Chú trọng xây dựng, phát triển hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến cho hàng Việt
Thương mại điện tử xuyên biên giới giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng nhanh doanh số, nắm bắt và phản hồi nhanh đối với nhu cầu thị trường và thoát khỏi giới hạn của thị trường về quy mô, mùa vụ cũng như xây dựng và nâng cao nhận diện thương hiệu ở thị trường nước ngoài.
Doanh nghiệp Việt bứt phá mở rộng thị trường
Trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đã có tốc độ phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ cho TMĐT xuyên biên giới như ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia 2021-2025 và 2026-2030. Cùng đó là chương trình đào tạo, tập huấn xuất khẩu trực tuyến (online); giải pháp nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu…
Báo cáo của Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho thấy nếu như năm 2021 nền tảng này đạt 1.900 tỷ USD thì năm 2023 đã đạt 2.300 tỷ USD và dự kiến đạt 7.938 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng trung bình tới 26,2%/năm.
Không nằm ngoài xu hướng đó, tại Việt Nam, TMĐT tăng trưởng top đầu thế giới và khu vực, trong đó quy mô TMĐT năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, quy mô kinh tế số đạt 30 tỷ USD, nằm trong top 3 Đông Nam Á và dự kiến đạt 45 tỷ USD vào năm 2025.
Theo báo cáo Amazon Global Selling Việt Nam cho thấy năm 2023 có hơn 17 triệu sản phẩm của DN Việt đã được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và tăng 40% về số lượng đối tác bán hàng. Riêng trên nền tảng Alibaba.com, số lượng trung bình nhà mua hàng các sản phẩm Việt Nam tăng 55% còn số lượng sản phẩm của Việt Nam có mặt trên nền tảng này tăng 24%
Tại Hội nghị “Tiềm năng và cơ hội của TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam", do Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương tổ chức ngày 26/11 ở Hà Nội, nhiều số liệu tích cực về TMĐT xuyên biên giới cũng đã được công bố. Trong đó, mô hình 9610 - "Xuất khẩu trực tiếp TMĐT xuyên biên giới" đã trở thành sự hỗ trợ quan trọng trong thương mại giữa Vân Nam và các quốc gia ASEAN.
Có thể nhận thấy, sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo và giày dép có tiềm năng rất lớn trên thị trường Trung Quốc. Chẳng hạn như thanh long, hạt điều và hạt cà phê của Việt Nam đã thông qua nền tảng TMĐT xuyên biên giới của Vân Nam, xuất hiện trên bàn ăn của người tiêu dùng Trung Quốc. Trong tương lai, cùng với việc tối ưu hóa logistics và chính sách, thị phần của những sản phẩm này sẽ còn tiếp tục mở rộng.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng logistics trong xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam đang từng bước được củng cố. Để bắt kịp với nhu cầu thị trường, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) (Vietnam Post) đã từng bước triển khai mở rộng dịch vụ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng dựa trên 4 trụ cột chính gồm hành chính công, dịch vụ bưu chính, tài chính bưu chính và kinh doanh phân phối.
Tới đây, BĐVN sẽ mở rộng hợp tác, định hướng trở thành nhà cung cấp dịch vụ số; tăng cường năng lực 3PL, 4PL (hậu cần bên thứ 3, 4). Mặt khác, triển khai giải pháp công nghệ, quy trình dịch vụ và chất lượng nhân sự đáp ứng mô hình logistics 3PL/4PL. Ngoài ra, kết nối với nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế để tích hợp mô hình quản lý dịch vụ trong nước và quốc tế.
Nhiều giải pháp được triển khai
Cũng tại hội nghị trên, nhiều giải pháp để phát triển TMĐT xuyên biên giới đã được thảo luận. Trong đó, việc nghiên cứu, phát triển hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến (Ecomex) trở thành điểm nhấn quan trọng.
Các chuyên gia nhận định, TMĐT xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận, triển khai ứng dụng TMĐT xuyên biên giới như hạn chế hiểu biết về quy định, pháp luật thị trường, thông tin thị trường sở tại, rào cản ngôn ngữ, thuế quan, logistics, thanh toán…
Bên cạnh đó, những biến động của thị trường quốc tế, căng thẳng thương mại, cùng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cộng đồng DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.
Vì vậy, để hỗ trợ cộng đồng DN, theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Trung tâm Phát triển TMĐT nghiên cứu, phát triển hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến (Ecomex) với các giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa định hướng của Chính phủ, chung tay hỗ trợ các DN Việt Nam đưa những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế qua TMĐT.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tổ chức các chương trình đạo tạo TMĐT xuyên biên giới qua đó nâng cao năng lực, phổ biến các quy định, thủ tục và kiến thực mới cho DN.
Đặc biệt, tại hội nghị này, Trung tâm Phát triển TMĐT và một số DN đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) cam kết đồng hành thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới, hỗ trợ DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu trực tuyến, đưa hàng Việt hiện diện nhiều hơn tại thị trường quốc tế nhờ TMĐT.
Trong khi đó, Tổng Công ty BĐVN đã xây dựng quy trình tiếp nhận hàng hóa, lưu kho, đóng gói, vận chuyển... giúp các khách hàng TMĐT tối ưu chi phí vận hành, nâng cao trải nghiệm; xây dựng nền tảng số dựa trên lợi thế hạ tầng về logistics phục vụ tổ chức phân phối hàng hóa từ nhà sản xuất đến hệ thống bán lẻ và người tiêu dùng.
Nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ông Liu Liang, Đại diện Sở Thương mại Vân Nam, Trung Quốc - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Vân Nam Trung Quốc cho rằng tới đây cần tăng cường liên kết ngành thông qua việc tổ chức thêm triển lãm TMĐT xuyên biên giới và hội nghị kết nối thương mại, tạo nền tảng giao lưu cho DN.
Cùng đó, đổi mới mô hình hợp tác, khám phá mô hình thương mại mới như sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của chuỗi cung ứng. Đặc biệt, thúc đẩy TMĐT xanh, khuyến khích bao bì thân thiện với môi trường và logistics carbon thấp, đóng góp cho sự phát triển bền vững toàn cầu./.