Chính phủ số

Chính phủ Hoa Kỳ: Định danh số giúp tiết kiệm hàng tỷ USD

Hạnh Tâm 13:01 08/12/2023

Danh tính số có thể là yếu tố quyết định thúc đẩy việc áp dụng fintech (công nghệ tài chính) vào năm 2024. Chính phủ Hoa Kỳ đang đầu tư rất nhiều ngân sách để giải quyết những thách thức trong quá trình triển khai danh tính số.

Chính phủ Hoa Kỳ đầu tư ngân sách để đổi mới công nghệ

Danh tính số có thể là yếu tố quyết định thúc đẩy việc áp dụng fintech (công nghệ tài chính) vào năm 2024. Nó cũng là trọng tâm của những nỗ lực giảm gian lận và cải thiện an ninh quốc gia.

Một nghiên cứu của Đại học Maryland năm 2023 đã phát hiện ra rằng cứ 10 người Mỹ thì có gần một người thiếu thẻ căn cước hợp lệ do chính phủ cấp. Đây là một lý do khiến các nỗ lực tiếp cận tài chính gặp khó khăn và gian lận tài chính trở nên phổ biến.

Chính phủ Hoa Kỳ đang đầu tư rất nhiều ngân sách để giải quyết những thách thức gặp phải trong việc triển khai danh tính số. Bộ Lao động Hoa Kỳ đang sử dụng 1,6 tỷ USD từ Đạo luật kế hoạch giải cứu Hoa Kỳ năm 2021 (American Rescue Plan Act) để xử lý vấn đề xác minh danh tính số ở cấp tiểu bang, bao gồm 600 triệu USD để hiện đại hóa các hệ thống IT của tiểu bang và 380 triệu USD để ngăn chặn gian lận.

anh-bai-33.png

Ngoài ra, Đạo luật Giảm lạm phát còn chi 500 triệu USD để thành lập các trung tâm đổi mới công nghệ khu vực. Ngoài chương trình này, bang Tây Virginia (West Virginia) còn phối hợp với một tập đoàn gồm 500 công ty lớn nhất của Mỹ (Fortune 500), các tổ chức học thuật, doanh nhân xuất sắc và nhà đầu tư để điều chỉnh những nỗ lực nhận dạng và xác thực. Điều này diễn ra sau khi Liên minh châu Âu, Ấn Độ và các quốc gia khác giới thiệu các chương trình nhận dạng số quốc gia.

Trên phạm vi toàn cầu, Ngân hàng thế giới ước tính “1 tỷ người trên toàn thế giới không có thông tin định danh cơ bản, trong đó có tới 1 trong 4 trẻ em và thanh thiếu niên chưa được đăng ký khai sinh”. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2019, vô số người sở hữu thông tin định danh không đáng tin vì chúng có chất lượng kém hoặc không có sở cứ tin cậy để có thể xác minh.

Những thách thức trong triển khai định danh số tại Hoa Kỳ

Định danh số là thông tin xác thực dựa trên hệ thống duy nhất là ứng dụng hoặc thiết bị (máy tính, điện thoại thông minh, mạng…) trong môi trường trực tuyến để xác thực danh tính của một người chứ không phải dựa trên cơ chế vật lý như hộ chiếu. Những thông tin xác thực này có thể là bất cứ thứ gì từ thiết bị di động đến cơ sở hạ tầng khóa công khai cho đến sinh trắc học. Những công nghệ Blockchain, thị giác máy tính, điện toán biên và các công nghệ khác đang nổi lên như những công nghệ cơ sở hạ tầng cơ bản cho thiết lập định danh số.

Việc giải quyết thách thức về danh tính càng trở nên cấp bách hơn trong một thế giới số hóa nhanh chóng. Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey (The McKinsey Global Institute - MGI) ước tính 3,4 tỷ người có một số hình thức định danh nhưng khả năng sử dụng nó lại bị hạn chế trong thế giới số. Những nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách và mở rộng sử dụng định danh số hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong tuần lễ Fintech Boston năm 2023 của Fintech Sandbox, các nhà lãnh đạo từ các công ty chuyên về danh tính như Prove, Rank One Computing và IDPartner Systems đã chỉ ra sự cần thiết của các bộ dữ liệu mạnh mẽ hơn để đào tạo các mô hình AI làm nền tảng cho hệ thống nhận dạng số và tránh những sai lệch.

Những vấn đề tồn tại này đã gia tăng theo cấp số nhân mức độ rủi ro đối với Hoa Kỳ, an ninh quốc gia cũng như hoạt động kinh tế của nước này. Ví dụ, việc thiếu khả năng nhận dạng số tập trung vào quyền riêng tư ở Hoa Kỳ đã cản trở những nỗ lực tăng cường tiếp cận tài chính số cũng như thu hẹp khoảng cách số trong chăm sóc sức khỏe trên các dịch vụ y tế số. Trong một nghiên cứu năm 2022, Boston Consulting Group ước tính ít nhất 1,6 nghìn tỷ USD và vô số sinh mạng có thể được cứu trên toàn cầu mỗi năm thông qua dịch vụ số trong chăm sóc sức.

Tuy nhiên, định danh số cũng sẽ giúp giảm thiểu gian lận. Theo nghiên cứu do Payments Journal công bố, chỉ riêng năm 2021, 42 triệu người Mỹ là nạn nhân của vụ lừa đảo danh tính số với thiệt hại 52 tỷ USD. Còn theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, “khả năng định danh số có thể mang lại giá trị từ 3 đến 13% GDP vào năm 2030”.

Do đó, tháng 3 vừa qua, Nhà Trắng đã đặt định danh số lên mức ưu tiên hàng đầu trong Chiến lược an ninh mạng quốc gia.

Sarah Biller, giám đốc của Vantage Ventures và là đồng sáng lập FinTech Sandbox lưu ý: “Ngày nay, việc thiếu các giải pháp định danh số dựa trên những nhu cầu của người dân, bảo vệ quyền riêng tư, an toàn đã tạo điều kiện cho gian lận phát triển, đồng thời làm tăng thêm sự kém hiệu quả cho các dịch vụ tài chính”.

Việc giải quyết những thách thức này đòi hỏi một cách tiếp cận phối hợp giữa cả khu vực công, tư nhân, học thuật, nhà đầu tư và doanh nghiệp. Mở đường cho chiến lược định danh số có nguyên tắc, ưu tiên quyền riêng tư, phù hợp với tất cả người Mỹ sẽ bắt đầu ở Appalachia./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ Hoa Kỳ: Định danh số giúp tiết kiệm hàng tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO