Chia sẻ dữ liệu: "điểm nghẽn" trong phát triển Chính phủ điện tử

PV| 27/04/2022 08:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Một trong những “điểm nghẽn” quan trọng cần tập trung tháo gỡ để phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT), Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) là vấn đề chia sẻ dữ liệu, nên người dân vẫn phải khai báo, cung cấp dữ liệu nhiều lần, nhất là khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC).

Ngày 07/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng được nhu cầu; cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (DN), CSDL quốc gia về bảo hiểm hoàn thành, từng bước được khai thác, sử dụng hiệu quả; việc trao đổi văn bản điện tử đã đi vào nền nếp; nhiều dịch vụ công (DVC) đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4; xếp hạng quốc gia về CPĐT được cải thiện; nhận thức về CĐS được nâng cao, thể hiện rõ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cũng bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại trong triển khai CPĐT, Chính phủ số, trong CĐS quốc gia như: hạ tầng kỹ thuật chưa được tối ưu hóa và vận hành chuyên nghiệp, chưa có khả năng linh hoạt đáp ứng yêu cầu mới phát sinh; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước (CQNN) còn hạn chế; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến thấp; hoạt động của cơ quan nhà nước vẫn còn nhiều công đoạn thủ công, dựa trên giấy tờ theo cách truyền thống; xếp hạng quốc gia về CPĐT tuy có cải thiện nhưng mới ở mức trung bình trong khu vực; CĐS chưa có nhiều kết quả đột phá.

Một trong những "điểm nghẽn" quan trọng cần tập trung tháo gỡ để phát triển CPĐT, Chính phủ số, thúc đẩy CĐS là vấn đề chia sẻ dữ liệu, nên người dân vẫn phải khai báo, cung cấp dữ liệu nhiều lần, nhất là khi thực hiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn thông tin (ATTT), an ninh mạng, công tác phát triển nguồn nhân lực CĐS và kinh phí chi cho hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số, CĐS chưa thực sự được quan tâm.

Để giải quyết những vấn đề trên, ngày 26/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy CĐS quốc gia. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về việc tăng cường quản lý đầu tư bảo đảm hiệu quả, ATTT, an ninh mạng trong ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số, CĐS quốc gia. Trong đó, cần lưu ý việc triển khai Hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) phải thiết thực, hiệu quả, bền vững.

Bên cạnh đó, triển khai theo kế hoạch hàng năm sử dụng hoặc dịch chuyển lên nền tảng điện toán đám mây (ĐTĐM), trong đó đặc biệt chú trọng tới việc bảo đảm trung tâm dữ liệu và nền tảng, dịch vụ ĐTĐM phục vụ Chính phủ số, chính quyền số tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu bảo đảm ATTT, an ninh mạng; ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp.

Triển khai hoặc thí điểm triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế - xã hội từ các nguồn khác nhau, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ CPĐT, Chính phủ số. Thời hạn hoàn thành vào tháng 12/2022.

Công khai danh mục CSDL dùng chung, danh mục các dịch vụ chia sẻ dữ liệu; hạn chế cung cấp thông tin qua hình thức văn bản đối với thông tin đã được khai thác qua hình thức kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin. Không thu thập lại dữ liệu hoặc yêu cầu người dân, DN cung cấp thông tin, dữ liệu khi thực hiện TTHC chính nếu thông tin, dữ liệu này đã được CQNN kết nối, chia sẻ, trừ trường hợp thông tin, dữ liệu không bảo đảm yêu cầu về chất lượng, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành hoặc pháp luật có quy định khác.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ thị thúc đẩy sử dụng DVC trực tuyến mức độ cao, trong đó chú trọng việc rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm thời gian, phí, lệ phí khi thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; tổ chức kết nối, tích hợp để cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 3, 4 đáp ứng yêu cầu trên Cổng DVC quốc gia; triển khai thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; giao chỉ tiêu về tỷ lệ DVC trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đến từng Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, DN và cộng đồng trong việc phổ biến, hướng dẫn sử dụng DVC trực tuyến. Thời hạn hoàn thành vào tháng 6/2022.

Thúc đẩy sử dụng DVC trực tuyến mức độ cao, trong đó chú trọng việc rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm thời gian, phí, lệ phí khi thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; tổ chức kết nối, tích hợp để cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 3, 4 đáp ứng yêu cầu trên Cổng DVC quốc gia; triển khai thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.

Giao chỉ tiêu về tỷ lệ DVC trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đến từng sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, DN và cộng đồng trong việc phổ biến, hướng dẫn sử dụng DVC trực tuyến. Thời hạn hoàn thành: tháng 6/2022.

Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 01/6/2022, cấp huyện từ ngày 01/12/2022, cấp xã từ ngày 01/6/2023.

Riêng 25 DVC thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/1/2022 thực hiện số hóa từ ngày 01/7/2022. Tập trung thực hiện có hiệu quả kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020

Bồi dưỡng, tập huấn cho tối thiểu 10.000 cán bộ CĐS

Theo Chỉ thị, Bộ TT&TT được giao định kỳ tháng 12 hằng năm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ danh sách nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm tiếp theo để phát triển CPĐT, Chính phủ số, thúc đẩy CĐS, cải thiện xếp hạng quốc gia, triển khai hiệu quả Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan khác.

Bộ TT&TT chủ trì tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho tối thiểu 10.000 cán bộ CĐS trong các CQNN ở Trung ương, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các cơ quan truyền thông, báo chí ngay trong năm 2022 để giải quyết nhu cầu cấp bách về nguồn lực phát triển CPĐT, Chính phủ số, thúc đẩy CĐS.

Thúc đẩy đưa hoạt động của người dân, DN lên môi trường số theo Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ CĐS, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Đồng thời đẩy mạnh việc phát triển và sử dụng các sản phẩm, DVC nghệ số trong nước sản xuất thông qua chương trình sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt (Make in Viet Nam); tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Triển khai thí điểm trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, đề xuất nhân rộng. Định kỳ hàng năm đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển CPĐT, Chính phủ số, CĐS đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các đối tượng phù hợp khác tùy theo từng giai đoạn phát triển./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chia sẻ dữ liệu: "điểm nghẽn" trong phát triển Chính phủ điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO