Chỉ khi xuất bản phát triển mới có một nền văn hoá đọc phát triển

Ngọc Anh| 08/12/2022 10:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhu cầu và yêu cầu khởi động nền công nghiệp xuất bản đã hình thành. Các đơn vị xuất bản đã sẵn sàng trở thành một ngành công nghiệp hiện đại chưa?

Các điều kiện cần và đủ cho một nền công nghiệp xuất bản

Tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành xuất bản - in và phát hành sách Việt Nam vào tháng 10/2022 vừa qua, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã yêu cầu hoạt động xuất bản phải kịp thời thích ứng, chuyển đổi, kinh tế xuất bản phải trở thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại.

Theo bà Đinh Thị Thanh Thuỷ (Giám đốc - Tổng biên tập NXB Tổng hợp TP. HCM), nhu cầu và yêu cầu khởi động nền công nghiệp xuất bản đã hình thành. Vấn đề là các đơn vị xuất bản cũng như các cơ chế dành cho ngành này đến nay đã hội đủ điều kiện và sẵn sàng trở thành một nền công nghiệp hiện đại chưa?

57 nhà xuất bản của Việt Nam đã thực sự làm một cuộc rà soát chi tiết về cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ để định hướng phát triển theo tiêu chí hiện đại và đa dạng hình thức xuất bản phẩm chưa? 

Và trong hơn 2.000 doanh nghiệp phát hành, chúng ta xác định được bao nhiêu đơn vị bên cạnh chức năng phân phối và phát hành, còn dư địa về nguồn vốn, năng lực đầu tư khai thác tác quyền để có thể phụ trợ và làm phong phú thêm nhiều đầu sách?...

Trước các câu hỏi đặt ra như vậy, bà Thuỷ cho rằng, trước hết phải bắt đầu từ chính các đơn vị làm sách. Để khởi động công nghệ, chuyển đổi số, tự thân nhà xuất bản cần chuẩn bị nguồn lực (gồm cả nhân lực và vật lực) để bắt nhịp giao dịch với các tác giả trong và ngoài nước, với các nhà xuất bản trên thế giới tổ chức bản thảo và khai thác tác quyền. 

Đó chính là khả năng ngoại ngữ, các công cụ đa phương tiện bổ trợ cho kỹ năng giao tiếp trong thế giới phẳng. Nhân lực trọng yếu tạo nên chất lượng của xuất bản phẩm chính là đội ngũ tác giả, dịch giả - người sáng tạo tác phẩm, biên tập viên - "bà đỡ" của tác phẩm. 

Làm sao cho nguồn nhân lực này bước vào dây chuyền công nghiệp, tức là sử dụng phương thức mới và công nghệ tiên tiến, nhưng vẫn tạo ra được những giá trị hiện đại hoặc bảo lưu giá trị truyền thống, cốt lõi trong các sản phẩm sách giấy, sách điện tử, sách nói…? 

Tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Thanh Thuỷ, tự thân các đơn vị xuất bản chưa đủ, sẽ không thể có ngành công nghiệp xuất bản hiện đại nếu chưa có những cơ chế, những tư duy quản lý "hiện đại" dành cho ngành. Cơ quan chỉ đạo xuất bản cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng chủ trương, nghị quyết riêng cho phát triển nền công nghiệp xuất bản. "Khi có thêm động lực và cơ chế cho xuất bản, những bước đi của ngành xuất bản nói chung và của các đơn vị xuất bản nói riêng, hướng tới một nền công nghiệp sẽ có lộ trình và cụ thể hơn" - bà Đinh Thị Thanh Thuỷ chia sẻ quan điểm.

Chỉ khi xuất bản phát triển mới có một nền văn hoá đọc phát triển - Ảnh 1.

Hoạt động xuất bản chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới

Về vấn đề này, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sách Alpha cho rằng, từng đơn vị xuất bản - nhân tố quan trọng trong công nghiệp xuất bản, cần tự vạch hướng phát triển cho giai đoạn 10-15 năm. Ông Nguyễn Cảnh Bình cũng đề xuất hình thành liên minh hoặc tập đoàn xuất bản như nhiều quốc gia phát triển trên thế giới; gắn ngành xuất bản, in và phát hành với sự phát triển của các ngành khác để phát triển xuất bản…

Còn theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Thái Hà Books, các cơ quan nhà nước cần tạo ra sân chơi cho giới xuất bản, cho các tác giả dịch giả,… "Tôi nhìn thấy rất rõ nếu các cơ quan nhà nước chú tâm vào việc kết nối, tạo ra sân chơi thân thiện, bổ ích, hiệu quả, hấp dẫn thì sẽ ra đời nhiều tác phẩm hay, có giá trị". 

Chuyển đổi số trong xuất bản là xu hướng tất yếu

Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính riêng năm 2021, toàn ngành xuất bản đạt hơn 40.000 đầu xuất bản phẩm (trong đó có hơn 32.000 đầu sách), hơn 460 triệu bản xuất bản phẩm (trong đó có 390 triệu bản sách), tăng hơn 1,5 lần so với năm 2001. Tổng doanh thu lĩnh vực xuất bản đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với năm 2002.

Tuy nhiên, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Minh Tuấn cho rằng, hoạt động xuất bản chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới. Tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người còn thấp, cơ cấu sách chưa hợp lý; chưa có nhiều cuốn sách có giá trị cao, có sức lan tỏa mạnh trong xã hội. Công nghiệp xuất bản với tư cách là một bộ phận của ngành công nghiệp văn hóa chưa phát triển đúng tầm; tiềm lực của các nhà xuất bản còn hạn chế. Phương thức xuất bản còn nhiều bất cập, việc ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ… 

Chỉ khi xuất bản phát triển mới có một nền văn hoá đọc phát triển - Ảnh 2.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là "chìa khóa" để xuất bản Việt Nam phát triển thành ngành công nghiệp xứng tầm

Thực tế, hơn hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động xuất bản, đặc biệt thị trường phát hành sách truyền thống gặp nhiều khó khăn. Các đơn vị phát hành sách lớn, các đơn vị liên kết xuất bản doanh thu giảm khoảng 30-40%. Song, dịch COVID-19 cũng thúc đẩy thị trường sách trực tuyến tăng trưởng đột biến. Về xuất bản điện tử, năm 2020 có 2.000 xuất bản phẩm, năm 2021 là 2.300 xuất bản phẩm và 6 tháng đầu năm 2022 là 1.142 xuất bản phẩm...

3 đơn vị phát hành sách nói: Công ty cổ phần Sách điện tử Waka, Công ty cổ phần Fonos, Công ty TNHH WeWe với ứng dụng sách nói VoizFM đã có hàng trăm nghìn tài khoản sử dụng thường xuyên với tổng lượt truy cập năm 2021 lên đến hơn 20 triệu lượt. Doanh thu của Công ty cổ phần Sách điện tử Waka tăng 20-30%/năm. Các đơn vị đẩy mạnh kênh phân phối trực tuyến đều có doanh thu tăng từ 30%/năm trở lên...

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Nguyên khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là "chìa khóa" để xuất bản Việt Nam phát triển thành ngành công nghiệp xứng tầm. Sự chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quy trình xuất bản, đẩy mạnh hoạt động phát hành trên các nền tảng thương mại điện tử, phát hành xuất bản phẩm điện tử, sách nói… của các đơn vị thời gian qua, đã tạo nên một thị trường xuất bản mở, giúp đa dạng hóa các loại hình xuất bản phẩm; đồng thời tạo bước tiến cho ngành xuất bản, in và phát hành.

Để ngành xuất bản phát triển, phải đầu tư cho văn hoá đọc

Mục tiêu của ngành xuất bản, in và phát hành trong giai đoạn mới là thực sự trở thành một bộ phận quan trọng, tạo đột phá cho ngành công nghiệp văn hóa, với việc duy trì tăng trưởng doanh thu hằng năm đạt 4,5-5%; tăng số lượng sách xuất bản/người/năm đạt 5-5,5 bản và đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử đạt 15% vào năm 2025; đưa Việt Nam vào nhóm 3 nước có nền xuất bản phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á... Muốn vậy, hoạt động xuất bản phải có sự chuyển mình đa chiều.

Hội sách, sàn sách trực tuyến nhằm đưa xuất bản phẩm đến tay người dùng

Hội sách, sàn sách trực tuyến nhằm đưa xuất bản phẩm đến tay người dùng

Để công nghiệp xuất bản phát triển, về phía cơ quan quản lý, theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, phải hoàn thiện văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách cho ngành; đẩy mạnh liên kết giữa nhà xuất bản với cơ sở phát hành xuất bản phẩm mạnh, hình thành chuỗi liên kết đủ năng lực dẫn dắt thị trường; thí điểm xây dựng nhà xuất bản số; phát triển một số sàn thương mại sách trực tuyến; hỗ trợ đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu xuất bản hiện đại…

Một số quốc gia có nền văn hóa đọc phát triển như Mỹ, Nhật hay Trung Quốc đều sở hữu một ngành xuất bản phát triển. Điển hình như Mỹ, quốc gia này có gần 114.000 thư viện, trong đó thư viện công cộng chiếm tới 9.000 cơ sở.

Tại Nhật Bản, có khoảng 33 triệu người đăng ký làm bạn đọc thường xuyên của các thư viện. Và mỗi năm, lượng sách đi qua hệ thống thư viện lên tới 650 triệu bản. Tức là tương đương gần 6 cuốn sách trên đầu người (so với tổng dân số).

Xuất bản và văn hóa đọc có mối quan hệ gắn kết, hữu cơ, không thể tách rời. Muốn cho ngành xuất bản phát triển, không thể không đầu tư cho câu chuyện về văn hóa đọc./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chỉ khi xuất bản phát triển mới có một nền văn hoá đọc phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO