Bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc diễn tập PCCC quy mô lớn
Ngày 22/12, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia quy mô cấp tỉnh tại Khu du lịch Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Sau cuộc diễn tập, đã có nhiều bài học được rút ra.
Tình huống giả định là một sự cố cháy nghiêm trọng
Tham dự buổi diễn tập có ông Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tỉnh; Đại tá Hoàng Ngọc Huynh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH, Bộ Công an; Đại tá Nguyễn Trường Thọ, Phó Cục trưởng Cục Trang bị và Kho vận; lãnh đạo Công an các tỉnh thuộc Cụm thi đua số 4, Bộ Công an.
Phát biểu tại buổi diễn tập, ông Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cấp tỉnh nhấn mạnh: Công tác PCCC & CNCH luôn được tỉnh Hà Nam xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên quan tâm chỉ đạo. Thời gian qua trên địa bàn cả nước đã diễn ra nhiều vụ cháy, nổ lớn gây thiệt hại về người và tài sản.
Cuộc diễn tập lần này diễn ra với quy mô lớn, huy động nhiều nhân lực, phương tiện, thiết bị cùng tham gia nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác PCCC và CNCH khi xảy ra các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh du lịch có quy mô lớn.
Tăng cường khả năng thường trực, sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống của lực lượng, phương tiện tại chỗ theo phương châm “bốn tại chỗ”; đồng thời nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, tổ chức, chỉ huy chữa cháy, CNCH và công tác phối hợp hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH với các lực lượng khác tham gia xử lý các tình huống tai nạn, sự cố, cháy, nổ lớn có thể xảy ra, qua đó góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Khu vực được lựa chọn thực hiện diễn tập là khu du lịch trọng điểm của tỉnh Hà Nam và cả khu vực đồng bằng Bắc Bộ, có nhiều hạng mục công trình lớn, thường xuyên có lượng khách tham quan, du lịch rất đông, đồng thời là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị, văn hoá – xã hội quan trọng của địa phương.
Theo kịch bản, tình huống giả định xảy ra trong cuộc diễn tập, vào hồi 15 giờ, ngày 22/12/2023, xảy ra nổ khí gas tại khu vực Nhà bếp tầng 2 Nhà Vesak Khu du lịch Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng. Vụ nổ làm sập đổ kiến trúc xây dựng của khu vực bếp nấu và một phần kết cấu xây dựng của khu vực xung quanh.
Cùng lúc này, trên lòng hồ Tam Chúc, tàu TC13 đang đỗ ở bến, trên tàu có 18 khách và đang chờ thêm khách xuống, khi thấy tình hình cháy, nổ, lái tàu đã vội vàng di chuyển tàu xuất bến dẫn đến va chạm với tàu TC21 đang chở đoàn khách 16 người vào bến.
Vụ va chạm đã làm tàu TC13 thủng mạn dẫn đến két dầu máy bị vỡ, dầu chảy tràn ra khoang máy tràn ra hồ; tàu TC21 bị lật nghiêng, 24 người trên 2 tàu bị rơi xuống hồ, trong đó 10 người biết bơi chủ động bơi vào bờ thoát nạn, 14 không biết bơi vùng vẫy kêu cứu dưới hồ.
Trong quá trình lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở đang triển khai hoạt động chữa cháy thì trên đường vào khu vực bãi xe có 1 xe ô-tô loại 7 chỗ đang vào bãi, tài xế đã thiếu quan sát dẫn đến đã đâm vào xe điện chở 10 người đi cùng chiều phía trước.
Vụ tai nạn đã làm 2 người trên xe điện ngã xuống đường, 1 người bị xe ô-tô đè lên, mắc kẹt dưới gầm xe ô tô 7 chỗ, 1 người bị thương. Vụ tai nạn liên hoàn khiến tình hình thêm nghiêm trọng. Vụ việc vượt quá năng lực của lực lượng tại chỗ.
Ngay khi phát hiện sự cố cháy, lực lượng PCCC tại chỗ của Công ty đã triển khai các hoạt động chữa cháy và CNCH theo quy trình ứng cứu khẩn cấp tại chỗ. Điện thoại báo cháy và yêu cầu CNCH, tổ chức hướng dẫn cho cán bộ, công nhân viên, người dân ra ngoài thoát nạn.
Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh để điều động lực lượng, phương tiện nhanh chóng tới hiện trường triển khai đội hình chữa cháy và phối hợp tổ chức cứu nạn.
Với tình hình đám cháy và các tai nạn, sự cố diễn ra phức tạp, nhiều người bị nạn chưa thoát ra ngoài, lãnh đạo Công an tỉnh đã báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, huy động các sở, ban, ngành và các đơn vị tham gia chữa cháy, CNCH.
Gần 500 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của các đơn vị, 27 xe ô tô các loại, 28 thuyền, xuồng máy cùng một số thiết bị chuyên dụng phục vụ chữa cháy, cứu hộ khác có mặt tại hiện trường triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời khống chế dập tắt đám cháy và CNCH an toàn…
Bài học về phát huy tối đa vai trò của lực lượng tại chỗ
Thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Ban chỉ huy diễn tập tỉnh Hà Nam chia thành 5 giai đoạn xử lý tình huống gồm: Lực lượng tại chỗ sử dụng các phương tiện, thiết bị chữa cháy tại chỗ để xử lý sự cố. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có mặt triển khai các hoạt động cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm người bị nạn và ngăn chặn không để cháy lan.
Các lực lượng thuộc Công an tỉnh đồng thời tham gia tìm kiếm nạn nhân, cứu nạn, cấp cứu chuyển thương và tổ chức chữa cháy. Huy động lực lượng, phương tiện của các đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Kết thúc công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra.
Qua buổi diễn tập thực tế ban chỉ đạo diễn tập tỉnh Hà Nam đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như: Lực lượng tại chỗ phải lập tức báo cháy, tổ chức cứu nạn, cứu hộ.
Thực hiện phương châm mọi hoạt động phòng cháy chữa cháy trước tiên phải được thực hiện bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ, triển khai phương án theo quy định để đảm bảo an toàn cho cơ sở.
Triển khai công tác cứu nạn cứu hộ với công tác chữa cháy cần phát huy tối đa tác dụng của các phương tiện chữa cháy cứu nạn cứu hộ được trang bị tại công ty và cho các lực lượng tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, áp dụng đúng kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với từng tình huống.
Công tác chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy cứu hộ phải kịp thời, thống nhất từ trên xuống dưới, trong suốt thời gian chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Việc huy động đủ lực lượng liên quan tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ kịp thời, các lực lượng tham gia chữa cháy cứu nạn cứu hộ thực hiện đúng nhiệm vụ được giao.
Mỗi người dân cần chấp hành đầy đủ các quy định về phòng cháy chữa cháy, học tập, tìm hiểu các kiến thức phòng cháy chữa cháy, mỗi người cần sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy được trang bị và nắm bắt được các biện pháp xử lý và thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.
Đánh giá kết quả của buổi diễn tập, Đại tá Phạm Hùng Dương - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo PCCC và cứu nạn cứu hộ tỉnh cho biết: Công tác chỉ huy, điều hành cuộc diễn tập đã đúng theo kế hoạch và kịch bản đề ra. Các mệnh lệnh chỉ đạo rõ ràng, mạch lạc; các đơn vị, lực lượng xử lý tình huống linh hoạt.
Cơ chế thông tin chỉ huy, điều hành thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về PCCC và CNCH. Các đơn vị, lực lượng tham gia buổi diễn tập đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, đáp ứng được cả yêu cầu về thời gian và kỹ, chiến thuật....
Kết thúc diễn tập, 33 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác diễn tập phương án chữa cháy và CNCH tại Khu du lịch Tam Chúc được UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng.
Trong hai ngày 16 - 17/12/2023, Cục Cảnh sát PCCC & CNCH và Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam tổ chức hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy, CNCH cho người dân, học sinh, sinh viên Thủ đô.
Người dân tham gia trải nghiệm, thực hành sẽ được các chuyên gia giới thiệu một số trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH (giới thiệu lăng giá di động, lăng phun bọt, dây hạ chậm...). Hướng dẫn trải nghiệm, thực hành chữa cháy, CNCH (cứu người, di chuyển thoát nạn trong môi trường có nhiều khói; sử dụng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy; di chuyển người tay không; rải vòi chữa cháy; thoát nạn từ trên cao xuống bằng dây). Hướng dẫn thực hành một số kỹ thuật sơ cấp cứu cho người bị nạn.
Cùng với Cục Cảnh sát PCCC & CNCH, mỗi Công an địa phương tổ chức tối thiểu 1 điểm trải nghiệm, thực hành cho người dân. Cục Cảnh sát PCCC & CNCH cũng khuyến khích các địa phương tổ chức nhiều điểm trải nghiệm, thực hành để thu hút đông đảo người dân trên địa bàn đến tham gia trải nghiệm, học tập kiến thức, kỹ năng PCCC & CNCH. Đây là hoạt động định kỳ mỗi quý một lần của lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH nhằm nâng cao ý thức, kiến thức PCCC & CNCH để người dân có thể áp dụng trong thực tế khi không may xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn./.