Giải pháp “gỡ khó” để phát triển báo chí đáp ứng nhu cầu của công chúng
“Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016 - Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Luật báo chí 2016” là chủ đề của hội thảo khoa học quốc gia mang tính thời sự, đang tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí hiện nay đã được tổ chức sáng ngày 10/6/2023 tại Hà Nội.
Hội thảo do trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) - ĐH Quốc Gia Hà Nội, Cục Báo chí và Tạp chí TT&TT thuộc Bộ TT&TT và Trường ĐH Luật - Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức.
Vì một nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm tin rằng dù góc nhìn dưới lăng kính cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) từ trung ương đến địa phương, các cơ quan báo chí hay dưới góc độ khoa học của các nghiên cứu, các giảng viên chuyên ngành báo chí và luật pháp thì đây sẽ là những tiếng nói tâm huyết nhất, với mục tiêu đóng.
Nhiều ý kiến nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu tại hội thảo nhận định, Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Đồng thời, Luật Báo chí năm 2016 nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn vừa qua; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Luật Báo chí 2016 cũng quy định khá đầy đủ, rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên.
Tuy nhiên, sau hơn 6 năm thi hành trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, thực hiện Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT&TT lập đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, trình Chính phủ trong năm 2023. Đánh giá được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Bộ TT&TT đã phối hợp với ĐH KHXH&NV và ĐH Luật Hà Nội tổ chức tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016 cùng với hội thảo quốc gia cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.
Tại sự kiện này, các ý kiến đánh giá của đại diện các cơ quan, các diễn giả, nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan thuộc các lĩnh vực khác nhau đưa ra cái nhìn khách quan, đầy đủ các khía cạnh liên quan về hoạt động báo chí, công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn hiện nay; qua đó, đề xuất và kiến nghị những vấn đề, nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016.
“Dù góc nhìn dưới lăng kính cơ quan QLNN từ trung ương đến địa phương và các cơ quan báo chí hay dưới góc độ khoa học của các nghiên cứu, các giảng viên chuyên ngành báo chí và luật pháp thì đây sẽ là những tiếng nói tâm huyết nhất, với mục tiêu đóng góp vì một nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển theo đúng định hướng của Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm tin tưởng.
Nhận diện một số khó khăn, thách thức của báo chí trong quá trình chuyển đổi số (CĐS)
Trong tiến trình thực hiện Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm mục tiêu “hiện đại hóa” hoạt động báo chí, truyền thông theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các cơ quan báo chí được định hướng CĐS, trở thành công cụ hữu hiệu, định hướng thông tin mạng, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia về thông tin trên không gian mạng.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã nhìn nhận những khó khăn, thách thức đối mặt trong quá trình CĐS và phát triển đa nền tảng. Thứ nhất, Luật Báo chí 2016 chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử. Đây cũng là nguyên nhân khách quan bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số dẫn đến ranh giới giữa “báo” và “tạp chí” trên Internet hiện nay rất mong manh.
Thứ hai, tình trạng gỡ, sửa tin bài, cá biệt một số trường hợp việc sửa tin, bài vì động cơ vụ lợi cá nhân trên báo điện tử diễn ra khá phổ biến, Vấn đề này cần phải có quy định chặt chẽ và có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn khi sửa đổi Luật Báo chí 2016.
Thứ ba, Bộ TT&TT cùng các cơ quan chức năng cần có các quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhà báo khi tương tác với mạng xã hội (MXH); hỗ trợ công nghệ kiểm soát thông tin trên MXH phát sinh từ các tác phẩm báo chí: phát triển công cụ duyệt bình luận trên fanpage phù hợp đặc điểm Việt Nam; phát hiện và xử lý các thông tin vu khống, sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu trên MXH…
Thứ tư, trong bối cảnh việc kiểm soát các thông tin trên MXH rất khó thực hiện như hiện nay thì cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trang thiết bị, công nghệ để các cơ quan báo chí chính thống có đủ năng lực để cạnh tranh với các cơ quan truyền thông trên thị trường. Đồng thời, cũng cần có những quy định riêng kết hợp với Luật An ninh mạng 2018 nhằm kiểm soát hiệu quả hơn nguồn thông tin trên các nền tảng MXH.
Thứ năm, về hoạt động kinh doanh của cơ quan báo chí, nên quy định theo hướng mở rộng hoạt động kinh doanh khác theo quy định pháp luật của cơ quan báo chí chứ không chỉ hạn chế các lĩnh vực như Luật Báo chí hiện hành để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí có nguồn thu phát triển hoạt động báo chí, cũng phù hợp với việc xác định cơ quan báo chí là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện; Có thể thí điểm các mô hình liên kết giữa cơ quan báo chí tự chủ tài chính với doanh nghiệp công nghệ số để tăng cường nguồn lực cho các cơ quan báo chí đáp ứng yêu cầu về tốc độ và tính linh hoạt của chuyển đổi số.
Bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí 2016 để “gỡ khó” và phát triển
Với góc độ nhà nghiên cứu, PGS. TS. Bùi Chí Trung, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV nêu hai vấn đề quan trọng về Sửa Luật Báo chí 2016 là để: bao quát các mô hình và vấn đề của truyền thông hiện đại và phát triển kinh tế báo chí.
Đáng chú ý, về nội dung sửa luật để bao quát các mô hình và vấn đề của truyền thông hiện đại, PGS.TS. Bùi Chí Trung phân tích: Luật Báo chí 2016 hiện mới quy định 4 loại hình báo chí cơ bản (báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử), nhưng trên thực tế còn có nhiều loại hình hoạt động thông tin đại chúng có tính chất như báo chí hoặc có liên quan, tác động sâu rộng tới hoạt động báo chí (như: MXH, trang thông tin điện tử (TTĐT) (web), ứng dụng (app) trong nước và xuyên biên giới cung cấp thông tin, video, chương trình phát thanh, truyền hình,...).
Bên cạnh đó, với xu thế hội tụ công nghệ, truyền thông đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng (truyền dẫn trên các hạ tầng mạng viễn thông như cáp (cable), di động, truyền hình vệ tinh (DTH) và đặc biệt là sự nở rộ của các dạng thức truyền phát trên môi trường Internet qua các trang web, dịch vụ OTT (dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua Internet). Những nền tảng mới này có ưu thế hơn các dạng thức truyền thống là cho phép tương tác với người đọc, người nghe, người xem tại thời điểm phát thực.
Trong môi trường Internet “không biên giới”, có những xu thế mới đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý báo chí. Ví dụ, như trường hợp các cơ quan báo chí chủ động xây dựng app, tự phân phối nội dung trên Internet, hoặc mở thêm kênh phân phối nội dung báo chí trên các nền tảng MXH trong nước xuyên biên giới (mở kênh trên Youtube, TikTok, mở fanpage trên Facebook, Lotus, Zalo,…). Trong quá trình hoạt động, có những trường hợp xảy ra sai sót hoặc tranh chấp, vi phạm trên những nền tảng xuyên biên giới, chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Sự phát triển liên tục của công nghệ sẽ khó có một hành lang pháp lý nào có thể bao quát trọn vẹn trong một thời gian dài. Tuy nhiên, để quá trình CĐS báo chí được triển khai mạnh mẽ hơn, để nội dung thông tin lan tỏa tới công chúng đa dạng, thuận tiện, mọi nơi, mọi lúc và đặc biệt là có cơ sở để các cơ quan báo chí triển khai những mô hình kinh doanh và đa dạng hóa nguồn thu,… cần có những quy định mới nhằm đảm bảo mặt bằng phát triển chung và công bằng giữa báo chí với các loại hình truyền thông khác. Đồng thời, điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh của sự phát triển.
Có hàng loạt những câu hỏi xuất phát từ thực tiễn cần có hành lang pháp lý phù hợp hơn. Ví dụ như việc ngày càng nhiều báo điện tử phát triển các chuyên trang media, video, chuyên trang phát thanh (podcast), thậm chí tổ chức sản xuất các bản tin/chuyên đề (giống hệt như dạng bản tin thời sự, chuyên đề truyền hình) để phát trên Internet tại địa chỉ tên miền được cấp phép hoạt động là đúng hay chưa đúng, là phù hợp hay chưa phù hợp? Nếu chưa đúng hay chưa phù hợp thì tiêu chí nào, cơ sở cứ nào để thẩm định, đánh giá?
Các dạng thức đó có tạo ra xung đột, cạnh tranh trực tiếp với hoạt động của các đài phát thanh - truyền hình (PTTH) hay không? Nhìn từ bức tranh tổng thể của hệ thống báo chí truyền thông, sự “nở rộ” các trang media này có tạo ra sự lãng phí nguồn lực xã hội, chạy theo “trào lưu” hay đúng là địa hạt mới để báo chí phát triển? Những câu hỏi này cần được nhận thức và trả lời thấu đáo để tạo sự phát triển cho báo chí trong khuôn khổ của quy định, của pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, cơ quan QLNN ở Việt Nam đã gặp không ít khó khăn trong việc quản lý dịch vụ cung cấp nội dung truyền hình (gồm: phim truyện, chương trình âm nhạc, chương trình truyền hình - TV show, ...) theo yêu cầu trên Internet (gọi là OTT VOD) của doanh nghiệp nước ngoài có thu phí như Netflix, iFlix, WeTV, Spotify, ... cung cấp xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam.
Những hoạt động vi phạm quy định của Việt Nam về quản lý báo chí đã bị cơ quan QLNN phát hiện và kiên quyết xử phạt. Một số sai phạm được phát hiện trên những nền tảng MXH có chia sẻ video như Zing TV, Keeng Movies,... Nguyên nhân xuất phát từ đơn vị chủ quản thực hiện không đúng giấy phép, cung cấp dịch vụ OTT VOD (gồm chủ yếu là phim, các chương trình PTTH), không được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động biên tập, kiểm duyệt trước khi công chiếu.
Trong khi đó, một số MXH có tính phí người xem thông qua hình thức “nâng cấp thành viên” lại bị một số đối tượng lợi dụng quy định chỉ cung cấp VOD để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ PTTH của Chính phủ Việt Nam.
Mâu thuẫn tiếp tục xuất hiện khi nhiều đơn vị sự nghiệp có năng lực và uy tín (Đài Truyền hình Việt Nam - VTV, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh - HTV) có nhu cầu được cung cấp dịch vụ PTTH trả tiền - OTT TV để kinh doanh các sản phẩm của đài nhưng lại không thuộc đối tượng được cấp phép theo quy định tại Điều 51 Luật Báo chí 2016.
Để đẩy mạnh CĐS trong lĩnh vực báo chí ở Việt Nam hiện nay, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các nền tảng công nghệ số trong nước, phân phối nội dung thông tin báo chí. Cùng với đó, cần mở rộng cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, tổ hợp báo chí - truyền thông, báo chí trên nền tảng số.
Tiếp đó, cần xây dựng công cụ, nền tảng thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, phản ánh chất lượng báo chí. Các chỉ số đánh giá truyền thông xã hội dựa trên tác động của các nội dung thông tin trên không gian mạng từ các báo nhằm bảo đảm tính khách quan, trung thực phục vụ công tác quản lý báo chí cũng cần được nghiên cứu, đầu tư cho phù hợp. Luật Báo chí 2016 nếu được sửa đổi cũng cần đề cập về những vấn để đang được sự quan tâm ở cấp độ toàn cầu như: sở hữu trí tuệ, vấn đề dữ liệu độc giả, vấn đề quyền trải nghiệm của người sử dụng,…
Cũng cần lưu ý rằng, bộ luật hiện hành đang nhìn nhận báo chí như hoạt động “của con người tạo ra”, chưa đề cập đến những điểm mới từ sự phát triển công nghệ như “robot hóa”, “tự động hoá” quy trình sản xuất, biên tập nội dung. Khuôn khổ pháp lý hiện nay cũng rất khó áp dụng trong thực tiễn triển khai các mô hình liên kết giữa báo chí với công ty công nghệ, nhà mạng viễn thông, doanh nghiệp quảng cáo, các nền tảng xuyên biên giới,...
Thể chế hóa để phát huy tính tích cực, đáp ứng nhu cầu của công chúng và định hướng dư luận xã hội
Hiến kế để sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, PGS. TS. Đinh Thị Thu Hằng đề xuất: Luật Báo chí tạo các điều kiện để phát triển sự nghiệp báo chí cả về nội dung và hình thức nhằm đạt được yêu cầu báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Báo chí phải thực hiện tốt vai trò phản ánh, định hướng, hướng dẫn dư luận, làm lành mạnh xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mục tiêu chung là việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí là phải thể hiện tầm nhìn, phù hợp và thích ứng với tốc độ phát triển của báo chí hiện đại. Luật Báo chí bổ sung, sửa đổi cần cụ thể hóa đường lối của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Bên cạnh đó, cần có sự phân biệt và cụ thể hóa rõ ràng để tránh dẫn đến tình trạng “báo hóa” Tạp chí điện tử, Trang TTĐT; Có quy định thêm về Hội nhà báo, cơ quan báo chí trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí.
Ngoài quy định về nhà báo và phóng viên thường trú, cần bổ sung quy định chặt chẽ về Văn phòng đại diện, về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên ở văn phòng đại diện ở các địa phương để tránh những kẽ hở trong phối hợp với địa phương trong thu nhận, cung cấp thông tin.
Luật cần quy định chặt chẽ việc tuyển dụng phóng viên của các cơ quan báo chí (về nhận thức về chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, ngoại ngữ, tin học) để nâng cao chất lượng, hạn chế những sai sót của phóng viên. Cần quy định hoạt động của các đối tượng đang thực hiện nghiệp vụ phóng viên trong cơ quan báo chí dưới 2 năm, chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo...
Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể trong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động báo chí để góp phần định hướng truyền thông trên môi trường số, đồng thời ngăn chặn những tiêu cực có thể nảy sinh từ xu hướng đang phát triển mạnh mẽ này.
Sản phẩm của cơ quan báo chí đăng tải trên các nền tảng MXH cần có quy định trong bối cảnh MXH phát triển, thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng. Theo We are social, Việt Nam hiện có 70 triệu người dân sử dụng MXH, chiếm 71% dân số. Xu hướng các cơ quan báo chí phát triển dòng thông tin, sản phẩm trên MXH sẽ gia tăng mạnh. Việc thực hiện đúng, phù hợp với mục tiêu chung của báo chí, phát huy tính tích cực trong đáp ứng nhu cầu của công chúng và định hướng dư luận xã hội cũng cần có quy định.
Thực tế, ngày 30/3/2022, Bộ TT&TT đã có Báo cáo số 57/BC-BTTTT báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Báo cáo nêu đã ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí.
Như vậy, cùng với nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cũng như các cơ quan báo chí tại hội thảo quốc gia này, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 sẽ được thực hiện phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Hội thảo “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Luật báo chí 2016” là sự kiện thường niên do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (ĐH KHXH&NV) và Tạp chí TT&TT tổ chức trong tháng 6, tháng gắn với dấu mốc kỷ niệm quan trọng của Báo chí cách mạng Việt Nam.
Đây được coi là “diễn đàn báo chí tháng 6”, là dấu mốc tuyệt vời với những người làm báo nhìn lại, đúc kết chặng đường đã qua, thẳng thắn nhìn rõ những thách thức trên nhiều phương diện và tạo ra động lực mạnh mẽ hơn, đạt được những thành tựu lớn lao hơn và sống xứng đáng với nghề mình đã chọn và niềm tin yêu của mọi người./.