Điểm số DTI 2020
VDCA vừa phối hợp cùng Cục Tin học hoá (AITA) - Bộ TT&TT đã lần đầu công bố Chỉ số Chuyển đổi số (CĐS) (DTI) cấp bộ và tỉnh năm 2020. Đây là năm đầu tiên, hai đơn vị nói trên đã công bố Chỉ số CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trong thời điểm năm 2020.
Trước đó, VDCA cũng đã phối hợp với AITA, và Vụ Quản lý DN - Bộ TT&TT, nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số CĐS, phối hợp, khảo sát, đánh giá và công bố kết quả CĐS của các cơ quan nhà nước (CQNN) năm 2020. DTI cấp bộ xoay quanh 7 chỉ số chính với 41 chỉ số thành phần và 111 tiêu chí. DTI cấp bộ được chia làm 2 nhóm: các bộ và cơ quan ngang bộ có cung cấp dịch vụ công (DVC); và các bộ, cơ quan ngang bộ không cung cấp DVC. Ngoài 7 chỉ số chính còn có 2 chỉ số khác là "Đánh giá trên không gian mạng", và "Đánh giá qua phỏng vấn chuyên gia".
Kết quả đánh giá của năm 2020 có 5 bộ, cơ quan ngang bộ đứng đầu, bao gồm: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, và Bộ Y tế.
Cấu trúc Bộ chỉ số DTI cấp tỉnh có khác so với DTI cấp bộ, 7 chỉ số chính được chia làm 3 trụ cột, bao gồm: trụ cột chính quyền số, trụ cột kinh tế số, và trụ cột xã hội số, với 108 chỉ số thành phần và 306 tiêu chí. Cũng giống như DTI cấp bộ, DTI cấp tỉnh, ngoài 7 chỉ số chính còn có 2 chỉ số phụ khác là "Đánh giá trên không gian mạng", và "Đánh giá qua phỏng vấn chuyên gia".
Qua đánh giá năm 2020, 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu về DTI, bao gồm: Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Bắc Ninh, Quảng Ninh, và TP. HCM.
Theo ông Vũ Kiêm Văn, Phó Tổng thư ký VDCA: "Từ các kết quả thu được chúng ta có thể thấy, chỉ số DTI nói chung của các bộ và cơ quan ngang bộ, các tỉnh/thành phố còn thấp và còn nhiều dư địa để cải thiện. Để cải thiện chỉ số này, bên cạnh việc các cơ quan xem xét điểm số của mình qua đánh giá của VDCA và AITA công bố xem chỉ số nào còn thấp để cải thiện. VDCA cũng đề ra một số những giải pháp chung để các cơ quan có thể tham khảo".
Đề xuất từ VDCA giúp cải thiện chỉ số DTI cấp bộ/tỉnh
Về thể chế, VDCA cho rằng cần có sự quan tâm của người đứng đầu đối với CĐS mà cụ thể hóa bằng: nghị quyết, chương trình/kế hoạch CĐS. Theo số liệu từ AITA, đến tháng 10/2011, ở cấp độ các bộ và tỉnh/thành đã có có 24/85 cơ quan ban hành nghị quyết về CĐS, 52/85 cơ quan ban hành chương trình, kế hoạch CĐS. Bên cạnh đó, các cơ quan cũng nên xây dựng và ban hành kiến trúc về chính quyền điện tử, kiến trúc về đô thị thông minh; Xây dựng kế hoạch phát triển về CNTT và CĐS 5 năm và kế hoạch hàng năm và xây dựng các quy định về chia sẻ dữ liệu. Trên thực tế, tất cả các nội dung nói trên đều đã được quy định trong các văn bản về CĐS, về ứng dụng CNTT.
Về nâng cao nhận thức và kỹ năng, giải pháp này liên quan đến 2 chỉ số chính, quan trọng trong DTI đó là nhận thức và nguồn nhân lực. VDCA khuyến nghị nâng cao công việc đào tạo kỹ năng số, xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo, tập huấn về CĐS, kỹ năng số cho cán bộ công chức trong CQNN và lãnh đạo lãnh đạo các DN trên địa bàn; Xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo, tập huấn về kỹ năng sử dụng và khai thác các DVC trực tuyến, khai thác dữ liệu mở do các tỉnh/thành phố cung cấp cho người dân và DN.
Vẫn theo ông Vũ Kiêm Văn, "Liên quan đến việc nâng cao nhận thức và kỹ năng CĐS, Liên Hợp Quốc cũng đã có khuyến nghị thay đổi nhận thức trong kỷ nguyên số, đó là cần thay đổi từ chính quyền mệnh lệnh sang chính quyền phục vụ, chính quyền cung cấp dịch vụ cho người dân. Nghĩa là người dân và DN sẽ là khách hàng của chính quyền. Chính quyền là cơ quan cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Chính quyền ứng dụng công nghệ để ra quyết định dựa trên dữ liệu lớn. Dữ liệu càng được sử dụng thì càng có giá trị, như vậy cần mở dữ liệu để người dân và DN khai thác".
Về đầu tư hạ tầng, cần xác định hạ tầng là yếu tố tiên quyết, cần đi trước một bước, và hạ tầng ổn định thì việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cho người dân mới ổn định và thông suốt, liên tục. Vì vậy, các bộ, các tỉnh cần phải quan tâm phát triển hạ tầng số để kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đảm bảo tính vận hành liên tục của các DVCTT. Trong đó việc tập trung phát triển các trung tâm dữ liệu (TTDL), đặc biệt là các TTDL theo mô hình công nghệ mới, như là điện toán đám mây, xây dựng các TTDL chính, TTDL dự phòng, đảm bảo sự hoạt động ổn định, an toàn. Tại Việt Nam cũng đang có một số địa phương đã xây dựng hệ thống mạng không dây, và mạng diện rộng tại các khu đô thị và hạ tầng mạng di động 3G, 4G, 5G. Những việc này đảm bảo việc tiếp cận dễ dàng của người dân khi truy cập vào các DVCTT do chính quyền cung cấp.
Làm rõ mối quan hệ giữa chính quyền số và đô thị thông minh (ĐTTM) khi chúng ta nói nhiều về vấn đề này, tuy nhiên, chưa ai đề cập đến mối liên hệ giữa hai nội dung nói trên là như thế nào? ĐTTM (Smart City) không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp là chỉ trong phạm vi khu vực đô thị mà nó còn bao trùm lên toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội của đia phương, chính vì vậy, ĐTTM là thành phần thu thập, tổng hợp dữ liệu và giúp chính quyền số điều hành công dân. Điều này có nghĩa đây là 2 thành phần không thể tách rời, do đó, các tỉnh/thành phố cần lưu ý trong việc thiết kế kiến trúc chính quyền số thì phải có liên hệ mật thiết với kiến trúc của ĐTTM. Như vậy mới đảm bảo được sự liên hệ hài hoà và hội tụ lẫn nhau của hai thành phần này.
Tiếp theo là cần đổi mới tư duy phát triển ứng dụng. Trước đây, chúng ta có tư duy phát triển ứng dụng theo mô hình đơn lẻ, nên tồn tại vấn đề là nhiều cơ quan với nhiều phần mềm, nhiều ứng dụng khác nhau nhỏ lẻ manh mún, dẫn đến sự bất cập là chi phí vận hành, bảo trì lớn. Và đối với người dân thì việc sử dụng qua lại nhiều ứng dụng cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, mô hình phát triển ứng dụng mới là mô hình nền tảng, có khả năng mở rộng nhanh, phát triển nhanh khi có những thủ tục hành chính mới.
Ngoài ra, VDCA khuyến nghị cần tạo lập những nền tảng dữ liệu mở, đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân, DN dễ dàng và kết nối, tích hợp, trao đổi thông tin dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương khác; Chú trọng phát triển các công nghệ mới, nâng cao hiệu quả của các ứng dụng và giảm chi phí nhân lực vận hành như các công nghệ về tự động hoá (automation), trí tuệ nhân tạo/dữ liệu lớn (AI/big data), blockchain,... Các CQNN cũng cần tích cực, khuyến khích việc đặt đầu bài, và huy động sự tham gia của các hội, hiệp hội, DN công nghệ Việt Nam trong việc phối hợp với các cơ quan trong việc phát triển các ứng dụng công nghệ.
Cần cải thiện vấn đề cơ chế tài chính bền vững: việc xây dựng các giải pháp công nghệ là quá trình liên tục, không phải làm một lần là xong. Khi một ứng dụng ra đời, sau đó còn cần phải nhiều chi phí khác, như vận hành, phân tích dữ liệu, và hỗ trợ cho lãnh đạo ra quyết định. Vì vậy, để phát huy được hiệu quả của một ứng dụng thì cần phải có chi phí để vận hành mãi mãi. Cần có cơ chế để các DN nghiệp công nghệ đầu tư vào các sản phẩm công nghệ đi song hành liên tục cùng CQNN.
Hiện tại Việt Nam còn đang vướng mắc trong việc định giá các dịch vụ CNTT, trong việc thực hiện cơ chế thuê dịch vụ CNTT, và cũng chưa có hành lang pháp lý về hợp tác công tư về đầu tư CNTT, vì vậy, hiện tồn tại nhiều tình huống các CQNN ra đầu bài hoặc cho DN làm trước nhưng không tính đến cơ chế tài chính với DN như thế nào, vì thế những sản phẩm công nghệ làm ra không có tính bền vững, không phục vụ được lâu dài do người dân và DN.
Cuối cùng là nâng cao khả năng tiếp cận của người dân. một trong những vấn đề cần quan tâm của các nhà quản lý và các DN công nghệ chính là làm sao để người dân dễ dàng tiếp cận nhất với các DVCTT của cơ quan nhà nước. Có 1 số giải pháp, bao gồm: lựa chọn các DVCTT thiết yếu, vì các thủ tục hành chính công thì rất nhiều, không ngay lập tức làm được, nên cần chọn những dịch vụ thiết yếu để làm trước, những dịch vụ mà người dân quan tâm nhiều, có lượng truy cập tiềm năng nhiều thì làm trước; Các CQNN cần cung cấp đầy đủ dịch vụ cho người dân qua môi trường đa kênh, không chỉ trên web mà còn trên smartphone, hotline, hệ thống gọi tự động; Tuyên truyền, hướng dẫn người dân qua các kênh chính thống và những nền tảng mà người dân truy cập nhiều ví dụ mạng xã hội.
Với tư duy CQNN là nơi cung cấp dịch vụ cho người dân, người dân là đối tượng thụ hưởng, là khách hàng nên cũng cần thiết lập những SLA (quy định về chất lượng dịch vụ), thiết lập hệ thống tổng đài, đường dây nóng, hệ thống trung tâm chăm sóc người dân (citizen care)... để CQNN là nơi phục vụ người dân đúng nghĩa./.