Chữ ký số: công cụ quan trọng thúc đẩy Thủ đô xây dựng chính quyền điện tử

Đỗ Thêu| 07/10/2022 13:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Cùng với quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản, tài liệu của cơ quan nhà nước (CQNN) trên địa bàn thành phố, việc triển khai ứng dụng chữ ký số (CKS) chuyên dùng góp phần xây dựng môi trường làm việc hiện đại, minh bạch trong cải cách hành chính (CCHC), phát triển chính quyền điện tử (CQĐT).

Triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng của Đề án 06

Các Sở, ban, ngành của Thành phố Hà Nội đang tích cực tiến hành rà soát, tái cấu trúc các thủ tục hành chính, đặc biệt lưu ý việc bỏ thành phần hồ sơ là căn cước công dân (CCCD) và sổ hộ khẩu giấy trong các thủ tục hành chính (TTHC).

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký, ban hành văn bản số 3247/UBND-KSTTHC về việc triển khai ngay các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn thành phố từ nay đến hết năm 2022.

Nội dung văn bản nêu rõ, trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ tham mưu Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị/Nghị quyết về việc triển khai thực hiện Đề án 06 để tạo khí thế, sự quyết tâm, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị.

Về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 từ nay đến hết năm 2022, Hà Nội sẽ đưa vào vận hành chính thức Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của thành phố trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công (DVC) thành phố và Hệ thống một cửa điện tử dùng chung ba cấp của thành phố.

Đối với việc thực hiện tái cấu trúc các TTHC và tích hợp DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia, Hà Nội giao Văn phòng UBND thành phố đôn đốc, phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố rà soát, tái cấu trúc các TTHC, đặc biệt lưu ý việc bỏ thành phần hồ sơ là Chứng minh nhân dân/CCCD và sổ hộ khẩu giấy/sổ tạm trú giấy trong các TTHC.

UBND thành phố cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện việc chi trả trợ cấp cho đối tượng chính sách bằng hình thức điện tử 100% (qua tài khoản hoặc các dịch vụ trung gian); Đề xuất cơ chế ưu đãi về phí, lệ phí khi thực hiện DVC trực tuyến để khuyến khích, tăng cường hỗ trợ công dân…

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) y tế, triển khai Giấy chứng sinh điện tử, Giấy chứng từ điện tử và Giấy khám sức khỏe điện tử trên toàn thành phố. Xây dựng Cơ sở dữ liệu về đất đai. Xây dựng CSDL của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội...

CKS có ý nghĩa đặc biệt

UBND Thành phố Hà Nội giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an nghiên cứu giải pháp triển khai ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc tổ chức xác thực mức 2 trong việc thu nhận hồ sơ định danh điện tử cho công dân trên địa bàn thành phố, báo cáo về Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố.

Về việc tuyên truyền để người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử, sử dụng ứng dụng VneID và các dịch vụ công trực tuyến của thành phố, Hà Nội giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND thành phố tham mưu Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố giải pháp để công khai cho nhân dân trên địa bàn thành phố về các nội dung mục tiêu, đến hết năm 2022, 100% công dân được cấp định danh điện tử, cài đặt ứng dụng VneID. 100% công dân được cấp chữ ký số.

CKS là dạng chữ ký điện tử thay thế chữ ký tay, con dấu truyền thống đang sử dụng trên văn bản giấy. Việc triển khai ứng dụng CKS trong hoạt động của CQNN nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử, hồ sơ, tài liệu điện tử trong các CQNN. Đây được xem là giải pháp hiện đại, thuận tiện, nhanh, an toàn, hiệu quả tích cực trong xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính của thành phố.

Ứng dụng CKS tại thành phố mang lại nhiều hiệu quả như giảm chi phí giấy, mực, gửi văn bản qua đường bưu điện; Giảm công lao động, bảo mật dữ liệu cá nhân, dữ liệu chuyên môn. Việc triển khai ứng dụng CKS trong việc gửi, nhận văn bản điện tử trong CQNN mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý, điều hành. Chứng thực điện tử, CKS chuyên dùng được ứng dụng hiệu quả vào hoạt động tác nghiệp hành chính của cán bộ, công chức. Qua đó, góp phần nâng cao mức độ an toàn, bảo mật cho giao dịch điện tử giữa các cơ quan quản lý hành chính nhà nước trên môi trường mạng.

Chia sẻ về vai trò, ý nghĩa của CKS trong giai đoạn hiện nay, anh Phạm Văn Thiệu (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Có thể nói CKS mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân, lẫn cơ quan quản lý nhà nước. Đây thực sự là một trong những công cụ quan trọng giúp các TTHC trở nên nhanh gọn, tiện lợi và đặc biệt mang lại tính công khai, minh bạch rất cao. Hy vọng rằng, hết năm 2022, Hà Nội sẽ đạt mục tiêu 100% công dân được cấp CKS"./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chữ ký số: công cụ quan trọng thúc đẩy Thủ đô xây dựng chính quyền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO