Truyền thông

Cơ hội phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam

Hồng Nhung 03/12/2024 16:26

Chuyển đổi số trong phát triển du lịch là một thay đổi tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tạo nên điểm nhấn và tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành Du lịch Việt Nam.

Khi công nghệ hiện đại hỗ trợ phát triển du lịch

Phát triển du lịch thông minh (DLTM) là ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại để hỗ trợ và mang lại lợi ích cho nhà quản lý du lịch, doanh nghiệp du lịch và khách du lịch.

Thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại Việt Nam đã phối hợp cùng với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm với quy mô cấp quốc tế, quốc gia, cấp tỉnh, cấp ngành… để đánh giá thực tiễn, cơ hội và tiềm năng, thống nhất nhận thức và hành động về phát triển DLTM tại Việt Nam.

anh-bai-dltm.jpg
Nguồn tài nguyên du lịch của Việt Nam rất phong phú và đa dạng có sức thu hút khách du lịch quốc tế.

Đến nay Việt Nam đã xây dựng được các nền tảng số hỗ trợ hoạt động du lịch phát triển như: Hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; hệ thống vé, thẻ điện tử, thẻ DLTM; hệ thống thuyết minh DLTM (multimedia guide); triển khai kênh truyền thông của Tổng cục Du lịch trên nền tảng số vào năm 2022; các ứng dụng “Du lịch Việt Nam - VietnamTravel” và nền tảng số quốc gia “Quản trị và kinh doanh du lịch”; xây dựng website Trang vàng du lịch Việt Nam; triển khai ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” để hỗ trợ khách du lịch…

Ngành Du lịch đã và đang đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin cho ngành qua việc xây dựng cổng thông tin điện tử để cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch, người dân và khách du lịch nhằm tăng cường tương tác và trao đổi dữ liệu đa chiều, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Các địa phương đều đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hỗ trợ du lịch, triển khai Cổng thông tin điện tử DLTM để hỗ trợ khách du lịch khá hiệu quả. Đi đầu là các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Nhiều địa phương khác cũng triển khai thành công: Hà Giang, TP. Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Trị, TP. Huế, Khánh Hòa, TP. Đà Lạt, Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang.

Nhiều điểm du lịch đã áp dụng thành công công nghệ hỗ trợ để tổ chức trình diễn như Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Văn Miếu-Quốc Tử Giám; Cố đô Huế; Bảo tàng Điêu khắc Chăm; Công viên Ấn tượng Hội An…

Nhiều địa phương đã lắp đặt các trạm phát wifi miễn phí tại các điểm du lịch để du khách thuận tiện truy cập dữ liệu. Nhiều app DLTM được vận hành thành công như: Du lịch Hà Nội; Hanoi Offline Map and Travel Guide; Hanoi Bus; Ho Chi Minh City Travel Guide; Vibrant Ho Chi Minh City; Sai Gon Bus; DaNang Tourism; ứng dụng chabot DaNang Fantasticcity…

Các tỉnh thành phố đã thực hiện chuyển đổi số ngành Du lịch, xây dựng cơ sở dữ liệu và số hóa tài nguyên. Nhiều công nghệ hiện đại để hỗ trợ hoạt động du lịch đã được triển khai: Thẻ, vé điện tử; phần mềm kiểm soát an ninh; hệ thống thuyết minh tự động, trợ lý hướng dẫn viên ảo; áp dụng mã QR… Các doanh nghiệp lớn có tiềm lực cũng đã ứng dụng công nghệ trong khai thác phục vụ nhằm tăng trải nghiệm cho khách, tổ chức trình diễn các sự kiện giải trí nghệ thuật công nghệ.

Nhiều sản phẩm DLTM đã tạo nên tiện ích cho cả doanh nghiệp và du khách như: Hệ thống cảm biến tự động; Hệ thống đặt chỗ trực tuyến; Phần mềm quản lý doanh nghiệp; Hệ thống quản lý dịch vụ tại khách sạn, hãng hàng không, chuỗi nhà hàng…; Bãi đỗ xe thông minh; Máy bán hàng tự động; Hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử và chữ ký số; Sử dụng mạng xã hội để quảng bá và kinh doanh du lịch…

Giải pháp hữu hiệu

Nền kinh tế và ngành Du lịch Việt Nam đang từng bước phục hồi và phát triển năng động; nguồn tài nguyên du lịch của Việt Nam có sức thu hút khách du lịch quốc tế; Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách quyết liệt nhằm phát triển DLTM; các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã làm chủ được nhiều công nghệ, kỹ thuật hiện đại; sự tham gia ngày càng nhiều của các thương hiệu quốc tế uy tín trong lĩnh vực du lịch và công nghệ số tại Việt Nam… là những lợi thế cơ bản cho DLTM hiện nay.

Để phát huy được những lợi thế đó cần có sự phối hợp của Nhà nước, chính quyền các cấp và các bên liên quan thống nhất ý chí, hành động và sự đồng thuận trên cơ sở hiểu biết, nhận thức đúng, đầy đủ về lợi ích do DLTM mang lại.

Trên cơ sở nghiên cứu bối cảnh và điều kiện phát triển của ngành Du lịch để xác định mục tiêu, chiến lược và lộ trình phát triển, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển du lịch quốc gia theo định hướng phát triển DLTM; Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ thông minh; Hỗ trợ, khuyến khích các địa phương, các doanh nghiệp tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ, phát triển DLTM; Khuyến khích nghiên cứu xây dựng các mô hình và ứng dụng thông minh trong phát triển du lịch…; Nghiên cứu đề xuất cơ chế hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy phát triển DLTM một cách đồng bộ, nhịp nhàng, trong đó có cơ chế hợp tác công tư.

Đẩy mạnh phát triển tăng cường ứng dụng công nghệ thông minh trong lĩnh vực du lịch: Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ; Tiến hành công nhận, cấp bằng phát minh sáng chế, sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm công nghệ, ứng dụng thông minh trong phát triển du lịch; Tăng cường hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông minh trong du lịch; Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ như Internet, hệ thống GPS, các thiết bị thông minh…

Để phát triển DLTM trước hết cần phải có nguồn nhân lực chất lượng. Theo đó tổ chức các chương trình đào tạo và huấn luyện về công nghệ thông minh trong du lịch; Xây dựng các chương trình hợp tác giữa ngành du lịch và các cơ sở đào tạo để phát triển chương trình đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và kiến thức về công nghệ thông minh; Tạo ra các cơ hội và hỗ trợ cho những tổ chức và cá nhân tham gia vào các dự án nghiên cứu và sáng tạo trong lĩnh vực DLTM với sự hỗ trợ của chính phủ, ngành Du lịch, ngành Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp, nhà tài trợ; Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để người lao động Việt Nam có thể tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo và kinh nghiệm quản lý, vận hành công nghệ thông minh trong du lịch.

Là một quốc gia có nhiều cơ hội và đã đạt được những thành tựu ban đầu trong phát triển DLTM, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế phát triển các công nghệ và giải pháp thông minh cho ngành Du lịch; Nhận được sự chia sẻ từ các quốc gia về chính sách, các dự án, mô hình, quy trình, quản lý và điều phối DLTM; Xây dựng liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để cung cấp những sản phẩm và dịch vụ DLTM, tập trung vào việc thúc đẩy du lịch bền vững thông qua việc chia sẻ các phương pháp và chính sách quản lý du lịch hiệu quả, phát triển thị trường, phát triển marketing số…/.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO