Truyền thông

Cháy tàu du lịch trên biển, những cơn ác mộng

Ngọc Anh 12/12/2023 11:05

Sẽ thật sai lầm nếu cho rằng một vụ hoả hoạn trên biển, giữa mênh mông nước sẽ dễ dập tắt đám cháy. Sự thật là, theo các chuyên gia, nếu một vụ cháy trên đất liền đã nguy hiểm khôn lường, thì cháy tàu trên biển là ác mộng với lực lượng PCCC.

Tiềm ẩn những vụ cháy tàu du lịch biển

Nếu như ở trên đất liền một vụ hoả hoạn đã nguy hiểm khôn lường, thì lửa trên boong tàu còn đáng sợ hơn gấp nhiều lần. Đặc điểm của tàu thuyền là diện tích không gian rất hẹp, đồ đạc hàng hoá chất chồng lên nhau. Và nữa là việc thoát khí kém, ba yếu tố khiến cho ngọn lửa có thể lan rộng ra chỉ trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn.

Trong một số trường hợp, ngọn lửa "hành xử" giống như một hàng rào chia cắt con tàu ra thành các khu khác nhau, làm cản trở thêm việc cứu hộ. Bởi thế, đã có không ít vụ việc thuỷ thủ và hành khách chết do ngạt vì bị kẹt dưới khoang tàu.

Ngày 2/8/2023, tàu du lịch BHAYA khi đang hành trình từ vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) sang Hải Phòng, đến khu vực thủy điện đèn Ba Lăng gần xã Phù Long, huyện Cát Hải (Hải Phòng) thì phần đuôi tàu bốc cháy.

Các thủy thủ trên tàu đã sử dụng bình chữa cháy nhưng không dập tắt được đám cháy. Thuyền trưởng tàu BHAYA đã cho đánh lái đâm thẳng vào phía bờ khu vực rừng phòng hộ Đầu Chu, xã Phù Long, huyện Cát Hải (Hải Phòng).

Nhận được thông tin, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã điều động tàu chữa cháy cùng 3 xuồng chữa cháy phối hợp Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an thành phố Hải Phòng), Biên phòng, Công an huyện Cát Hải, Cục Cảnh sát giao thông và nhân dân khẩn trương cứu chữa, dập tắt đám cháy.

Cùng với đó, các lực lượng cũng cứu vớt an toàn cả 6 thuyền viên trên tàu.

Trước đó, tối 22/12/2022, du thuyền Bhaya Classic 6 mang biển kiểm soát QN 4556 của Công ty TNHH Du thuyền Bhaya đang neo đậu trên vịnh Hạ Long bất ngờ xảy ra cháy. Vụ việc không thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại về tài sản, làm xấu hình ảnh du lịch Hạ Long.

Ngày 22/11/2021, trên vùng biển thuộc phường Bãi Cháy, TP Hạ Long (Quảng Ninh) cũng ghi nhận hỏa hoạn trên hai tàu du lịch. Vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn, do hai tàu di chuyển gần nhau nên ngọn lửa đã cháy lan từ tàu này sang tàu kia.

Lực lượng PCCC đã được triển khai ngay tới hiện trường. Tuy nhiên, do điều kiện gió lớn nên lửa lan nhanh, lực lượng cứu hỏa phải mất nhiều giờ đồng hồ dập lửa mới có thể khống chế được đám cháy trên hai con tàu này. Dù không gây thiệt hại về người nhưng vụ cháy thiêu rụi nhiều tài sản.

{keywords}

Ngày 10/1/2017, tàu nghỉ đêm Ánh Dương QN 3598 đang trên đường đưa du khách về bờ thì bất ngờ bốc cháy. May mắn không có thiệt hại về người.

Khi phát hiện cháy, lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời ứng cứu đưa toàn bộ 14 khách nước ngoài, 1 hướng dẫn viên, 6 thuyền viên trên thuyền về bờ an toàn tuyệt đối.

Ngày 6/5/2016, tàu du lịch Aphrodite số hiện QN 6299 chở hơn 40 người cập cảng du lịch quốc tế Tuần Châu (Hạ Long, Quảng Ninh) sau hành trình 2 ngày một đêm trên vịnh Hạ Long. Sau đó con tàu đột ngột bốc cháy dữ dội, nhiều người trên tàu nhảy xuống biển.

Có vài người bị thương, nhưng con tàu 3 tầng thì cháy rụi hoàn toàn và chìm xuống nước.

Còn nhiều vụ cháy tàu du lịch xảy ra trong những năm qua. Theo đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, việc triển khai các biện pháp chữa cháy đối với loại hình phương tiện này gặp nhiều khó khăn do các phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trên biển còn hạn chế.

bon-nguoi-bi-thuong-trong-vu-chay-tau-tren-vinh-ha-long-1

Cục Cảnh sát PCCC&CNCH lý giải, khi tiến hành công tác chữa cháy đối với tàu thuyền, lực lượng chức năng phải tính tới yếu tố bảo vệ tính ổn định của tàu, tránh làm lật hoặc chìm tàu. Do đó, việc triển khai cứu nạn cứu hộ sẽ khó khăn hơn nhiều.

Nguy cơ chủ yếu dẫn tới các sự cố cháy nổ trên tàu thuyền phần lớn là do sử dụng quá nhiều các thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn, không theo thiết kế. Ngoài ra, các đám cháy cũng có thể bùng phát từ chập điện, hút thuốc sai nơi quy định, hoạt động nấu nướng trên tàu không đảm bảo, sửa chữa sai quy trình, tiếp nhiên liệu…

Những lý do khiến việc chữa cháy tàu trên biển rất khó khăn

Trung bình một năm trên toàn thế giới có khoảng 1.300 người thiệt mạng hay mất tích dưới biển do các vụ cháy trên tàu. So với mức có tới 2.100.000 người đi biển mỗi năm thì con số này có phần nhỏ bé, nhưng theo các thống kê gần đây, số người chết do hoả hoạn trên tàu, đặc biệt là tàu chở container đang ngày càng có xu hướng tăng lên.

Các tuyến hàng hải nội địa và quốc tế đang càng ngày trở nên đông đúc hơn, trong khi nhiều loại hàng hoá dễ gây cháy nổ lại được vận chuyển với số lượng lớn bằng đường biển. Một số lượng lớn tàu viễn dương đang lưu thông đã hoạt động được hơn 20 - 30 năm, hoặc là thiết kế cũ không bảo đảm được an toàn cháy nổ; hoặc là các thiết bị phòng cháy chữa cháy đã có phần xuống cấp, hỏng hóc.

Một loại phương tiện khác ẩn chứa nhiều nguy cơ xảy ra hoả hoạn là tàu du lịch. Số lượng các tàu du lịch có thể chở hơn 10.000 khách đang tăng lên theo từng năm. Những con tàu này giống như một thành phố nổi trên nước hơn là phương tiện giao thông. Bên trong khoang tàu có đầy đủ các tiện nghi của một khu nghỉ dưỡng cao cấp như nhà hàng, quán bar, vũ trường, khu vui chơi, sân bóng, v.v…

Một vụ cháy xảy ra trên tàu du lịch sẽ thật chẳng khác nào một cơn ác mộng với lực lượng phòng cháy. Cùng một lúc, không những họ vừa phải sơ tán hàng trăm người vừa chống chọi với giặc lửa trong một mê cung, mà còn phải dè chừng vô số những hiểm nguy khác đến từ đồ đạc, kết cấu trên tàu.

Trên thế giới đã từng xảy ra nhiều vụ cháy tàu du lịch thương tâm như vụ tàu Scandinavian Star năm 1990. Vụ cháy bắt đầu chỉ vì một tia lửa trong phòng máy, rồi sau đó nhấn chìm toàn bộ con thuyền. Có tất cả 158 người đã chết cháy, khoảng 1/3 số hành khách trên tàu.

Hiện trường vụ cháy tàu trên Vịnh Hạ Long.
Vụ cháy tàu du lịch Ánh Dương.

Chữa cháy trên tàu là một công việc vô cùng khó khăn. Hầu hết các quốc gia sẽ bố trí lực lượng cứu hoả chuyên trách tại các hải cảng lớn, hoặc như ở Việt Nam là trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống hoả hoạn cho lực lượng Cảnh sát biển.

Ngoài việc đảm bảo an toàn cho con người và hàng hoá tại cảng, những người lính cứu hoả này khi nhận được tín hiệu kêu cứu từ tàu có thể ngay lập tức ra biển thực hiện công tác chữa cháy. Ngoài kiến thức chuyên môn, họ còn được phép sử dụng những trang thiết bị đặc biệt như là tàu chữa cháy và tàu ngầm mini. Tuy vậy, công việc của họ vẫn đầy rẫy những khó khăn.

Cái khó của việc chữa cháy tàu trên biển là phải chữa cháy trong điều kiện tàu vẫn phải hoạt động. Vì chỉ cần tàu dừng lại một lúc thôi thì dầu chảy ra ngoài mặt nước sẽ ngay lập tức nhấn chìm con tàu trong biển lửa. Đấy còn chưa kể việc xăng và nước bắn ra từ những bể dầu - một bể dầu trên tàu được thiết kế theo kiểu hai lớp, với lớp trên là dầu, lớp dưới là nước.

Khi dầu cháy đến một mức nào đấy thì nhựa xăng sẽ xuyên thủng lớp ngăn cách mà chảy vào nước, gây ra hiện tượng chiếc bể bị thủng vì áp xuất cao.

Những người lính cứu hoả trên biển phải rất cẩn thận trong khi thực thi nhiệm vụ không những nhằm bảo đảm an toàn mà còn để tránh các sự cố đáng tiếc. Vào năm 1992, con tàu chở hàng Fiesta khi đang đỗ tại cảng Piraeus, Ý thì bất ngờ bốc cháy rồi lật nhào. Đội cứu hoả địa phương tìm cách dập tắt đám cháy bằng cách bơm nước sông vào một lỗ thủng dưới đáy tàu. Nhưng khi ngọn lửa bị dập tắt thì con tàu cũng chìm hoàn toàn dưới đáy sông vì bên trong đã đầy nước.

Công nghệ cũng có những bước tiến dài để giúp các lực lượng cứu hoả làm việc hiệu quả hơn. Ngày nay nhiều lực lượng cứu hoả trên biển đã được trang bị các chất làm nguội. Thay vì tìm cách cản trở ngọn lửa tìm đến với Oxygen như khi dùng nước hay bọt cứu hoả, thì các chất làm nguội lại giảm nhiệt độ ngọn lửa xuống.

Trong một cuộc thử nghiệm, chất làm nguội Pyrocool có thể giảm nhiệt độ ngọn lửa đang từ 1,700°C xuống còn 33°C, nhờ thế mà người lính cứu hoả có thể tiếp cận hơn với ngọn lửa để dập tắt nó.

Hay robot cứu hoả đang trở nên ngày càng thịnh hành hơn, sẽ khiến công việc của lực lượng làm nhiệm vụ cứu hoả đỡ vất vả hơn, cũng như cơ hội dập tắt đám cháy tàu trên biển cũng nhiều hơn.

Các đội cứu hoả không còn phải liều mình đi vào khoang tàu để chữa cháy, cứu nạn nữa.

Theo Trường Đại học PCCC, do kết cấu của tàu vững chắc và phức tạp, vì thế chữa cháy trên tàu gặp phải nhiều khó khăn. Một nguy hiểm nữa là cháy trên tàu có thể dẫn đến chìm tàu hoặc lật tàu… Vấn đề chính của hoạt động chữa cháy trên tàu là giảm thiểu tổn thất do cháy bằng cách thức bảo đảm nhất. Mọi người đều cần phải chuẩn bị để sẵn sàng đánh giá và hành động nếu xảy ra bất kỳ đám cháy nào. Phòng cháy chữa cháy trên tàu biển là công việc cực kỳ khó khăn và mang tính sống còn./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cháy tàu du lịch trên biển, những cơn ác mộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO