Chương trình Phát triển nhân tài số 2025 sẽ mở rộng, hỗ trợ nhóm yếu thế
Năm 2025, Chương trình sẽ gia hạn thêm 40.000 học bổng và mở rộng đối tượng. Ngoài cán bộ, giảng viên, sinh viên, người lao động và doanh nghiệp nhỏ, Chương trình sẽ tập trung hỗ trợ các nhóm yếu thế như người khuyết tật, nhóm có nguy cơ thất nghiệp cao, cùng các trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề.
Ngày 11/12/2024, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Google phối hợp tổ chức Lễ tổng kết Chương trình Phát triển nhân tài số 2024 nhằm đánh giá những thành tích nổi bật của Chương trình trong suốt năm qua, vinh danh những cá nhân và tập thể có đóng góp tích cực cho Chương trình, đồng thời công bố kế hoạch hoạt động cho năm 2025.
Chương trình Phát triển nhân tài số nhằm cung cấp các khóa học trang bị những kiến thức, kỹ năng số cần thiết cho người lao động với mục tiêu đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số. Chương trình đã được Google triển khai thành công ở nhiều quốc gia và bắt đầu triển khai tại Việt Nam từ tháng 7/2022. NIC là đơn vị bảo trợ và đầu mối duy nhất phối hợp với Google để triển khai Chương trình này tại Việt Nam, góp phần hỗ trợ nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực Việt Nam, qua đó giúp họ thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, tiếp cận nhiều cơ hội nghề nghiệp mới của nền kinh tế số.
Nhà tuyển dụng đang chuyển đổi quy trình, chú trọng vào kỹ năng thay vì chỉ xét đến bằng cấp
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc NIC, cho biết công nghệ đang có những bước tiến vượt bậc và nhận được sự quan tâm đặc biệt từ công chúng. Thông tin về các sự kiện như chuyến thăm của ông Jensen Huang, CEO Nvidia, hay giải thưởng dành cho các nhà khoa học AI liên tục xuất hiện dày đặc trên báo chí, đã “phản ánh tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ”.
Theo ông Thịnh, sự hỗ trợ liên tục từ Google thông qua các chương trình đào tạo đã giúp nhiều sinh viên, người lao động và doanh nghiệp tiếp cận các khóa học chuẩn quốc tế. Điều này không chỉ nâng cao kiến thức mà còn mở ra cơ hội việc làm và học tập toàn cầu. Bên cạnh việc cung cấp kiến thức, chương trình còn xây dựng cộng đồng học tập năng động, giúp người tham gia mở rộng mạng lưới và cơ hội phát triển.
Google và NIC cam kết thu hẹp khoảng cách kỹ năng số thông qua việc cung cấp cơ hội học tập trực tuyến và phát triển nghề nghiệp cho nguồn nhân lực Việt Nam. Những chứng chỉ trực tuyến ngày càng được chấp nhận rộng rãi.
Tham gia vào Chương trình Phát triển nhân tài số, học viên có cơ hội nhận học bổng học tập miễn phí các khóa học về kỹ năng số, bằng tiếng Anh trên nền tảng Cousera. Bên cạnh đó, học viên còn được tham gia các sự kiện bên lề như Ngày hội việc làm, tham quan các doanh nghiệp công nghệ, từ đó tìm kiếm cơ hội thực tập, cơ hội việc làm phù hợp.
Với hơn 80 trường đại học và cao đẳng trên cả nước chính thức tham gia Chương trình Phát triển nhân tài số, trong năm 2024, Top 10 cơ sở giáo dục đại học có số lượng học viên tham gia Chương trình hoàn thành được nhiều khóa học nhất bao gồm: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Công nghệ Thông tin - ĐHQG TP.HCM, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Bình Dương, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải và Trường Đại học Văn Lang.
Chương trình Phát triển nhân tài số cũng đã tạo ra một xu hướng mới trong tuyển dụng, khi 80% người lao động cho rằng các nhà tuyển dụng đang chuyển từ việc chú trọng vào bằng cấp sang đánh giá các kỹ năng thực tế. Đặc biệt, 90% học viên tốt nghiệp đã báo cáo kết quả nghề nghiệp tích cực trong vòng 6 tháng sau khi hoàn thành khóa học. Đây là một minh chứng rõ rệt cho hiệu quả của Chương trình trong việc giúp người học dễ dàng hòa nhập vào thị trường lao động.
Mở rộng Chương trình Phát triển nhân tài số năm 2025
Bà Nguyễn Thị Liên, phụ trách Quan hệ Chính phủ tại Google Việt Nam, chia sẻ rằng những ngày đầu thực hiện dự án gặp không ít khó khăn, từ việc thiết kế nội dung, tìm kiếm học viên phù hợp đến việc cân nhắc sử dụng ngôn ngữ giảng dạy. Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ chính của các khóa học, nhiều ý kiến cho rằng điều này có thể gây khó khăn cho một số học viên.
“Tuy nhiên, đội ngũ tổ chức đã quyết định giữ lại tiếng Anh để giúp học viên tiếp cận công nghệ hiện đại một cách sát thực hơn, đồng thời hỗ trợ thêm để họ cải thiện kỹ năng ngoại ngữ”, bà Liên cho biết.
Sau ba năm triển khai, chương trình đã đạt được nhiều thành công đáng kể, với số lượng học bổng tăng lên và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Các trường đại học, giảng viên, mentor và đặc biệt là các học viên đã đóng góp quan trọng vào thành công này. Nhiều mentor sau khi tham gia chương trình đã quay lại hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm và giúp cộng đồng phát triển bền vững hơn.
Bên cạnh đó, bà Liên cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của học tập linh hoạt và học suốt đời. Các học viên không chỉ được tiếp cận với kiến thức mới mà còn tham gia vào một cộng đồng hỗ trợ tích cực.
“Thành tựu này đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ hoàn thành khóa học trực tuyến trong khuôn khổ chương trình”, đại diện Google Việt Nam cho biết, đồng thời chia sẻ niềm vui khi hàng ngày nhận được những thông tin tích cực từ học viên, như việc họ hoàn thành các khóa học, đạt được chứng chỉ hoặc có những cơ hội nghề nghiệp mới.
Tính đến nay, Chương trình Phát triển nhân tài số (GCC) đã cung cấp trên 60.000 suất học bổng tại Việt Nam với 10 khóa học có giá trị, bao gồm: Hỗ trợ Công nghệ thông tin (cơ bản và nâng cao), Phân tích dữ liệu (cơ bản và nâng cao), Marketing số và Thương mại điện tử, Quản lý dự án; Kinh doanh thông minh, An ninh mạng, Thiết kế trải nghiệm người dùng, và Các kỹ năng cơ bản về trí tuệ nhân tạo.
Trong năm 2025, Chương trình sẽ tiếp tục mở rộng quy mô với việc gia hạn thêm 40.000 học bổng, đồng thời mở rộng đối tượng cấp học bổng. Bên cạnh các học viên truyền thống của Chương trình bao gồm cán bộ, giảng viên, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, người tìm việc và người lao động trong các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như cán bộ công chức, viên chức, Chương trình sẽ tập trung hơn vào các đối tượng yếu thế như người khuyết tật, nhóm người có rủi ro thất nghiệp cao do chuyển dịch loại hình kinh tế và các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề.
Một số thành tựu nổi bật của Chương trình trong năm 2024:
Hơn 80 trường đại học, cao đẳng và các cơ quan tổ chức đã tham gia và hỗ trợ triển khai chương trình, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng một hệ sinh thái đào tạo nghề nghiệp số tại Việt Nam.
Gần 7.000 học viên đã hoàn thành ít nhất 01 khóa học của Chương trình và được cấp Chứng nhận nghề nghiệp có giá trị toàn cầu của Google, góp phần gia nhập lực lượng lao động chất lượng cao, giúp nâng cao năng lực cho thị trường lao động trong các lĩnh vực công nghệ số.
Cộng đồng gồm 26.000 học viên GCC đã được tạo dựng, chia sẻ công khai kinh nghiệm học tập và cơ hội việc làm, góp phần quan trọng trong việc phát triển mạng lưới hỗ trợ học viên và các cá nhân đang tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực số./.