Chỉ hỗ trợ tiền cho người nghèo có danh sách từ 31/12/2019

Ngọc Minh| 05/05/2020 16:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong quá triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã nhận được khá nhiều thắc mắc của các địa phương về việc triển khai, rà soát các đối tượng. Một trong những thắc mắc đó liên quan tới việc thực hiện hỗ trợ cho nhóm người nghèo, cận nghèo.

Địa phương hỏi, Bộ trả lời

Mới đây, trong Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định 15 và Nghị quyết 42 về thực hiện hỗ trợ gói 62.000 tỷ, một số địa phương đặt câu hỏi thắc mắc về việc thống kê danh sách hộ nghèo.

Ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Đà Nẵng đã đặt câu hỏi về việc, trường hợp các hộ nghèo, cận nghèo có phát sinh khẩu mới kể từ ngày 01/01/2020 thì có được đưa vào diện thống kê chi trả hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ hay không?

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân khẳng định, người nghèo, cận nghèo phát sinh mới từ 01/01/2020 không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ. Ví dụ như hộ mới sinh, có thêm con dâu/rể, bộ đội xuất ngũ trở về gia đình.

Thứ trưởng Lê Quân giải thích: "Cuối năm (ngày 31/12) tất cả các địa phương thống kê danh sách hộ nghèo, cận nghèo để làm căn cứ thực hiện chính sách giảm nghèo năm kế tiếp. Do vậy, danh sách này sẽ được dùng để lên danh sách hỗ trợ. Trường hợp có phát sinh khẩu nghèo không nhiều, chủ yếu một số trường hợp có trẻ sinh thêm, nhưng vẫn không thuộc diện được hỗ trợ".

Tương tự TP. Hà Nội cũng có chung câu hỏi. Sau khi được giải đáp các thắc mắc, nhiều tỉnh thành phố đã bắt tay vào hỗ trợ một số nhóm đối tượng, trong đó có hộ nghèo, cận nghèo. Tiêu biểu như Hà Nam, Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Chỉ hỗ trợ tiền cho người nghèo có danh sách từ 31/12/2019 - Ảnh 1.

Người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. (Ảnh Ngọc Minh)

Nhóm người nghèo ở một số địa phương đã được nhận tiền

Bà Vi Thị Ngọc, phường Cổ Nhuế 1, hộ nghèo ở Quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) vừa được nhận hỗ trợ tiền từ gói 62.000 tỷ vào ngày 1/5 tỏ ra rất phấn khởi.

"Chồng mất, có một đứa con bị mù, nên địa phương rất quan tâm cho tôi ở nhờ trong căn nhà gỗ. Hai mẹ con tôi thường ngày đi bán nước ngoài đường nhưng có dịch Covid -19 thì mất việc vì thế phải sống dựa vào nguồn hỗ trợ cộng đồng. Nhờ có chút tiền hỗ trợ, mẹ con tôi sẽ dùng tiền này để mua đồ ăn, vượt qua khó khăn" - bà Ngọc nói.

Ông Chu Thanh Hà - Chủ tịch phường Cổ Nhuế 1 chia sẻ, hết ngày 1/5 phường đã hoàn tất việc hỗ trợ cho các nhóm thuộc đối tượng người có công, người nghèo, người bảo trợ. Một số đối tượng người già, tàn tật không có khả năng đi nhận tiền tại trụ sở thì được cán bộ phường mang vào tận nhà phát.

Chỉ hỗ trợ tiền cho người nghèo có danh sách từ 31/12/2019 - Ảnh 2.

Người nghèo, người có công ở phường Hòa Mạc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. (Ảnh Ngọc Minh)

Tương tự hàng nghìn hộ cận nghèo ở Hà Nam cũng vừa nhận được tiền hỗ trợ. Bà Lê Thị Toán ở phường Hòa Mạc, thị xã Duy Tiên (Hà Nam) cho biết, các hộ nghèo, cận nghèo tại phường đang rất hồ hởi. Không ngờ tiền từ gói hỗ trợ lại được chuyển tới tay người nghèo nhanh như vậy.

Với 5 khẩu, gia đình chị Toán được hỗ trợ 3.750 nghìn đồng/3 tháng (mỗi tháng 250 nghìn đồng/người/tháng). Số tiền này được chị dùng chủ yếu để mua lương thực, thực phẩm. "Dịch bệnh khiến cho vợ chồng tôi mất việc, dù cố gắng đi làm thêm nhưng vẫn không đủ tiền chi tiêu cho sinh hoạt tối thiểu. Giờ có thêm chút tiền hỗ trợ này vợ chồng tôi có thêm điều kiện để tiện xoay sở" - chị Toán chia sẻ.

Tính đến hết ngày 31/12/2019, cả nước hiện còn 1,3 triệu hộ nghèo và 1,23 triệu hộ cận nghèo. Tình hình dịch bệnh Covid-19 và thiên tai ở các tỉnh miền Bắc và xâm nhập mặn, hạn hán ở miền Nam rất có thể sẽ khiến cho tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo gia tăng trong năm 2020.

Bài liên quan
  • Giảm nghèo thông tin
    Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, có xác định các mục tiêu “Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin, giảm nghèo về thông tin”.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Chỉ hỗ trợ tiền cho người nghèo có danh sách từ 31/12/2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO