Xây dựng lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật để bắt kịp sự thay đổi công nghệ, đảm bảo phát triển vận hành Chính phủ điện tử của Bộ VHTTDL, đáp ứng yêu cầu tiến trình chuyển đổi số tại Tổng cục TDTT; hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối internet, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan nhà nước; chia sẻ, cung cấp thông tin dữ liệu ngành thể thao hướng tới người dân, doanh nghiệp; khai thác dịch vụ dữ liệu, dịch vụ gia tăng với lộ trình phù hợp; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong việc triển khai, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin của Tổng cục TDTT.
Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin Tổng cục TDTT - đơn vị được giao xây dựng Đề án, thì nội dung của việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT sẽ gồm việc thực hiện đánh giá chính xác thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại Tổng cục TDTT và các đơn vị trực thuộc về hạ tầng, phần mềm ứng dụng, chính sách, nguồn nhân lực... Từ đó chỉ rõ các hạn chế, yếu kém, bất cập để có hướng khắc phục. Đề án cũng nhằm xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện công tác ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số tại Tổng cục TDTT; xây dựng lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại Tổng cục TDTT đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đề án khi được xây dựng phải đáp ứng được việc tổchức triển khai nền tảng dữliệu sốvềTDTT, thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệvà chuyển đổi sốtrong lĩnh vực TDTT theo hướng gia tăng sựtương tác và trải nghiệm của người dùng. Xây dựng phát triển các dữliệu sốvềTDTT trong đó tập trung ưu tiên ứng dụng, làm chủcác công nghệliên quan đến phân tích chuyên sâu các dữ liệu TDTT (Big Data, AI, IOT..)
Bám sát Chương trình chuyển đổi số của Bộ VHTTDL
Tuy nhiên, để có thể xây dựng Đề án mang tính khả thi và đạt được các mục tiêu đề ra, theo các chuyên gia, sẽ có 3 bài toán cần phải giải. Bài toán thứ nhất là về quản lý, đánh giá công tác phát triển TDTT tại các địa phương và quốc gia. Tổng cục TDTT hiện chưa có những đánh giá cụ thể, định lượng về công tác phát triển TDTT tại từng địa phương và trên quy mô quốc gia. Các đánh giá hiện nay chủ yếu dựa trên các báo cáo rời rạc ở từng lĩnh vực và môn thể thao cụ thể. Việc thống kê các số liệu này tương đối khó khăn và có độ trễ nhất định do đó ảnh hưởng lớn đến công tác hoạch định chính sách cũng như công tác quản lý nhà nước về TDTT. Chuyển đổi số có thể giải quyết bài toán bằng cách xây dựng và triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về phát triển TDTT. Hệ thống thông tin cho phép các địa phương cập nhật nhanh chóng, chính xác các số liệu báo cáo đồng thời giúp các cấp quản lý có cái nhìn tổng thể về công tác phát triển TDTT ở từng địa phương. Với các dữ liệu thu thập được sẽ là cơ sở khoa học, là tiền đề cho phép xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển TDTT phù hợp với từng địa phương cũng như trên phạm vi quốc gia.
Bài toán thứ hai về tuyển chọn, đào tạo vận động viên. Hiện công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên thi đấu thể thao vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm định tính, ít dựa vào dữ liệu định lượng, gần như không có thông tin về các chỉ số sinh hóa, dữ liệu tập luyện, thi đấu của vận động viên. Chỉ có số ít các môn thể thao như Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Điền kinh… đang manh nha làm được việc này. Điều đó đã gây ra những khó khăn trong việc lựa chọn vận động viên khi thi đấu cũng như khả năng đánh giá mức độ phát triển của vận động viên trong tương lai. Chuyển đổi số có thể giải quyết bài toán bằng cách có một nền tảng dữ liệu vận động viên để họ biết và khai thác tốt nhất lợi thế mình có. Cơ quan nhà nước có thể căn cứ các dữ liệu thu thập được để có những đánh giá chính xác về tình trạng, chiều hướng phát triển của vận động viên từ đó có những quyết định mang tính khách quan, khoa học.
Bài toán thứ ba về quản lý, tổ chức các giải thi đấu thể thao. Theo đó việc quản lý, tổ chức các giải thi đấu thể thao hiện nay mới chỉ dừng ở mức ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, hầu hết các công đoạn vẫn còn thực hiện thủ công gây nhiều khó khăn trong việc tổng hợp, cập nhật, lưu trữ kết quả thi đấu. Hơn nữa dữ liệu liên quan đến quá trình thi đấu bị phân tán dẫn đến tình trạng thất lạc thông tin. Chuyển đổi số có thể giải quyết bài toán bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ quá trình quản lý, tổ chức thi đấu từ khâu đăng ký đến tổng hợp báo cáo kết quả thi đấu sau khi kết thúc giải đấu. Điều này giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức thi đấu thể thao đồng thời phục vụ tốt hơn công tác xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành thể dục thể thao.
Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết, Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT cần bám sát Chương trình chuyển đổi số của Bộ VHTTDL. Trên cơ sở điều kiện thực tế của ngành TDTT cần xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể và trọng tâm trong từng giai đoạn. “Để đạt được các mục tiêu đề ra, trước hết cần chuyển đổi nhận thức, tư duy về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số. Xây dựng các chương trình truyền thông, hoạt động, sự kiện nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức của Tổng cục TDTT về lợi ích của ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Tăng cường đào tạo tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, khai thác dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục TDTT”, bà Lê Thị Hoàng Yến nhấn mạnh.
Theo lộ trình, sau khi hoàn thành, Đề án sẽ được phê duyệt vào cuối năm và được triển khai thực hiện cùng Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong thời gian thực hiện từ năm 2023-2025 và định hướng đến năm 2030, Đề án sẽ gồm nhiều dự án thành phần, phân kỳ theo từng năm, đặt ra các mục tiêu cụ thể để thực hiện./.