Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Việc quan trọng nhất, quyết định nhất của chuyển đổi số: Chuyển đổi số thì việc khó nhất là việc dễ nhất và ngược lại".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, trao đổi một số quan điểm mới đối với các đơn vị, doanh nghiệp (DN) TT&TT trong định hướng phát triển 6 tháng cuối năm 2024 tại Hội nghị sơ kết công tác TT&TT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 tổ chức ngày 29/7/2024.
Tạp chí TT&TT trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng:
Về giảm tải báo cáo, không bắt cấp dưới báo cáo cấp trên: Giảm tải cho hệ thống thì đầu tiên là giảm báo cáo, chuyển đổi số (CĐS) để cấp dưới không phải báo cáo cấp trên về những việc thường xuyên.
Tải báo cáo hiện nay là rất nặng. Một năm, Sở TT&TT phải báo cáo về Bộ, về các đơn vị của Bộ gần 1.000 báo cáo các loại. Bộ đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống, mỗi tháng, các Sở chỉ phải 1 lần điền vào mẫu báo cáo các số liệu của Sở.
Các đơn vị của Bộ và Bộ muốn báo cáo lên trên thì lấy dữ liệu từ cơ sở dữ liệu (CSDL) để làm báo cáo, không yêu cầu các Sở báo cáo, không bắt cấp dưới báo cáo cấp trên. Đây là cải cách quan trọng. Tương tự như vậy, sẽ làm với các doanh nghiệp (DN), đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) phải báo cáo nhiều về Bộ.
Về kết nối online, báo cáo online: Quản trị số thì đầu tiên là kết nối online từ hệ thống CNTT của cấp trên xuống hệ thống CNTT cấp dưới, không để con người can thiệp vào số liệu báo cáo.
Quản trị số thì đầu tiên là cấp dưới không phải viết báo cáo cấp trên, nhất là về số liệu. Bộ TT&TT đã triển khai hệ thống báo cáo kết nối thẳng vào hệ thống CNTT của các bộ, ngành và địa phương để lấy số liệu về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Số liệu báo cáo online chính xác cao, trước đây, các tỉnh báo cáo thì người dân sử dụng DVCTT toàn trình là trên 30%, nhưng khi đo trực tuyến thì chỉ được 17%. Cùng làm việc trên một nền tảng số, từ Trung ương đến địa phương, là cách tốt nhất để kết nối online, báo cáo online.
Về trợ lý ảo (TLA) (AI không thay thế con người, không vượt lên trên con người mà là trợ lý của con người).
AI không thay thế con người, cũng không vượt quá sự kiểm soát của con người. Quan điểm tiếp cận của Bộ TT&TT về AI là AI trở thành trợ lý, thành người giúp việc của mỗi người, giúp mỗi người làm việc của mình tốt hơn, giải phóng con người khỏi một số việc cũ trong nghề nghiệp của mình để con người có thêm thời gian làm những việc mới trong nghề nghiệp của mình, mở rộng nội hàm nghề nghiệp của mình, nâng cái nghề của mình lên một tầm cao hơn. Công ty công nghệ cung cấp hạ tầng lưu trữ, Engine AI (giống như là cung cấp công nghệ AI như một dịch vụ), các công cụ hỗ trợ huấn luyện TLA.
Cá nhân, tổ chức nào thì đưa hệ tri thức của mình vào, tập huấn AI và dùng, trong quá trình dùng thì xuất hiện tri thức mới và sẽ được cập nhật vào TLA. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn khác ChatGPT, là công ty công nghệ làm dữ liệu, còn cách của ta là công ty công nghệ làm tool để giúp khách hàng làm dữ liệu của mình. Cách này thì có thể làm nhiều TLA đến mức từng cá nhân. TLA thì mình làm ra mà dùng, mình chết đi thì TLA là chính mình luôn và tiếp tục tồn tại. TLA do người khác làm ra, ta muốn dùng thì cơ bản là để tham khảo thôi.
AI không thay thế con người, cũng không vượt quá sự kiểm soát của con người. Quan điểm tiếp cận của Bộ TT&TT về AI là AI trở thành trợ lý, thành người giúp việc của mỗi người, giúp mỗi người làm việc của mình tốt hơn...
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Về việc quan trọng nhất, quyết định nhất của CĐS (CĐS thì việc khó nhất là việc dễ nhất và ngược lại).
Đối với hệ thống chính quyền (hoặc một tổ chức) thì dễ nhất là quy định mọi hoạt động của nhân viên được ghi nhận trên môi trường số, khó nhất là xử lý "đống" dữ liệu đó. Đối với DN công nghệ số thì khó nhất là việc số hóa một tổ chức, việc dễ nhất là xử lý dữ liệu).
Chúng ta nghĩ về CĐS là rất phức tạp nên rất khó làm. CĐS thì có một việc quan trọng nhất, quyết định nhất là từ người nhân viên cấp thấp nhất trong hệ thống phải hoạt động trên môi trường số hoặc nếu không thì phải cập nhật hàng ngày công việc của mình lên môi trường số. Xong việc này thì gần như xong CĐS, nhất là đối với cơ quan Nhà nước, DN. Mà việc này lại rất dễ vì hành chính hóa được, người đứng đầu tổ chức phải quy định việc này, thể chế hóa, luật hóa việc này. Sau khi mọi việc đã diễn ra trên môi trường số thì việc còn lại là dùng AI để phân tích, đánh giá, đề xuất.
Vậy CĐS, việc khó thì máy làm (giám sát toàn diện, phân tích, phát hiện, cảnh báo sớm, tìm ra giá trị mới), việc dễ thì người làm (mỗi người nhập liệu các hoạt động hàng ngày của mình, nếu khi đã có phần mềm làm việc cho mọi người thì không phải nhập liệu nữa). Cũng phải qua 4 năm CĐS, chúng ta mới tìm ra điểm mấu chốt này về CĐS các tổ chức.
Chuyển đổi số, việc khó thì máy làm (giám sát toàn diện, phân tích, phát hiện, cảnh báo sớm, tìm ra giá trị mới), việc dễ thì người làm (mỗi người nhập liệu các hoạt động hàng ngày của mình...
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Về làm thí điểm rồi phổ cập (Làm thí điểm thành công rồi phổ cập).
Cái mới thì làm thí điểm. Làm thí điểm thì người đứng đầu chỉ đạo làm. Thí điểm thì cách làm là quan trọng. Làm thí điểm thì phải làm nhanh, làm đến cùng, làm xong, dùng được, có hiệu quả thiết thực. Cấp trên phải khuyến khích, hỗ trợ cấp dưới làm thí điểm. Thí điểm thì trọng tâm vào chỗ nào có thể tạo ra cái đột phá.
Sau thí điểm thành công thì nhanh chóng nhân rộng, phổ cập ra toàn quốc. Phổ cập được thì mới gặt hái được thành công, thu hoạch được mùa màng. Là giai đoạn quyết định của đổi mới sáng tạo (ĐMST) một quốc gia hay một tổ chức. Phổ cập thì mục tiêu là quan trọng. Giai đoạn phổ cập thì giao mục tiêu cụ thể (có tiêu chuẩn, có chất lượng, có thời hạn), quản lý theo mục tiêu, không quản lý theo cách làm. Đây là giai đoạn đánh giá cán bộ đạt hay không đạt.
Về vai trò mang tính quyết định của người đứng đầu trong CĐS (CĐS thì 70% là thay đổi, 30% là công nghệ).
CĐS là cuộc cách mạng về thay đổi hơn là cuộc cách mạng về công nghệ: 70% là thay đổi, 30% là công nghệ. Vì vậy, CĐS muốn thành công thì quyết định là người đứng đầu muốn thay đổi. Thay đổi một tổ chức thì chỉ người đứng đầu mới đủ thẩm quyền, uy tín và có quyền lực để điều hướng các nguồn lực thực hiện. Chỉ có người đứng đầu mới có khả năng phá vỡ các thói quen cũ để CĐS.
Người đứng đầu không chỉ là chỉ đạo mà phải trực tiếp làm, trực tiếp dùng. CĐS là trải nghiệm, nếu người đứng đầu không dùng các công cụ số trong công việc hàng ngày thì sẽ rất khó chỉ đạo công tác CĐS. Người Trung Quốc nói về CĐS như sau: Người đứng đầu phải thực sự muốn làm, làm trực tiếp và thành thạo sử dụng.
Cả ba thành tố, thực sự muốn làm, làm trực tiếp và thành thạo sử dụng đều có mức độ quan trọng và mang tính quyết định ngang nhau.
CĐS thì Chuyển đổi là danh từ, Số là tính từ. Công nghệ số chỉ là công cụ hỗ trợ để thực hiện sự chuyển đổi. CĐS là số hóa toàn diện và sau đó là thay đổi cách vận hành của tổ chức. Nếu người đứng đầu mà không trực tiếp vào cuộc, không trực tiếp chỉ đạo, không trực tiếp làm, không trực tiếp dùng, không trực tiếp tự mình chuyển đổi thì sẽ không thành công.
Người đứng đầu không chỉ là chỉ đạo mà phải trực tiếp làm, trực tiếp dùng. Chuyển đổi số là trải nghiệm, nếu người đứng đầu không dùng các công cụ số trong công việc hàng ngày thì sẽ rất khó chỉ đạo công tác chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Ở Việt Nam chúng ta, qua 4 năm CĐS thì cơ bản các yếu tố công nghệ để thực hiện CĐS đã sẵn sàng, đã có một số thành công bước đầu rất đáng khích lệ, bây giờ quyết định sự thành công của công cuộc CĐS quốc gia sẽ là người đứng đầu các cấp.
Nghiên cứu của McKinsey về thành công CĐS của các tổ chức cho thấy, sự vào cuộc, sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu sẽ làm tăng mức độ thành công CĐS lên 1,6 - 1,8 lần. Mức độ thành công sẽ tăng lên 3,1 lần nếu CĐS có thêm kế hoạch rõ ràng, mục tiêu cụ thể và người đứng đầu trực tiếp làm, trực tiếp sử dụng.
CĐS là công việc của người đứng đầu, và không chỉ có vậy, nó là công việc hàng ngày của người đứng đầu. Thông qua việc dùng công cụ số hàng ngày mà người đứng đầu sẽ phát hiện ra các nhu cầu về đổi mới và liên tục đặt ra các yêu cầu mới cho CĐS.
Về thể chế hóa CĐS vào các ngành, lĩnh vực để thúc đẩy nhanh CĐS quốc gia: (Mỗi bộ luật của các ngành, các lĩnh vực phải có một chương về hoạt động trên môi trường số).
Không gian mạng đang ngày càng trở thành không gian hoạt động chính của con người. Đây là không gian mới, khác không gian thực, nhiều hoạt động mới, nhiều ĐMST đang diễn ra ở đây. Khi sửa hoặc làm thể chế mới: Luật, Nghị định hay Thông tư, thì phải bổ sung một điều, một chương về hoạt động của lĩnh vực đó trên không gian mạng. Phải thể chế hóa CĐS vào các ngành, các lĩnh vực thì anh em trong các ngành đó, lĩnh vực đó mới vững tin CĐS mạnh mẽ. Bộ TT&TT khi góp ý luật cho các bộ ngành khác thì chú ý nội dung này.
Về từ khóa quan trọng nhất thời CĐS (Từ khóa quan trọng nhất của thời CĐS là "hợp tác").
Nếu có một từ thì là đó là từ "hợp tác". Thời CĐS thì ĐMST là quyết định. ĐMST thì không bao giờ nằm ở một chỗ. Nó ở mọi nơi. Không một DN nào, một tổ chức nào, dù có lớn đến mấy, cũng không thể phủ hết ĐMST của xã hội. Những DN lớn, những tổ chức lớn đều là những tổ chức làm các nền tảng để mọi người có thể sáng tạo dịch vụ, và thu phí dịch vụ nền tảng. Nhất là những DN hạ tầng viễn thông của chúng ta phải mở rộng hợp tác, tạo các nền tảng kết nối, nền tảng hỗ trợ các cá nhân và DN SMS sáng tạo dịch vụ mới để cung cấp cho thuê bao của mình, hơn là cứ tự mình phát triển dịch vụ mới.
Liệu các đồng chí có thể sáng tạo bằng hàng ngàn, chục ngàn DN hoặc cá nhân ngoài kia không? Hãy cứ làm nền tảng kết nối, nền tảng phát triển, nền tảng cung cấp dịch vụ rồi hưởng 20 - 30% doanh thu. Tự làm thì được hưởng cả 100% nhưng chỉ làm được 100 cái, nhưng nếu mở ra thì được cả chục ngàn cái thì doanh thu lớn hơn gấp cả 30 lần. Và còn hơn thế nữa là các dịch vụ mà DN bên ngoài sáng tạo thì bao giờ cũng sáng tạo hơn, chất lượng tốt hơn, giá trị thiết thực hơn cho khách hàng.
Các cơ quan báo chí (CQBC), xuất bản cũng vậy, đã đến lúc biến mình thành nền tảng rồi, thành nền tảng để mọi người viết báo, xuất bản. Thay vì mình làm nghề thì chỉ có 40.000 người làm nghề báo chí, xuất bản. Nghề báo chí, xuất bản thì 70 - 80% việc lại không phải là viết, là sáng tạo, nếu có nền tảng hỗ trợ được 70 - 80% này thì nghề báo chí, xuất bản sẽ dễ đi, thì nhiều người hơn có thể làm được, có thể là 4.000.000 người. 4 triệu người này mà tham gia sáng tạo thì chắc là tốt hơn 40.000 sáng tạo.
CQBC sẽ thành nghề biên tập hơn là nghề viết. Số người viết tăng thêm 100 lần, CQBC thu phí 20 - 30% thì doanh thu sẽ lớn hơn, có nhiều sản phẩm hơn để biên tập, nếu chúng ta làm các nền tảng hỗ trợ để nghề báo chí, xuất bản dễ đi, có 4 triệu người tham gia được, và khi đó, các CQBC, nhà xuất bản đã nâng mình lên một tầm cao mới.
Về hạ tầng số Việt Nam (Hạ tầng số Việt Nam bao gồm: 1- Hạ tầng viễn thông và Internet, 2- Hạ tầng dữ liệu, 3- Hạ tầng vật lý-số, 4- Hạ tầng CĐS).
Muốn phát triển kinh tế số thì phải có hạ tầng số. Hạ tầng thì phải có cơ sở vật chất của hạ tầng đó và phải cung cấp dịch vụ thiết yếu, hỗ trợ các hoạt động kinh tế - xã hội. Hạ tầng là cái nền cho phát triển. Cái nền thì phải đủ và phải phổ cập. Hạ tầng số Việt Nam bao gồm:
1- Hạ tầng viễn thông (cáp quang, truyền dẫn, trạm phát sóng,...), hạ tầng Internet (Router, DNS,...),
2- Hạ tầng dữ liệu (IDC, Cloud,...),
3- Hạ tầng vật lý-số (số hóa mọi thứ của thế giới thực, mô phỏng nó, tạo ra ánh xạ 1-1 và tạo ra sự tương tác giữa thế giới thực và thế giới số (IoT để số hóa vạn vật, truyền dẫn IoT, dữ liệu mô phỏng vạn vật (thế giới vật lý có cái cầu thì trong thế giới số có dữ liệu do số hóa cái cầu và phần mềm mô phỏng cái cầu đó dựa trên dữ liệu được số hóa), lưu trữ và xử lý, nhất là xử lý dữ liệu lớn và AI),
4- Hạ tầng CĐS (Digital Utility: ID số, chữ ký số, thanh toán số, hóa đơn số, hợp đồng số, văn bản số). Hạ tầng viễn thông, Internet, hạ tầng dữ liệu là hạ tầng cứng, hạ tầng vật lý. Hạ tầng vật lý - số thì các sensors, IoT, truyền dẫn, lưu trữ, xử lý dữ liệu là cứng, nhưng bản thân dữ liệu do vạn vật được số hóa và phần mềm mô phỏng vạn vật là phần chính của hạ tầng này thì lại là mềm.
Vậy là hạ tầng này vừa cứng vừa mềm. Hạ tầng các Digital Utility phục vụ cho CĐS thì hoàn toàn là mềm (các platform phần mềm). Vậy là, hạ tầng số vừa bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Các lớp của hạ tầng số thì có cái cứng, cái mềm, có cả cái vừa cứng vừa mềm.
Hạ tầng số Việt Nam bao gồm: 1- Hạ tầng viễn thông và Internet, 2- Hạ tầng dữ liệu, 3- Hạ tầng vật lý - số, 4- Hạ tầng chuyển đổi số).
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Công cuộc lớn nhất của CĐS là số hóa mọi thứ của thế giới thực, mô phỏng nó, tạo ra một ánh xạ 1-1 và tạo ra sự tương tác giữa thế giới thực và thế giới số. Con người có thêm một không gian nữa để sống, làm việc, sự giàu có và không gian sáng tạo của con người tăng ít nhất là gấp đôi. Có rất nhiều việc thực hiện trên môi trường số thì nhanh, toàn diện và hiệu quả hơn so với trong thế giới thực. Nhưng phải có các công cụ để thực hiện những việc đó, hoặc hỗ trợ thực hiện các việc đó - các Digital Utility). Trên không gian mạng thì cũng có hạ tầng như là trong thế giới thực. Hạ tầng trên không gian mạng là các Digital Utility.
Về sự kết hợp hài hòa Thiên - Địa - Nhân để thành công (Công thức thành công là sự kết hợp hài hòa giữa tri thức nhân loại và xu thế thời đại, thực tiễn Việt Nam và văn hóa Việt Nam).
Làm gì thì cũng phải hiểu quy luật của trời đất, xu thế của thời đại. Làm gì thì cũng phải xuất phát từ thực tiễn của quốc gia mình, tổ chức mình. Làm gì muốn bền vững thì cũng phải dựa trên văn hóa của quốc gia mình, tổ chức mình, dựa trên con người với các thói quen vốn có của họ. Xu thế thời đại + Thực tiễn Việt Nam + Văn hóa Việt Nam sẽ làm nên lý luận phát triển của Việt Nam. Xu thế thời đại, lĩnh vực mà tổ chức X hoạt động + Thực tiễn X + Văn hóa X sẽ làm nên lý luận phát triển của X.
Về phát triển lý luận của mỗi tổ chức (Một tổ chức muốn đi xa, muốn lớn lên được thành một tổ chức vĩ đại thì phải có tư tưởng, lý luận dẫn lối).
Mỗi tổ chức phải có con đường đi riêng, nhưng vẫn phải tuân thủ các quy luật, một số nguyên tắc cơ bản và xu thế thời đại. Mỗi tổ chức phải phát triển lý luận của mình. Phải có lý luận thì một tổ chức mới đi xa, mới có thể to ra được mà không vỡ. Muốn làm lớn, muốn bền vững thì không thể không có lý luận. Việc nhỏ, việc trung bình, việc không đặc biệt thì không thấy cần có lý luận.
Ra quyết định lớn, đặc biệt, khác biệt, độc đáo, chưa ai làm thì sẽ thấy lý luận như một chỗ dựa, như một bộ lọc để ra những quyết định loại này. Một tổ chức vĩ đại thì có nhiều quyết định loại này. Những tổ chức bình thường thì không có những quyết định loại này, vì vậy, cũng ít cần đến lý luận.
Về 2 công đoạn của CĐS (CĐS gồm 2 công đoạn, số hóa toàn diện rồi sau đó thay đổi cách thức hoạt động).
Công đoạn 1: các hoạt động của con người được ghi nhận trên môi trường số, rộng hơn là toàn bộ thế giới thực được số hóa và tạo ra ánh xạ 1-1, tạo ra sự tương tác giữa thế giới thực vật lý và thế giới số.
Công đoạn 2: thay đổi cách thức hoạt động của tổ chức, cả trong thế giới thực và thế giới số.
Thí dụ, dùng AI để phân tích dữ liệu, phân tích thế giới số, đó cũng chính là dùng AI để phân tích thế giới thực (sau khi đã được số hóa). Vì AI chỉ hiểu ngôn ngữ số, nên muốn dùng nó thì phải số hóa trước. Thế giới thực không có cái gọi là "trăm tay ngàn mắt" của Phật, nhưng trong thế giới số thì AI có thể có năng lực này. Việc phát hiện sớm các sai phạm để nhắc nhở, ''vỗ vai" sẽ giúp các Bộ trưởng thành, tránh được các tai nạn lớn. Việc giám sát phân tích, đánh giá online, kịp thời sẽ giúp đẩy nhanh việc phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới, đất nước sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn.
Về mở rộng khái niệm nghề nghiệp (Đã CĐS thì phải định nghĩa lại mọi nghề nghiệp).
Không gian mới là không gian mới. Mọi nghề nghiệp trên không gian mới không còn như cũ nữa. Ai biết định nghĩa lại nghề của mình sớm hơn người khác thì người đó có cơ hội hơn. Định nghĩa lại nghề nghiệp, lĩnh vực là mở rộng không gian hoạt động của mình.
Làm hạ tầng viễn thông thì nay có đến 4 loại hạ tầng nữa phải làm, vậy là không gian rộng ra.
Làm bưu chính thì thành hạ tầng thiết yếu để đảm bảo dòng chảy vật chất tương ứng dòng chảy dữ liệu, vậy là đã đặt bưu chính ngang với viễn thông, vậy là đã đặt ra ánh xạ 1-1 giữa dòng chảy dữ liệu và dòng chảy vật chất. Không gian rộng lớn hơn hàng chục lần. Đặt bưu chính là hạ tầng của thương mại điện tử, vậy là bưu chính đã trở thành hạ tầng của lĩnh vực chính của kinh tế số.
Làm CĐS mà chỉ làm như CNTT là số hóa giấy tờ thì không gian rất hẹp.
Làm CĐS là số hóa toàn bộ thế giới thực, tạo ra ánh xạ 1-1 và tương tác giữa thế giới thực và thế giới số, rồi sau đó dùng phân tích dữ liệu lớn, dùng AI thay đổi cách thức vận hành của kinh tế - xã hội trên môi trường số và cả trên môi trường thực thì không gian sẽ lớn hơn hàng ngàn lần.
Làm an toàn thông tin mạng (ATTTM) mà chỉ là giải pháp đảm bảo an toàn cho các hệ thống CNTT thì cũng rất hẹp.
Làm ATTTM là cấy các giải pháp, các công nghệ ATTTM vào từng thiết bị số từ lúc thiết kế ra nó, là cấy các giải pháp và công nghệ ATTTM vào các lớp của hạ tầng số từ lúc thiết kế ra nó, là cấy các giải pháp, công nghệ ATTTM vào từng nền tảng số từ lúc thiết kế ra nó. ATTTM muốn phổ cập thì phải là dịch vụ.
Coi ATTTM là chiến tranh nhân dân thì phải phát triển ra các công cụ cho từng người dân dùng để họ tự bảo vệ họ và bảo vệ Tổ quốc. Làm ATTTM là bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên KGM. Nếu vậy thì phải thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng (AT, ANM), nếu vậy thì phải đi ra nước ngoài, cạnh tranh được với các tập đoàn toàn cầu về AT, ANM. Nếu nghĩ như vậy thì lĩnh vực AT, ANM sẽ rất rộng.
Nếu nghĩ làm báo là viết báo, đưa tin thì vẫn như cũ, vẫn 40.000 người viết báo. Nếu nghĩ tờ báo là nền tảng làm báo, 80% việc bếp núc của làm báo là do nền tảng hỗ trợ, thì sẽ có 4 triệu người viết báo.
Cơ quan báo chí (CQBC) thành người biên tập là chính, thành người tạo ra các công cụ bếp núc cho người viết, tạo ra các công cụ phân tích, đánh giá cho người biên tập, dân công nghệ vì thế sẽ 20-3-40% quân số CQBC. 4 triệu người viết báo thì bức tranh toàn cảnh Việt Nam sẽ hiện lên, 4 triệu người viết báo thì mới có nhiều câu chuyện chân thực và hay được kể. Nghề báo bây giờ phải kể được các câu chuyện hay, lay động lòng người hơn là chỉ đưa tin. Vậy nghề báo bây giờ là nghề hơn cả tin tức. Nghề báo trước đây là viết cái mình đang có thông tin, nay nghề báo lại là phân tích hàng trăm triệu thông tin trên không gian mạng để biết xu thế thông tin mà viết bài định hướng.
Nếu làm thông tin đối ngoại (TTĐN) mà chỉ tập trung vấn đề biển đảo thì rất hẹp.
Nếu làm TTĐN là để thế giới biết, hiểu về Việt Nam, không chỉ Việt Nam hôm nay mà Việt Nam 4.000 năm thì không gian của TTĐN đã khác. Nếu làm TTĐN là để người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, đầu tư thì lại thêm một câu chuyện nữa. Nếu làm TTĐN là để giúp các DN Việt Nam đi ra nước ngoài thì lại có thêm việc để làm. Nếu làm TTĐN là để dân Việt Nam biết chỗ tốt mà đi học, đi du lịch thì có làm không? Và làm TTĐN là giúp Việt Nam không có chiến tranh, góp phần cho hòa bình thế giới thì đó là nhiệm vụ cao cả. Nếu làm TTĐN là viết ra tất cả những cái trên thì không đủ lực để làm.
Nhưng nếu nghĩ TTĐN là thu thập, tổng hợp lại những cái mà nhiều người khác đã làm, đang tản mạn khắp nơi thì việc của TTĐN sẽ dễ hơn, khả thi hơn.
Nếu nghĩ làm xuất bản chỉ là làm sách thì nghề xuất bản vẫn như cũ.
Nếu tính tiền sách theo số trang thì làm sách vẫn theo cách cũ, tri thức đang có xu thế bị loãng ra, tốn thời gian để nạp tri thức vào não, người ta xa lánh sách cũng một phần vì lý do này. Nếu nghĩ tri thức cần "cô đặc" lại thì làm sách sẽ khác đi. Nếu đọc sách để tích lũy tri thức trước để đến lúc cần mang ra dùng thì đọc sách vẫn như cũ. Nếu nghĩ làm trước, gặp khó thì hỏi TLA, làm xong việc mới đọc sách để hiểu sâu hơn thì cả việc đọc và việc làm sách cũng sẽ khác đi. Vậy cái TLA tri thức ấy Nhà nước quản lý thế nào, và lại xuất hiện câu chuyện quản lý.
Nếu nghĩ là thông tin cơ sở (TTCS) là loa phường, loa xã thì có vẻ như giống như thời chiến tranh.
Nhiều người nghĩ đây là hệ thống truyền thông cổ lỗ sĩ, không hiệu quả. Nhưng nếu nghĩ hệ thống loa phường, xã được quản lý tập trung, tự động hóa thì nó trở thành một kênh thông tin lớn nhất, lớn hơn rất nhiều lần các kênh thông tin khác. Một tờ báo, một kênh truyền hình, phát thanh tại một thời điểm cũng chỉ vài triệu người nghe và xem, nhưng trên hệ thống này sẽ là 60-70 triệu người nghe cùng một lúc. Hiệu ứng sẽ lớn đến mức nào! Hệ thống loa phường, xã nếu biết dùng đúng lúc, đúng việc thì sẽ là nguồn lực truyền thông lớn nhất và hiệu quả nhất, và riêng có của Việt Nam.
Nếu nghĩ bây giờ mọi thứ online hết rồi, 200.000 cộng tác viên tại cơ sở thôn, xã không còn ý nghĩa nữa thì thấy hết vai trò của TTCS. Nhưng nếu nghĩ con người càng online bao nhiêu thì nhu cầu trực tiếp càng lớn bấy nhiêu, nếu nghĩ online không làm chết offline mà làm hồi sinh offline thì đội ngũ 200.000 con người kia đáng quý biết bao. Máy móc không thay thế con người mà chỉ làm nổi bật những cái máy móc không thể thay thế con người.
Năng lượng và sự mách bảo của Trời Đất (Trời Đất sẽ mách bảo nếu chúng ta đau đáu, trăn trở ngày đêm về một việc).
Ít người tin vào việc này. Nhưng thực tế là thế này, nếu ta đau đáu việc gì đó, suy nghĩ ngày đêm việc gì đó, suy nghĩ sâu đến mức bị ám ảnh, mà việc đó lại có sứ mệnh lớn lao thì cái ăngten của ta sẽ mở rộng búp sóng, độ nhạy tăng lên, vì thế mà thu được nhiều thông tin hơn, nhất là những thông tin rất nhỏ chỉ như một ánh sáng rất nhỏ cuối đường hầm. Trong cả trăm ngàn thông tin ấy sẽ có cái mách bảo, sẽ có cái làm ta ngộ ra, có khi chỉ là một từ, chưa đến một câu, có khi đến từ một người vô danh, chứ không phải thánh hiền chi cả.
Trong một trường hợp ngược lại, ta không suy nghĩ gì cả, không trăn trở điều gì cả, thì ngay cả khi có một người rất thông thái, thậm chí thánh hiền, dành cả tiếng đồng hồ giảng giải cho ta những điều đặc biệt thì sau cuộc gặp mọi sự lại như cũ. Vậy là Trời Đất ngoài kia đã có sẵn mọi sự mách bảo rồi, chỉ cần búp sóng ăngten của bạn mở rộng, chỉ cần ăngten của bạn tăng độ nhạy. Nhưng điều này lại chỉ đến khi chúng ta suy nghĩ ngày đêm, trăn trở và khát khao.
Xin chúc các đồng chí nhiều sức khoẻ, niềm vui và hoàn thành nhiều hơn cả kế hoạch đã đặt ra cho 6 tháng cuối năm! Xin cảm ơn các đồng chí đã lắng nghe!