Chính sách mới về tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội có hiệu lực từ tháng 12/2024
Trong số các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2024, chính sách về Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó đặc biệt là quy định mới về việc tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan nhận được nhiều quan tâm.
Tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội tăng từ 1-5 tuổi
Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2008, năm 2014 đã tạo tiền đề, cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội.
Ngày 28/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam với 458/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung có 7 điểm mới, đặc biệt là quy định mới về tuổi phục vụ tại ngũ (tuổi nghỉ hưu) của sĩ quan quân đội.
Theo luật được thông qua, tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất (tuổi nghỉ hưu) với sĩ quan theo bậc quân hàm tăng từ 1-5 tuổi so với luật hiện hành. Cụ thể tuổi nghỉ hưu của cấp úy 50 tuổi; thiếu tá 52; trung tá 54; thượng tá 56; đại tá 58 và cấp tướng 60 tuổi.
Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, năng lực, sức khỏe và tự nguyện, có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm. Trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Quốc phòng.
Đối tượng được xem xét kéo dài bao gồm: Sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành; nhà giáo nhân dân; thầy thuốc nhân dân; nghệ nhân dân đang làm việc đúng chuyên ngành ở các nhà trường, cơ sở nghiên cứu, bệnh viện, đoàn nghệ thuật.
Sĩ quan là kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ đại học trở lên, sĩ quan đào tạo chuyên ngành hẹp, chuyên sâu, công phu, đặc thù, đang làm việc đúng chuyên ngành ở các nhà trường, cơ sở nghiên cứu, bệnh viện, đoàn nghệ thuật, nhà máy, doanh nghiệp quốc phòng; sĩ quan có trình độ đại học trở lên, đơn vị điệp báo chiến lược, đơn vị đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chưa có người thay.
Phi công quân sự; sĩ quan đang làm nhiệm vụ chiến đấu hoặc nhiệm vụ đặc biệt và một số sĩ quan khác theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Thời gian kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan không quá 05 năm, trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Hằng năm, các đơn vị theo thẩm quyền sẽ xem xét việc kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của sĩ quan, nếu không đáp ứng một trong các điều kiện theo quy định thì xét để sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ.
Chính sách tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan Quân đội được Quốc hội đánh giá cao
Mục đích của tăng tuổi phục vụ tại ngũ là nhằm phát huy được năng lực, trình độ, kinh nghiệm của đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, góp phần giảm áp lực đào tạo cán bộ, bảo đảm cho đa số sỹ quan, nhất là cấp Trung tá trở xuống khi nghỉ hưu có đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng mức lương hưu tối đa 75%.
Như vậy, đây chính là một trong những chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ Quân đội.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Thời gian qua, việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhận được nhiều sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ, cử tri và nhân dân cả nước, đặc biệt là được các đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương nêu rõ: Quân đội là ngành lao động đặc biệt, lao động "xương máu". Đội ngũ sĩ quan Quân đội phần lớn đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo phải thường xuyên, trực tiếp chỉ huy, quản lý, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nếu tăng tuổi theo Bộ luật Lao động thì khó bảo đảm cho đội ngũ sĩ quan đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ sẽ được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%, theo nguyên tắc đóng - hưởng.
Nếu không tăng hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo cấp bậc quân hàm như dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, thì nam sĩ quan từ cấp Trung tá trở xuống, khi nghỉ hưu sẽ không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%.
Thực tế này sẽ khiến một bộ phận sĩ quan trẻ sẽ không yên tâm công tác, ảnh hưởng đến chất lượng công việc, cuộc sống của gia đình, làm giảm sức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ Quân đội.
Do đó, việc tăng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ vừa bảo đảm chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào phục vụ Quân đội, vừa bảo đảm cơ cấu đội ngũ, tránh dồn ứ cục bộ, dễ dẫn đến nảy sinh tâm tư trong đội ngũ sĩ quan, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ./.