Truyền thông

Báo chí số: Đích đến của chuyển đổi số báo chí

Trường Thanh 10:03 04/01/2024

Bản chất của báo chí số là sử dụng công nghệ số vận hành, đồng thời sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm số, kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số, trong một hệ sinh thái số.

CĐS báo chí không chỉ là chuyển đổi nền tảng công nghệ, mà hơn thế là chuyển đổi toàn bộ tư duy chiến lược

Ngày 06/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số (CĐS) báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chiến lược nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Đây là văn bản pháp lý quan trọng đổi với việc thúc đẩy thực tiễn CĐS báo chí ở nước ta. Đích cuối của CĐS báo chí là chuyển đổi từ nền báo chí truyền thống đơn loại hình thành đa loại hình, rồi dần đến báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động. “Tức sản phẩm là các thể loại báo chí số, và hơn thế là tính chiến lược, lối tư duy, phương thức làm việc trên nền tảng số, với công cụ số, thích ứng, đáp ứng yêu cầu của công chúng số và sự tham gia của cả máy (robot), như một chủ thể số”.

Sự chuyển đổi này bao gồm cả sáng tạo nội dung, mô hình toà soạn, phát triển nguồn nhân lực đến tầm nhìn, tính chiến lược, tư duy và phương thức lãnh đạo, quản lý.

Báo chí số (digital journalism) là loại hình báo chí sử dụng công nghệ số vận hành, đồng thời sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm số, kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số, trong một hệ sinh thái số.

“CĐS báo chí không đơn thuần chỉ là chuyển đổi về nền tảng công nghệ, mà hơn thế là chuyển đổi toàn bộ tư duy chiến lược, mô hình tổ chức toà soạn, phương thức tổ chức, thực hiện và quản lý nội dung, quản trị toà soạn, quản trị kinh doanh trong một thị trường truyền thông toàn cầu, với mối quan hệ cạnh tranh mạnh mẽ”, PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

dsc_7256.jpg
PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng: Đích cuối của CĐS báo chí là chuyển đổi từ nền báo chí truyền thống đơn loại hình thành đa loại hình, rồi dần đến báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động.

Tuy nhiên, theo PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, CĐS báo chí vẫn còn chậm về tiến độ, chưa đi vào thực chất. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do nhiều cơ quan báo chí còn mơ hồ về “đích đến” của CĐS là nền báo chí số, chưa tường minh về mô hình toà soạn báo chí số, dẫn tới hầu hết các cơ quan báo chí chưa xây dựng được mô hình toà soạn báo chí số đáp ứng được sự hội tụ của: Chủ thể số, nội dung số, công nghệ số, công chúng số, kinh tế số, hệ sinh thái số.

Bên cạnh đó, hạn chế dễ thấy nhất của các cơ quan báo chí trong phát triển báo chí số là công cụ số, nền tảng số và công chúng số. Thực tiễn báo chí cho thấy, ngoài việc xây dựng mô hình báo chí số và CĐS ở các cơ quan báo chí, cần phải chú trọng vào yếu tố có tính mấu chốt đó là nhân lực và vật lực cho CĐS báo chí. Cần chú trọng chiến lược về chủ thể báo chí số với năng lực sử dụng và điều khiển robot trong mọi tiến trình, quy trình sáng tạo nội dung, quản trị toà soạn.

Theo PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, để CĐS thành công, cần đáp ứng được 5 điều kiện căn bản bao gồm: Nền tảng tư duy của các cơ quan chủ quản, các nhà lãnh đạo, quản lý báo chí về hệ sinh thái báo chí truyền thông phù hợp với nền kinh tế số và xã hội số; Điều kiện về công nghệ và đổi mới sáng tạo; Chiến lược và năng lực chuyển đổi nền tài chính từ vốn (capital) sang vốn dữ liệu (data-capital); Chiến lược, năng lực chuyển đổi mô hình, phương thức tổ chức của cơ quan báo chí và các tổ chức, doanh nghiệp truyền thông và điều kiện về cơ sở pháp lý.

“Nếu cả chủ quản và cơ quan báo chí chưa hiểu đúng, hiểu rõ về đích đến, tiến trình, điều kiện của CĐS báo chí, khó có thể thực hiện thành công. Không ít cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí hiện nay do nhận thức mơ hồ về mô hình toà soạn số, không rõ về điều kiện công nghệ và đổi mới sáng tạo, thiếu coi trọng nguồn lực số, nội dung số, nền tảng số, công cụ số, công chúng số dẫn tới không có kế hoạch, lộ trình cụ thể cho CĐS báo chí ở đơn vị mình”, PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng chia sẻ.

Do đó, ở mỗi cơ quan báo chí, để CĐS diễn ra suôn sẻ, cần giải bài toán về nguồn lực thực thi báo chí số, triển khai mô hình toà soạn số với 7 khối chức năng, bao gồm: Lớp chức năng quản lý, chỉ đạo; Lớp hạ tầng kỹ thuật; Lớp các dịch vụ dùng chung; Lớp ứng dụng và cơ sở dữ liệu; Lớp dịch vụ cổng thông tin; Kênh phân phối; Lớp người dùng/công chúng.

“Nói cách khác, cần thực hiện đồng bộ sự chuyển đổi tất cả các thành tố của báo chí số, chứ không phải chỉ là bài toán công nghệ hay một mô hình toà soạn hội tụ”, PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng cho hay.

Lợi ích của CĐS báo chí

Đề cập đến lợi ích của CĐS báo chí, PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, tại Việt Nam, CĐS báo chí nằm trong lộ trình CĐS quốc gia. Các công nghệ mới và xu hướng số hóa sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, tạo ra sự sáng tạo và thay đổi trong ngành này.

Điều đó giúp cho các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng nội dung thông tin, tạo ra nhiều sản phẩm báo chí với các hình thức truyền tải hấp dẫn như podcast, video, infographics, megastory, long form… và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng, dựa vào sở thích và hành vi tiếp nhận của họ”.

CĐS cung cấp cho các cơ quan báo chí môi trường để mở rộng phạm vi và khả năng tiếp cận thông tin người dùng. Trước đây, việc phát hành và phân phối thông tin bị giới hạn bởi cả không gian và thời gian, ảnh hưởng đến cả số lượng, tần suất, tốc độ, sự đa dạng của thông tin, thì nay những rào cản đó đã bị phá vỡ. Điều này đặc biệt cần thiết đối với những người ở những khu vực xa xôi, kém phát triển, nơi tiếp cận thông tin có thể bị giới hạn. Các công cụ như blog, podcast và video trực tuyến cho phép các nhà báo tự do hơn trong sáng tạo, thể hiện ý kiến và nhận quan điểm của độc giả từ khắp nơi.

pgs.ts-nttg.jpg
PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang: CĐS cung cấp cho các cơ quan báo chí môi trường để mở rộng phạm vi và khả năng tiếp cận thông tin người dùng.

CĐS giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện các hoạt động của mình từ quy trình thu thập, sản xuất, quản trị dữ liệu, phân phối nội dung thông tin, tiếp nhận và xử lý phản hồi của công chúng, đến thay đổi thói quen làm việc, cách trao đổi và giao tiếp với nhau, cách xây dựng bộ máy và quản trị hệ thống phân cấp trong tòa soạn, tạo ra văn hóa công sở mới, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Ngoài ra, việc CĐS cũng giúp tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Với sự chuyển đổi sang hình thức báo chí điện tử và truyền thông trực tuyến đã giúp giảm thiểu đáng kể việc in ấn và giảm thiểu khí thải, ô nhiễm môi trường.

“Một trong những lợi ích to lớn của CĐS trong hoạt động báo chí là tăng tính tương tác giữa nhà báo và công chúng. Trước đây, công chúng hưởng lợi từ thông tin và tiếp nhận thông tin một chiều được đăng tải trên các loại hình báo chí truyền thống.

Tuy nhiên, với sự phát triển của các nền tảng truyền thông số, họ ngày càng trở thành một phần quan trọng trong quy trình, hệ thống sản xuất và tiếp nhận thông tin. Họ có thể tương tác trực tiếp thông qua việc sáng tạo, bình luận, chia sẻ và hơn hết họ có thể chủ động nêu ra ý kiến và quan điểm cá nhân. Điều này tạo ra một môi trường thông tin phong phú hơn, mọi người có cái nhìn đa chiều và cũng là nơi công chúng có thể thảo luận, chia sẻ ý kiến và tham gia vào các cuộc tranh luận quan trọng”, PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí số: Đích đến của chuyển đổi số báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO