Phát triển kinh tế chất lượng cao bằng công nghệ số và dữ liệu
Việc sử dụng dữ liệu hiệu quả phải gắn liền với đảm bảo an ninh dữ liệu và có chiến lược bảo vệ chủ quyền những tài sản này trên không gian số.
Giải phóng giá trị của dữ liệu tin cậy
Bảo mật dữ liệu mạng cũng trở thành tâm điểm của các tổ chức trên toàn cầu. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã đưa khái niệm "Cộng đồng chia sẻ tương lai chung cho nhân loại trong Không gian mạng" vào nghị quyết "Phát triển trong lĩnh vực thông tin và viễn thông trong bối cảnh an ninh quốc tế" hồi tháng 11/2022. Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu (GSMA) cũng đưa ra Cơ sở Kiến thức An ninh mạng 5G toàn diện, nhằm giúp các bên liên quan xác định trách nhiệm và giảm thiểu rủi ro đối với từng mối đe dọa. GSMA cũng chuẩn hóa chương trình đảm bảo an ninh thiết bị mạng (NESAS), gồm 20 hạng mục và sử dụng các bài kiểm tra bảo mật của 3GPP để đánh giá tính bảo mật của thiết bị mạng viễn thông trên toàn cầu.
Tại Vietnam Security Summit 2023 ngày 2/6, tại TP. HCM, ông Li Hai - Giám đốc an ninh bảo mật, Ban Quan hệ Chính phủ và Truyền thông của Huawei khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS), bên cạnh việc đẩy mạnh sự phát triển và ứng dụng các công nghệ viễn thông, giải pháp khoa học vào đa ngành, đa lĩnh vực, vấn đề bảo mật dữ liệu và an toàn thông tin (ATTT) cũng là một yếu tố then chốt để tạo nên một nền kinh tế số thịnh vượng. Đây không chỉ là vấn đề riêng của mỗi doanh nghiệp (DN), mà còn là vấn đề chung của quốc gia".
Cách mạng công nghiệp mới sánh đôi với các cuộc cách mạng năng lượng và khử carbon, cách mạng CĐS… đều đang đưa chúng ta đến gần hơn với một thế giới thông minh. Trên toàn cầu, hơn 170 quốc gia đã đề ra các chiến lược số, thúc đẩy phát triển các bộ quy tắc và tiêu chuẩn quản lý an ninh mạng.
Chẳng hạn, Anh Quốc đẩy nhanh chiến lược số biến đất nước này trở thành nơi sở hữu cơ sở hạ tầng và an ninh mạng đẳng cấp thế giới, đáp ứng tốt nhất cho ngành công nghiệp số và đi đầu trong CĐS các dịch vụ công.
Trong khi đó, Nga đã thông qua Chương trình kinh tế số quốc gia với nhiều quy định, luật liên bang về bảo mật thông tin, luật bản địa hóa dữ liệu…; và Trung Quốc xây dựng luật an ninh mạng, luật an ninh dữ liệu để theo đuổi Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và Tầm nhìn 2035.
Giữa bối cảnh niềm tin vào an ninh mạng trở thành mối quan tâm lớn trên toàn cầu, Huawei đã hỗ trợ GSMA và 3GPP trong việc phát triển đánh giá bảo mật được tiêu chuẩn hóa toàn cầu. NESAS hiện được chấp nhận rộng rãi tại EU, Đức, Úc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia… như một đồng thuận trong ngành.
Tăng cường bảo vệ chủ quyền dữ liệu trên không gian số
Tháng 9/2022, Huawei đã công bố Sách trắng về Nền kinh tế ưu tiên kỹ thuật số (Digital First Economy) tại Châu Á - Thái Bình Dương (APAC), thể hiện tầm nhìn về cách cơ sở hạ tầng và chính sách ICT trao quyền cho tăng trưởng kinh tế xanh, sáng tạo, bền vững và toàn diện. Ngoài ra, để các nhà hoạch định chính sách đánh giá tiến độ số hóa và cải thiện nền kinh tế số mỗi quốc gia, Huawei hợp tác với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDC nghiên cứu để đưa ra các khuyến nghị về chính sách ICT và giới thiệu chỉ số DFE (Digital First Economy Index) đo lường liên tục mức độ sẵn sàng của cơ sở hạ tầng số.
Ông Li Hai khẳng định chỉ số DFE có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của APAC khi kinh tế trong khu vực rất đa dạng, đa số ban hành chiến lược số quốc gia và bắt đầu nắm bắt các công nghệ số, song mức độ cơ sở hạ tầng số chuẩn bị sẵn sàng cho nền kinh tế số lại khác nhau. Cải thiện DFE sẽ tạo ra tác động cấp số nhân đối với tăng trưởng GDP: Tăng 1 điểm DFE tương quan với mức tăng trưởng 3% GDP.
Ông Li Hai khuyến nghị xây dựng các chiến lược dữ liệu và an ninh mạng quốc gia, quy định về lưu trữ dữ liệu, bảo vệ chủ quyền dữ liệu và không gian mạng quốc gia. Trung Quốc gần đây ứng dụng chính sách này sau khi thông báo thành lập một văn phòng quốc gia để quản lý các kho dữ liệu hồi tháng 03/2023, nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế chất lượng cao bằng công nghệ số và dữ liệu.
Theo ông Li Hai, chính phủ cũng đóng vai trò chủ chốt để đẩy nhanh quá trình đám mây hóa, CĐS các cơ quan bộ và các hoạt động số, đồng thời thúc đẩy quá trình CĐS nhanh hơn trong các ngành khác nhau. Nhật Bản đang áp dụng chính sách này nhằm hiện thực hóa Sáng kiến Quốc gia Đô thị Nông thôn Kỹ thuật số đến 2030, nhằm CĐS song song giữa nông thôn và thành thị. Quốc gia này đặt mục tiêu hàng đầu là xây dựng cơ sở hạ tầng số trải dài đến mọi ngóc ngách đất nước trên 04 phương diện: cáp quang, cáp ngầm, trung tâm dữ liệu và 5G.
Dữ liệu giống như máu của một "cơ thể số". Bảo vệ an toàn cho "dòng máu" này cũng là giúp cho "cơ thể số" phát triển khỏe mạnh, thúc đẩy kinh tế số phát triển hiệu quả và bền vững./.