Chính phủ số cải thiện chất lượng cuộc sống, xây dựng lòng tin của người dân

Anh Minh| 18/08/2022 06:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Chính phủ Campuchia đang chuẩn bị một dự thảo luật mới phù hợp với Chính sách chính phủ số Campuchia 2022 - 2035 nhằm hợp lý hóa hành chính công, thúc đẩy quản trị và cải thiện dịch vụ công.

Phát biểu tại lễ tốt nghiệp ở Đại học Puthisastra có trụ sở tại Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết đại dịch COVID-19 trong hai năm qua đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở quốc gia Đông Nam Á này, các hoạt động như thương mại điện tử, thanh toán di động và học tập trực tuyến gia tăng mạnh mẽ.

Thủ tướng Hun Sen cho biết: "Giờ đây, mọi thứ đã chuyển sang trực tuyến, thậm chí cả dịch vụ taxi. Đại dịch đã tạo cơ hội cho Campuchia tối đa hóa lợi ích của số hóa". Ông cũng cho biết thêm không dưới 3 triệu trong số gần 4 triệu sinh viên của Campuchia đã học trực tuyến trong đợt đại dịch hai năm qua.

Đặc biệt, ông Hun Sen cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng đã mang đến mô hình chính phủ điện tử cho đất nước Campuchia. Ông nói rằng truyền thông kỹ thuật số nhanh hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn so với truyền thông truyền thống, đặc biệt là khi đối mặt với đại dịch COVID-19.

Thủ tướng nhắc lại rằng ông sẽ không bổ nhiệm bất kỳ quan chức cấp cao nào không có kiến thức về sử dụng điện thoại thông minh và các ứng dụng như WhatsApp và Zoom.

Theo Bộ Bưu chính Viễn thông, Campuchia có khoảng 17,8 triệu thuê bao dịch vụ Internet, vượt quá tổng dân số 16 triệu của cả nước vì nhiều người đã đăng ký nhiều hơn một dịch vụ Internet.

Số lượng người dùng Internet cao đã góp phần vào sự phát triển kỹ thuật số ở vương quốc này.

Thông tin trên báo Phnompenh Post của Campuchia cho biết Bộ Bưu chính Viễn thông đang chuẩn bị một dự thảo luật mới phù hợp với Chính sách chính phủ số Campuchia 2022 - 2035 nhằm hợp lý hóa hành chính công, thúc đẩy quản trị tốt và cải thiện dịch vụ công để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Bộ trưởng Viễn thông Campuchia Chea Vandeth cho biết chính phủ đã đưa ra chính sách số nhằm xây dựng một chính phủ thông minh, bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng và công nghệ số như các hệ thống sinh thái để thực hiện các cải cách minh bạch, phát triển một nền kinh tế và xã hội số.

“Các chuyên gia của Bộ hiện đang nghiên cứu văn bản pháp luật của các nước khác để lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo luật. Chúng tôi dự kiến sẽ mất ít nhất 1,5 năm để hoàn thiện dự thảo luật”, ông nói.

Bộ trưởng Vandeth cho biết Bộ hoàn toàn ủng hộ tham vọng của chính phủ là biến Campuchia trở thành một nền kinh tế và xã hội số vào năm 2035, sử dụng rộng rãi công nghệ cho tất cả các giao dịch, lớn và nhỏ.

Để Campuchia hiện thực hóa tầm nhìn của chính phủ, Bộ trưởng Vandeth cho biết thêm mọi người trong tất cả các ngành phải chuẩn bị cho làm chủ việc sử dụng công nghệ trong cuộc sống nghề nghiệp của họ. Các tổ chức nhà nước - và khu vực tư nhân - sẽ sử dụng các công nghệ tiên tiến cung cấp các dịch vụ công cho mọi người dân.

“Chúng tôi đang bắt đầu quá trình này. Khu vực tư nhân cũng phải sử dụng các phương tiện số để quản lý các công ty và cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho khách hàng. Tầm nhìn của chúng tôi là Campuchia sẽ được vận hành gần như hoàn toàn bằng kỹ thuật số vào năm 2023”, ông nói.

Để đạt được mục tiêu này, ông cho biết Bộ đã đề ra 10 chiến lược và 86 kế hoạch hành động. Các Bộ đều có đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các cuộc chuyển đổi thành công. “Chúng tôi sẽ thành lập một chính phủ số để cải thiện chất lượng cuộc sống ở Campuchia và xây dựng lòng tin của người dân thông qua việc cung cấp dịch vụ công tốt hơn”.

Vào tháng 1, Thủ tướng Hun Sen đã đưa ra các chính sách số với mục tiêu sẽ có lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội số bền vững./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ số cải thiện chất lượng cuộc sống, xây dựng lòng tin của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO