Chuyển đổi số trong giáo dục đại học cần thay đổi căn bản cách tiếp cận

Gia Bách| 13/10/2020 17:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số trong giáo dục đại học là một trong những chủ đề được đề cập đến nhiều nhất tại hội thảo “Kinh tế số: Tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam” do Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức vào ngày 12/10/2020.

Tại hội thảo, theo PGS. TS Trịnh Quốc Trung, trường Đại học (ĐH) Kinh tế - Luật, ĐHQG -TP. Hồ Chí Minh: "Để thực hiện chuyển đổi số (CĐS) thành công trong giáo dục ĐH, Việt Nam cần có những thay đổi căn bản về cách tiếp cận từ triết lý giáo dục đại học ở tầm quốc gia đến nhận thức tại các cơ sở giáo dục ĐH cũng như việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm chuyển đổi mô hình đại học truyền thống sang mô hình ĐH hiện đại".

Chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt Nam - Ảnh 1.

Từ những năm 2000, CĐS cũng đã bắt đầu được áp dụng vào lĩnh vực giáo dục trên thế giới cũng như Việt Nam nhằm cung cấp các chương trình đào tạo hoàn toàn trực tuyến hoặc kết hợp nhằm khai thác những lợi ích đem lại từ việc CĐS.

Cơ hội trong việc rà soát và suy nghĩ lại về mô hình dạy - học

Trước khi có đại dịch Covid-19, hoạt động giáo dục, đặc biệt đối với các chương trình ĐH và sau ĐH đã có những bước phát triển nhất định thông qua hoạt động "đào tạo từ xa". Trong đó, người học chủ yếu thực hiện việc học "từ xa" thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như đài phát thanh, đài truyền hình, băng/đĩa từ... hoặc sách và sau đó người học sẽ tham gia một số buổi ôn tập trực tiếp nào đó trước khi tiến hành đánh giá hoàn thành khóa học.

PGS. TS Trịnh Quốc Trung cho biết: "Sau khi có đại dịch Covid-19, với yêu cầu "giãn cách xã hội" cao đã dẫn đến tình trạng hàng loạt các quốc gia đã phải yêu cầu các cơ sở đào tạo, kể cả các cơ sở đào tạo bậc phổ thông thực hiện giảng dạy và học tập trực tuyến đã tạo ra cơ hội mới cho toàn thế giới trong việc rà soát và suy nghĩ lại mô hình dạy - học truyền thống hoặc tân cổ điển".

Tính đến nay, đã có nhiều nghiên cứu về "học tập số" (digital learning) và "trường ĐH số" (digital university). Việc "dạy - học số" (digital teaching – learning) có thể vẫn cần có sự thực nghiệm và phê duyệt của các cơ quan quản lý giáo dục cũng như sự chấp nhận rộng rãi hơn của xã hội nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng để trở thành trào lưu chính thức trong hoạt động giáo dục toàn cầu.

Và trên thực tế, nhiều hoạt động vận hành khác của các trường ĐH cũng đã và đang được "nhúng" vào nền tảng số hóa như tuyển dụng, tuyển sinh, quản lý người học, dịch vụ sinh viên, quản lý học vụ/ tín chỉ, phân bổ ngân sách...

Cơ sở giáo dục ĐH ngày nay đang chịu sự tác động của các tiện ích công nghệ và những đổi thay trong xã hội như thay đổi về nhu cầu của thị trường lao động tương lai và các thay đổi về nhân khẩu học dẫn đến việc gia tăng vai trò của các kỹ năng chung và năng lực trong tương lai của người học hiện tại làm cho các trường ĐH phải hiện ĐH các phương pháp giảng dạy của mình và áp dụng các phương pháp tiếp cận khác như làm việc nhóm, quản trị tri thức, học tập suốt đời.

Mặt khác, việc sử dụng công nghệ rộng rãi hơn trong các trường ĐH cũng có thể cho phép họ sử dụng các giải pháp số khác nhau trong quá trình dạy, học, cung cấp học liệu, chuyển đổi tín chỉ cũng như các quá trình hỗ trợ và quản lý người học.

Mức độ chấp nhận các phương thức học tập số của người học hiện vẫn đang là chủ đề quan trọng để các cơ sở giáo dục ĐH cân nhắc việc đầu tư vì từ quan điểm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khi nhu cầu của người học không đủ lớn có thể gây ra sự thiệt hại đáng kể về tài chính cho các cơ sở giáo dục ĐH, gây lãng phí.

Định hướng CĐS giáo dục ĐH

Từ năm 2000, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc hội nhập của lĩnh vực giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng tại Việt Nam vào xu thế chung của thế giới liên quan đến CĐS với hàng loạt các văn bản thể hiện chủ trương phát triển, đổi mới giáo dục đào tạo trên nền tảng ứng dụng CNTT.

Để thực hiện CĐS và hướng đến việc tổ chức đào tạo hoàn toàn trực tuyến, các cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam cũng phải thỏa mãn những yêu cầu khác nhau của cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, đối với trình độ ĐH, các cơ sở giáo dục phải thỏa mãn các điều kiện khác nhau về: Hạ tầng công nghệ đào tạo trực tuyến; Hệ thống học liệu phục vụ dạy - học; Đội ngũ giảng viên; Đội ngũ nhân lực hỗ trợ đảm bảo triển khai hoạt động đào tạo trực tuyến; Hệ thống văn bản nội bộ quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện quản lý và đào tạo trực tuyến.

Thông tin tại hội nghị Đào tạo trực tuyến của giáo dục Đại học (GDĐH) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 17/4/2020 cho thấy hiện nay có 45% cơ sở GDĐH đã thực hiện đào tạo trực tuyến, trong đó có 63 trường đại học công lập và 42 trường dân lập; 42% cơ sở GDĐH chưa thực hiện ĐTTT.

Trong số các cơ sở GDĐH tại Việt Nam tham gia triển khai ĐTTT từ sớm bao gồm Trường ĐH Mở Hà Nội (2009) còn có Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Tuy nhiên, ông Trịnh Quốc Trung đánh giá: "Các cơ sở giáo dục tại Việt Nam tiên phong trong việc triển khai CĐS mang tính toàn diện, dài hạn và đã đạt được những kết quả nhất định trên nền tảng chuyển đổi cơ sở giáo dục truyền thống hoặc định hướng CĐS ngay từ khi mới hình thành có thể phải kể đến trường ĐH Công nghiệp Hà Nội hoặc Tổ hợp Công nghệ Giáo dục TOPICA".

Trong khi đó, nói về việc CĐS cụ thể tại trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Trưởng khoa/phụ trách Khoa CNTT cho biết: "Việc ứng dụng CĐS trong hoạt động và công tác của Trường ĐHQT trong giai đoạn Covid-19 vừa qua đã mang lại nhiều thuận lợi".

Ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát, theo quy định của Nhà nước, trường ĐH Quốc tế đã kịp thời xây dựng đề án giảng dạy trực tuyến, bao gồm các bước từ thử nghiệm đến đánh giá cải tiến và triển khai trong thực tế. Đề án được xây dựng dựa trên các nguồn lực sẵn có, nhu cầu, quy mô sử dụng, các quy định của pháp luật để bảo đảm việc giảng dạy trực tuyến được triển khai hiệu quả và đúng quy định.

Việc lấy ý kiến của các bên liên quan về việc giảng dạy trực tuyến cũng được nhà trường triển khai đầy đủ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần giải quyết. Từ đó các cơ sở đào tạo có thể tham khảo, cân nhắc trong việc đầu tư. Ví dụ, khi thực hiện việc CĐS, ngoài việc cần nguồn kinh phí đầu tư cho thiết bị phần cứng, phần mềm, hạ tầng mạng, v.v... chúng ta cũng cần tổ chức các buổi tập huấn sử dụng công nghệ, đồng thời cần một đội ngũ hỗ trợ thường trực để hướng dẫn và xử lý các vấn đề liên quan.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số trong giáo dục đại học cần thay đổi căn bản cách tiếp cận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO