Con người là yếu tố chủ chốt giúp các công ty Nhật Bản chuyển đổi số thành công

Anh Minh| 31/10/2022 11:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Những biến đổi khó lường trong 2 năm qua là cú hích khiến các doanh nghiệp Nhật Bản càng chú trọng hơn nữa vào chuyển đổi số (CĐS), coi đây là hoạt động sống còn của doanh nghiệp (DN).

Những khó khăn của DN Nhật Bản khi CĐS

Trong chương trình DxTalks diễn ra mới đây của FPT Digital về chủ đề CĐS trong các DN Nhật Bản, khách mời là những chuyên gia về CĐS và cả đại diện DN Nhật Bản. Trong đó, các chuyên gia cho rằng người Nhật nổi tiếng với “chất lượng”, vì thế họ luôn thận trọng trong các kế hoạch, trong đó có kế hoạch CĐS.

Trước đây tốc độ CĐS ở Nhật không được nhanh lắm bởi họ chú trọng vào đảm bảo chất lượng tốt nhất hơn tốc độ. Tuy nhiên, đại dịch đã là cú hích khiến các DN Nhật coi đây không chỉ là hoạt động hỗ trợ, mà là hoạt động sống còn của DN. Chính vì thế, họ bắt buộc phải tăng tốc CĐS. Dù vậy, trong quá trình tăng tốc này, các DN Nhật cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Vương Quân Ngọc, giám đốc tư vấn CĐS FPT Digital, trước khi CĐS, việc đầu tiên cần thông suốt chính là làm sao để con người thích ứng, quen thuộc với nền văn hóa mới, từ đó tiến hành các công đoạn CĐS.

Dân số Nhật Bản đang già hóa, số lượng dân số cũng giảm dần. Vì vậy, nguồn lực lao động nói chung cũng như nguồn lực trong lĩnh vực CĐS hết sức hiếm hoi. Đây là một rào cản rất lớn với DN của Nhật. Không những đối mặt với thách thức thiếu nguồn nhân lực, DN Nhật Bản còn đối mặt với những khó khăn rất đặc thù của đất nước. Ông Nguyễn Hữu Long, giám đốc công ty tư vấn FPT Japan, cho biết trong quá trình tư vấn CĐS cho các DN ở Nhật, ông nhận thấy có 3 rào cản mà các DN Nhật gặp phải trong CĐS.

Thứ nhất là về văn hóa. Đó là nền văn hóa của cả đất nước, của DN nói chung. Tại Nhật, mảng CNTT không được coi trọng như các nghiệp vụ hay chiến lược kinh doanh khác. Vì thế, tiếng nói của bộ phận CNTT thường không có nhiều trọng lượng trong DN. Khi làm CĐS, tất cả những cái gọi là nền tảng CNTT thường bị ép theo phần nghiệp vụ. Hậu quả là hệ thống CNTT rất phức tạp hoặc tốn rất nhiều chi phí. Điều đó trở thành một rào cản trong CĐS của các DN Nhật.

Rào cản thứ hai nằm ở quy trình. Theo ông Long, khi người Nhật tập trung đảm bảo chất lượng, họ rất thận trọng trong việc lên kế hoạch. Khi họ đã lên kế hoạch, họ không chỉ lên kế hoạch trong vòng 1 năm, 2 năm, 3 năm mà họ muốn lên kế hoạch CĐS trong vòng 5 năm hay 10 năm. “Trong khi đó, việc CĐS phải làm rất nhanh, bởi vì sau 5 năm, 10 năm thị trường đã hoàn toàn thay đổi. Chiến lược 5 năm, 10 năm sẽ không còn nhiều ý nghĩa”, ông Long nói.

Rào cản thứ ba là yếu tố con người. DN Nhật thường không tự làm CNTT mà sẽ thuê ngoài. Khi CĐS, DN thiếu nguồn lực CĐS nội tại và bị phụ thuộc vào đối tác bên ngoài.

Tuy nhiên, qua thời gian đại dịch, hiện tại các công ty Nhật đã tập trung rất mạnh vào việc CĐS. Nhiều công ty Nhật đã bắt đầu CĐS thành công. Theo quan sát của ông Long, những DN Nhật Bản CĐS thành công thường làm theo 3 phương thức phổ biến. Đầu tiên là tổ chức CĐS toàn bộ hệ thống CNTT nội tại. Cách này thường phù hợp với một số DN truyền thống ở Nhật và đặc biệt những DN này có ngân sách lớn để đầu tư toàn diện.

Cách thứ hai là lựa chọn những phần nhất định để CĐS. Cách này giúp DN nhanh chóng gặt hái thành công, song lại khó nhân rộng, vì thiếu nguồn lực để triển khai dự án CĐS toàn diện cho DN. Để giải quyết vấn đề này, các DN Nhật Bản đã kết hợp những nguồn lực bên ngoài. Chẳng hạn, các công ty lớn như KDDI hay Shiseido đã thành lập liên doanh CĐS với các đối tác CNTT chính để giúp công ty CĐS cũng như đào tạo nhân viên tham gia vào quá trình CĐS.

Ngoài ra, các DN có thể sử dụng dịch vụ tư vấn của các công ty tư vấn CĐS.

Chuyển đổi con người khi bước vào CĐS

Nói về yếu tố thành công khi CĐS, FPT Digital cho rằng DN khi CĐS là tập trung vào 3 trụ cột chính kinh doanh, công nghệ và con người. Chuyển đổi con người là một quá trình xuyên suốt và song hành trong quá trình CĐS vì con người đóng vai trò dẫn dắt và tham gia trực tiếp, từ xây dựng kế hoạch lộ trình đến triển khai và thực hiện.

Tại chương trình DxTalks lần này, Hatano Koji, giám đốc sản xuất tại công ty Nippon Steel Việt Nam, cho biết Nippon Steel Việt Nam là một DN Nhật Bản có nhà máy tại Việt Nam và gặp nhiều thách thức khi thực hiện lộ trình CĐS. Hatano Koji cho biết hệ thống mà Nippon Steel Việt Nam sử dụng là do công ty mẹ Nippon Steel ở Nhật Bản chế tạo ra từ khoảng 10 năm trước, vì vậy thiếu một số tính năng cần thiết cho hoạt động hiện tại, và đặc biệt là thiếu tính mở rộng. Do đó, FPT đã đồng hành cùng Nippon Steel Việt Nam để xây dựng một hệ thống đối ứng linh hoạt với những biến động trên thị trường.

“Khi bắt đầu dự án CĐS, tôi phải có sự đồng ý của lãnh đạo và công ty mẹ ở Nhật Bản. Vì vậy, tôi phải giải thích về các vấn đề của hệ thống hiện tại, đánh giá năng lực của công ty sẽ phụ trách hệ thống, và đưa ra hiệu quả sau khi thực hiện”, ông Hatano Koji chia sẻ.

Con người là yếu tố chủ chốt giúp các công ty Nhật Bản chuyển đổi số thành công - Ảnh 1.

Ông Hatano Koji, giám đốc sản xuất tại công ty Nippon Steel Việt Nam

Ông Hatano Koji cho biết do thị trường của công ty có những biến động dữ dội, nên mục đích là phải xây dựng được một hệ thống giúp đối ứng thật linh hoạt với những biến động đó. Trong quá trình đó, tinh thần cải thiện, cập nhật cái mới của nhân viên công ty đã nổi lên rất cao, đồng thời cũng quan tâm quản lý đến cả những chi tiết rất nhỏ. Điều này là do lối suy nghĩ Monozukuri của Nhật. Monozukuri là tinh thần tạo ra những sản phẩm chất lượng chuẩn Nhật Bản. FPT đã đồng hành cùng Nippon Steel để phát triển thành công hệ thống quản lý sản xuất mới, linh hoạt và dễ dàng mở rộng.

Ông cho biết trong thực tế, yếu tố văn hóa, đặc biệt là con người, rất quan trọng để giúp CĐS thành công tại Nippon Steel Vietnam. Đơn cử như vấn đề giao tiếp. Theo ông Hatano Koji, hầu hết nhân viên Nippon Steel Vietnam đều là người Việt Nam, đặc biệt kỹ sư phát triển là người Việt Nam nên đã đem lại ưu điểm lớn về giao tiếp. “Theo quan điểm của tôi, nếu không có giao tiếp tốt giữa người sử dụng hệ thống và người thiết kế hệ thống, sẽ không thể tạo ra sản phẩm tốt”, ông Hatano Koji nói.

FPT thường tư vấn các DN tập trung vào việc đầu tiên khi CĐS là chuyển đổi con người (People transformation). Song các DN Nhật Bản lại đang đối mặt với thực trạng thiếu nguồn nhân lực, do đó FPT đã đề xuất chiến lược sử dụng nguồn nhân lực ở Việt Nam hoặc các nước khác, kết hợp với việc sử dụng nguồn lực của Nhật Bản. Như vậy, cùng với chiến lược chuyển đổi con người, DN Nhật có thể tiến hành CĐS nhanh chóng, có kết quả tốt với chi phí phải chăng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Con người là yếu tố chủ chốt giúp các công ty Nhật Bản chuyển đổi số thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO