Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Lý luận là “chỗ dựa” để đưa ra quyết định đúng đắn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, “mỗi tổ chức muốn đi xa, trở thành một tổ chức vĩ đại cần phải có tư tưởng, lý luận dẫn lối. Muốn làm lớn, bền vững thì không thể không có lý luận”.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, trao đổi một số quan điểm mới đối với các đơn vị, doanh nghiệp (DN) TT&TT trong định hướng phát triển 6 tháng cuối năm 2024 tại Hội nghị sơ kết công tác TT&TT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 tổ chức ngày 29/7/2024.
Bộ TT&TT giảm tải báo cáo 10 lần
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT&TT đang vận hành hệ thống báo cáo mới theo đó các Sở TT&TT, sau này là các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, DN có thể gửi báo cáo về Bộ TT&TT chỉ cần điền số liệu theo 1 biểu mẫu được Bộ TT&TT định dạng sẵn. Hiện 63 Sở TT&TT đang phải gửi khoảng 8.000 báo cáo các loại mỗi năm về Bộ. Khi hệ thống hoạt động ổn định, theo ước tính, việc báo cáo theo cách thức mới qua nền tảng số, 63 sở TT&TT sẽ gửi chỉ còn khoảng 800 báo cáo mỗi năm, giảm 10 lần.
Theo Bộ trưởng, việc này sẽ giảm “nỗi khổ” báo cáo cho các Sở TT&TT. Các số liệu của các Sở TT&TT sẽ được nhập về cơ sở dữ liệu của Bộ và từ đó các cơ quan của Bộ TT&TT làm báo cáo đều có thể lấy dữ liệu ra. “Đây là một cách giảm tải quan trọng mà vẫn có đầy đủ dữ liệu. Hệ thống đã bắt đầu vận hành và dự kiến hết quý 3 năm 2024 sẽ vận hành ổn định. Việc này sẽ làm thay đổi căn bản công việc quản lý nhà nước (QLNN) của Bộ TT&TT”.
Bộ trưởng cũng cho biết từ năm 2023, Bộ TT&TT đã xây dựng phần mềm kết nối thẳng vào Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của các tỉnh, thành, bộ ngành để lấy số liệu thực tế về hồ sơ được xử lý trực tuyến toàn trình. “Đây có thể là bước đầu tiên của quản trị số và quản trị số là tiến tới con người không can thiệp nữa”.
Trợ lý ảo là hỗ trợ, giúp việc
Trước những băn khoăn về việc AI có thay thế con người hay không? AI có vượt qua kiểm soát của con người hay không? Bộ trưởng cho biết chủ đề này được bàn thảo và tranh cãi khá lớn ở châu Âu, phương Tây, thậm chí có ý kiến cực đoan cho rằng AI sẽ vượt lên trên con người, kiểm soát con người nên phải làm cho sự phát triển của AI chậm đi. Nhiều quốc gia còn ra quy định khắt khe.
Bộ trưởng cho rằng quan điểm của Bộ TT&TT là dù AI có năng lực xử lý, thông minh đến đâu cũng chỉ là trợ lý, giúp việc. AI thì tạo ra trợ lý ảo và mong muốn của Bộ TT&TT là mỗi người dân có 1 trợ lý, người giúp việc để giải phóng con người khỏi một số việc cũ, lặp lại để có thêm thời gian làm thêm việc mới.
Sự quyết liệt chỉ đạo của người đứng đầu sẽ làm tăng mức độ thành công của CĐS
Trao đổi về công tác chuyển đổi số (CĐS), Bộ trưởng cho biết trong thời gian qua, Bộ TT&TT vừa làm, vừa nghĩ, vừa “đau đáu” xem CĐS là gì. Nghĩ ra cách gì để làm CĐS cho dễ. Câu trả lời là: Trong CĐS việc khó nhất lại là việc dễ nhất và ngược lại.
Đối với hệ thống chính quyền hay 1 tổ chức, 1 DN thì dễ nhất là bạn hành 1 quy định rằng mọi hoạt động của công chức, nhân viên phải được ghi nhận trên môi trường số. Đối với DN công nghệ số thì khó nhất là số hoá toàn bộ DN.
Theo Bộ trưởng, CĐS bây giờ rất dễ chỉ bằng một tờ giấy A4 của người đứng đầu quy định về trách nhiệm của cán bộ cấp dưới là làm việc trên phần mềm. Nếu chưa làm trên phần mềm, nền tảng số thì đến cuối ngày làm việc dành thời gian nhập dữ liệu, thông tin về công việc vào phần mềm, nền tảng số.
Bộ trưởng cũng trao đổi về làm thí điểm và phổ cập CĐS. Theo đó, cái mới thì làm thí điểm. “Làm thí điểm thì người đứng đầu chỉ đạo. Thí điểm thì phải chú ý cách làm. Làm thí điểm thì phải làm nhanh, làm đến cùng, làm cho xong đến lúc dùng được và có hiệu quả thiết thực. Việt Nam có nhiều thí điểm thành công trong 4 năm CĐS nhưng chưa được phổ cập”.
Để phổ cập CĐS, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. CĐS, trong đó chuyển đổi chiếm 70%, công nghệ là 30%. “CĐS là cuộc cách mạng chuyển đổi hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Do vậy, CĐS thành công thì quyết định là ở người đứng đầu và người đứng đầu là người muốn thay đổi. Bởi người đứng đầu có đủ thẩm quyền, uy tín, quyền lực để điều hướng các nguồn lực để thực hiện và chỉ có người đứng đầu mới có khả năng phá vỡ cái cũ. Người đứng đầu không chỉ chỉ đạo mà còn trực tiếp làm để hiểu, trực tiếp dùng phần mềm. CĐS là trải nghiệm, nếu người đứng đầu không sử dụng công nghệ số trong công việc hàng ngày thì khó chỉ đạo công tác CĐS”.
Ở Việt Nam, qua 4 năm CĐS, Bộ trưởng cho rằng yếu tố công nghệ để CĐS đã sẵn sàng và đã có một số thành công bước đầu rất đáng khích lệ. Bây giờ quyết định thành công của công cuộc CĐS quốc gia sẽ là người đứng đầu các cấp. Tại cuộc họp vừa qua của Uỷ ban Quốc gia về CĐS, Thủ tướng đã giao trách nhiệm cho từng Bộ trưởng, Chủ tịch UNBD tỉnh/thành phố trong việc phổ cập CĐS.
Nghiên cứu của Mc Kensey về CĐS các tổ chức cho thấy sự vào cuộc và sự quyết liệt chỉ đạo của người đứng đầu thì sẽ làm tăng mức độ thành công của CĐS từ 1,6 - 1,8 lần. Nhưng mức độ thành công sẽ tăng lên thành 3,1 lần nếu CĐS có thêm: (1) Kế hoạch rõ ràng, (2) mục tiêu cụ thể và (3) người đứng đầu trực tiếp làm, trực tiếp sử dụng.
Tiếp theo, Bộ trưởng cũng đề cập việc thể chế hoá vào các ngành, lĩnh vực để thúc đẩy nhanh CĐS quốc gia. Thể chế hoá CĐS vào các lĩnh vực, các ngành thì đội ngũ trong ngành đó mới vững tin CĐS mạnh mẽ. Bộ TT&TT cần chú ý khi góp ý luật, nghị định do các Bộ, ngành khác dự thảo, đặc biệt các dự án luật thì chú ý nội dung phải có 1 chương hoặc một số điều về hoạt động liên quan đến lĩnh vực điều chỉnh của văn bản đó trên không gian mạng.
Cũng theo Bộ trưởng, từ khoá quan trọng nhất của thời kỳ CĐS là “hợp tác” vì CĐS liên quan đến sáng tạo mà sáng tạo là thế mạnh của xã hội, cần hợp tác với xã hội để sáng tạo. Như vậy trong CĐS thì đổi mới sáng tạo (ĐMST) là quyết định. ĐMST không nằm ở một chỗ, mà ở mọi nơi… “Không một DN nào, tổ chức dù lớn đến mấy có thể phủ hết ĐMST của xã hội. Câu chuyện hợp tác là câu chuyện của tất cả các đơn vị ngành TT&TT”.
Hạ tầng số Việt Nam gồm 4 lớp
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết lần đầu tiên Bộ TT&TT sẽ tuyên bố về hạ tầng số Việt Nam dự kiến trong tháng 8/2024, bao gồm: (1) Hạ tầng viễn thông và Internet; (2) hạ tầng dữ liệu; (3) hạ tầng vật lý số và (4) hạ tầng CĐS.
“Muốn phát triển kinh tế số thì phải có hạ tầng số. Hạ tầng thì phải có cơ sở vật chất của hạ tầng đó và phải cung cấp dịch vụ thiết yếu, hỗ trợ các hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH). Hạ tầng là cái nền cho mọi sự phát triển. Cái nền thì phải đủ, phổ cập cho toàn dân”.
Phát triển một tổ chức vĩ đại
Với sự tham dự đông đảo của các DN và các đơn vị tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi về phát triển 1 tổ chức. Đó là kết hợp tri thức nhân loại, xu thế thời đại và thực tiễn của quốc gia, tổ chức. Muốn phát triển bền vững một tổ chức phải dựa trên tổ chức, con người, thói quen.
“Mỗi tổ chức muốn đi xa, trở thành một tổ chức vĩ đại cần phải có tư tưởng, lý luận dẫn lối. Muốn làm lớn, bền vững thì không thể không có lý luận. Việc nhỏ, việc trung bình, việc không đặc biệt thì không cần lý luận nhưng ra quyết định lớn, quyết định đặc biệt, khác biệt, độc đáo, chưa ai làm thì sẽ thấy lý luận như một chỗ dựa, như một bộ lọc để ra được những quyết định một cách đúng đắn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Mở rộng không gian nghề nghiệp để phát triển
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh các lĩnh vực của Ngành cần chú ý mở rộng không gian nghề nghiệp để phát triển lĩnh vực một cách mới mẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh tại Hội nghị là luôn tái định nghĩa nghề nghiệp và mở rộng không gian cho nghề nghiệp để nắm bắt cơ hội phát triển.
Theo Bộ trưởng, làm hạ tầng viễn thông thì nay có 4 loại hạ tầng phải làm. Làm bưu chính phải trở thành hạ tầng thiết yếu để đảm bảo dòng chảy vật chất tương ứng với dòng chảy dữ liệu. Bưu chính là hạ tầng của thương mại điện tử (TMĐT) thì bưu chính trở thành hạ tầng của lĩnh vực chính của kinh tế số.
Làm CĐS mà làm như CNTT là số hoá giấy tờ thì không gian rất là hẹp. Làm CĐS là số hoá toàn bộ thế giới thực, tạo ra ánh xạ 1:1. Sau đó dùng phân tích dữ liệu lớn, dùng AI để thay đổi cách vận hành cả nền KT-XH trên môi trường số và cả trên môi trường thực để không gian của CĐS lớn hơn, có khi cả ngàn lần so với không gian CNTT.
Làm ATTT mạng mà chỉ là giải pháp đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin thì cũng rất hẹp. Làm ATTT mạng là “cấy” các giải pháp, các công nghệ ATTT vào từng thiết bị số, các lớp của hạ tầng số, nền tảng số từ lúc thiết kế. ATTT muốn phổ cập thì phải là dịch vụ, phải phát triển ra các công cụ cho từng người dân Việt Nam dùng để tự bảo vệ mình và bảo vệ Tổ quốc.
“Làm ATTT mạng là bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Nếu vậy thì phải trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng. Nếu nghĩ vậy thì phải đi ra nước ngoài để cạnh tranh được với các tập đoàn toàn cầu về an toàn, an ninh mạng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với nghề báo, Bộ trưởng cho biết báo chí hãy làm nền tảng, công cụ cho xã hội tham gia viết báo và “viết dễ đi”.
Cơ quan báo chí cũng như nhà mạng hãy nghĩ đến việc làm cho người khác sáng tạo. Apple là một ví dụ điển hình khi thực tế nguồn thu lớn của công ty công nghệ này là từ việc dựng nền tảng để mọi DN, cá nhân viết ứng dụng (app) chạy trên iPhone (Apple Store), tương đương với doanh thu bán iPhone.
Các cơ quan báo chí, xuất bản cần theo xu hướng này, đó là làm nền tảng để mọi người viết báo, làm xuất bản. Nếu chúng ta làm các nền tảng số để hỗ trợ nghề báo, xuất bản dễ đi thì có hàng triệu người có thể tham gia làm và khi đó các cơ quan báo chí, nhà xuất bản có thể nâng mình lên một tầm cao mới.
Bộ trưởng cho rằng nếu nghĩ là viết báo, đưa tin thì nghề báo vẫn như cũ, vẫn chỉ có 40.000 người viết báo. Theo Bộ trưởng, nếu báo chí làm các nền tảng thì 80% bếp núc của làm báo do nền tảng hỗ trợ thì sẽ có 4 triệu người viết báo. Cơ quan báo chí thành người biên tập, thành người tạo ra các công cụ hỗ trợ cho người viết, tạo ra các công cụ phân tích, đánh giá cho người biên tập. Đội ngũ công nghệ vì thế sẽ chiếm 20 - 40% lực lượng của một cơ quan báo chí.
Theo Bộ trưởng, có nhiều người viết báo thì bức tranh toàn cảnh Việt Nam sẽ được hiện lên chân xác, có nhiều câu chuyện chân thực và hay được kể. “Nghề báo bây giờ phải kể những câu chuyện hay, lay động lòng người hơn. Nghề báo là phân tích hàng trăm triệu thông tin hàng ngày trên không gian mạng để biết xu thế thông tin để viết bài định hướng”.
Còn đối với thông tin đối ngoại (TTĐN), Bộ trưởng cho rằng chỉ tập trung vấn đề biển đảo thì rất hẹp. Nếu làm TTĐN để thế giới biết, hiểu về Việt Nam, không chỉ Việt Nam hôm nay mà cả Việt Nam 4000 năm thì không gian của TTĐN là khác. Nếu làm TTĐN là để người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, đầu tư thì lại thêm một môi trường nữa. Nếu làm TTĐN là để giúp các DN Việt Nam đi ra nước ngoài thì lại có thêm việc để làm. Nếu làm TTĐN là để người dân Việt Nam biết chỗ tốt mà đi học, đi du lịch thì có làm không, Bộ trưởng đặt câu hỏi.
“Làm TTĐN để giúp Việt Nam không có chiến tranh, góp phần làm cho hoà bình thế giới thì đó lại là một nhiệm vụ cao cả cho TTĐN. Nếu làm TTĐN mà thu thập, tổng hợp lại những cái mà nhiều người khác đã làm nhưng đang tản mạn khắp nơi thì việc của TTĐN sẽ dễ hơn và khả thi hơn”.
Đối với Xuất bản, Bộ trưởng cho rằng nếu nghĩ Xuất bản chỉ là làm sách thì nghề Xuất bản chắc vẫn như cũ. Nếu tính tiền sách theo số trang thì làm sách vẫn như cũ.
Theo Bộ trưởng, tri thức đang có xu thế bị loãng ra vì tri thức được nạp vào nhờ sách đang dài quá. “Nếu biết tri thức cần cô đọng thì làm sách sẽ khác đi. Nếu đọc sách để tích luỹ tri thức trước để đến lúc cần mang ra dùng thì đọc sách vẫn như cũ. Nếu nghĩ làm trước, gặp khó hỏi trợ lý ảo, làm xong rồi thì mới đến đọc sách thì để hiểu sâu hơn thì cả việc đọc và việc làm sách sẽ khác đi”.
Đối với thông tin cơ sở (TTCS), Bộ trưởng cho rằng nhiều người nghĩ đây là hệ thống truyền thông cổ lỗ sĩ, không hiệu quả nhưng nếu nghĩ hệ thống loa phường, loa xã được quản lý tập trung tự động hoá thì trở thành một kênh thông tin lớn nhất, lớn hơn rất nhiều lần các kênh thông tin khác.
Theo phân tích của Bộ trưởng, một tờ báo, một kênh truyền hình phát thanh tại một thời điểm cũng chỉ vài triệu người nghe và xem nhưng trên hệ thống TTCS sẽ là 60 - 70 triệu người nghe cùng một lúc. “Hiệu ứng sẽ lớn, vô cùng lớn. Hệ thống loa phường, loa xã nếu biết dùng đúng lúc, đúng việc sẽ là nguồn lực truyền thông lớn nhất và hiệu quả nhất và riêng có của Việt Nam”.
TTCS đang có 200.000 cộng tác viên cũng là sức mạnh lớn nhất bởi “xã hội càng trực tuyến bao nhiêu thì người dân càng muốn tiếp xúc trực tiếp bấy nhiêu”. Điều này tương tự như bưu chính có đội ngũ hàng chục ngàn người có thể tiếp cận đến từng hộ dân, là sức mạnh lớn so với các tổ chức bán hàng online.
“Máy móc không làm thay thế con người mà chỉ làm nổi bật những cái máy móc không làm thay thế con người”, Bộ trưởng nhận định./.