Truyền thông

Chính quyền số - Yếu tố then chốt phát triển kinh tế, xã hội vững chắc

Quỳnh Trang 09/08/2024 16:11

Xây dựng và phát triển chính quyền số là yếu tố then chốt trong chiến lược cải cách hành chính, góp phần tạo nên một nền hành chính minh bạch, hiện đại và chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả và có hiệu lực. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự tác động mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quản trị Nhà nước, đặc biệt là việc thiết lập chính quyền số, trở thành yêu cầu cấp bách đối với các cấp, Bộ, ngành và địa phương.

Cơ hội và ưu thế vượt trội

Nội hàm của chuyển đổi số (CĐS) rất rộng lớn và đa dạng, bao gồm các yếu tố chính như chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, nền tảng số, quản trị số. Việc xây dựng chính quyền số (CQS) không chỉ đòi hỏi các cấp chính quyền phải thay đổi tư duy quản lý từ vai trò "lái thuyền" sang "chèo thuyền", mà còn phải định hướng và dẫn dắt doanh nghiệp, người dân áp dụng những thành tựu khoa học - công nghệ (KH-CN) vào quá trình giải quyết công việc trong môi trường số.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và chú trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Một minh chứng rõ ràng cho điều này là Quyết định 1726/QĐ-BTTTT, ngày 12/10/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về phê duyệt Đề án "Xác định Bộ chỉ số đánh giá CĐS của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của quốc gia".

Đề án là một chiến lược tổng thể, đưa ra tầm nhìn, mục tiêu và trách nhiệm triển khai các nội dung theo một lộ trình cụ thể, đảm bảo sự thực hiện đồng bộ, kế thừa và kết nối. Đây được coi là một bước ngoặt quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số nói chung và phát triển chính quyền số nói riêng. Chính quyền các cấp phải chủ động thay đổi cách tiếp cận, từ quản lý truyền thống sang quản lý thông minh, linh hoạt và hiệu quả hơn nhờ vào công nghệ số.

Việc xây dựng và phát triển chính quyền số không chỉ nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước mà còn hướng tới việc tạo ra một nền hành chính minh bạch, hiện đại và chuyên nghiệp. Một chính quyền gần dân, thấu hiểu tâm tư và nguyện vọng của người dân không chỉ là mong muốn của toàn xã hội mà còn là mục tiêu của nhiều cấp chính quyền trên khắp thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ, các giao thức kết nối đã không ngừng tiến hóa, tạo ra những cơ hội mới giúp mỗi cá nhân giao tiếp hiệu quả hơn và còn cung cấp cho chính quyền các kênh tiếp xúc trực tiếp với người dân.

Nhờ vào CĐS, chính quyền có thể thu hẹp khoảng cách với người dân, lắng nghe ý kiến, phản hồi và giải quyết kịp thời các vấn đề mà nhân dân đang gặp phải. Đây là một xu hướng không thể đảo ngược, đóng góp tích cực vào việc xây dựng một xã hội phát triển, minh bạch và bền vững.

Triển khai chuyển đổi số tại các tỉnh thành, chính quyền địa phương là yêu cầu cấp thiết của thời đại. (Ảnh minh họa)

Tiến trình triển khai chính quyền số tại các địa phương hiện nay

TP. Hồ Chí Minh luôn chú trọng phát triển và triển khai chính quyền số từ cấp Thành phố đến cấp cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng và khai thác các hệ thống cơ sở dữ liệu, bao gồm hộ tịch, dân cư, nền thông tin địa lý, bảo hiểm, cùng với kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở.

Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch quan trọng: đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, và đăng ký nhận cha, mẹ, con. Đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp, như: cấp bản sao trích lục kết hôn, khai sinh, khai tử, và đăng ký nhận cha, mẹ, con từ kho dữ liệu dùng chung; mà không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký hay nơi cư trú nhằm nâng cao hiệu quả xử lý các thủ tục hành chính.

Thành phố phối hợp cùng với Bộ Công an hoàn thành kết nối dịch vụ xác thực và định danh điện tử trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hoàn tất việc tích hợp và chia sẻ dữ liệu đăng ký doanh nghiệp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời phối hợp với Cục Thuế để chuẩn bị tích hợp dữ liệu thuế. Việc tích hợp dữ liệu về hệ thống thoát nước, chiếu sáng đô thị, công viên cây xanh, hạ tầng giao thông, và các dữ liệu điện lực, cấp nước, bản đồ địa chính, quy hoạch đô thị vào kho dữ liệu chung của Thành phố cũng được triển khai. Ngoài ra, Thành phố đã thực hiện số hóa và vận hành nhiều dữ liệu liên quan đến cơ sở dữ liệu người dân, như: dữ liệu lao động thương binh xã hội, y tế, văn hóa, cán bộ, công chức, viên chức…

Đến hết Quý I/2024, TP. Hồ Chí Minh cung cấp 29.248 hộp thư điện tử cho các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ trao đổi công tác. Hơn 1.140 đơn vị trên địa bàn Thành phố đã được kết nối liên thông, với 100% các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn tham gia. Toàn bộ văn bản phát hành đều ứng dụng chữ ký số và được xử lý trên môi trường mạng; thư mời họp và lịch công tác giữa các cơ quan nhà nước cũng hoàn toàn chuyển sang môi trường số.

Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai hệ thống ứng dụng phần mềm lắng nghe mạng xã hội đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình xây dựng thành phố thông minh. Hệ thống này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền mà còn tăng cường sự tương tác với người dân. Nhờ vào công nghệ tiên tiến, chính quyền có thể phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn, ngăn chặn nguy cơ rủi ro, và cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước. Việc thu thập ý kiến phản hồi từ người dân qua mạng xã hội góp phần nâng cao tính minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình, giúp lãnh đạo thành phố ban hành những chính sách kịp thời trước những vấn đề người dân quan tâm và xây dựng niềm tin vững chắc giữa chính quyền và cộng đồng.

Tại TP. Hà Nội, ứng dụng "Công dân Thủ đô số" (iHanoi) vừa được ra mắt, đánh dấu một bước đột phá trong việc thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền thành phố và người dân. Trước khi chính thức ra mắt, chuyên mục "Phản ánh hiện trường" của ứng dụng iHanoi đã thu hút sự quan tâm lớn từ người dân. Họ kỳ vọng rằng các phản ánh và kiến nghị của mình sẽ được chuyển tải nhanh chóng đến chính quyền địa phương, chấm dứt tình trạng “người nói không có người nghe” hoặc tiếp nhận nhưng không được xử lý kịp thời.

Sau hơn hai tháng thí điểm và gần nửa tháng chính thức triển khai, iHanoi đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết các vấn đề mà người dân gửi đến qua chuyên mục "Phản ánh hiện trường", như vi phạm bãi đỗ xe, vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy. Tất cả các phản ánh, dù lớn hay nhỏ, đều được chính quyền tiếp nhận và trả lời ngay lập tức. Kèm theo thông báo trả lời là hình ảnh minh chứng cho kết quả xử lý, đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả trong công tác quản lý.

UBND thành phố Hà Nội đang đưa ra những chỉ đạo quyết liệt với mục tiêu là mở rộng sự phổ biến của ứng dụng iHanoi, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và phục vụ người dân. Chủ tịch UBND thành phố đã ra Công điện yêu cầu tất cả các Sở, ban, ngành và đơn vị thuộc thành phố phải đảm bảo 100% cán bộ, công chức và viên chức cài đặt và sử dụng iHanoi trước ngày 30/7/2024.

Loạt tiện ích được tích hợp trên ứng dụng iHanoi.

iHanoi không chỉ là một công cụ quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số của Hà Nội mà còn thể hiện sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của thành phố.

Hà Nội là địa phương tiên phong trong cả nước khi ban hành Nghị quyết hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID). Thành phố cũng đã đưa vào vận hành nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP), kết nối với 7 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của thành phố và 14 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu quốc gia và các Bộ, ngành.

Hà Nội còn thử nghiệm nhiều hệ thống thông tin và ứng dụng mới, hướng tới xây dựng một thành phố thông minh và hiện đại. Các dự án đang triển khai bao gồm hồ sơ sức khỏe điện tử trên VneID, ứng dụng "Thẻ vé giao thông Hà Nội" sử dụng thẻ QR động cho vận tải hành khách công cộng, thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt, và quản lý thuế đối với thương mại điện tử. Thành phố cũng đang nhân rộng các mô hình như thanh toán không dùng tiền mặt, chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt, và chuyển đổi trong trường học.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh, hiện đại, kết nối với mạng lưới đô thị thông minh toàn cầu, duy trì vị trí hàng đầu về chuyển đổi số trong cả nước, và phát triển nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm.

Tập trung hơn vào việc xây dựng hệ thống chính quyền số

Rào cản lớn nhất đối với CĐS chính là tư duy và thói quen cũ. Yếu tố quan trọng để xây dựng Chính quyền số thành công là:

Thứ nhất, là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp; phải có chương trình, kế hoạch cụ thể; phải tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, tăng cường phối hợp, bám sát thực tế, phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt là sự vào cuộc của người đứng đầu với quyết tâm cao, làm việc có trọng tâm, trọng điểm.

Một số tổ chức và cá nhân hiện nay vẫn hiểu sai về xây dựng chính quyền số (CQS), dẫn đến thực hiện chưa hiệu quả. Do đó, cần đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức ở từng cá nhân và tổ chức;

Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, mạnh dạn thí điểm các mô hình mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển.

Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu; luôn cầu thị, lắng nghe phản ánh của người dân, doanh nghiệp; phải nói thật, làm thật, để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật những thành quả do chuyển đổi số mang lại theo tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau;

Thứ tư, phát triển nền tảng số, dữ liệu số, hệ sinh thái số thuận tiện; nâng cấp an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ chủ quyền không gian mạng; tăng cường xây dựng văn hóa số, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập thế giới;

Thứ năm, đào tạo nhân lực số, chú trọng đào tạo kĩ năng số gắn với nhu cầu thị trường; Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước trong việc xây dựng, phát triển hạ tầng số, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể, mục tiêu cuối cùng là phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chính quyền số - Yếu tố then chốt phát triển kinh tế, xã hội vững chắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO