Xem xét cơ chế đặc thù đối với một số cơ quan báo chí
Trong năm 2023, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng với Bộ TT&TT và Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp nhịp nhàng và rất hiệu quả, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác quản lý báo chí, xuất bản và TT&TT.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ TT&TT ngày 29/12, ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với Bộ TT&TT trong công tác chỉ đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản và thông tin truyền thông trong năm 2023.
Ông Trần Thanh Lâm cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về việc xây dựng nền báo chí truyền thông Chuyên nghiệp, Nhân văn và Hiện đại, xây dựng nền xuất bản hiện đại, tinh gọn và hiệu quả cũng như các quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng liên quan đến công tác phối hợp chỉ đạo, quản lý báo chí xuất bản và truyền thông, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong năm 2023, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng với Bộ TT&TT và Hội Nhà báo Việt Nam đã có sự phối hợp nhịp nhàng và rất hiệu quả, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Sớm sửa Luật Báo chí để phù hợp với thực tiễn
Theo ông Trần Thanh Lâm, sự phối hợp được thực hiện với các nội dung cơ bản.
Thứ nhất, Bộ TT&TT đã thực hiện kịp thời việc hoàn thiện thể chế và pháp luật, trong đó có việc đánh giá thi hành Luật Báo chí năm 2016 đang được triển khai và trình cấp có thẩm quyền đưa vào chương trình sửa luật, tạo điều kiện để báo chí phát triển.
Đây là Bộ luật rất lớn và sau 7 năm thực hiện đã xuất hiện những vấn đề cần bổ sung, đặc biệt là những quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về vấn đề báo chí truyền thông, chuyển đổi số (CĐS) báo chí, công nghệ mà Luật Báo chí phải cập nhật, kịp thời điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.
Ông Trần Thanh Lâm đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tiếp tục quan tâm chỉ đạo để sớm triển khai việc sửa đổi Luật Báo chí, cập nhật những quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng vào trong công tác xây dựng luật.
Xem xét có những đặc thù đối với một số cơ quan báo chí
Thứ hai, về quy hoạch, phát triển, quản lý báo chí đến năm 2025 đã được quan tâm triển khai bảo đảm đúng tiến độ, lộ trình và hoàn thành giai đoạn 1.
Hiện nay, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng với Bộ TT&TT đang phối hợp để đôn đốc hướng dẫn và triển khai quyết liệt giai đoạn 2, nhất là các địa phương, đơn vị có tính đặc thù như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn. Đây là 3 cơ quan chủ quản của nhiều cơ quan báo chí, và là những cơ quan báo chí lớn có tác động mạnh và định hướng đến dư luận xã hội rất lớn, có số lượng bạn đọc rất đông.
Với đặc thù như vậy, ông Trần Thanh Lâm đề nghị: "Phó Thủ tướng Chính phủ quan tâm để Ban Tuyên giáo Trung ương cùng với Bộ TT&TT báo cáo với Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ xem xét có những đặc thù nhất định đối với các cơ quan báo chí này để làm sao trên tinh thần vừa quy hoạch, vừa sắp xếp nhưng cũng để các báo có điều kiện để phát triển”.
Hỗ trợ các cơ quan báo chí khó khăn CĐS
Thứ ba, ông Trần Thanh Lâm cho biết Bộ TT&TT đã tham mưu cho Thủ tướng Quyết định phê duyệt về Chiến lược CĐS báo chí, hỗ trợ, hướng dẫn và đánh giá cơ quan báo chí thực hiện CĐS.
“Đây là niềm vui rất lớn với hơn 800 cơ quan báo chí trong cả nước. Lần đầu tiên, Chính phủ có hẳn một đề án riêng dành cho CĐS các cơ quan báo chí. Đến thời điểm hiện tại, Bộ TT&TT đang triển khai rất tích cực, thành lập cả Trung tâm hỗ trợ CĐS báo chí để hỗ trợ CĐS cho các cơ quan báo chí. Báo nào cần cái gì, khó ở đâu, mắc ở chỗ nào thì liên hệ với Bộ TT&TT để được giúp đỡ”, ông Trần Thanh Lâm nhấn mạnh.
Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 vừa được tổ chức mới đây, Bộ TT&TT đã công bố danh sách các cơ quan báo chí thực hiện CĐS báo chí.
"Đây như một bản đồ về năng lực CĐS của báo chí của tất cả các cơ quan báo chí. Mặc dù số lượng cơ quan báo chí được xếp loại xuất sắc chưa cao, mới khoảng 5%. Nhưng đây là tín hiệu đáng mừng để thấy được năng lực, các chỉ số đo đếm rất cụ thể để đơn vị nào làm chưa tốt thì cần cố gắng hơn nữa", ông Trần Thanh Lâm chia sẻ.
Về vấn đề này, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị Bộ TT&TT phân tách những cơ quan báo chí nào thực sự khó khăn, chưa có điều kiện, kinh nghiệm thì cần có tổ công tác hỗ trợ, giúp đỡ cho các báo này.
Các cơ quan hành chính, chính quyền các cấp đều phải thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách
Thứ tư, Bộ TT&TT tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 07 về truyền thông chính sách, xác định trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước trong truyền thông chính sách. Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp để chỉ đạo vấn đề này rất tốt.
“Trước đây thường quan niệm, nhiệm vụ này là của ngành Tuyên giáo, của ngành TT&TT và của các cơ quan báo chí. Nhưng nay với tinh thần của Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ thì tất cả các cơ quan, nhất là các cơ quan hành chính, chính quyền các cấp đều phải thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách. Và từ nhiệm vụ này mới có cơ chế, nguồn lực để phối hợp, hỗ trợ cho các báo làm tốt công tác truyền thông”, ông Trần Thanh Lâm cho hay.
Thứ năm, công tác quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản truyền thông có nhiều đổi mới, việc xử lý vi phạm được tăng cường. Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương trong định hướng tuyên truyền các sự kiện lớn, quan trọng, phức tạp và nhạy cảm.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT và Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên tổ chức giao ban vào sáng thứ Ba hằng tuần để kịp thời định hướng những vấn đề có tính chất quan trọng, nhạy cảm và phức tạp.
Đối với vấn đề xuất bản, ông Trần Thanh Lâm cho biết Bộ TT&TT rất quan tâm, đặc biệt, Bộ thường trực cho Hội đồng Giải thưởng sách quốc gia. Giải thưởng sách quốc gia về vị trí chính trị cũng quan trọng như giải thưởng báo chí quốc gia.
Đột phá về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng
Thứ sáu, về vấn đề xử lý, bóc gỡ những thông tin xấu độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng bằng giải pháp kỹ thuật có nhiều chuyển biến đột phá, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật tinh tế được Bộ TT&TT thực hiện quyết liệt và hiệu quả.
Cuối cùng, ông Trần Thanh Lâm cho biết sắp tới kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã ban hành kế hoạch, các cơ quan cũng đã và đang triển khai.
Theo đó, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện tháo gỡ những cơ chế, những vướng mắc, khó khăn để báo chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng quan trọng, là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng./.