Truyền thông

Chính phủ sẽ tập trung ưu tiên tháo gỡ các rào cản, vướng mắc

Hà Phương 26/10/2023 14:29

Năm 2023, mặc dù đại dịch COVID-19 ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu đã lắng xuống, nhưng những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nước ta trong quá trình phục hồi và phát triển chưa giảm. Là một nước đang phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, độ mở của nền kinh tế lớn, Việt Nam chịu tác động rất mạnh bởi diễn biến của bối cảnh tình hình thế giới.

anh-bai1.png
Kim ngạch xuất khẩu gạo tăng cao tạo động lực cho sản xuất lúa trong nước.

Xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước

Trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp hết sức tổng thể và toàn diện, hiệu quả trên cơ sở phân tích, dự báo kỹ, sát diễn biến tình hình. Từ đó, có sự phản ứng chính sách nhanh nhạy, kịp thời, đưa ra những kịch bản, giải pháp linh hoạt, mềm dẻo, khả thi trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội.

Bước sang quý 4 năm 2023, Việt Nam đã duy trì được đà phục hồi và tăng trưởng mà theo nhận định của Chính phủ đó là sự phát triển theo xu hướng "phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.

Sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự chủ động vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực của toàn xã hội, Việt Nam đã tận dụng được tối đa các cơ hội và lợi thế cho phát triển; hóa giải, ứng phó và xử lý hiệu quả nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Trong khó khăn, Việt Nam đã cơ bản giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô; tăng trưởng được thúc đẩy trên nền tảng lạm pháp được kiểm soát tốt; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; các giải pháp về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả;...

Theo dự báo, thời gian tới, với bối cảnh và tình hình sẽ tiếp tục có những khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp, khó lường và những khó khăn, thách thức vẫn được dự báo là nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi. Vì vậy, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt chú trọng công tác nắm tình hình, tăng cường năng lực phân tích, dự báo để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả... Từ đó chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản, giải pháp ứng phó dứt khoát, kịp thời, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống trước các diễn biến tình hình ở cả bên trong và bên ngoài.

Trong thúc đẩy phát triển kinh tế, cần đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tập trung ưu tiên tháo gỡ các rào cản, vướng mắc; giảm chi phí và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Có những giải pháp hiệu quả, tạo cú hích mạnh mẽ hơn nữa vào các động lực tăng trưởng. Trong đó, về đầu tư, cần có các giải pháp đột phá, tạo mọi thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội, nhất là đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài. Về xuất khẩu, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các nhóm hàng hóa chủ lực của Việt Nam ở cả thị trường truyền thống và thị trường mới; đi liền với đó là thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước (với hơn 100 triệu dân) đang có tiềm năng rất lớn.

Cùng với đó, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo để trở thành động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Phát huy tốt vai trò của nông nghiệp với vị trí như "bệ đỡ" của nền kinh tế trong cả thời gian dài vừa qua.

Nông nghiệp gia tăng giá trị sản xuất

Những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung tăng sức sản xuất, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực thực phẩm trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Đối với sản xuất lúa tính đến hết quý 3, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.492,5 nghìn ha, bằng 99,2% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía bắc đạt 1.005,6 nghìn ha, bằng 98,3%, các địa phương phía nam đạt 486,9 nghìn ha, bằng 101,1%.

Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 1.911,7 nghìn ha, giảm 2,8 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước. Tính đến ngày 15/9/2023, các địa phương đã thu hoạch được 1.786,3 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 93,4% diện tích gieo cấy và bằng 94,8% cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 57,6 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha; sản lượng đạt 11 triệu tấn, tăng 173 nghìn tấn. Đến giữa tháng 9, vùng đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 604,2 nghìn ha lúa thu đông, bằng 105% cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh lúa, trong 9 tháng năm 2023, sản lượng thu hoạch một số cây công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chè búp đạt 904,6 nghìn tấn, tăng 2,7%; cao su đạt 873,4 nghìn tấn, tăng 2,3%; dừa đạt 1.483,1 nghìn tấn, tăng 6,3%; điều đạt 358,3 nghìn tấn, tăng 5,4%.

Chăn nuôi trâu, bò cũng phát triển ổn định; chăn nuôi lợn và gia cầm bảo đảm nguồn cung cho thị trường; dịch bệnh được kiểm soát.

Đối với lĩnh vực thủy sản, sản lượng thủy sản quý III/2023 ước đạt 2.520,2 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 6.796,7 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 3.792,5 nghìn tấn, tăng 3,6%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 3.004,2 nghìn tấn, tăng 0,4%.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung 3 quý tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 38,48 tỷ USD. Trong đó, nhóm thuỷ sản đạt 6,64 tỷ USD, giảm 21,7%; lâm sản 10,44 tỷ USD, giảm 20,6%; đầu vào sản xuất 1,49 tỷ USD, giảm 20,2%. Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có giá trị tăng; trong đó nông sản đạt 19,54 tỷ USD, tăng 16,7% (đóng góp bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; gạo 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%; hạt điều 2,61 tỷ USD, tăng 14,3%; cà- phê 3,16 tỷ USD, tăng 1,9%) và sản phẩm chăn nuôi ước đạt 369 triệu USD, tăng 26,4%.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu 54- 55 tỷ USD cả năm 2023, cần gia tăng sản xuất nông nghiệp những tháng cuối năm để bảo đảm nguồn cung hàng hóa. Theo Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường, mặc dù diện tích lúa hè thu năm nay giảm nhưng năng suất lại tăng nên sản lượng vẫn tăng so với vụ hè thu năm trước. Đây là nguồn cung quan trọng phục vụ cho hoạt động xuất khẩu gạo, nhất là trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu tăng cao như thời gian vừa qua. Thời gian tới, Cục Trồng trọt tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; đặc biệt lưu ý bảo đảm nguồn nước cho sản xuất lúa tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và tăng cường công tác bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm; tăng cường chỉ đạo nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn....

Không né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm

Ngày 24/10/2023, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện số 993/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp quyết tâm hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, chủ động tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023, Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022, Công văn số 178/TTg-CN ngày 27/3/2023, Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 1/4/2023, Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 16/4/2023 và tại các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước đây. Các Bộ, ngành và địa phương phải coi đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, không né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm./.

Bài liên quan
  • Tập trung khai thác tốt du lịch nông nghiệp, nông thôn
    Việt Nam đang triển khai các phương thức du lịch mới và bền vững như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để khai thác được “mỏ vàng” này, cần nhiều chính sách đồng bộ hơn nữa.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ sẽ tập trung ưu tiên tháo gỡ các rào cản, vướng mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO