Theo báo cáo Khủng hoảng là chất xúc tác: Tăng tốc chuyển đổi do Deloitte công bố ngày 30/8, tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đại dịch đã đẩy nhanh một số hành động nhất định. Dữ liệu từ báo cáo cho thấy: 69% các DN được khảo sát cho biết đại dịch đã thúc đẩy đáng kể quá trình CĐS trong DN của họ - không chỉ châm ngòi mà còn làm bùng nổ tốc độ áp dụng công nghệ; 61% các DN mong đợi hình thành các quan hệ đối tác và liên minh mới và 60% DN được hỏi tin rằng chuỗi cung ứng cần được thiết kế lại do hậu quả trực tiếp của đại dịch.
Đây là báo cáo thứ ba của Deloitte trong năm nay về thị trường DN tư nhân trên toàn cầu, kết quả cho thấy nhiều DN tư nhân tin rằng họ trở nên kiên cường hơn trong môi trường sau đại dịch, bất chấp những thách thức to lớn trên thị trường trong năm qua. Trên thực tế, hơn 2/3 nhà lãnh đạo tham gia khảo sát tin tưởng vào triển vọng của DN mình trong 12 tháng tới.
Khảo sát được thực hiện với 2.750 lãnh đạo của các DN tư nhân trên 33 quốc gia từ ngày 21/01 đến ngày 09/03/2021. Deloitte nhận thấy phần lớn DN tư nhân đang trong quá trình xây dựng khả năng phục hồi đều tập trung vào 7 yếu tố chính: chiến lược, tăng trưởng, vận hành, công nghệ, lực lượng lao động, nguồn vốn và xã hội.
Các DN tham gia khảo sát tự đánh giá tình hình DN trong việc thực hiện các yếu tố thể hiện sự kiên cường này để xây dựng "thang điểm khả năng phục hồi". Dựa trên phần trả lời cho những câu hỏi được đưa ra, các DN tham gia khảo sát được phân thành 3 loại: nhóm các DN có khả năng phục hồi cao, nhóm các DN có khả năng phục hồi trung bình, và nhóm các DN có khả năng phục hồi thấp.
Khảo sát cũng nhận định, các tổ chức có khả năng phục hồi cao thường lạc quan hơn về tiềm năng tăng trưởng dài hạn của họ so với các DN có khả năng phục hồi thấp, với tỷ lệ 52% các DN có khả năng phục hồi cao đặc biệt tin tưởng vào triển vọng DN trong 3 năm tới, so với chỉ 15% của các DN có khả năng phục hồi thấp.
So sánh giữa lãnh đạo của các DN tư nhân khác trên toàn cầu, lãnh đạo tại Hoa Kỳ là những người lạc quan nhất về doanh thu, lợi nhuận và năng suất trong năm tới.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo DN tin rằng tăng trưởng và công nghệ, bao gồm CĐS, là những yếu tố nằm trong danh mục các yếu tố quan trọng nhất đối với các DN kiên cường.
Ông Jason Downing, Phó Chủ tịch Deloitte LLP kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách Deloitte Private Hoa Kỳ, cho biết: "Báo cáo toàn cầu của Deloitte đã nêu bật những bước tiến của các DN tư nhân trên nhiều lĩnh vực, bao gồm CĐS, thiết kế lại chuỗi cung ứng và công việc trong tương lai. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh sự khác biệt rõ rệt giữa các DN có khả năng phục hồi thấp và các DN có khả năng phục hồi cao. Các tổ chức có khả năng phục hồi cao có xu hướng đầu tư nhiều hơn để tăng trưởng và đánh giá mục đích của họ trong bối cảnh xã hội đang có nhiều thay đổi".
Còn theo ông Richard Loi, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Deloitte Private Đông Nam Á và Singapore, nghiên cứu này cũng mang lại nhiều giá trị cho một số khách hàng DN tư nhân của Deloitte tại Đông Nam Á - nơi đại dịch buộc các nhà lãnh đạo phải tăng tốc độ chuyển đổi để ứng phó với những thách thức của một môi trường chuyển động nhanh và không chắc chắn. Mặc dù CĐS có thể đã là một yêu cầu bắt buộc rõ ràng, nhưng lộ trình triển khai còn gặp nhiều thách thức. Các giải pháp số ngày càng trở nên quan trọng đối với các DN khi các CEO vừa tìm cách tối ưu hóa nguồn lực hiện tại, vừa tìm cách xây dựng một nền tảng sẵn sàng cho sự đổi mới và lợi thế cạnh tranh trong tương lai.
Bài học cho các DN Việt Nam
Chia sẻ về giá trị của báo cáo, ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Deloitte Private, Việt Nam chia sẻ:"Báo cáo không chỉ nêu ra cách thức các DN tư nhân trên thế giới ứng phó với khủng hoảng đại dịch Covid-19, mà còn đưa ra 7 yếu tố quan trọng trong lộ trình xây dựng khả năng phục hồi, giúp DN định vị và giành được ưu thế cạnh tranh trong một môi trường không ngừng biến động và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến từ đại dịch Covid-19 trong hiện tại và tương lại".
Dựa vào dữ liệu thu thập và phân tích của chuyên gia Deloitte từ báo cáo, ông Minh cho biết DN tư nhân Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng những bài học thực tiễn của các DN tư nhân trên thế giới, từ đó, giúp hoạch định chiến lược và xây dựng những kế hoạch phù hợp hơn, trở nên kiên cường để vững vàng chèo lái DN vượt qua mọi thách thức."
Cụ thể, DN Việt Nam rà soát việc thực thi 7 yếu tố tạo nên DN kiên cường, từ đó có thể đánh giá khả năng phục hồi của DN mình trong và sau khủng hoảng; tổ chức thảo luận trong DN về các câu hỏi phát triển tư duy được nêu trong báo cáo.
Trong báo cáo của Deloitte có tổng cộng 25 câu phát triển tư duy dành cho các lãnh đạo DN, phân tích nhiều khía cạnh hơn trong gian đoạn này. Ví dụ như: (1) Sự gián đoạn trên thị trường có tác động thế nào đến mô hình kinh doanh của DN; (2) Cách thức DN đã và sẽ phản ứng với sự thay đổi về sở thích của khách hàng? (3) Tác động lâu dài của những thay đổi này là gì? Mô hình kinh doanh của DN sẽ như thế nào? (4) Công nghệ đóng vai trò gì trong nỗ lực nâng cao năng suất lao động của DN?
Ông Minh cho rằng lãnh đạo DN thống nhất ưu tiên yếu tố nào phù hợp với đặc thù của DN mình và tập trung vào hành động. Hành động để biến tất cả những lo lắng và mối quan tâm của DN về sự thất bại trong ngắn hạn hay dài hạn thành nguồn năng lượng tích cực. Năng lượng tích cực này sẽ giúp tăng thêm sức mạnh trong giai đoạn này. Hành động quyết định đến 90% khả năng thành công.
Trước bối cảnh đại dịch, ông Minh, lưu ý lãnh đạo DN cần nhớ "Khi trái đất dường như đang chậm lại do đại dịch, mọi thứ diễn ra nhanh hơn".
DN đầu tư vào CĐS có khả năng phục hồi cao gấp 2 lần
Báo cáo cũng chỉ ra một số điểm chính trong đáng chú ý về tăng trưởng và lực lượng lao động, thúc đẩy đầu tư công nghệ, tập trung sâu hơn cho mục đích hoạt động mà các DN có thể tham khảo.
Tăng trưởng và lực lượng lao động
Theo báo cáo của Delloite, trong khi đa số DN tham gia khảo sát dự đoán những tác động của đại dịch trên diện rộng có thể tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài trong vài năm tới, họ tin rằng DN của họ sẽ phục hồi sau cuộc khủng hoảng trong 12 tháng tới. Các DN tư nhân dường như đã đặt nền tảng cho sự thay đổi về lực lượng lao động bằng cách sắp xếp lực lượng nhân sự và thiết lập lại tổ chức theo hướng linh hoạt hơn, hoàn thành các công việc tốt hơn với các đội nhóm nhỏ và độc lập hơn, bao gồm: Các DN có khả năng phục hồi cao (19%) nói rằng họ đã hoàn toàn thay đổi bản chất công việc tại tổ chức và 38% nói rằng họ đang trên hành trình chuyển đổi; Các DN có khả năng phục hồi cao có khả năng hỗ trợ cho nhân viên nhiều hơn so với các DN có khả năng phục hồi thấp (66% so với 48%).
Lợi ích của CĐS thúc đẩy đầu tư công nghệ
Các lãnh đạo DN kỳ vọng cao về lợi nhuận mà các khoản đầu tư cho công nghệ sẽ mang lại cho DN của mình, đồng thời, có kế hoạch tiếp tục tăng quy mô các khoản đầu tư vào công nghệ.
Trong những DN đã bắt đầu triển khai quá trình CĐS trước khi khủng hoảng xảy ra hoặc hiện đang trong quá trình, DN có khả năng phục hồi cao có tỷ lệ gần gấp 2 lần so với các DN có khả năng phục hồi thấp (80% so với 43%).
Sự khác biệt trong việc nhìn nhận tầm quan trọng của CĐS đối với sự phát triển của DN giữa DN có khả năng phục hồi cao và thấp là 18%.
Các DN cũng đầu tư cho công nghệ trong các lĩnh vực khác. Trong 12 tháng tới, bảo mật thông tin được coi là lĩnh vực đầu tư công nghệ phổ biến nhất theo 39% số người tham gia khảo sát, tiếp theo là điện toán đám mây (38%) và phân tích dữ liệu (37%).
Tập trung sâu hơn vào mục đích hoạt động
Mục đích hoạt động và sự tín nhiệm luôn gắn liền trong văn hóa và nền tảng của các DN tư nhân, và hai yếu tố trên đặc biệt trở nên quan trọng trong năm 2020. Báo cáo nhận định: Gần 70% các DN tham gia khảo sát cho biết tầm quan trọng của mục đích hoạt động ngày càng tăng do khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Xét trên phương diện này, những DN có khả năng phục hồi cao đang chiếm ưu thế với tỷ lệ 84% khi các nhà lãnh đạo cho biết họ đang tập trung nguồn lực vào mục đích hoạt động.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV - Deloitte Việt Nam chia sẻ thêm: "Khủng hoảng là cú "sốc" rất mạnh, và chúng ta phải thừa nhận. Một là, những thứ không chắc, sẽ bị rơi, và khi rơi sẽ bị hỏng. Hai là, chắc nhưng vừa phải, có nghĩa là bị rung lắc rất mạnh. Thứ ba là bị rung lắc nhưng rất chắc". Đây cũng là ba nhóm đối tượng mà trong báo cáo tập trung ở đối tượng thứ hai và thứ ba. Dù gặp phải sự cố rung lắc mạnh, nhưng tới thời điểm này vẫn còn đứng được, dù quy mô và hoạt động bị ảnh hưởng.
Theo bà Thanh, những DN này đồng thời với ứng phó phải nghĩ tới phục hồi và phát triển như thế nào sau khi đi qua đại dịch. Bản chất này giúp DN phục hồi và đi nhanh hơn, trong đó đầu tiên là phải CĐS./.