Chuyển đổi số là phương thức phát triển mới của Việt Nam

Hoàng Linh| 12/10/2022 12:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Với chủ đề "Chuyển đổi một xã hội số bao trùm", Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản, một sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ số quốc tế (VIDW2022), diễn ra vào ngày 12/10/2022, tại Hà Nội.

Diễn đàn do Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, Cơ quan chuyển đổi số (CĐS) Nhật Bản (Digital Agency) và Trung tâm Hợp tác Quốc tế và Tin học hóa Nhật Bản (CICC) tổ chức. Diễn đàn có sự tham gia chia sẻ về chính sách của các diễn giả từ Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, Cơ quan CĐS Nhật Bản và CICC, đồng thời có phần chia sẻ các ứng dụng điển hình trong lĩnh vực CĐS của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam và Nhật Bản như VNPT, MobiFone, VoizFM, Hitachia, Fujitsu, NTT Data và NEC.

CĐS được coi là một phương thức phát triển mới của đất nước

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết VIDW2022 là một tuần lễ rất đáng chú ý tại Việt Nam. Đây là tuần lễ phát động CĐS, hưởng ứng ngày CĐS quốc gia, ngày 10/10/2022. Chính vì vậy, Diễn đàn có một ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh Việt Nam quyết tâm phát triển một xã hội số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Chuyển đổi số là phương thức phát triển mới của Việt Nam - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia số, CĐS được coi là một phương thức phát triển mới của đất nước

Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ Nhật Bản, của CICC về tính kịp thời và những nỗ lực đóng góp của CICC cho việc xây dựng một xã hội số.

Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã từng bước phát triển, có những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nổi bật, sinh kế của người dân được cải thiện, an sinh xã hội ngày càng được nâng cao hơn. Trong chặng đường phát triển tiếp theo, Thứ trưởng nhấn mạnh: "Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia số, CĐS được coi là một phương thức phát triển mới của đất nước".

Cũng theo Thứ trưởng, có những nền tảng số của Việt Nam đã đạt hơn 70 triệu người dùng/tháng. Theo đó, thách thức là làm sao để phát triển, duy trì thói quen sử dụng sản phẩm dịch vụ số của người dân. Làm thế nào để toàn xã hội tiếp cận một cách bình đẳng và an toàn với những dịch vụ thiết yếu trên môi trường số. Làm thế nào để ứng dụng công nghệ giải quyết các bài toán về sử dụng dịch vụ y tế sau đại dịch, bài toán giải quyết khoảng cách giữa các vùng miền và rất nhiều bài toán khác được đặt ra.

Thứ trưởng cho biết Nhật Bản là quốc gia đầu tiên tại châu Á thực hiện thành công công nghiệp hóa và bắt kịp các nước tiên tiến trên thế giới. Nhật Bản cũng là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết các bài toán xã hội như bài toán già hóa dân số, quản lý tài nguyên, biến đổi khí hậu. "Những kinh nghiệm quý báu được chia sẻ trong hôm qua, hôm nay rất hữu ích cho Việt Nam".

Chuyển đổi số là phương thức phát triển mới của Việt Nam - Ảnh 2.

Các đại biểu Việt Nam - Nhật Bản tham dự Diễn đàn

Quan hệ hợp tác ICT Việt Nam - Nhật Bản được đẩy mạnh

Cũng tại Diễn đàn, ông Izumi Matsumoto, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết trong những năm gần đây, mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực ICT giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản đã được đẩy mạnh. Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã bổ sung thêm các lĩnh vực hợp tác gồm 5G, an ninh mạng, đô thị thông minh. Việt Nam - Nhật Bản cũng ký ghi nhớ hợp tác thúc đẩy CĐS giữa hai nước.

Chuyển đổi số là phương thức phát triển mới của Việt Nam - Ảnh 3.

Ông Izumi Matsumoto: không chỉ DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, mà nhiều DN Việt Nam đã tham gia vào CĐS tại Nhật Bản

"Nhật Bản kỳ vọng hai nước tiếp tục thúc đẩy triển khai các dự án di động, giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp… với sự hợp tác của các cơ quan nhà nước, tư nhân của 2 quốc gia", ông Izumi Matsumoto nhấn mạnh.

Trong lĩnh vực ICT, ông Izumi Matsumoto cho biết ICT, nội dung số xuyên biên giới làm phong phú thêm cuộc sống con người. COVID-19 đã cho thấy vai trò của ICT, họp trực tuyến, thay đổi mô hình kinh doanh khi các dịch vụ số mang lại các tiện ích cho mua sắm, du lịch. Hiện nay, không chỉ DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, mà nhiều DN Việt Nam đã tham gia vào CĐS tại Nhật Bản.

Hạ tầng số giống như điện và nước, ICT cũng là huyết mạch của cuộc sống hỗ trợ hoạt động kinh doanh, mọi mặt cuộc sống.

Trong khi đó, ông Urabe Koichiro, Giám đốc điều hành CICC cho biết đơn vị được thành lập năm 1983, là tổ chức phi lợi nhuận, thúc đẩy tin học hóa ở châu Á và các khu vực trên thế giới, được Bộ Kinh tế và công nghiệp Nhật Bản chỉ đạo và các bộ khác tham gia hợp tác.

Chuyển đổi số là phương thức phát triển mới của Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Urabe Koichiro: Diễn đàn là dịp để hai nước tăng cường hợp tác về CĐS

Nhật Bản đã có sáng kiến vườn quốc gia số và chiến lược kỹ thuật số toàn diện. Việt Nam đang thực hiện CĐS Quốc gia. Theo đó, Diễn đàn là dịp để hai nước tăng cường hợp tác về CĐS, đóng góp xây dựng con người mới.

Ông Atshushi Omino, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã giới thiệu Chiến lược vườn quốc gia số Nhật Bản với có 3 mục tiêu chính: hoàn thiện cơ sở thực hiện, năng lực thực hiện và nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau. Theo đó, người dân đều có thể tận hưởng những lợi ích kỹ thuật số mang lại.

Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cũng đặt trọng tâm vào hoàn thiện cơ sở hạ tầng số, với những nội dung chính là: phổ cập cáp quang, xây dựng hạ tầng mạng 5G, trung tâm dữ liệu, mạng vượt quá 5G hay còn gọi là 6G. Mức đầu tư dự kiến thực hiện hoàn thiện cơ sở hạ tầng dự kiến là 5,9 tỷ yên Nhật.

Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cũng đang nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý để hỗ trợ DN ICT Nhật Bản triển khai kỹ thuật của mình tại nước ngoài. Bộ Nội vụ và Truyền thông và Bộ Kinh tế sẽ là hai bộ sẽ hỗ trợ mọi mặt cho các DN ICT Nhật Bản theo 3 cơ chế: ngân sách, quỹ đầu tư có phần góp vốn của DN tư nhân (Japan ICT Fund) và Japan Platform dành cho các dự án số hoá. Bộ Nội vụ Và Truyền thông cũng sự hỗ trợ điều tra chính sách ở nước sở tại, thị trường, kết nối kỹ thuật của DN Nhật với nước sở tại.

Hợp tác xây dựng xã hội số

Chia sẻ về chính sách CĐS của Việt Nam, bà Mai Thanh Bình, Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ TT&TT cho biết Việt Nam đang thúc đẩy CĐS Quốc gia khi tháng 6/2020, Thủ tướng đã ban hành Chương trình CĐS Quốc gia dựa trên 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; tháng 6/2021, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về xây dựng Chính phủ số; tháng 3/2022, Thủ tướng đã phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số.

Theo chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, 8 lĩnh vực được Việt Nam tập trung ưu tiên CĐS là: nông nghiệp và phát triển nông thôn; y tế; giáo dục và đào tạo; thương mại; công nghiệp và năng lượng; du lịch; môi trường và tài nguyên thiên nhiên; lao động và phúc lợi xã hội.

Việt Nam đang tập trung vào đưa người dân lên nền tảng số, nâng cao nhận thức về CĐS. Theo đó, đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số đề xuất hợp tác với Nhật Bản về đào tạo và thúc đẩy nguồn nhân lực công nghệ, đặc biệt hợp tác về các công nghệ mới như AI, VR, AR, in 3D. Việt Nam cũng đề nghị Nhật Bản chia sẻ các thực tiễn xây dựng xã hội 5.0, đặc biệt là việc sử dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề già hóa dân số./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số là phương thức phát triển mới của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO