Đời sống xã hội

Chủ động phòng tránh cháy nổ dịp Tết Nguyên đán 2023

T.Linh 04/12/2023 08:44

Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội đầu Xuân 2023 đang đến gần. Đây là thời điểm rất dễ xảy ra cháy, nổ, nhất là tại các khu dân cư tập trung đông người. Người dân cần chủ động trang bị cho mình kiến thức để hạn chế thấp nhất việc cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra.

Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền

Theo Công an tỉnh Cà Mau, để đảm bảo an toàn dịp Tết, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn PCCC.

bai-1-anh-cttdt-ca-mau.jpg
Hướng dẫn bà con cách phòng tránh nguy cơ cháy nổ từ điện. Ảnh: Cổng TTĐT Công an tỉnh Cà Mau.

Đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến cháy thời gian qua xuất phát từ việc bất cẩn do sử dụng khí đốt và điện dẫn đến phát lửa gây cháy. Qua kiểm tra, các hộ sản xuất, kinh doanh, người dân còn gặp nhiều lỗi sử dụng điện sai quy cách như: Hệ thống điện không đảm bảo an toàn, các mối nối không đúng kỹ thuật, thiết bị điện phát nhiệt gần vật dễ cháy nổ, dây dẫn điện bị quá tải, bong tróc lớp cách điện… tiềm ẩn nguy cơ gây chạm, chập điện dẫn đến cháy nổ.

Xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy, bố trí phương án chữa cháy, nhất là tại các siêu thị, khách sạn; cứu nạn, cứu hộ nơi tập trung đông người... Đồng thời, đảm bảo lực lượng, phương tiện thường trực 24/24 giờ để ứng phó kịp thời các tình huống phát sinh cháy nổ.

Tại Trà Vinh, nguồn tin từ Công an tỉnh cho hay, đã xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ chuyên đề Chợ, Trung tâm thương mại, Siêu thị trên địa bàn tỉnh.

Tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, lực lượng chức năng đã kiểm tra hồ sơ PCCC, giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy; việc ban hành, phổ biến và niêm yết nội quy an toàn PCCC; biển cấm, biển báo, sơ đồ và biển chỉ dẫn thoát nạn phù hợp. Đồng thời, kiểm tra việc thành lập đội PCCC cơ sở; việc phân công trực Tết và chế độ thường trực tuần tra, kiểm soát, tại các khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; việc sử dụng hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt và sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; việc bố trí, sắp xếp hàng hóa, vật tư, thiết bị đảm bảo khoảng cách PCCC theo quy định của các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Ghi nhận tại các Siêu thị Co.opmart và Trung tâm thương mại Vincom Retail (trên địa bàn thành phố Trà Vinh) vào ngày 17/1/2023, hàng hóa nhiều gấp 2 lần so với ngày thường, cùng với người dân đến mua sắm tập trung đông. Ngoài kiểm tra các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ, lực lượng chức năng còn tuyên truyền, hướng dẫn người đứng đầu cơ sở về công tác đảm bảo an toàn PCCC, thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở khách mua hàng thực hiện các quy định an toàn PCCC.

Những ngày này, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Quảng Ninh triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa cháy nổ, duy trì nghiêm chế độ trực, ứng trực, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, góp phần đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Theo Công an tỉnh, hiện nay, bình quân mỗi ngày vịnh Hạ Long đón khoảng trên 3.000 lượt khách tham quan, du lịch. Con số này dự báo sẽ tăng cao vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão. Để góp phần đảm bảo an toàn, phục vụ du khách tốt nhất, lực lượng Cảnh sát tăng cường kiểm tra, đôn đốc chủ các phương tiện chủ động, tự giác thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo an toàn phòng ngừa cháy nổ, cứu hộ cứu nạn…

Đồng thời yêu cầu các đội nghiệp vụ, đặc biệt là các đơn vị chiến đấu thực hiện nghiêm quy định trực, ứng trực, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng tổ, đội, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống phát sinh.

Khuyến cáo từ Bộ Công an

Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an nhận định: Hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa hanh khô; Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội đầu Xuân 2023 đang đến gần. Đây là thời điểm rất dễ xảy ra cháy, nổ, nhất là tại các khu dân cư tập trung đông người.

Để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại gây ra trong dịp này, Cục Cảnh sát đưa ra một số khuyến cáo.

bai1-pccc.png
Ảnh: Cục Cảnh sát PCCC và CNCH.

Đối với các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở cần tổ chức tốt hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC, nội quy, quy định về PCCC trong sản xuất, kinh doanh đến cán bộ, công nhân viên, các hộ kinh doanh và khách hàng; thường xuyên và định kỳ tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy; xây dựng và củng cố hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, trang bị phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ để lực lượng này có khả năng phát hiện, báo cháy và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh; chuẩn bị phương án thoát nạn cho người và tài sản khi cháy xảy ra; tăng cường tuần tra, canh gác 24/24 giờ tại cơ sở và khu dân cư, đặc biệt là vào thời điểm ngoài giờ hành chính, ban đêm, ngày nghỉ để kịp thời phát hiện và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.

Đối với các hộ gia đình cần bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ; trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc độc, nước chữa cháy… và biết cách sử dụng những phương tiện này; chuẩn bị các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết; cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng điện tròn, bàn là, bếp điện, thiết bị sưởi ấm… Không để các vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Các khu dân cư tập trung nhiều nhà dễ cháy, Ủy ban nhân dân địa phương cần nghiên cứu, tìm hiểu để nắm nhiệm vụ và trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC; tổ chức thành lập và vận động quần chúng nhân dân tham gia đội dân phòng và xây dựng các phương án chữa cháy tại các khu dân cư; tổ chức cho đội dân phòng tham gia thực tập giải quyết các tình huống giả định cháy; xây dựng cơ chế phối hợp với các lực lượng, các cơ quan, đơn vị để phục vụ công tác chữa cháy như: giải quyết các tình huống cắt điện, cấp nước chữa cháy, cứu thương, giải tỏa ách tắc giao thông... Đối với các khu vực có nguồn nước tự nhiên, phải xây dựng các bến lấy nước, bể lấy nước để phục vụ công tác chữa cháy ở khu dân cư...

Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh biết; ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu (như bình chữa cháy xách tay, họng nước chữa cháy vách tường, chăn chiên…) đồng thời gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ số điện thoại 114 và tích cực tổ chức chữa cháy, cứu người bị nạn...

bai-1-pccc-anh2.png
Hình ảnh từ cẩm nang PCCC trong gia đình.

Nhằm bảo đảm an toàn PCCC và thoát nạn tại hộ gia đình, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cung cấp đến người dân một số biện pháp phòng cháy; quy trình xử lý khi xảy ra cháy; hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy; giải pháp, kỹ năng thoát nạn; hướng dẫn thoát nạn tại chung cư; hướng dẫn xử lý mắc kẹt thang máy trong Cẩm nang PCCC trong gia đình. Cẩm nang được đăng tải trên Cổng TTĐT Bộ Công an./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng tránh cháy nổ dịp Tết Nguyên đán 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO