CĐS bao trùm để Bắc Ninh trở thành thành phố công nghệ cao và thông minh

Đỗ Thêu| 06/09/2022 20:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho rằng triển khai chuyển đổi số (CĐS) trong thời gian tới không giống với giai đoạn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vừa qua. CĐS có phạm vi rộng, bao trùm cả chính phủ số, kinh tế số và xã hội số và phương thức triển khai CĐS cũng có nhiều khác biệt.

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình CĐS tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và nhằm chuyển đổi nhận thức về CĐS cho lãnh đạo các cấp tỉnh Bắc Ninh phục vụ công tác triển khai CĐS trên địa bàn tỉnh đạt kết quả, ngày 6/9, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai Hội nghị CĐS tỉnh Bắc Ninh.

Bắc Ninh lọt vào top 10 tỉnh, thành xuất sắc ở nhiều chỉ số quan trọng

Tại Hội nghị, Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định đây là hội nghị quan trọng nhằm cung cấp cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp những thông tin, kinh nghiệm quý báu để thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về CĐS.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn khẳng định thực hiện Chương trình CĐS Quốc gia, thời gian qua, Bắc Ninh đã sớm tiếp cận chủ trương của Chính phủ, chủ động ban hành Nghị quyết số 52 về Chương trình CĐS tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, thực hiện CĐS trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào việc cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN). Bắc Ninh đã xây dựng hệ thống hạ tầng CNTT, triển khai chính quyền số, triển khai phần mềm phản ánh kiến nghị của người dân, DN…

Bắc Ninh phấn đấu trở thành thành phố công nghệ cao và thông minh - Ảnh 1.

Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng và các đại biểu khai trương phần mềm phản ánh kiến nghị trên thiết di động

Theo Bí thư Nguyễn Anh Tuấn, công tác thực hiện CĐS trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực: hạ tầng viễn thông, CNTT, trung tâm dữ liệu được đầu tư đồng bộ, hiện đại; các cơ quan Đảng, nhà nước được kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng 4G được phủ sóng rộng khắp toàn tỉnh, 100% các thôn, khu phố được cáp quang hóa, an toàn thông tin (ATTT) được bảo đảm.

Các hệ thống thông tin dùng chung như quản lý văn bản điều hành, một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến, hệ thống hội nghị truyền hình, hệ thống camera giám sát, ứng dụng phản ánh kiến nghị,... hoạt động có hiệu quả, đã đóng góp tích cực vào việc cải CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, DN.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bắc Ninh xếp hạng 7/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 4/63; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ 7/63; chỉ số CĐS (DTI) đứng thứ 4/63.

Xây dựng 3 trụ cột CĐS là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số

Trình bày chuyên đề CĐS tỉnh Bắc Ninh, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết Chỉ số đánh giá CĐS Bắc Ninh năm 2021 xếp thứ 4 toàn quốc. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 4, kinh tế số xếp thứ 6, xã hội số xếp thứ 6. Tỉnh Bắc Ninh đã bước đầu làm tốt về vấn đề nhận thức số, đã tham gia kênh truyền thông CĐS quốc gia trên Zalo, xây dựng nguồn nhân lực số, ATTT mạng và phát triển chính quyền số.

Bắc Ninh phấn đấu trở thành thành phố công nghệ cao và thông minh - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng trình bày chuyên đề "CĐS tỉnh Bắc Ninh"

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trình bày thực trạng, giải pháp để Bắc Ninh xây dựng 3 trụ cột của CĐS là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đồng thời đưa ra những khuyến nghị, cảnh báo trong thực hiện CĐS của tỉnh trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng khi chưa bắt đầu CĐS, nhận thức về sự cần thiết, phát hiện và lựa chọn đúng bài toán để giải quyết là quan trọng nhất. Tuy nhiên, khi đã bắt đầu CĐS, nhận thức về phương hướng, sớm phát hiện ra sự chệch hướng để điều chỉnh là quan trọng nhất. Vì vậy, để dẫn dắt CĐS, nhà lãnh đạo cần thiết lập cho mình hệ thống giám sát và các "ngưỡng" cảnh báo sớm, giống như cái "phanh" của một chiếc xe, không phải để dừng chiếc xe lại, mà để yên tâm nhấn ga đi nhanh hơn và an toàn hơn.

Chẳng hạn, đó là "chiếc phanh về nhận thức". Theo Thứ trưởng, CĐS không phải là thêm một nhiệm vụ mới. Mà CĐS là thêm một một phương thức phát triển mới. Chẳng hạn, họp trực tuyến đến cấp xã trên thiết bị cá nhân là thêm một công cụ để chúng ta có thể họp giải quyết công việc ngay lập tức, giảm bớt thời gian và chi phí, chứ không phải là thêm một cuộc họp. Nếu tiến trình CĐS làm thêm gánh nặng, hãy tạm dừng lại để xem xét, vì chắc chắn đã có điều gì đó chưa đúng cần điều chỉnh lại trước khi làm tiếp.

Một mô hình CĐS giản lược nhất gồm 3 "người": Người đặt ra bài toán, Người phát triển công cụ và Người sử dụng công cụ để giải quyết bài toán. CĐS cần sự vào cuộc đồng bộ của cả 3 "người". Nhà lãnh đạo đặt ra bài toán. Đơn vị chuyên trách về CNTT và doanh nghiệp CNTT phát triển công cụ. Toàn bộ bộ máy của cơ quan, tổ chức cùng sử dụng. Đặc biệt, không có khái niệm ủy quyền trong CĐS, người lãnh đạo cao nhất phải là người đi đầu, là nhân tố chính trong hoạt động CĐS.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo cũng phải nhận thức rõ "chiếc phanh về cách tiếp cận nền tảng", làm thế nào đảm bảo các yếu tố như đầu tư và tính hiệu quả, tránh việc đầu tư lớn về hệ thống, nền tảng nhưng chưa chắc sử dụng hết. Trong yếu tố xây dựng hệ thống, nền tảng, lãnh đạo cần lưu ý đảm bảo về ATTT.

Theo chiến lược quốc gia về CĐS, năm 2022 là năm cả nước đẩy mạnh CĐS theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.

Phấn đấu đưa Bắc Ninh thành thành phố công nghệ cao và thông minh

Xác định triển khai CĐS trong thời gian tới không giống với giai đoạn triển khai ứng dụng CNTT vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho rằng CĐS có phạm vi rộng, bao trùm cả chính phủ số, kinh tế số và xã hội số và phương thức triển khai CĐS cũng có nhiều khác biệt.

"Chúng ta cần chuyển đổi mạnh mẽ về nhận thức để đáp ứng với yêu cầu CĐS; chỉ có nhận thức đúng, chúng ta mới có hành động đúng và công tác chỉ đạo hoạt động CĐS mới có kết quả", Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn nói.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho rằng quá trình này đòi hỏi phải giải quyết các vấn đề khó khăn như làm sao để bắt kịp xu thế CĐS nhanh mà không vội, thận trọng mà không chậm trễ, an toàn nhưng tiện dụng, làm đúng quy định và làm có hiệu quả, làm có hiệu quả và hiệu quả bền vững,…đây đều là những vấn đề có tính thực tiễn cao nhưng không dễ thực hiện.

Bắc Ninh phấn đấu trở thành thành phố công nghệ cao và thông minh - Ảnh 3.

Đến năm 2045, Bắc Ninh sẽ là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.

Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Bắc Ninh là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và của cả nước. Đến năm 2045, Bắc Ninh sẽ là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
CĐS bao trùm để Bắc Ninh trở thành thành phố công nghệ cao và thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO