Chuyển đổi số: Chìa khóa tăng trưởng cho doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19

Hoa Quỳnh| 30/06/2021 21:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0, tạo cơ hội kinh doanh mới, nâng cao lợi thế cạnh tranh và tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, trong khó khăn mới do đại dịch Covid-19 gây ra, dù ở quy mô nào

Thay đổi tư duy

Chuyên gia cao cấp ISO - Giám đốc Công ty TNHH ProfM Việt Nam - ông Trần Kiên Dũng - ghi nhận: hiện CĐS đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Cụ thể, theo báo cáo của Microsoft về mức độ tác động của CĐS mang lại cho GDP các quốc gia thuộc châu Á Thái Bình Dương năm 2017 là 6%, 2019 là 25%, năm 2021 là 60%. Còn dự đoán của Công ty Tư vấn DN McKinsey, tác động của CĐS là rất lớn, năm 2025 mức tác động của CĐS tới GDP của Mỹ là khoảng 25%, Brazil là 35%, EU là 36%.

Còn theo khảo sát về nhận thức của DN SMEs (DN nhỏ và vừa) tại 14 quốc gia châu Á Thái Bình Dương về CĐS năm 2020 cho thấy, 62% kỳ vọng CĐS sẽ giúp DN cải tiến sản phẩm dịch vụ; 56% giúp nâng cao năng lực cạnh tranh; 31% giúp thay đổi mô hình quản trị và kinh doanh; và chỉ 3% DN cho rằng CĐS không quan trọng với DN.

Cùng với xu thế của thế giới, ông Lê Văn Khương - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (TAC), Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - thông tin, theo một khảo sát các DN thuộc top 500 tăng trưởng nhanh nhất thực hiện năm 2021 tại Việt Nam cho thấy, 90% DN đã bắt đầu quan tâm đến CĐS, 30% DN cho rằng CĐS là vấn đề sống còn của DN, 54,5% thuộc top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất cho biết sẽ ứng dụng CĐS trong sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, CĐS là 1 trong 6 ưu tiên của DN trong chiến lược kinh doanh năm 2021, gồm: cắt giảm chi phí, xây dựng hệ thống rủi ro, tăng năng xuất lao động, cải thiện chất lượng, ứng dụng CĐS cho sản xuất kinh doanh, cải thiện chất lượng đội ngũ quản lý.

Trước tầm quan trọng của CĐS đối với nền kinh tế, ông Lê Văn Khương nhận định, DN Việt Nam hiện có nhiều điều kiện để triển khai CĐS bởi Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến hoạt động này. Trong đó, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, trong đó ưu tiên 8 lĩnh vực: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, vận tải - logistics, năng lượng, tài nguyên - môi trường, sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, hiện Việt Nam đã có hạ tầng số phát triển đáng kể; các chương trình hành động, hỗ trợ DN CĐS của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội; lực lượng nhà cung cấp giải pháp, các nền tảng CĐS không ngừng phát triển để DN lựa chọn.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 tác động lớn đến hoạt động của DN, nhiều DN hoạt động theo phương thức truyền thống gặp khó khăn nên buộc phải thay đổi và chủ động tìm cách thích ứng. Đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tìm kiếm khách hàng, xuất khẩu trực tuyến; áp dụng công nghệ nhiều hơn vào vận hành bộ máy quản trị, kinh doanh nhằm kết nối thị trường, phục hồi, duy trì sản xuất. “Thực tế, trong đại dịch Covid-19 chúng ta đang cảm nhận rõ nét hơn việc DN tăng tốc sử dụng các ứng dụng, nền tảng số vào sản xuất, kinh doanh. Đây là sự thay đổi rất tích cực, giúp DN thích ứng với biến động của thị trường, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế” - ông Khương ghi nhận.

Từ góc độ nhà cung cấp giải pháp CĐS cho DN, ông Đào Quang Dũng - Giám đốc Công ty CP Estersun - cho hay, không chỉ DN thương mại, dịch vụ, hiện số DN sản xuất công nghiệp đang quan tâm và có nhu cầu CĐS rất lớn, bởi đây là đối tượng đang gặp phải nhiều vấn đề về quản trị, cũng như yêu cầu thay đổi để bắt nhịp được với nguồn cung ứng toàn cầu. Theo đó, các DN đang tập trung số hóa hoạt động kinh doanh, từ khâu tiếp thị sản phẩm đến khâu bán hàng…; số hóa quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ, các nghiệp vụ quản lý tài chính, kế toán, nhân sự, báo cáo, giám sát và đánh giá… Có thể nói, đây là quá trình chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho DN.

Tuy nhiên, từ góc độ chuyên gia, theo ông Trần Kiên Dũng, so với xu thế, DN Việt Nam vẫn chưa có chiến lược CĐS phù hợp, không xác định chính xác tính sẵn sàng của hệ thống với hoạt động CĐS, cũng như các giải pháp phù hợp với DN. Về nhà cung cấp giải pháp, không tiếp cận đúng hoặc không tiếp cận được khách hàng phù hợp, không đánh giá chính xác được tính sẵn sàng và phù hợp của hệ thống với giải pháp CĐS của mình.

Thông qua việc số hóa, tự động hóa, các DN sẽ có “chìa khóa” để thực hiện tăng trưởng nhanh, bền vững trong bối cảnh bất lợi do đại dịch Covid-19 gây ra. Trước đòi hỏi này, ông Trần Kiên Dũng - cho rằng, lãnh đạo DN phải nhạy bén với ứng dụng công nghệ số, thành viên DN phải có tư duy công nghệ số, DN phải có trách nhiệm trong thực hiện CĐS như hạ tầng, ngân sách, quản lý phù hợp. Đồng thời, cần thay đổi tư duy về CĐS, đó là không còn “cá lớn nuốt cá bé” mà là “cá nhanh nuốt cá chậm”, CĐS là toàn diện từ nhận tức - tư duy - công nghệ và CĐS không chỉ dành cho DN lớn mà mọi DN, CĐS là hành trình chứ không phải đích đến.

Cần sự đồng hành

CĐS là kiến tạo mô hình kinh doanh mới, đưa ứng dụng công nghệ vào quản lý, giải quyết bài toán trong doanh nghiệp, xã hội. Theo đó, giải pháp cấp thiết hiện nay, ông Trần Kiên Dũng cho răng, DN cần một đơn vị hiểu được nhu cầu của DN để đánh giá được mức độ, tính sẵn sàng CĐS của DN; đánh giá được tính phù hợp và khả thi của các sản phẩm, dịch vụ CĐS liên quan; giúp DN xây dựng được chiến lược và lựa chọn các giải pháp CĐS phù hợp…

Bên cạnh đó, rào cản lớn của DN trong thực hiện CĐS vẫn chủ yếu do chi phí ứng dụng công nghệ số cao, thiếu cơ sở hạ tầng, DN còn e ngại sợ bị rò rỉ dữ liệu thông tin, thiếu nhân lực trình độ cao... Vì vậy, ông Đào Quang Dũng nhấn mạnh, DN nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện chiếm đến 97% còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thách thức về nguồn vốn, theo đó, với kinh nghiệm dựa trên lợi ích của khách hàng là thành công của nhà cung cấp giải pháp, các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số hãy chú trọng và quan tâm đến năng lực của DN để đưa ra các gói giải pháp công nghệ tối ưu.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, nhà cung cấp giải pháp, Chính phủ cần hỗ trợ CĐS thông qua việc tăng cường xây dựng các quy tắc, quy định thúc đẩy kinh doanh không dùng giấy tờ; hỗ trợ tài chính cho việc ứng dụng công nghệ số, minh bạch hóa các quy tắc, quy định về quản lý dữ liệu.

Đồng quan điểm về gỡ khó cho DN CĐS, ông Lê Văn Khương đề xuất, để thúc đẩy DN tăng tốc CĐS, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về tài chính, như giảm thuế thu nhập để DN có thêm nguồn tích lỹ cho quỹ CĐS. Đặc biệt, yếu tố quan trọng đó là phải có môi trường, hệ sinh thái CĐS để DN yên tâm thực hiện; tạo sự tin tưởng cho DN đối với nhà cung cấp giải pháp, nền tảng; tăng cường kết nối các chuyên gia để DN tìm thấy giải pháp phù hợp.

Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai Chương trình hỗ trợ CĐS giai đoạn 2021-2025, nhằm nâng cao nhận thức của DN về CĐS, cải thiện năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất cho DN, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ DN CĐS. Trong đó, Chương trình đặt mục tiêu: 100 DN tiếp cận thông tin từ chương trình và nâng cao kiến thức về CĐS; 100 DN là các thành công điển hình về CĐS; 100.000 DN được nhận các hỗ trợ về CĐS (đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp); 100 mạng lưới chuyên gia gồm các tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy CĐS.

Ông Lê Văn Khương cho biết, theo kế hoạch, chương trình sẽ đồng hành cùng DN trong khoảng 5 năm với kỳ vọng là sẽ tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ về CĐS, với nhiều hoạt động cụ thể, như: Xây dựng công cụ nền tảng số cho DN, triển khai các gói hỗ trợ kỹ thuật cho DN có nhu cầu CĐS, thúc đẩy phát triển các nền tảng số phù hợp với quy mô, ngành nghề và giai đoạn phát triển của DN… Sử dụng nguồn lực để DN lựa chọn giải pháp phù hợp; tạo ra sự cam kết về công nghệ, giải pháp, chuyên gia để DN yên tâm chuyển đổi. “Chúng tôi cũng đang triển khai các chương trình đào tạo CĐS trực tuyến với các chuyên đề CĐS riêng biệt dành cho các loại hình DN có sự kết hợp của các chuyên gia CĐS” - ông Khương thông tin.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số: Chìa khóa tăng trưởng cho doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO