Các bộ đang xây dựng thử nghiệm Hệ thống thông tin báo cáo
Theo báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra mới đây, trong tháng 7, Tổ công tác đã có 02 buổi làm việc với 10 bộ, cơ quan nhằm đôn đốc, kiểm tra tình hình xây dựng, trình ban hành văn bản quy định chi tiết và 11 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) và cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
Theo Tổ công tác, về tình hình xây dựng CPĐT và cải cách hành chính (CCHC), số lượng văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Phần lớn các bộ cũng đã triển khai liên thông gửi, nhận văn bản các cấp hành chính. Một số bộ đã áp dụng chữ ký số (CKS) cá nhân trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ...).
Một số bộ đã tích cực triển khai thực hiện tích hợp, cung cấp nhiều dịch vụ công (DVC) thiết yếu, các tiện ích cho người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công an (đối với thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ), Bộ Xây dựng... Tuy nhiên, còn một số DVC, TTHC chưa hoàn thành việc tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG theo tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao.
Cũng theo Tổ công tác, các bộ đang xây dựng thử nghiệm Hệ thống thông tin báo cáo, trong đó một số bộ bước đầu triển khai kết nối, tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ (VPCP) hoàn thiện điện tử hóa biểu mẫu cho 25 chỉ tiêu ưu tiên, cung cấp dữ liệu phục vụ lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (dự kiến khai trương vào 15/8/2020).
Tiếp tục thực hiện nghiêm việc gửi, nhận văn bản điện tử
Tổ công tác kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm việc gửi, nhận văn bản điện tử và đổi mới lề lối, phương thức làm việc thông qua xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, đặc biệt đề cao vai trò của lãnh đạo các cấp gương mẫu, đi đầu trong sử dụng CKS cá nhân phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Tập trung tái cấu trúc quy trình, hoàn thành việc xây dựng, tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG các DVC ưu tiên năm 2020 và 30% DVC trực tuyến đang triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP và Quyết định số 411/QĐ-TTg; khẩn trương hoàn thành tích hợp đồng bộ kết quả xử lý hồ sơ và tích hợp thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính trong thực hiện TTHC, DVC trên Cổng DVCQG.
Các bộ được giao chỉ tiêu thống kê theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ khẩn trương hoàn thành việc kết nối và cung cấp dữ liệu về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, chỉ tiêu báo cáo hàng ngày trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ để phục vụ lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm ban hành mẫu kết quả thực hiện TTHC điện tử thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, ngành mình để làm cơ sở cho việc cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử thống nhất trên toàn quốc, hoàn thành trong quý III/2020; Đồng thời, hoàn thành việc thành lập Tổ công tác và ban hành danh mục các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng để tạo thuận lợi, ít tốn kém chi phí hơn. Môi trường kinh doanh phải thông thoáng hơn để thu hút các luồng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam.
Chủ tịch các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của người dân, của doanh nghiệp. Đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử và thanh toán, giao dịch điện tử, vừa tăng năng suất lao động, vừa theo kịp xu thế, giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp.