Chính sách chuyển đổi số y tế đem lại nhiều lợi ích cho người dân
Chuyển đổi số y tế là một yêu cầu mang tính tất yếu, đồng thời cũng là nền tảng, động lực cho sự phát triển của ngành y tế trong thời kỳ mới.
Chính sách chuyển đổi số y tế được Đảng và Nhà nước quan tâm
Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu và là một yêu cầu bắt buộc giúp các quốc gia phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Đối với ngành y tế ở Việt Nam, chuyển đổi số cũng là chính sách được Đảng và Nhà nước rất quan tâm.
Theo chính sách của Đảng và Nhà nước, chuyển đổi số là một chủ trương lớn, đột phá quan trọng, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, y tế được xác định là một trong các lĩnh vực có tác động xã hội lớn, liên quan hằng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước.
Ngày 3/2/2023, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đã ban hành Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ “Về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu chung: Một là nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời, hiệu quả; Hai là công tác quản lý điều hành của Bộ Y tế, của các đơn vị y tế trong ngành y tế phải được chuyển đổi thực hiện trên môi trường số. Xây dựng và triển khai công tác chuyển đổi số trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số hiện đại thông qua việc số hóa toàn bộ thông tin: quản lý hệ thống nhân lực, nguồn lực; công tác cấp phép, cấp số đăng ký; công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên môi trường mạng được bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Để thực hiện chuyển đổi số y tế, đầu tiên phải cần xây dựng nền tảng cho chuyển đổi số. Nội dung này bao gồm nhiều hoạt động, như chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; xây dựng cơ chế thuê dịch vụ y tế số; phát triển hạ tầng số y tế; phát triển dữ liệu số y tế; phát triển các cơ sở dữ liệu dùng chung trong ngành y tế, phát triển nền tảng số trong y tế, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số và phát triển nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến chính sách phát triển chính phủ số trong ngành y tế: tập trung phát triển và nâng cấp hệ thống thông tin y tế trên các nền tảng số mới nhất, nhằm cung cấp thông tin và dịch vụ y tế một cách đơn giản và thuận tiện trên các thiết bị di động. Đồng thời, áp dụng phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, mang lại trải nghiệm tốt nhất và thân thiện nhất cho người dùng.
Mặt khác, cũng cần phát triển kinh tế số trong ngành y tế: Phát triển kinh tế số trong lĩnh vực y tế đặt trọng điểm vào việc thúc đẩy doanh nghiệp y tế và cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường sử dụng công nghệ số trong quản lý và cung cấp dịch vụ y tế, nhằm nâng cao trải nghiệm và tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và nhân viên y tế; Phát triển xã hội số trong ngành y tế để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và đơn vị y tế trong quá trình chuyển đổi số.
Chính sách chuyển đổi số y tế đem lại nhiều lợi ích cho người dân
Sau một thời gian triển khai, thực hiện, chính sách chuyển đổi số y tế đã bước đầu thành công, đem lại nhiều lợi ích cho người dân đặc biệt là trong các khía cạnh về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm chi phí y tế và khả năng tự chăm sóc sức khỏe của người dân.
Đầu tiên, chính sách chuyển đổi số y tế đem đến sự tiện lợi và dễ dàng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân. Người dân có thể dễ dàng đặt lịch khám và tư vấn trực tuyến với bác sĩ thông qua các ứng dụng hoặc trang web của bệnh viện. Việc này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, giảm tình trạng đông đúc tại bệnh viện và cho phép người dân có thể chọn thời gian khám phù hợp với lịch trình của mình.
Việc triển khai tiếp đón người bệnh đi khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc qua ứng dụng định danh điện tử của Bộ Công an (ứng dụng VNeID) cũng giúp tạo thuận lợi cho người dân. Ngoài ra, việc xem kết quả xét nghiệm và chẩn đoán từ xa cũng là một tính năng quan trọng của chuyển đổi số y tế.
Thứ hai, chính sách chuyển đổi số y tế giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Điều này có được nhờ sổ sức khỏe điện tử, hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và hỗ trợ điều trị từ xa (telemedicine).
Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp người dân tự theo dõi được các thông tin của mình, từ kết quả xét nghiệm, lịch sử bệnh án đến thông tin về thuốc và bệnh lý liên quan. Thông qua sổ này, bác sĩ có thể có đầy đủ và chính xác thông tin để chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Hệ thống quản lý bệnh viện (HIS) giúp quản lý hồ sơ bệnh án, theo dõi sức khỏe và thanh toán viện phí, cho phép cập nhật thông tin về sức khỏe và kết quả xét nghiệm, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn. Ngoài ra, HIS còn giúp quản lý thanh toán viện phí dễ dàng và chính xác.
Trí tuệ nhân tạo có thể nhận diện triệu chứng bệnh và đưa ra khuyến nghị điều trị chính xác. Trí tuệ nhân tạo có thể giúp giảm tỷ lệ chẩn đoán sai hoặc bỏ sót ca bệnh, qua đó làm tăng chất lượng dịch vụ y tế.
Hỗ trợ điều trị từ xa là tính năng quan trọng trong chuyển đổi số y tế, giúp kết nối người dân với các chuyên gia y tế hàng đầu, giúp cho việc tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao trở nên dễ dàng hơn, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa (telehealth), giúp đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho nhân viên y tế tại các vùng khó khăn, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng dịch vụ y tế.
Thứ ba, chính sách chuyển đổi số giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho người dân.
Thứ tư, chính sách này còn giúp người dân tăng cường khả năng tự chăm sóc sức khỏe thông qua việc theo dõi sức khỏe cá nhân qua các thiết bị thông minh, truy cập thông tin y tế uy tín và chính xác từ các nguồn đáng tin cậy, cũng như tham gia các chương trình giáo dục sức khỏe trực tuyến. Điều này giúp nâng cao nhận thức và kiến thức về sức khỏe của mọi người, từ đó giúp họ có lối sống lành mạnh hơn và phòng tránh được nhiều căn bệnh./.