Chuyển đổi số

Chuyển đổi số “là công cụ hỗ trợ đắc lực” của bất động sản xanh

Anh Minh 15:43 14/03/2024

Theo chuyên gia của FPT Digital, chuyển đổi số (CĐS) là công cụ hỗ trợ đắc lực trong quá trình đo lường các tiêu chí xanh của công trình, thông qua việc thu thập, kết nối dữ liệu và phân tích dữ liệu thông minh thậm chí đưa ra khuyến nghị cho chủ đầu tư bất động sản (BĐS).

BĐS xanh góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững cho Việt Nam

Với hàng loạt động thái của Chính phủ và các bộ ngành liên quan, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực BĐS đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Cam kết giảm phát thải, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đang trở thành "luật chơi mới" cho những ai muốn đi xa trong lĩnh vực BĐS trong nước và toàn cầu. Điều này yêu cầu DN BĐS phải có chiến lược thích ứng nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh.

Theo báo cáo của IFC, tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có tổng cộng 396 công trình đạt chứng nhận xanh, tương đương với 26.095 căn hộ và 9.734.572 m2 mặt sàn. Đa phần các dự án được chứng nhận thuộc phân khúc nhà ở (39,36%) và khu công nghiệp (34,12%). Trong năm 2024, tỷ trọng của khu công nghiệp và nhà ở được dự đoán vẫn chiếm ưu thế, lần lượt là 29,60% và 20,68% trong tổng 15.000.000 m2 mặt sàn sẽ được chứng nhận công trình xanh.

Các dự án BĐS được phân bổ làm 8 hạng mục chính, bao gồm: Trung tâm dữ liệu, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, dịch vụ, khu công nghiệp (KCN), khu văn phòng, khu dân dụng, bán lẻ và các khu vực chưa được công bố.

mkjulqwez9py1xfpr-kwijrz39jijdb3.jpg
Công trình xanh là hướng đi của tương lai nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiều bên liên quan trong chuỗi cung ứng, theo Giám đốc Tư vấn FPT Digital Vương Quân Ngọc. Ảnh FPT Digital

Chuyển đổi công nghiệp xanh là một trong những trọng tâm chuyển đổi xanh của nhà nước, cho thấy cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững. Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ có khoảng 563 KCN tại 61 tỉnh thành. Đến nay, 397 KCN đã được thành lập, trong đó mới chỉ có khoảng 7 KCN sinh thái.

Tại sự kiện DxHub chủ đề “BĐS xanh và hướng dẫn áp dụng chứng chỉ công trình xanh tại Việt Nam” nhằm cập nhật thông tin và định hướng phát triển BĐS xanh cho DN do FPT Digital phối hợp cùng Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) tổ chức ngày 13/3, Giám đốc Tư vấn FPT Digital Vương Quân Ngọc nhận định BĐS KCN)K có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam nhưng cũng sẽ có nhiều thách thức cạnh tranh giữa các nhà đầu tư vào ngành này.

Nhiều nhà đầu tư BĐS công nghiệp đang dồn trọng tâm phát triển KCN xanh, thông minh với tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, cơ sở vật chất, tiện ích đô thị... để hút dự án xanh.

Là lĩnh vực có tỷ trọng phát thải lớn, các KCN tại Việt Nam đang đứng trước xu hướng chuyển đổi toàn diện, đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan. Cụ thể, khách hàng có tiêu chuẩn xanh hóa chuỗi cung ứng theo các quy định của các công ty toàn cầu; nhà đầu tư chiến lược chú trọng vào tính xanh và bền vững của các DN mà họ góp vốn; đồng thời chính phủ cũng đang trong quá trình hoàn thiện các văn bản, chính sách nhằm tạo ra khung, khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, DN cùng hướng tới mục tiêu Netzero vào năm 2050.

Phát triển BĐS KCN xanh không chỉ giúp thu hút và giữ chân khách hàng mà còn giúp tối ưu hoạt động do tận dụng được các nguồn tài nguyên, nhiên liệu và công nghệ tích hợp,... trong KCN. Đồng thời, theo ông Vũ Hồng Phong, chuyên gia công trình xanh, Tổ chức Tài chính quốc tế IFC, việc này giúp DN tiếp cận nguồn vốn và ưu đãi đặc biệt từ các tổ chức quốc tế và chính phủ cho dành cho các công trình xanh.

Công nghệ số đóng góp lớn vào các công trình xanh, từ giai đoạn thiết kế, xây dựng đến vận hành

Theo ông Vương Quân Ngọc, DN triển khai theo định hướng “xanh” cần xác định rõ các ưu tiên nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững, đảm bảo: Giảm thiểu khí thải carbon; Tăng khả năng thích nghi và chống chịu với biến đổi khí hậu; Tối ưu hoá sử dụng tài nguyên và nguyên vật liệu trong toàn bộ quá trình sản xuất; Bảo tồn và bảo vệ nguồn nước; Đảm bảo đa dạng sinh thái; Tạo điều kiện cho con người tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần; Hỗ trợ công bằng đến với mỗi người.

Trên con đường chuyển đổi xanh, ông Ngọc nhấn mạnh, CĐS “là công cụ hỗ trợ đắc lực trong quá trình đo lường các tiêu chí xanh thông qua việc thu thập dữ liệu, kết nối dữ liệu, phân tích dữ liệu thông minh thậm chí đưa ra khuyến nghị cho chủ đầu tư BĐS".

Chuyển đổi kép "số và xanh" sẽ giúp ngành BĐS công nghiệp vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện nay, mang lại những lợi ích ngay trong ngắn hạn như tăng doanh thu, giảm phát thải tiến tới giá trị bền vững trong dài hạn như dùng năng lượng sạch, tạo ra giá trị mới cho DN, tạo ra nhiều việc làm hơn… xây dựng nên một thị trường BĐS công nghiệp chuyên nghiệp, lành mạnh và bền vững.

Để hiểu rõ hơn về mối liên quan giữa công nghệ, CĐS và BĐS xanh, trong cuộc trao đổi bên lề sự kiện với phóng viên, ông Vương Quân Ngọc cho biết có nhiều định nghĩa về BĐS và công trình xanh, nhưng gần gũi và dễ hiểu nhất thì có thể hiểu BĐS xanh là những công trình mà ngay từ các giai đoạn thiết kế, xây dựng đến vận hành tòa nhà, nhà máy, văn phòng đều tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững. Môi trường là trụ cột quan trọng nhất của BĐS xanh, và các công trình này thường được thiết kế tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như LEED, EDGE của IFC hoặc tiêu chuẩn quốc gia như Lotus ở Việt Nam.

Để trở thành một công trình xanh và đạt được các chứng nhận tiêu chuẩn bền vững, ông Ngọc nhấn mạnh những lưu ý quan trọng trong ba giai đoạn triển khai công trình xanh, đó là các giai đoạn thiết kế, xây dựng và vận hành. Trong mỗi giai đoạn này, công nghệ số đều có những đóng góp lớn để tạo nên các yếu tố xanh cho công trình, đặc biệt là những ứng dụng về thu thập và xử lý dữ liệu theo thời gian thực, giúp kiểm soát và giám sát mức độ tiêu thụ năng lượng, phát thải của công trình.

Công nghệ cũng hỗ trợ lớn trong cách vận hành bên trong tòa nhà, ví dụ như sử dụng công nghệ IoT để đo lường lượng khí thải nhà kính và chất lượng không khí. Ngoài ra, còn các công nghệ khác như hệ thống làm mát và thông gió cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra BĐS xanh….

screenshot.jpg
Ông Vũ Hồng Phong cho biết chuyển đổi xanh mang lại nhiều lợi thế cho nhà đầu tư bất động sản. (Ảnh FPT Digital)

Tại sự kiện, các chuyên gia cũng đưa ra một số thông tin cập nhật về thị trường BĐS xanh, xu hướng phát triển của ngành tại Việt Nam thông qua một số ví dụ điển hình từ CapitaLand, BIM Land, Vinatex, Amata. Khách tham dự cũng được chia sẻ thêm về các chứng chỉ công trình xanh phổ biến như EDGE, Lotus, hay LEEDs cũng như cách thức và quy trình áp dụng các chứng chỉ này.

DxHub là chuỗi sự kiện được tổ chức bởi FPT Digital nhằm xây dựng cộng đồng, kết nối chuyên gia và DN trong đa dạng lĩnh vực, ngành nghề. Chương trình là nơi cập nhật, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, góc nhìn chuyên gia và kết nối DN trong lĩnh vực CĐS, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Sự kiện lần này thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị BĐS lớn như PC1, CBRE, Vilandco, Viglacera… đơn vị vận hành BĐS và các chuyên gia tư vấn đến từ nhiều đơn vị tư vấn uy tín trên cả nước./.

Bài liên quan
  • Chuyển đổi song sinh xanh và chuyển đổi số: Con đường hướng tới tăng trưởng bền vững
    Trong những năm gần đây, thế giới ngày càng quan tâm đến tác động tiêu cực của các hoạt động của con người đối với môi trường, bao gồm biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Để đối phó với những thách thức này, khái niệm “chuyển đổi xanh song sinh” (Twin Transitions Green) đã nổi lên như một giải pháp tiềm năng để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số “là công cụ hỗ trợ đắc lực” của bất động sản xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO