Truyền thông

Bộ TT&TT có cách làm mới nâng cao hiệu lực QLNN về báo chí, xuất bản

Trường Thanh 17:50 29/12/2023

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã kiên trì, quyết liệt và có những giải pháp và cách làm mới để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước (QLNN) trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, từng bước giải quyết những vấn đề khó khăn, tồn tại, bất cập.

Công tác QLNN đối với lĩnh vực TT&TT được đánh giá cao

Ngày 29/12 tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết: Năm 2023, Bộ TT&TT tiếp tục tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và thực hiện có hiệu quả công tác QLNN đối với lĩnh vực TT&TT. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Ngành TT&TT được chú trọng. Nhiều văn bản chiến lược được ban hành.

ong-nguyen-dac-vinh.jpg
Ông Nguyễn Đắc Vinh: Bộ TT&TT đã kiên trì, quyết liệt và có những giải pháp và cách làm mới để nâng cao hiệu lực QLNN trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về TT&TT, nhất là vấn đề quản lý các lĩnh vực trên không gian mạng…

Bộ TT&TT đã kiên trì, quyết liệt và có những giải pháp và cách làm mới để nâng cao hiệu lực QLNN trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, từng bước giải quyết những vấn đề khó khăn, tồn tại, bất cập như: Vấn đề quy hoạch, phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được thực hiện nghiêm túc và cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 về sắp xếp các cơ quan báo chí”, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết.

Công tác truyền thông báo chí, xuất bản tiếp tục bám sát sự chỉ đạo, định hướng, thực hiện tốt các nhiệm vụ tuyên truyền, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Công tác truyền thông chính sách được chú trọng. Công tác quản lý thông tin được đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, kịp thời định hướng chấn chỉnh, xử lý nghiệm các sai phạm trong hoạt động báo chí như: Về tôn chỉ mục đích, "báo hóa" tạp chí và mạng xã hội, "tư nhân hóa" báo chí....

Bộ TT&TT chú trọng chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực báo chí và xuất bản. Bộ TT&TT đã tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng thời, thực hiện hiệu quả các giải pháp nắm bắt thông tin cơ sở, dư luận, bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn hoạt động chống phá, xử lý thông tin xấu, thông tin giả, từng bước làm trong sạch không gian mạng.

Về vấn đề này, Bộ TT&TT hằng tháng đều có báo cáo đầy đủ cho Ủy ban Thường vụ của Quốc hội. Các báo cáo này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá rất cao”, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng cho biết, Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chú trọng công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, kịp thời báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý các vấn đề mới.

Vừa qua, Bộ TT&TT có hai báo cáo liên quan đến ChatGPT và Tiktok. Hai báo cáo này là hai báo cáo về vấn đề mới nhưng rất kịp thời, sâu sắc, toàn diện. Hay vấn đề quản lý trên không gian mạng, hỗ trợ thúc đẩy báo chí CĐS, phát triển kinh tế báo chí…”, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Đắc Vinh, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ TT&TT đã nghiêm túc chỉ ra những tồn tại, hạn chế, các điểm nghẽn tập trung tháo gỡ.

Hoàn thiện thể chế, tạo điệu kiện cho hoạt động báo chí, xuất bản phát triển

Về phương hướng trong thời gian tới, ông Nguyễn Đắc Vinh cơ bản nhất trí với các nội dụng trong báo cáo của Bộ TT&TT, đồng thời, trao đổi thêm một số vấn đề để Bộ xem xét, nghiên cứu:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho hoạt động báo chí, xuất bản phát triển.

Ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ TT&TT quan tâm đẩy nhanh tiến độ, rà soát sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí và Luật Xuất bản. Sau 6 năm thi hành thì Luật Báo chí đã bộc lộ một số bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, vừa kìm hãm sự phát triển của báo chí, vừa gây nhiều khó khăn cho công tác QLNN. Ví dụ, các nội dung cụ thể về loại hình báo chí, kinh tế báo chí, về quyền hạn và nhiệm vụ của các cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí…

Đến nay, Bộ TT&TT đã tiến hành lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí 2016. Ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Chính phủ quan tâm sớm xem xét, đề xuất sửa đổi luật này.

Thứ hai, nghiên cứu từng bước luật hóa quy định quản lý về các lĩnh vực trên không gian mạng. Đề nghị sớm hoàn thiện và ban hành các văn bản thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng… để tăng cường quản lý các nền tảng xuyên biên giới.

Thứ ba, tập trung nghiên cứu, sửa đổi cơ chế chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho ngành báo chí, xuất bản. Cụ thể, Nhà nước cần tằng cường đầu tư cho báo chí, xuất bản.

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phát triển có trọng tâm, trọng điểm công nghiệp văn hóa, trong đó, phát thanh truyền hình và xuất bản là hai ngành công nghiệp văn hóa, là những lĩnh vực Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, mang tính dẫn dắt.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 cũng đặt ra nhiệm vụ phát triển cơ quan báo chí, tổ hợp truyền thông chủ lực đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền thiết yếu làm chủ mặt trận thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, hiện nay, chi thường xuyên cho báo chí thông qua nhiệm vụ và đặt hàng tương đối thấp, chỉ dưới 0,5% tổng chi ngân sách thường xuyên của Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí thấp chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách Nhà nước.

“Do đó, cần có chiến lược đầu tư thỏa đáng, có trọng tâm, trọng điểm để phát triển các cơ quan báo chí, xuất bản đủ mạnh, tăng chi thường xuyên cho cơ quan báo chí thông qua giao nhiệm vụ, đặt hàng; tăng chi đầu tư để xây dựng và phát triển các nền tảng cho báo chí”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị.

Cũng theo ông Nguyễn Đắc Vinh, cần sửa đổi các quy định, chính sách về tài chính.

Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị tháo gỡ 5 nhóm vấn đề cho các cơ quan báo chí; đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Bộ Tài chính sớm nghiên cứu sửa đổi luật thuế thu nhập doanh nghiệp cho phép thống nhất một mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả loại hình cơ quan báo chí.

"Qua quá trình giám sát, các cơ quan báo chí đã nhiều năm phản ánh về những khó khăn vướng mắc về cơ chế tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì phii hợp với các cơ quan liên quan sớm xem xét, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập liên quan đến Nghị định này".

Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị sớm sửa đổi các quy định như: Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí xuất bản, việc đặt hàng, định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí...

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý báo chí, tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống báo chí truyền thông; Cần có cách tiếp cận đặc thù trên cơ sở đánh giá đúng vai trò vị trí của các cơ quan báo chí, đặc biệt là đối với các cơ quan báo chí chủ lực./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ TT&TT có cách làm mới nâng cao hiệu lực QLNN về báo chí, xuất bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO