Diễn đàn

Chuyển đổi số của Việt Nam là sự hội tụ của nhiều nội dung

Hoàng Linh 12/06/2023 16:50

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo một số công tác trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2023 tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước Quý II năm 2023 với các cơ quan chuyên trách CNTT các Bộ ngành và 63 Sở TT&TT địa phương ngày 12/6/2023.

Chuyển đổi số (CĐS) đã dàn trận trên mọi tuyến, toàn dân và toàn diện

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh cách đây hơn 3 năm, chúng ta khởi động CĐS quốc gia. Truyền thông, nâng cao nhận thức được đẩy mạnh. Giờ đây, người dân ai ai cũng nói CĐS. Tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc trong phong trào thi đua yêu nước vừa được tổ chức, nhiều đơn vị, cá nhân làm CĐS đã nhận nhiều bằng khen. Các bộ, ngành, địa phương đã có nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động về CĐS.

bt-du-giao-ban-qlnn_120623_03.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Giờ đây, người dân ai ai cũng nói CĐS.

Bên cạnh đó, “Chúng ta cũng đã trải qua khá nhiều thử nghiệm, diễn tập CĐS, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19. Chúng ta cũng đã dàn trận trên mọi tuyến, toàn dân và toàn diện. Bây giờ đến lúc phải làm và làm một cách thực chất. Thực chất có nghĩa là tạo ra giá trị cho người dân, cho sự phát triển của đất nước. Cái này gọi là “quickwin”.

Phải làm mới rõ ra các vấn đề, kể cả các vấn đề về thể chế, công nghệ, phải làm chi tiết. “Không làm thì không vỡ ra, không làm thì không hiểu, không làm thì không dẫn dắt được người khác”, Bộ trưởng lưu ý.

Hiểu rộng về CĐS

Cũng về nhận thức CĐS, Bộ trưởng đề nghị cần nhận thức “CĐS theo góc nhìn Việt Nam là sự hội tụ của hầu hết các thứ”.

Theo Bộ trưởng, CĐS là công nghiệp hoá - hiện đại hóa. Công nghiệp hóa chính là CĐS lĩnh vực sản xuất, còn hiện đại hóa là CĐS toàn dân và toàn diện.

CĐS cũng là kinh tế tri thức. Kinh tế tri thức chính là kinh tế số (KTS).

CĐS cũng là đổi mới sáng tạo (ĐMST) là ứng dụng công nghệ mới, thay đổi mô hình vận hành, mô hình kinh doanh, thay đổi thể chế nên nó là ĐMST.

CĐS cũng chính là ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), chủ yếu là công nghệ số (CNS). CNS là nền tảng để tạo ra CĐS, là KHCN, vừa là vấn đề nghiên cứu, vừa là vấn đề ứng dụng.

CĐS chính là thay đổi quản trị, gọi là quản trị số. CĐS cũng chính là câu chuyện phát triển nhanh, là vì KTS tăng trưởng nhanh. Bây giờ KTS đã đóng góp 15% GDP, cứ tăng gấp 3, 4 lần GDP. “KTS là động lực tăng trưởng của chúng ta trong dài hạn, trung hạn và chính là cái để chúng ta đạt đến mốc năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

CĐS cũng chính là phát triển bền vững. Thứ nhất là vì tiêu tốn ít tài nguyên, thứ hai là nó tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu, giống như đất đai. Càng CĐS nhiều thì lại càng tạo ra nhiều “đất đai” là dữ liệu, càng nhiều tài nguyên, càng giàu có. Nhiều quốc gia đã công bố, phát triển kinh tế số chính là con đường để tạo ra sự phát triển bền vững.

CĐS cũng chính là tăng sức chống chịu của nền kinh tế bởi môi trường số, không khoảng cách, không tiếp xúc.

Với những phân tích trên, Bộ trưởng nhấn mạnh “CĐS hội tụ trong mình hầu như tất cả các thứ. Tôi rất mong muốn hiểu rộng CĐS để tập trung làm.

giao-ban-qlnn_120623_01.jpg
Toàn cảnh hội nghị

CĐS cần triển khai đồng bộ theo cả chiều dọc và chiều ngang

Cụ thể các công việc 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng lưu ý việc đầu tiên là dịch vụ công (DVC) toàn trình. Đó là không đến công sở, tỷ lệ hồ sơ DVC được xử lý trực tuyến đạt 95% vào năm 2025. Cái này sẽ nói đến mức độ phát triển Chính phủ điện tử.

Việc thứ hai là chính quyền số, quản trị số. Bộ trưởng cho biết năm nay, Bộ TT&TT phải giải câu chuyện biến Bộ TT&TT thành một bộ mẫu về quản trị số. Riêng về chính quyền số, quản trị số, xem xét cân nhắc làm tỉnh số khi xã và huyện đã có mẫu mô hình.

Một việc nữa là làm sao ra được giá cho nền tảng để giá rẻ xuống. “Phải ra được cơ chế cho nền tảng, nếu không sẽ dẫn đến lãng phí. Thời CĐS là nền tảng số. Lời giải độc đáo của CĐS Việt Nam là nền tảng số dùng chung, làm rời rạc có khi mất đến 10 năm nữa. Làm nền tảng số dùng chung thì triển khai nhanh được cho cả 63 tỉnh. Tỉnh nào có điều kiện hơn, thì bổ sung nền tảng và thử nghiệm trước”.

Về KTS, Bộ trưởng nhấn mạnh: “KTS là trọng tâm của CĐS, tạo ra sự phát triển của nền kinh tế. Kinh tế số chủ yếu là CĐS ngành. Mỗi ngành phải xác định các nền tảng số ngành để triển khai và công bố để doanh nghiệp (DN) phát triển”.

“CĐS là chuyển đổi toàn bộ cách vận hành, cách làm, ĐMST mô hình quản trị, mô hình kinh doanh của lĩnh vực. Các cơ quan chuyên trách CNTT Bộ, ngành, phải lưu ý để dẫn dắt thay đổi toàn bộ ngành, đưa công nghệ số vào, thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi quản trị và thúc đẩy kinh tế số trong ngành đó”.

Bộ TT&TT cũng sẽ làm việc với các Bộ về xác định nền tảng số căn bản để thúc đẩy CĐS, tạo ra KTS phát triển cho bộ, ngành.

Bên cạnh lưu ý chiều dọc của CĐS có KTS, xã hội số, chính phủ số, Bộ trưởng lưu các cơ quan chuyên trách CNTT cũng phải lưu ý thể chế số phải đi trước. Thể chế hiện phân tán, không chỉ các thể chế do Bộ TT&TT sửa, mà còn ở các Bộ ngành. Đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ ngành cần rà soát xem thể chế của Bộ ngành thiếu, cần gì…

Bộ trưởng cũng lưu ý về hạ tầng số quốc gia thì có hạ tầng viễn thông. Các tỉnh lưu ý về tốc độ di động. Bộ sẽ ra tiêu chuẩn 40Mbit/s đối với di động và 90% hộ gia đình có cáp quang. Hiện nay, nhiều tỉnh đã đạt hạ tầng cáp quang tới 95 - 96%, có tỉnh đạt 100%. Sở TT&TT phải lập kế hoạch hàng năm về phát triển.

Sau hạ tầng viễn thông là hạ tầng dữ liệu. Các DN Việt Nam đã nhận thức đây là lĩnh vực quan tâm và tham gia. Việt Nam xây dựng có hạ tầng đám mây riêng, phấn đấu trở thành hub đám mây. DN Việt Nam phải dùng đám mây Việt Nam và có tiêu chuẩn cho lĩnh vực.

Bộ trưởng cũng lưu ý hạ tầng của Bộ ngành qua nhiều năm không đầu tư nên ỳ ạch. Hạ tầng CNTT của các Bộ, ngành phải coi là ưu tiên.

Về kỹ năng số toàn dân, Bộ sẽ hỗ trợ các Sở triển khai các lớp bồi dưỡng kỹ năng CĐS thông qua nền tảng trực tuyến OneTouch. Các trưởng cao đẳng và cả đại học quan tâm đến đào tạo, cập nhật kỹ năng số (reskill, upskill).

Về dữ liệu số, Bộ trưởng lưu ý cần phát triển ngành công nghiệp dữ liệu, theo đó cần lưu ý số hoá, quyền quản lý dữ liệu, gán nhãn dữ liệu, lưu trữ và sàn dữ liệu để buôn bán. Nhà nước mở dữ liệu. “Dữ liệu là cái chất để tạo nên tăng trưởng chính, tạo nên sự thay đổi chính của CĐS. Phải nhanh chóng trở thành ngành công nghiệp dán nhãn dữ liệu. Đây là nghề rất hay mà ngay người dân nông thôn cũng làm được mà lương cao…”.

Về an toàn số, Cục An toàn thông tin xem xét mỗi người dân có 1 cái khoá trên điện thoại. Khoá cần rất cơ bản, bình dị.

Về phải phát triển công nghệ số (CNS), cần xây dựng lực lượng DN lõi thúc đẩy CĐS Quốc gia. Ra tiêu chí và thống nhất. Có DN làm chủ công nghệ lõi, có DN phát triển sản phẩm, có DN triển khai đến cấp xã, có startup…

Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) phải được coi là nền tảng - là loại chiều ngang - giống như hạ tầng để thúc đẩy CĐS địa phương.

Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh phải học hỏi kinh nghiệm quốc tế. “6 tháng cuối năm phải hành động thiết thực tạo ra các giá trị thiết thực cho ngành, cho đất nước, địa phương mình”.

Đánh giá chất lượng cổng DVC từ 15/6

thu-truong-nguyen-huy-dung.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: các chuyên gia của Liên Hợp Quốc sẽ đánh giá DVC trực tuyến từ tháng 7 - 9

Phụ trách lĩnh vực CĐS, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng lưu ý các chuyên gia của Liên Hợp Quốc sẽ đánh giá DVC trực tuyến từ tháng 7-9. Để phục vụ cho khảo sát đánh giá xếp hạng, Bộ TT&TT đã ban hành văn bản hướng dẫn, kiểm tra thực tế từ quý I. Đặc biệt, Bộ trưởng chủ trì hội nghị toàn quốc để phổ biến cách làm hay, nhấn mạnh những việc chúng ta cần làm trong thời gian tới để nâng cao chất lượng cung cấp DVC trực tuyến phục vụ người dân và DN.

Thứ trưởng cũng cho biết một số địa phương đề nghị lùi thời điểm đánh giá từ 10/6 sang 15/6 để bộ, ngành, địa phương có thời gian nâng cao chất lượng cổng DVC. Dự kiến Bộ TT&TT sẽ đánh giá trực tuyến vào 15/6 và thông báo kết quả vào cuối tháng 6, các Sở TT&TT lưu ý thực hiện đồng bộ.

52/63 tỉnh, thành phố hoàn thành thành lập Tổ CNSCĐ đến 100% xã

Theo Bộ TT&TT, tính đến ngày 05/6/2023, cả nước 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 74.422 Tổ CNSCĐ và 348.362 thành viên tham gia Tổ CNSCĐ cấp xã, thôn, phố; 52/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã.

Nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở đại trà (MOOCs) được khai trương từ đầu tháng 5/2022. Tính đến 05/6/2023 đã có gần 18 triệu lượt truy cập vào nền tảng học trực tuyến mở đại trà.

Số Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kiến trúc chính quyền điện tử 2.0 là 22/22 bộ, ngành và 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng, cập nhật Kiến trúc 2.0. Số Bộ, ngành, địa phương đã ban hành Nghị quyết, chỉ thị về CĐS là 4/22 bộ, ngành, 63/63 địa phương. Số Bộ, ngành và địa phương đã kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo về CĐS là 100%. Số Bộ, ngành đã ban hành Kế hoạch/Đề án về CĐS là 100% bộ, ngành đã ban hành (22/22 bộ, ngành). Số địa phương đã ban hành Kế hoạch/Đề án về CĐS 100% tỉnh, thành phố./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số của Việt Nam là sự hội tụ của nhiều nội dung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO