Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; kế hoạch công tác năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi số và liên thông thư viện”.
Tại hội thảo, đại diện các đơn vị trình bày tham luận đánh giá thực trạng chuyển đổi số và liên thông thư viện hiện nay; đồng thời làm rõ những kết quả đạt được, cũng như hạn chế, khó khăn và nguyên nhân trong quá trình thực hiện chuyển đổi số đối với từng loại thư viện.
Vai trò của chuyển đổi số trong thư viện
Theo bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho các ngành, tạo điều kiện phát triển vượt bậc cho lĩnh vực công nghệ thông tin hay các hoạt động có tính chất kết nối.
Một trong những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại là giúp thu hẹp khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi, thành thị và nông thôn, đặc biệt là trong việc hưởng thụ những giá trị văn hóa.
“Ở khía cạnh này, thư viện là một trong những chủ thể tiên phong trong chuyển đổi số. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực văn hóa và cần được ưu tiên thực hiện, bởi thư viện chính là địa điểm cung cấp, nâng cao tri thức cho người dân trong cộng đồng”, bà Thủy nói.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng để triển khai chuyển đổi số và liên thông thư viện, chúng ta còn rất nhiều thách thức phải đối mặt như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, tài chính…
Không nằm ngoài xu hướng và yêu cầu tất yếu chung của ngành thư viện và toàn xã hội, chuyển đổi số và liên thông hệ thống thư viện ở Việt Nam đã được nhận thức từ trước đó.
Ông Phạm Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - đánh giá hoạt động này đã mang lại những giá trị thiết thực, làm thay đổi vị thế và hoạt động căn bản, toàn diện của thư viện, có đóng góp tích cực trong thành tựu phát triển của văn hóa cộng đồng.
Mục tiêu chuyển đổi số trong thư viện
Tại hội thảo, ông Hùng cũng nêu một số mục tiêu cơ bản đến năm 2025. Thứ nhất, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ để đảm bảo đáp ứng kết nối 100% hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thứ hai là triển khai nền tảng dữ liệu số theo nguyên tắc “dữ liệu chỉ từ một nguồn”. “Hiện nay, chúng ta có khoảng 31.000 thư viện, trong đó có hàng loạt hệ thống thư viện công cộng được đầu tư, song vẫn chưa được liên thông trên nhiều mặt. Việc chuyển đổi và liên thông thư viện sẽ giúp xây dựng nền tảng kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin”, ông Hùng cho hay.
Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện, liên thông thư viện cần được thực hiện dựa trên nhóm khu vực địa lý; chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ; lĩnh vực, nội dung tài nguyên thông tin hoặc cũng có thể liên thông giữa các loại thư viện.
Theo đó, khi triển khai kế hoạch này, Vụ Thư viện đề ra mục tiêu đến năm 2025, có 100% thư viện công lập sẽ hoàn thiện và phát triển hạ tầng dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ hoặc văn bản hợp tác.
Bên cạnh đó, 100% thư viện công lập sẽ có trang thông tin điện tử để cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp thành phần dữ liệu mở; 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý sẽ được số hóa; 60% thư viện trong cả nước sẽ được kiểm duyệt thông qua hệ thống quản lý thông tin của cơ quan quản lý.
Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong thư viện, liên thông ở mọi loại hình thư viện nhằm đảm bảo cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng, ông Hùng chỉ ra 4 nhiệm vụ trọng tâm: Số hóa tài liệu quốc gia, xây dựng dự án mục lục liên hợp quốc gia, xây dựng dự án cơ sở dữ liệu về thư viện Việt Nam và triển khai chương trình nâng cao trình độ nguồn lực thư viện.