Truyền thông

Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - cơ hội và thách thức

Trường Thanh 10/01/2024 11:19

Chuyển đổi số (CĐS) báo chí là một lời giải cho đổi mới, sáng tạo (ĐMST) để cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới, xuyên quốc gia, giảm sự lệ thuộc về phân phối nội dung, góp phần ngăn chặn sự xâm phạm chủ quyền quốc gia về thông tin trên không gian mạng.

Cơ hội, thời cơ cho CĐS báo chí Việt Nam

CĐS nói chung và báo chí nói riêng trên thế giới và ở Việt Nam là xu thể không thể đảo ngược, đó là quy luật phát triển tất yếu, khách quan. Việt Nam là một trong số những quốc gia hòa nhập nhanh vào quá trình CĐS trên hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có báo chí. CĐS báo chí Việt Nam có nhiều thời cơ, thuận lợi, tuy nhiên, cũng còn có những khó khăn, thách thức.

Ngày 6/4/2023, Thủ tướng ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo định hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn; làm tốt sứ mệnh thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước, bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới toàn diện, hiệu quả trải nghiệm của công chúng, tạo nguồn thu mới, thức đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

bc.jpg
Những thuận lợi và thời cơ của CĐS sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức tổ chức, quản lý, quản trị, vận hành, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung. (Ảnh: Thanh Hải).

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã xây dựng Chương trình hỗ trợ CĐS cho các cơ quan báo chí. Theo đó, Bộ hỗ trợ ba nền tảng, gồm: Nền tảng quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; Nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội (MXH), giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin, bài đáp ứng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần; Nền tảng hỗ trợ phòng, chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp, giúp hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.

Cùng với các chương trình trên, Bộ TT&TT đã xây dựng kế hoạch CĐS toàn ngành, giai đoạn 2021 - 2025 gồm 5 danh mục dự án: Hạ tầng số, nền tảng số, phát triển dữ liệu, ứng dụng dịch vụ, an toàn thông tin. Các dự án của kế hoạch này sẽ hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, kịp thời cho quá trình CĐS báo chí ở nước ta hiện nay và thời gian tiếp theo.

Cùng với đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, còn có cơ sở pháp lý cho báo chí Việt Nam thực hiện CĐS đúng luật pháp. Đó là: Luật báo chí sửa đổi năm 2016; Luật an toàn thông tin mạng năm 2015; Luật an ninh mạng năm 2018 và các văn bản pháp lý liên quan khác.

Lợi thế tiếp theo là tốc độ phát triển hạ tầng CNTT, truyền thông và viễn thông của Việt Nam nhanh, hiện đại… thuộc top 20 của thế giới cũng là cơ hội tốt cho CĐS báo chí.

Đề cập vấn đề này, PGS. TS. Đinh Văn Hường, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: CĐS báo chí được triển khai trong bối cảnh kinh tế thế giới những năm gần đây suy giảm, khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững, tăng trưởng đáng kể; chính trị - xã hội ổn định; an ninh quốc phòng được giữ vững… là những yếu tố thuận lợi quan trọng để phát triển báo chí nói chung và CĐS báo chí nói riêng.

Điểm đáng chú ý là do điều kiện lịch sử trong phát triển, quá trình hiện đại hóa, số hóa ở nước ta muộn hơn so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam chưa bị trói buộc vào các công nghệ cũ và có tiềm năng để ứng dụng các công nghệ mới “đi tắt đón đầu”. Đây cũng là một lợi thế cho hiện đại hóa đất nước và CĐS báo chí hiện nay và tương lai.

Điểm quan trọng nữa có thể nói, các cơ quan báo chí, người làm báo nhận thức rõ CĐS là sự sống còn của mình. Hiện nay không ít cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong CĐS với các công nghệ tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data)… Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng: Đa nền tảng, báo chí dữ liệu, báo chí di dộng, siêu tác phẩm báo chí, báo chí sáng tạo, báo chí xã hội, cá nhân hóa nội dung…

“Những thuận lợi và thời cơ của CĐS sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức tổ chức, quản lý, quản trị, vận hành, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, bảo đảm đúng giá trị cốt lõi của báo chí”, PGS. TS. Đinh Văn Hường khẳng định.

Những khó khăn, thách thức trong CĐS báo chí

Tuy nhiên, PGS. TS. Đinh Văn Hường cho biết, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, cũng xuất hiện những khó khăn, thách thức. Khó khăn và thách thức đầu tiên là nhận thức, thái độ về vai trò, sự cần thiết của CĐS trong chính người làm báo.

“Ai cũng biết, nói, luận bàn về CĐS báo chí nhưng không phải tất cả những người có trách nhiệm và người thực thi hiểu thấu đáo được sự cần thiết, quan trọng và lợi ích của CĐS báo chí. Với tư duy, thói quen, cách làm cũ, truyền thống đã thấm sâu trong suy nghĩ, hành động làm cho họ ngại cái mới, cái hiện đại, ngại thay đổi. Đây là một trong những lực cản lớn của quá trình CĐS báo chí. Vậy nên công nghệ, kỹ thuật là quan trọng, nhưng quan trọng hơn và quyết định vẫn là con người”.

Thách thức tiếp theo là quan điểm cực đoan, nóng vội trong tiếp cận về CĐS báo chí. Có quan điểm thờ ơ với CĐS báo chí, nhưng cũng có quan điểm coi CĐS báo chí là tất cả, không làm ngay thì sẽ tụt hậu, lạc hậu.

Sự nóng vội này sẽ dẫn đến chủ quan, duy ý chí, áp đặt. Việc CĐS ngay cả khi chưa hội đủ các điều kiện cần thiết sẽ dẫn đến không đạt hiệu quả trong thực tế, thậm chí là hỏng việc. CĐS báo chí là tất yếu, là quy luật khách quan, quy luật phát triển. Tuy nhiên, để đạt mục đích và thực sự hiệu quả thì phải thực hiện theo lộ trình, đồng bộ giữa các bộ phận trong cả hệ thống”.

Khó khăn, thách thức khác là hạ tầng số cho các cơ quan báo chí. Nhìn chung CNTT, truyền thông và viễn thông ở nước ta là tốt, nhưng hạ tầng số cho cơ quan báo chí thực hiện CĐS thì chưa thực sự tốt. Hiện nay, các cơ quan báo chí có phiên bản điện tử đa phần đang sử dụng nền tảng kỹ thuật của các doanh nghiệp cung cấp như: Hệ thống quản trị nội dung (CMS) của EPI, Vccorp, 24h, Netlink…; hệ thống an toàn thông tin đi theo đơn vị cung cấp CMS; hệ thống lưu trữ đám mây.

Số cơ quan báo chí tự phát triển CMS ít, không phải cơ quan báo chí nào cũng có điều kiện để đầu tư vào CĐS như CMS riêng, an toàn thông tin, lưu trữ đám mây… một cách bài bản. “Khó khăn này phần nào làm cho báo chí CĐS chưa toàn diện, chưa rõ nét, manh mún, chưa đủ sức cạnh tranh với các nền tảng và dịch vụ mới xuyên biên giới, xuyên quốc gia”.

Khó khăn, hạn chế trong nguồn lực đầu tư kinh phí cho báo chí đang là một trong những thách thức quan trọng của quá trình CĐS báo chí. Trong thời gian dài, báo chí chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước cấp để hoạt động. Nay xu hướng chung là tự chủ tài chính (trừ một số cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị theo đặt hàng, được cấp kinh phí), kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, nguồn thu từ quảng cáo, dịch vụ giảm sút dẫn đến khó khăn là thách thức chung cho các cơ quan báo chí. Khi tiềm lực tài chính không đồng đều, nội lực kinh tế chưa mạnh thì CĐS càng không đơn giản.

ts-hoi-tu.jpg
Khó khăn, hạn chế trong nguồn lực đầu tư kinh phí cho báo chí đang là một trong những thách thức quan trọng của quá trình CĐS báo chí. (Ảnh: Đức Anh).

Thách thức và là một điểm nghẽn nữa là số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho CĐS báo chí. Vai trò nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao có ý nghĩa rất quan trọng, có tính quyết định trong CĐS. Tuy nhiên trên thực tế, cả số lượng và chất lượng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu. Ở các cơ quan báo chí, tình hình nguồn nhân lực cho CĐS còn nhiều khó khăn, thách thức hơn.

“Chừng nào đội ngũ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên ngoài trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mà năng lực, kỹ năng sử dụng công nghệ mới chưa đáp ứng hoặc không đáp ứng thì “điểm nghẽn” đó sẽ chưa được khơi thông”, PGS. TS. Đinh Văn Hường chia sẻ.

Bên cạnh đó, vấn đề an toàn, an ninh thông tin báo chí trong CĐS cũng là một trong những khó khăn, thách thức lớn hiện nay và thời gian tới. Những năm gần đây, các nền tảng xuyên biên giới đang làm cho báo chí trong nước mất dần nguồn thu và giảm tầm ảnh hưởng của báo chí về mặt thông tin. Sự giảm sút vai trò, ảnh hưởng của báo chí trên không gian mạng (đồng nghĩa với sự lấn át của các nền tảng xuyên biên giới, xuyên quốc gia) còn kéo theo những hệ lụy xã hội đáng lo ngại khác.

“CĐS là một lời giải cho đổi mới, sáng tạo để cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới, xuyên quốc gia, giảm sự lệ thuộc về phân phối nội dung, góp phần ngăn chặn sự xâm phạm chủ quyền quốc gia về thông tin trên không gian mạng”, PGS. TS. Đinh Văn Hường nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Việt Nam: một trong số ít quốc gia có năng lực sản xuất tấm tấm bán dẫn
    Mới đây, hơn 100 công ty từ Úc và Việt Nam đã hội tụ tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế Xanh tại TP. Hồ Chí Minh để thảo luận về năng lượng xanh, công nghệ, giáo dục và tài chính.
  • 5 cách để nâng cao bảo mật khi sử dụng trình duyệt Chrome
    Trình duyệt Chrome đang được rất nhiều người tin dùng bởi độ ổn định và khả năng bảo mật. Tuy nhiên, sự phổ biến này cũng khiến nó trở thành mục tiêu của tin tặc.
  • Mỹ phạt nhà mạng vì chia sẻ vị trí của người dùng
    Chính phủ Mỹ đã đưa ra mức phạt hàng triệu USD đối với các nhà mạng AT&T, Sprint, T-Mobile và Verizon sau một cuộc điều tra cho thấy các nhà mạng lớn của nước này đã chia sẻ bất hợp pháp dữ liệu cá nhân của thuê bao mà không có sự đồng ý của họ.
  • Các công cụ bảo mật đám mây dựa trên AI
    Ngày nay, AI tiên tiến đang được đưa vào sử dụng ở mọi loại hình doanh nghiệp (AI). Một loạt các nhà cung cấp bảo mật bên thứ ba đã phát hành các công cụ bảo mật đám mây dưới sự hỗ trợ của AI. Dường như đây là một trong những xu hướng nóng nhất trong ngành.
  • Những người làm báo từ rừng về phố
    Ngày 30/4/1975, trong những cánh Giải phóng quân từ khắp nẻo tiến về Sài Gòn, có cả một đội quân nhà báo xuất phát từ các chiến khu hoặc hành quân theo các binh chủng, đã kịp thời có mặt, chứng kiến giây phút trọng đại: Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - cơ hội và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO