Angelica Salgado đã khóc vì sung sướng khi nhận được tháng lương đầu tiên từ công ty khởi nghiệp Cornershop của Chile vào năm 2017. Sau hai năm thất nghiệp, Salgado ký kết hợp đồng làm công việc “đi chợ hộ” với Cornershop. Salgado là một trong hàng trăm nhân viên mua sắm (shopper) mà Cornershop tuyển dụng, họ đến các siêu thị trên khắp thành phố, mua hàng, sau đó giao hàng tạp hóa trực tiếp đến tận nhà mọi người thông qua ứng dụng.
"Tôi có ô tô. Tôi nghĩ tôi là một người mẹ - tôi biết cách tìm mua những sản phẩm tốt nhất ở cửa hàng tạp hóa, điều đó có gì khó khăn”, Salgado nói.
Mọi chuyện thay đổi khi Uber thâu tóm startup kỳ lân đi chợ và giao hàng
Cornershop được thành lập vào năm 2015 bởi ba nhà sáng lập là Oskar Hjertonsson, Daniel Undurraga và Juan Pablo Cuevas tại thủ đô của Chile và nhanh chóng trở thành một startup kỳ lân của quốc gia.
Nhưng rồi hệ thống “đi chợ hộ” mà những người nhân viên như Salgado coi trọng đã dần bị xói mòn - một quá trình xói mòn “nhanh và nguy hiểm”. Vào tháng 7/2020, gã khổng lồ công nghệ và kinh tế chia sẻ có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) là Uber trở thành cổ đông chính của Cornershop. Một năm sau, vào tháng 7/2021, Uber hoàn tất việc thâu tóm kỳ lân đầu tiên của Chile sau khi mua 47% cổ phần còn lại của công ty với giá 1,4 tỷ USD cổ phiếu.
Động thái này là một phần trong chiến lược liên tục của Uber nhằm tạo ra một nền tảng tiện lợi toàn cầu gắn kết, tích hợp cửa hàng tạp hóa trực tuyến của Chile với Uber Eats và các dịch vụ chia sẻ xe.
Người phát ngôn của Uber nói rằng Mỹ Latinh là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất của công ty. Uber dự định nâng cao công nghệ của Cornershop để mở rộng từ dịch vụ tạp hóa sang các danh mục thương gia khác như quần áo.
“Trong thương vụ này, chúng tôi sẽ củng cố mọi thứ khiến chúng tôi trở nên đặc biệt, đồng thời tiếp cận với tất cả sức mạnh của Uber để phát triển nhanh hơn”, Oskar Hjertonsson, một trong bộ ba nhà sáng lập Cornershop, đã tweet như vậy vào tháng 6/2021 sau khi xác nhận toàn bộ thương vụ mua lại Uber.
Những thay đổi đáng kể đã xảy ra kể từ khi Uber tiếp quản kỳ lân này. Vào tháng 8/2020, Uber dẫn đầu các cuộc đàm phán với công ty bán lẻ lớn nhất Chile, Cencosud, để thành lập các “dark store” - chi nhánh siêu thị dành riêng cho những người làm công việc đi chợ hộ - nhằm giảm thời gian xếp hàng và hợp lý hóa trải nghiệm giao hàng.
Nói thêm về dark store - đó thực chất là các cửa hàng bán lẻ truyền thống đã được chuyển đổi. Do giãn cách xã hội nên nhiều người ở nhà đặt hàng và các cửa hàng cũng hạn chế số lượng khách hàng bên trong các cửa hàng thực, một số thương hiệu đóng cửa hoàn toàn với khách hàng và biến những địa điểm đó thành “cửa hàng tối” (dark store) để thực hiện các đơn hàng giao và nhận hàng. Dark store như một hình thức bán hàng cho shopper để họ “đi chợ hộ” những người có nhu cầu và ship đến tận nhà.
Tại thời điểm đạt được thỏa thuận, ông Eduardo Donnelly, Tổng giám đốc Uber Eats khu vực Mỹ Latinh cho biết, “Chúng tôi rất vui mừng về khả năng Cornershop bắt đầu hợp tác với Cencosud… Nhờ sự tích hợp công nghệ của chúng tôi, người dùng ứng dụng Uber có thể truy cập vào cửa hàng của họ và các sản phẩm”.
Uber - “hiện thân” của nền kinh tế hợp đồng
Tuy nhiên, trong khi các giám đốc điều hành tại Uber và Cornershop ăn mừng thương vụ thâu tóm, những nhân viên như Salgado lại lo sợ việc sáp nhập sẽ khiến công việc của họ có sự thay đổi theo chiều hướng xấu đi.
Khi Salgado bắt đầu làm việc tại công ty, cô rất yêu thích tư duy “chào đón thiên niên kỷ” của Cornershop. Mặc dù làm việc một mình trong ô tô, cô đã kết bạn với các đồng nghiệp trên các nhóm WhatsApp của công ty, bao gồm những người làm công việc mua sắm hộ và ship hàng như cô, và cả những người quản lý tại văn phòng của họ, những người chuyên khắc phục mọi sự cố liên quan đến đơn đặt hàng. Hàng tháng họ gặp nhau để đi uống cà phê và Cornershop sẽ thanh toán hóa đơn.
Mặc dù những nhân viên hợp đồng đi chợ như Salgado không nhận được các đặc quyền mà nhân viên tại văn phòng được hưởng, họ vẫn có những phúc lợi tốt hơn so với những nhân viên giao hàng độc lập trên các ứng dụng đối thủ như Rappi và PedidosYa.
Tất cả những người mua sắm của Cornershop đều nhận được khoản lương cố định hàng tháng, cộng với tiền hoa hồng. Họ được đóng bảo hiểm, trả nguyên lương vào những ngày ốm đau, có kế hoạch lương hưu, và được bảo hiểm trong trường hợp xảy ra bất kỳ tai nạn đường bộ nào.
Là nhân viên chính thức, luật Chile cho phép họ thành lập công đoàn, và Salgado là chủ tịch trong 4 năm. Họ được tiếp cận trực tiếp với các Giám đốc điều hành của Cornershop, họ đã thảo luận về cách cải thiện ứng dụng và điều kiện lao động cho người lao động.
Vào năm 2017, Salgado và 230 đồng nghiệp giao hàng của cô có một thứ, mà thứ đó gần như hoàn toàn vắng bóng trong nền kinh tế gig - nền kinh tế mà trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, các công ty có xu hướng thuê những người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian; được hiểu nôm na là nền kinh tế hợp đồng. Cái mà các nhân viên của Cornershop có đó là: quyền của người lao động.
Sau đó, Uber đã mua lại ứng dụng này. Vào tháng 3/2020, Salgado đã gặp trực tiếp Cuevas - một trong ba nhà sáng lập Cornershop - để thảo luận về sự an toàn của các nhân viên đi chợ trong thời kỳ đại dịch. Cuevas luôn thấu hiểu, dễ gần và sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng trong cuộc họp đó, Cuevas nói rằng Uber sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc ra các quyết định, tiếp quản công ty một cách tốt đẹp - và mang lại những thay đổi mới.
Sau 11 năm hoạt động, dịch vụ chia sẻ chuyến đi của Uber hiện đã có mặt tại hơn 10.000 thành phố ở hơn 60 quốc gia. Uber trở thành một nhân tố chính và đi tiên phong trong hệ thống kinh tế gig - nền kinh tế hợp đồng.
Ông Rodrigo Palomo Vélez, trưởng khoa khoa học pháp lý tại Đại học Talca, cho biết: “Uber là đại diện cho mô hình kinh tế gig này đến nỗi tên Uber đồng nghĩa với thuật ngữ này - Uber hóa nền kinh tế".
Shopper, shipper “tiến thoái lưỡng nan” trong nền kinh tế hợp đồng
Mặc dù các nhân viên cho rằng chắc chắn môi trường làm việc của họ sẽ thay đổi khi Uber gia nhập, nhưng gã khổng lồ gọi xe không cắt giảm ngay môi trường làm việc ấm cúng mà Salgado thích trong những ngày đầu của Cornershop.
Tuy nhiên, dưới góc độ của chủ nghĩa đầu tư mạo hiểm, sự thay đổi văn hóa công ty của Cornershop là điều có thể dự đoán được nếu họ muốn tồn tại. Ngay cả trước khi Uber tham gia, Cornershop cũng đang chuẩn bị mở rộng, buộc phải cạnh tranh với một loạt những người mới như Glovo, Rappi và một đối thủ đã có tên tuổi, PedidosYa.
Đến năm 2018, Cornershop ngừng ký hợp đồng với những nhân viên đi chợ và vận chuyển, họ thuê hàng nghìn công nhân độc lập. Mọi cuộc vui với đồng nghiệp gần như dừng lại.
Khi lực lượng giao hàng tăng lên, các nhà quản lý văn phòng đã rời khỏi các nhóm Whatsapp và ẩn đi số điện thoại của họ, có nghĩa là người mua sắm chỉ có thể liên lạc với các đồng nghiệp tại văn phòng của họ thông qua trung tâm nhắn tin nội bộ của ứng dụng.
Việc chuyển đổi này giúp Uber dễ dàng phá vỡ các liên lạc xã hội còn lại giữa trụ sở công ty và người lao động trên đường phố, bao gồm quyền tiếp cận các CEO, giao tiếp trực tiếp với văn phòng và thương lượng về quyền của người đi chợ hộ và shipper.
Guillermo Castro, một shipper cũ có tài khoản đột ngột bị khóa vào tháng trước cho biết: “Một hệ thống vốn đã vô cảm lại càng trở nên vô cảm hơn”.
Guillermo Castro đã cố gắng tìm hiểu lý do tại sao Cornershop lại chấm dứt dịch vụ của mình, nhưng ứng dụng từ chối chia sẻ thông tin. Anh nghi ngờ rằng anh bị khóa tài khoản là vì đã phàn nàn qua trung tâm nhắn tin về sự thay đổi đột ngột mức xếp hạng của anh, khiến anh mất các đơn đặt hàng quan trọng và kết quả là nhận được ít tiền hơn.
Shopper được xếp hạng dựa trên một số bài đánh giá - như thời gian họ tìm đơn hàng, xếp hạng của khách hàng, số lượng đơn đặt hàng họ từ chối và thời gian hoạt động trên ứng dụng. Castro cho biết anh đã đạt điểm cao hơn trung bình trong tất cả các phần.
“Xếp hạng thay đổi và shopper không biết tại sao. Họ không bao giờ cung cấp thông tin cho shopper. Chúng tôi làm việc trong bóng tối và cảm thấy bất lực”, Castro nói.
Một shopper khác, Carlos, muốn giấu tên vì sợ rằng tài khoản của anh ta sẽ bị khóa nếu ứng dụng có thể nhận dạng anh ta. Anh cho biết Cornershop ngày càng trở nên khắt khe hơn đối với shopper kể từ khi anh gia nhập cách đây hai năm, vào khoảng thời gian Uber chuyển sang là cổ đông đa số.
“Shopper bị trừng phạt vì mọi thứ. Khi shopper cố gắng giải thích với người quản lý, họ không nghe. Nếu hỏi tại sao xếp hạng của shopper bị giảm, họ không giải thích”.
Khi Carlos bắt đầu làm một shopper tự do vào năm 2019, anh ấy có thể chọn nơi mình muốn làm việc trong thành phố. Tuy nhiên, trong năm qua, ứng dụng ngày càng buộc anh phải làm việc ở những khu vực mà anh muốn tránh. Anh cho biết an toàn là một vấn đề đối với rất nhiều đồng nghiệp của anh, đặc biệt là phụ nữ.
Giao tiếp với shopper hàng ngày càng trở nên căng thẳng. Các nhân viên hỗ trợ trên ứng dụng chỉ sử dụng avatar hoạt hình để nhận dạng. Các lao động tự do nghi ngờ họ sử dụng các câu trả lời “như người máy”, chỉ sao chép và dán.
“Tôi muốn nhìn thấy khuôn mặt thật của họ và nói về quyền của mình như bất kỳ người lao động nào khác. Nhưng nếu tôi khiếu nại, tôi có thể bị khóa tài khoản ngay lập tức”, Carlos nói.
Startup buộc phải tuân thủ "gig economy" nếu muốn mở rộng, cạnh tranh
Trong khi đó, Uber phủ nhận việc họ thực hiện các thay đổi đối với hoạt động của Cornershop, nhấn mạnh rằng cho đến nay ứng dụng này vẫn hoạt động độc lập với Uber. Tuyên bố này trái ngược với những gì mà người lao động như Salgado, Carlos và Castro trải qua.
Uber nói rằng họ "vẫn giữ liên lạc chặt chẽ" với người lao động tự do, nhưng báo trước sẽ có những thay đổi trong tương lai, cụ thể là "trong những tháng tiếp theo, vì chúng tôi sẽ bắt đầu hợp lực và tiến tới hội nhập Cornershop vào gia đình Uber”. Công ty cũng không bình luận thêm gì về những thay đổi đối với hệ thống xếp hạng không rõ ràng đã khiến các shopper bất bình.
Trái ngược hoàn toàn với vị trí trang trọng mà Salgado coi trọng khi cô mới gia nhập công ty, người phát ngôn của Uber nói rằng shopper là “những nhà thầu độc lập đến với Cornershop qua Uber để có cơ hội kiếm tiền theo các điều kiện mà Uber đặt ra”.
Palomo Veléz, học giả tại Đại học Talca, nói rằng việc Cornershop tuân thủ mô hình kinh tế hợp đồng, không phải là vì Uber, mà là kết quả của việc mở rộng quy mô để tồn tại trong một thị trường đông đúc. Bởi vì, mục đích ban đầu của Cornershop là địa phương và quy mô nhỏ, không phải công ty lớn mà chúng ta thấy ngày nay.
Mặc dù đã có các cuộc thảo luận chính trị về việc người lao động không được hưởng các quyền lợi đầy đủ, đặc biệt lực lượng lao động ngày càng lớn và ngày càng phụ thuộc vào các ứng dụng này. Tuy nhiên, nhiều người lo sợ chính phủ chỉ quan tâm đến việc quản lý các ứng dụng tuân thủ pháp luật. Chính phủ hiện cũng đang thúc đẩy một dự luật hỗ trợ các nền tảng công việc hợp đồng.
Trong khi dự luật hứa hẹn sẽ bảo vệ người lao động tốt hơn về mặt tai nạn và bệnh tật, Salgado và các đồng nghiệp trong công đoàn quyết liệt chống lại đề xuất này, vì như vậy, các ứng dụng sẽ tiếp tục mô hình thuê khoán người lao động tự do, mà không có những đảm bảo quyền lợi khác. Kịch bản này được cho là không khác với một sáng kiến nổi tiếng ở California, trong đó các công ty như Lyft và Uber rất ủng hộ. Sáng kiến này hứa hẹn những lợi ích và bảo vệ cho người lao động trong nền kinh tế hợp đồng nhưng lại không bao giờ thành hiện thực. Tháng trước, tại California đã diễn ra cuộc đấu tranh lâu dài bảo vệ quyền của người lao động trong tiểu bang.
Người phát ngôn của Uber nói rằng chính phủ Chile ủng hộ dự luật “công nhận sự linh hoạt và quyền tự chủ của những người tạo ra thu nhập bằng công nghệ”, trong khi Salgado thẳng thừng bác bỏ đề xuất này.
Tổ chức công đoàn trước đây của Cornershop gồm 155 người, phần lớn gồm các thành viên tiến bộ, đang soạn thảo một hiến pháp mới cho Chile vào năm tới. Hiến pháp mới, được thiết kế nhằm tăng cường các quyền an sinh xã hội ít ỏi của Chile đối với người lao động, kết hợp với các luật quy định chặt chẽ hơn, sẽ buộc Uber phải thích ứng.
Đó là một cuộc chiến mà Salgado sẵn sàng chứng kiến cho đến cùng - cô ấy không muốn con mình lớn lên và làm việc trong điều kiện của nền kinh tế hợp đồng.
"Nếu công việc của bạn không trang trải được các nhu cầu tối thiểu về thức ăn, sưởi ấm hoặc lương hưu, chắc chắn có gì đó không ổn. Đó là một nền kinh tế điên rồ, một sự bỏ rơi vô cảm đối với những người ít có cơ hội việc làm”, cô nói./.