từ Kinh đô Huế mang ra Bắc.

3(1).jpg
Bản Kiều Nôm in năm Thành Thái thứ 10 (1898).

- Về mặt phiên âm, GS.TS. Kiều Thu Hoạch nguyên là Tổ trưởng Tổ Nôm đầu tiên của Ban Hán Nôm (1970 - 1979), tiền thân của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nên ông đã có trải nghiệm nhiều chục năm về phiên âm Nôm.

- Về mặt chú thích, chú giải, thì với 3.256 câu thơ Kiều trong bản thảo đánh máy hơn 300 trang A4, hầu như trang nào cũng có chú thích, hoặc về từ cổ, hoặc về điển cố văn học, mà trong đó có những chú giải sâu rộng, mang tính thẩm mĩ cao, khiến người đọc cảm thấy hứng thú như đọc những “đoản văn” văn nghệ.

Về công trình phiên chú Truyện Kiều của GS. TS Kiều Thu Hoạch, PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn và PGS.TS. Vũ Thanh (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học) cho rằng, với khoảng cách tròn 120 năm từ Truyện Kiều “bản Kinh” Nôm Kiều Oánh Mậu (1902) đến bản phiên Quốc ngữ Kiều Thu Hoạch (2022) - hai học giả họ Kiều, cùng quê Xứ Đoài, đã hoàn tất việc chuyển tải kiệt tác truyện thơ Nôm của Nguyễn Du đến người đọc hiện đại, đương đại thế kỉ XXI. Văn bản Truyện Kiều Nôm của Phó bảng Kiều Oánh Mậu là bản “đã thành”, qua tay GS.TS. Kiều Thu Hoạch, Truyện Kiều Quốc ngữ “bản Kinh” là văn bản “đang thành”, cả trên phương diện phiên âm, chú giải chuẩn theo bản Nôm, với trình độ chuyên nghiệp cao, đồng thời bổ sung hoàn chỉnh các diễn giải nguyên chú, cũng như mở rộng cách đọc so sánh “liên văn bản” với bản gốc Thanh Tâm Tài Nhân, theo yêu cầu đời sống học thuật hiện đại, trở thành bản Kiều Quốc ngữ hoàn hảo của thế kỉ XXI./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2023)

Bài liên quan
  • Bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí 2016 - Để báo chí “gỡ khó” và phát triển
    Sau 7 năm ra đời, đi vào hoạt động, đứng trước tình hình chính trị xã hội có nhiều thay đổi lớn dưới tác động của toàn cầu hóa, công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế với nhiều loại hình báo chí, truyền thông mới, vấn đề bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí năm 2016 trở nên cấp thiết và cần sớm được xem xét, điều chỉnh.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
“Cầu nối” vững chắc cho những vần thơ Quốc âm - Quốc ngữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO