Chuyển đổi số nhìn từ mô hình trường Đại học Quốc tế

Tuấn Trần| 06/11/2020 08:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Mô hình thực tế các hoạt động chuyển đổi số (CĐS) đã và đang triển khai tại trường Đại học (ĐH) Quốc tế (ĐHQT) thuộc ĐH Quốc gia (ĐHQG) TP. Hồ Chí Minh. Từ đó có thể mở rộng để phát triển cho nhà trường và làm mô hình tham khảo cho các cơ sở giáo dục đào tạo (GD&ĐT) khác.

Để vận hành nền kinh tế trong bối cảnh công nhân không thể đến nhà máy, sinh viên, học sinh không thể đến trường học, du khách không thể đến các điểm tham quan du lịch và siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hát và đường phố vắng người vì giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19, v.v.. thì CĐS là một cứu cánh, là giải pháp tối ưu, phù hợp với việc phát triển của khoa học công nghệ và có thể cứu vãn nền kinh tế trong tình hình dịch bệnh.

Chuyển đổi số nhìn từ mô hình trường ĐH Quốc tế  - Ảnh 1.

Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.

Trường ĐH là nơi có lợi thế lớn cho CĐS

Theo phản ứng dây chuyền từ ảnh hưởng của nền kinh tế sẽ tác động trực tiếp đến công tác GD&ĐT, đặc biệt là trong các trường ĐH tự chủ về tài chính hiện nay. Câu hỏi đặt ra cho các trường là cần làm gì để đảm bảo các hoạt động giảng dạy không bị tạm ngưng; đảm bảo sinh viên vẫn tham gia đầy đủ các bài học, lớp học mà hạn chế hoặc không cần đến trường?

Các trường cần đưa ra các giải pháp thích hợp để duy trì các hoạt động đào tạo thường xuyên mà vẫn đảm bảo cung cấp các chương trình đào tạo có chất lượng tốt đến người học và cũng đảm bảo công tác tài chính cho hoạt động của nhà trường duy trì và phát triển.

Tại các trường ĐH, là nơi có một lợi thế rất lớn về nguồn lực con người, trang thiết bị kỹ thuật và nghiên cứu, là nơi tập hợp đội ngũ giảng viên có kiến thức chuyên sâu trong quản lý, quản trị và hiểu biết về kỹ thuật. Đó là những yếu tố quan trọng, là điều kiện cần và đủ để có thể thực hiện CĐS.

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vừa qua, tại trường ĐHQT thuộc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình CĐS áp dụng trong công tác giảng dạy và công tác quản lý của nhà trường.

Theo TS. Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Khoa CNTT trường ĐHQT: "Bằng cách đầu tư, sử dụng nguồn lực hiện có về cơ sở vật vất, hạ tầng kỹ thuật và nhân lực, con người một cách hợp lý, giải pháp của chúng tôi bước đầu đã mang lại kết quả như mong đợi, đáp ứng được nhu cầu của người học và đảm bảo được các yếu tố hoạt động của Nhà trường trong tình hình mới".

Mô hình CĐS tập trung vào 3 bước quan trọng

Vẫn theo TS. Nguyễn Văn Sinh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám hiệu (BGH) và Nhà trường, đã tạo được sự đồng thuận trong cách triển khai các mô hình CĐS từ các phòng chuyên môn, các đơn vị phục vụ, đặc biệt là Trung tâm Dịch vụ CNTT đến các khoa, bộ môn, cán bộ giảng viên và sinh viên. Mô hình tập trung vào 3 bước quan trọng như: đầu tư và sử dụng nguồn lực sẵn có, lựa chọn triển khai các ứng dụng CĐS và thực hiện công tác bảo đảm chất lượng. 

Đầu tư và sử dụng nguồn lực sẵn có

Bước này bao gồm các yếu tố về đầu tư và sử dụng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và tính sẵn sàng của nguồn lực con người nhằm hướng đến xây dựng một đại học thông minh (Smart University), một môi trường học tập hiện đại, tiện ích, đáp ứng nhu cầu người học mọi lúc, mọi nơi và cũng thuận lợi cho công tác quản lý của Nhà trường một cách hiệu quả.

Nhà trường đã và sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị phòng học thông minh, phần mềm quản lý lớp học trực tuyến, phần mềm đánh giá chất lượng giáo dục trực tuyến, phần mềm tiện ích khác như thư viện trực tuyến, v.v..

Các ứng dụng CĐS

Có thể nhận thấy, giảng dạy trực tuyến (Teaching Online) là mô hình CĐS phổ biến nhất hiện nay trong lĩnh vực giáo dục. Tất cả các bậc học, cấp học từ mầm non đến ĐH đều có thể triển khai và thực hiện. Để thực hiện có hiệu quả thì đòi hỏi sự tích cực từ cả hai phía là người dạy (giảng viên) và người học (sinh viên).

Với người dạy, trước hết cần nắm vững các tính năng kỹ thuật của các phần mềm dạy trực tuyến như Zoom, MS Team, Skype, v.v.. Theo TS. Sinh, trong đại dịch, trường ĐHQT sử dụng phần mềm Zoom, MS Team kết hợp với Blackboard và Edusoft để triển khai đồng bộ cho cả trường.

Bước đầu là triển khai tập huấn cho người dạy nắm rõ các tính năng kỹ thuật của các phần mềm, kết hợp hài hòa giữa các phần mềm để khai thác hết tính năng của nó. Trong quá trình giảng dạy trực tuyến, bên cạnh phần mềm quản lý lớp học Blackboard, Trường đã đầu tư mua các tài khoản MS Office 365 ProPlus để cung cấp các tiện ích xử lý văn bản và chia sẻ tài nguyên trực tuyến.

Trong khi đó việc áp dụng CĐS trong các cuộc họp trực tuyến (video conference, web meeting) đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian cho việc phải đi đến trực tiếp các cuộc họp. Việc này được áp dụng trong hầu hết các bộ, ban, ngành, từ cấp trung ương đến địa phương các tỉnh thành trong cả nước trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Thông qua các ứng dụng họp trực tuyến như Zoom meeting, Skype và cả những ứng dụng họp trực tuyến được phát triển bởi Việt Nam, đã mang lại nhiều tiện ích, hiệu quả cả về kinh tế.

Đối với việc quản lý điều hành công việc, ứng dụng CĐS trong quản lý điều hành công việc là một việc phổ biến hiện nay. Hầu hết các cơ quan tổ chức, công ty và trường học đều sử dụng các phần mềm, công cụ tiện ích và các ứng dụng trên nền tảng phần mềm máy tính. Với các cơ quan hành chính công, chủ yếu sử dụng các phần mềm quản lý hành chính, quản lý văn bản đi đến. Trường ĐHQT đang thử nghiệm và sử dụng phần mềm Portal Office để giúp quản lý toàn bộ hệ thống hành chính của Nhà trường. Bước đầu cho thấy hiệu quả trong quản lý, xử lý công việc nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm.

Bảo đảm chất lượng trong các hoạt động CĐS:

Để bảo đảm chất lượng mảng ứng dụng CĐS trong giảng dạy, nhà trường có đơn vị chuyên trách là Phòng Bảo đảm chất lượng giáo dục giám sát, thực hiện và đánh giá hiệu quả công tác giảng dạy của giảng viên và nghiên cứu viên; Phối hợp với Trung tâm dịch vụ (TTDV) CNTT và các Phòng Đào tạo ĐH, sau ĐH phối kết hợp cùng thực hiện công việc chung.

Đơn cử, về quy trình quản lý công việc giảng dạy như sau: lịch dạy của giảng viên được quản lý bởi phần mềm Edusoft tại Phòng Đào tạo. Môn học giảng viên dạy được quản lý tiến độ chi tiết từng bài giảng bởi phần mềm Blackboard thuộc TTDV CNTT quản lý. Lịch dạy mỗi ngày được kiểm soát bởi Phòng Bảo đảm chất lượng giáo dục. Mọi ứng dụng CĐS trong công việc này đều sử dụng chung dữ liệu của sinh viên, giảng viên trong cùng hệ thống, đảm bảo độ chính xác và tin cậy.

Việc ứng dụng CĐS trong hoạt động và công tác của trường ĐHQT trong giai đoạn Covid-19 vừa qua đã mang lại nhiều thuận lợi như đã phân tích ở trên. Ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát, theo quy định của Nhà nước, trường đã xây dựng đề án giảng dạy trực tuyến, bao gồm các bước từ thử nghiệm đến đánh giá cải tiến và triển khai trong thực tế.

Đề án được xây dựng dựa trên các nguồn lực sẵn có, nhu cầu, quy mô sử dụng, các quy định của pháp luật để bảo đảm việc giảng dạy trực tuyến được triển khai hiệu quả và đúng quy định. Việc lấy ý kiến của các bên liên quan về việc giảng dạy trực tuyến cũng được nhà trường triển khai đầy đủ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần giải quyết. Từ đó các cơ sở đào tạo có thể tham khảo, cân nhắc trong việc đầu tư. Ví dụ, khi thực hiện việc CĐS, ngoài việc cần nguồn kinh phí đầu tư cho thiết bị phần cứng, phần mềm, hạ tầng mạng v.v.. chúng ta cũng cần tổ chức các buổi tập huấn sử dụng công nghệ, đồng thời cần một đội ngũ hỗ trợ thường trực để hướng dẫn và xử lý các vấn đề liên quan.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số nhìn từ mô hình trường Đại học Quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO