Chuyển đổi một số hoạt động của cơ quan Nhà nước lên môi trường điện tử toàn trình
Cơ quan Nhà nước ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử các hoạt động bao gồm: Cung cấp dịch vụ công; công tác quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra, thanh tra theo lộ trình và kế hoạch phù hợp.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 137/2024/NĐ-CP ngày 23/10/2024 quy định về giao dịch điện tử (GDĐT) của cơ quan nhà nước (CQNN) và hệ thống thông tin (HTTT) phục vụ GDĐT. Trong đó, Nghị định hướng dẫn việc chuyển đổi một số hoạt động của CQNN lên môi trường điện tử toàn trình.
Ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử
Về chuyển đổi hoạt động của CQNN lên môi trường điện tử, Nghị định quy định CQNN ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử các hoạt động bao gồm: Cung cấp dịch vụ công (DVC); công tác quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra, thanh tra theo lộ trình và kế hoạch phù hợp. Trường hợp hoạt động có nội dung liên quan đến bí mật Nhà nước phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và pháp luật về cơ yếu.
Về xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT, chuyển đổi số (CĐS) phục vụ hoạt động của CQNN trên môi trường điện tử, Nghị định nêu rõ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (bộ, ngành), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) có trách nhiệm xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm về ứng dụng CNTT, CĐS. Trong đó phải có các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để đưa hoạt động của CQNN hướng tới thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử, tối thiểu phải bao gồm các lĩnh vực hoạt động: cung cấp DVC; công tác quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra thanh tra.
Việc triển khai ứng dụng HTTT, nền tảng số phục vụ hoạt động của CQNN trên môi trường điện tử phải gắn liền với công tác cải cách hành chính của CQNN nhằm đổi mới phương thức làm việc, chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, tăng cường xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của CQNN; giảm chi phí và thời gian xử lý công việc.
Tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử
Nghị định quy định rõ trách nhiệm của CQNN trong tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử: CQNN tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp từ chối tiếp nhận, giải quyết phải nêu rõ lý do để tổ chức, cá nhân được biết.
Đồng thời, thiết lập các kênh giao tiếp trên môi trường điện tử và ban hành quy chế hoạt động để tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo Nghị định, các CQNN phải thông báo kết quả xử lý yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử thông qua các phương tiện điện tử, các kênh giao tiếp, trừ trường hợp pháp luật quy định khác hoặc theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
Kênh giao tiếp của CQNN trên môi trường điện tử bao gồm các kênh: Kênh cung cấp thông tin và kênh cung cấp DVCTT theo quy định của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và DVCTT của CQNN trên môi trường điện tử; Cổng DVC quốc gia; các kênh giao tiếp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Các kênh cung cấp DVCTT và Cổng DVC quốc gia phải bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp để sử dụng dịch vụ bằng tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Việc sử dụng tài khoản đăng nhập trên kênh giao tiếp của CQNN trên môi trường điện tử thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Đối với thủ tục hành chính (TTHC) và dịch vụ hành chính công quy định hoặc không quy định thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng thực hiện theo quy định của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và quy định của Chính phủ về cung cấp thông tin và DVCTT của CQNN trên môi trường mạng, trừ trường hợp luật khác quy định không được thực hiện bằng phương tiện điện tử.
Theo Nghị định, dịch vụ hành chính công được cung cấp trực tuyến toàn trình trên cơ sở rà soát, tái cấu trúc quy trình, đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và cung cấp thông tin, DVCTT trên môi trường mạng.
CQNN có trách nhiệm giải quyết TTHC, cung cấp DVCTT toàn trình khi đủ điều kiện thực hiện trọn vẹn từ đầu đến cuối quy trình bằng phương tiện điện tử. Trong trường hợp chưa thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử, CQNN phải thông báo để tổ chức, cá nhân được biết. Hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được thực hiện số hóa theo quy định của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Nghị định nêu rõ kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân được trả theo quy định pháp luật có liên quan, đồng thời trả kết quả giải quyết TTHC bản điện tử tại Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân, tại ứng dụng định danh quốc gia theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC theo phương thức ủy quyền, việc lưu kết quả điện tử thực hiện theo thỏa thuận ủy quyền.
Dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích được rà soát, tái cấu trúc quy trình để cung cấp DVCTT cho cá nhân, tổ chức trên Cổng DVC quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ hoặc cấp tỉnh và Cổng thông tin điện tử của tổ chức cung cấp DVC theo quy định của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và cung cấp thông tin, DVCTT trên môi trường mạng.
Quản trị nội bộ trên môi trường điện tử
Nghị định cũng quy định công tác quản trị nội bộ trên môi trường điện tử bao gồm các hoạt động chính: Giải quyết các TTHC nội bộ trên môi trường điện tử đối với các lĩnh vực: Kế hoạch, chiến lược, nhân sự, tài chính - kế toán, văn thư lưu trữ, tài sản, thi đua - khen thưởng, hành chính, tổng hợp và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của thủ trưởng cơ quan; Thực hiện chế độ thông tin báo cáo trên môi trường điện tử; Xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; Tổ chức làm việc, họp từ xa trên môi trường điện tử.
CQNN có trách nhiệm rà soát, tái cấu trúc quy trình các TTHC nội bộ trên các lĩnh vực quy định nêu trên, bảo đảm quy định đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, hợp lý các bộ phận tạo thành cơ bản của TTHC theo quy định và đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định của Chính phủ về thực hiện TTHC toàn trình trên môi trường điện tử.
CQNN ưu tiên xử lý văn bản, hồ sơ công việc toàn trình trên môi trường điện tử, trừ văn bản, hồ sơ có chứa nội dung bí mật Nhà nước; không xử lý đồng thời văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử và văn bản bản, hồ sơ giấy trừ trường hợp pháp luật yêu cầu phải có bản giấy.
Chỉ đạo, điều hành và giám sát, kiểm tra trên môi trường điện tử
Nghị định nêu rõ: Người đứng đầu CQNN có trách nhiệm thực hiện các hoạt động chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử, dựa chủ yếu trên thông tin, dữ liệu số; chỉ đạo các đơn vị, cá nhân theo thẩm quyền quản lý thực hiện các hoạt động tham mưu, xử lý công việc toàn trình trên môi trường điện tử trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng, ban hành Bộ chỉ số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử, bảo đảm phù hợp với nhu cầu, nguồn lực và mức độ sẵn sàng của HTTT, cơ sở dữ liệu.
Đồng thời, triển khai HTTT phục vụ chỉ đạo, điều hành cấp bộ, tỉnh bảo đảm thu thập, tạo lập, tổng hợp, phân tích, xử lý, lưu trữ, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với HTTT phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ; kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với HTTT phục vụ chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh khác khi có yêu cầu.
Các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh theo thẩm quyền có trách nhiệm rà soát, đơn giản hóa quy trình giám sát, kiểm tra; xây dựng quy trình giám sát, kiểm tra trên môi trường điện tử; hướng dẫn, triển khai hoạt động giám sát, kiểm tra trên môi trường điện tử trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công; xây dựng các nền tảng số, công cụ kỹ thuật phục vụ hoạt động giám sát, kiểm tra trên môi trường điện tử thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tuân thủ các hoạt động phục vụ giám sát, kiểm tra trên môi trường điện tử của cơ quan có thẩm quyền./.