Các “tên tuổi” công nghệ lớn, trong đó có Expedia và Alibaba, đang “bơm” hàng tỷ đô vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Indonesia để khai thác nền kinh tế số đang phát triển và đầy tiềm năng khi quốc gia này trở thành thị trường trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á.
Với dân số hơn 250 triệu dân, một tầng lớp trung lưu đang gia tăng và sự sẵn sàng mua sắm thiết bị di động giá cả hợp lý, đang tạo nên sức hút thị trường của quốc đảo này.
“Chúng tôi tin tưởng Indonesia đã sẵn sàng cho một bước nhảy vọt về nền kinh tế số, sau sự phát triển của Trung Quốc và trở thành điểm đến công nghệ hàng đầu ở Đông Nam Á”, ông Adrian Li, Convergence Ventures có trụ sở tại Jakarta cho biết.
Theo hãng nghiên cứu CB Insights, năm 2016, đã có 631 triệu USD vốn dự án đổ vào quốc gia này, tăng từ 31 triệu USD năm 2015. Nhưng con số này đã thay đổi trong năm nay, theo một con số được xác nhận hồi tháng 9 vừa qua là đã có 3 tỷ USD trong các thỏa thuận hợp tác, đầu tư vào Indonesia.
Tokopedia - một khu chợ cho phép người sử dụng thiết lập các cửa hàng trực tuyến và thực hiện các giao dịch - đã nhận được khoản đầu tư 1,1 tỷ USD từ Alibaba của Trung Quốc vào tháng 8 vừa qua. Dịch vụ gọi xe máy theo yêu cầu Go-Jek đã tìm được khoản đầu tư 1,2 tỷ USD từ các hãng công nghệ của Trung Quốc là JD.com và Tencent Holdings hồi tháng 5, theo dữ liệu của Crunchbase. Và trong một dấu hiệu đáng mừng khác, Koisson gần đây đã trở thành dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT) đầu tiên của Indonesia niêm yết trên sàn chứng khoán.
Số người sử dụng Internet đang ngày càng tăng lên ở Đông Nam Á nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, với 124.000 người sử dụng sẽ lên mạng mỗi ngày trong vòng 5 năm tới, theo một báo cáo năm 2016 của Google và Temasek Holdings của Singapore.
Vào năm 2020, sẽ có khoảng 480 triệu người dân khu vực Đông Nam Á được kết nối Internet, tăng 220 triệu người so với năm 2016. Thị trường Indonesia với di động là tiên phong sẽ chiếm hơn một nửa thị trường TMĐT ở Đông Nam Á, với giá trị ước tính là 46 tỷ USD, báo cáo của Google cho biết.
“Khi bạn thực hiện khởi nghiệp ở Malaysia, Singapore, Thái Lan và Indonesia, chi phí, nỗ lực và thời gian bạn bỏ ra gần như là bằng nhau. Nhưng khi bạn đến Indonesia, sự tăng trưởng là không giới hạn - thị trường này quá lớn”, ông Willson Cuaca, công ty East Ventures chuyên về các đầu tư giai đoạn đầu cho biết.
Theo đó, các “tên tuổi” lớn như quỹ đầu tư Mỹ Sequoia Capital, Rakuten Ventures của Nhật Bản và công ty du lịch Expedia - cũng như các đại gia công nghệ Trung Quốc - đều đã thực hiện đầu tư vào Indonesia.
Tổng thống Indoneisa Joko Widodo, một người ủng hộ mạnh mẽ sáng tạo số, có kế hoạch muốn hình thành 1000 doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị tới 10 tỷ USD vào năm 2020. Nhưng lĩnh vực này vẫn còn phải đối mặt với một số thách thức.
Ở một đất nước vẫn còn thiếu các tài năng kỹ thuật, sự thâm nhập Internet còn thấp ngoại trừ đảo Java đông dân cư, những chậm trễ trong thủ tục hành chính và hạ tầng kém chất lượng đều là những rào cản đối với sự phát triển.
Đối với các công ty TMĐT, số lượng lớn người dân Indonesia chưa được tiếp cận ngân hàng sẽ giới hạn phạm vi các giao dịch trực tuyến và các vấn đề logistics sẽ gây khó khăn để vận chuyển hàng hóa. Các doanh nhân trẻ và các doanh nghiệp nhỏ cũng đều đang tập trung vào các không gian cộng tác đang nổi lên ở các trung tâm lớn thay cho trải đều ở các vùng miền của đất nước.
Farid Naufal Aslam, 23 tuổi, CEO Aruna, một công ty TMĐT kết nối ngư dân với người mua hải sản cho biết: “Một trong những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp này phải đối mặt là phải phụ thuộc vào mục tiêu mang tính xã hội. Indonesia là một quốc gia có những đặc điểm riêng biệt với các cộng đồng đa dạng và các tập quán khác nhau ở mỗi vùng”.
Tuy vậy, nhiều quỹ đầu tư và doanh nhân vẫn lạc quan. “Các cơ hội vẫn luôn có. Khi bạn càng nỗ lực sáng tạo và giải quyết các vấn đề nhờ công nghệ bạn có thể thành công”, ông Willson Cuaca cho biết.