Chuyển động ICT

Châu Á - Thái Bình Dương đang dẫn đầu về tiếp nhận AI

Thiên Ngân 05/03/2025 06:35

Thế hệ trẻ tại Châu Á - Thái Bình Dương đang dẫn đầu trong việc tiếp nhận trí tuệ nhân tạo (AI), thúc đẩy chuyển đổi số và làm gia tăng nhu cầu về trung tâm dữ liệu.

Các công ty công nghệ lớn đang mở rộng hạ tầng tại Indonesia, Malaysia và Singapore để đáp ứng xu hướng này. Đồng thời, các quốc gia trong khu vực đang triển khai sáng kiến năng lượng sạch nhằm cân bằng giữa tăng trưởng công nghệ và phát triển bền vững. Với dân số trẻ và sự quan tâm lớn dành cho AI, Châu Á - Thái Bình Dương có tiềm năng trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu.

Khi thế hệ trẻ chấp nhận và sử dụng một công nghệ mới, có thể được xem là dấu hiệu cho công nghệ đó sẽ thành công. Trong suốt thế kỷ 20 và 21, giới trẻ luôn là nhóm tiên phong tiếp cận những công nghệ đột phá, từ truyền hình, điện thoại thông minh, trò chơi điện tử đến mạng xã hội.

the-he-tre-ai.jpg

Một ví dụ rõ ràng là tại Hoa Kỳ, nơi mà thế hệ trẻ là những người tiên phong sử dụng Internet. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew, vào năm 2000, 70% người trong độ tuổi 18 - 29 đã sử dụng Internet, trong khi con số này ở nhóm 50 - 64 tuổi chỉ là 46% và nhóm từ 65 tuổi trở lên chỉ đạt 14%.

Đến năm 2024, gần như mọi nhóm tuổi tại Mỹ đều sử dụng Internet với tỷ lệ trên 96%.

Những thay đổi công nghệ lớn thường bắt đầu từ một nhóm nhỏ người dùng trẻ tuổi, sau đó dần trở nên phổ biến và có mặt trong mọi tầng lớp xã hội. Khi đó, nhu cầu về một hệ thống hạ tầng mạnh mẽ trên toàn cầu sẽ xuất hiện để hỗ trợ hàng tỷ người dùng.

Một báo cáo của Deloitte vào tháng 5/2024 chỉ ra rằng sinh viên và người trẻ đang đi làm có xu hướng sử dụng các công cụ AI tạo sinh cao gần gấp đôi so với người lao động lớn tuổi. Đặc biệt, tỷ lệ này đang tăng nhanh ở các nền kinh tế đang phát triển. Những người trẻ không chỉ là nhóm tiên phong, mà còn có tác động mạnh mẽ đến các thế hệ khác, giúp AI trở nên phổ biến hơn trong mọi lĩnh vực xã hội.

Các công ty tiên phong dịch vụ và giải pháp AI đã nhận thấy tương lai của xu hướng này và điều này thúc đẩy nhu cầu ngày càng tăng về các trung tâm dữ liệu (TTDL) tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Structure Research, tổng công suất TTDL tại Jakarta dự kiến sẽ tăng gần gấp ba, từ 211 megawatt năm 2024 lên khoảng 600 megawatt vào năm 2029. Tại Johor, Malaysia, theo DC Byte, công suất đã tăng từ 10 megawatt năm 2021 lên hơn 1.500 megawatt vào năm 2024.

Một trong những lý do thúc đẩy sự tăng trưởng này là việc Singapore áp đặt lệnh cấm phát triển TTDL mới từ năm 2019 - 2022, tạo ra cơ hội cho các thị trường lân cận (đặc biệt là Malaysia) để lấp đầy khoảng trống về hạ tầng.

Vì sao nhu cầu TTDL lại tăng cao?

Nhu cầu về TTDL tại Châu Á - Thái Bình Dương đang tăng mạnh do lượng người tiêu dùng, doanh nghiệp và startup sử dụng các ứng dụng và dịch vụ trực tuyến ngày càng lớn.

Dù thị trường AI vẫn đang trong giai đoạn đầu, nhưng theo Structure Research, hiện chưa có nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nào chiếm lĩnh thị trường này. Do đó, các tập đoàn công nghệ lớn đang đổ bộ vào khu vực để tận dụng cơ hội phát triển.

Khi AI ngày càng phổ biến, các công ty công nghệ nhận thấy tiềm năng to lớn và đang mở rộng hạ tầng TTDL gần những khu vực đông dân và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Một nghiên cứu của Boston Consulting Group năm 2024 cho thấy người tiêu dùng ở các nước như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đối với AI hơn hẳn các quốc gia phương Tây như Hoa Kỳ, Anh, Thụy Điển, Đức, Pháp và Úc. Kết hợp với mức độ tiếp nhận AI cao ở giới trẻ, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm dựa trên AI.

Với các nhà cung cấp TTDL, sự bùng nổ này đảm bảo rằng các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương sẽ đóng vai trò chủ chốt trong các bước tiến công nghệ quan trọng nhất của thế kỷ 21.

Tác động đến môi trường

Singapore, Malaysia và nhiều nước trong khu vực đang đẩy mạnh các sáng kiến năng lượng sạch nhằm cung cấp nguồn điện hàng gigawatt cho các TTDL, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà vẫn giảm thiểu khí thải nhà kính.

Nếu được triển khai hiệu quả, những sáng kiến này không chỉ giúp ngành TTDL đáp ứng nhu cầu phát triển mà còn đảm bảo các cam kết về phát triển bền vững như trung hòa carbon, tiết kiệm nước và không tạo ra rác thải.

Tương lai của AI tại Châu Á - Thái Bình Dương

Chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á đã có gần 700 triệu dân, trong đó hàng trăm triệu người sống trên các hòn đảo trải rộng trên một vùng biển rộng lớn. Nếu tính cả dân số của Ấn Độ và Trung Quốc, con số này vượt quá 3,5 tỷ người - đều là những nền kinh tế quan trọng và đang phát triển mạnh mẽ, sẵn sàng tiếp nhận các nội dung, dịch vụ và công nghệ AI.

Với tốc độ tiếp nhận AI nhanh chóng của giới trẻ, không khó để hình dung rằng sự hào hứng này sẽ lan rộng ra toàn bộ dân số theo thời gian.

TTDL đóng vai trò kết nối thị trường địa phương với nền kinh tế số toàn cầu. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương không chỉ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư công nghệ mà còn tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp địa phương, startup, giáo dục và người tiêu dùng.

AI không chỉ thay đổi cách con người làm việc và giao tiếp, mà còn mở ra những tiềm năng chưa từng có, giúp khu vực này trở thành trung tâm của cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu./.

Theo forbes
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Châu Á - Thái Bình Dương đang dẫn đầu về tiếp nhận AI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO