Truyền thông

Công nghệ số cho phép thống kê, ngăn chặn vi phạm bản quyền báo chí

Trường Thanh 04/10/2023 13:53

Để giải quyết vấn nạn vi phạm bản quyền số nói chung và bản quyền báo chí nói riêng, ngoài thực thi pháp luật thì việc ứng dụng công nghệ để rà quét, thống kê công khai đơn vị vi phạm sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng này.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ số thì nhu cầu, tâm lý, thói quen tiếp cận thông tin của công chúng cũng thay đổi, sự cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí với nhau, giữa báo chí với các phương tiện truyền thông số khác ngày càng khốc liệt, vấn đề bản quyền báo chí càng cần được nhìn nhận rõ nét hơn, với góc nhìn rộng mở hơn, đặc biệt, khi nó gắn với kinh tế báo chí.

Hơn thế nữa, báo chí là một ngành có tính chất đặc thù, thông tin được phát triển liên tục và nhanh chóng. Do đó, việc bảo vệ bản quyền là vô cùng quan trọng để đảm bảo sự công bằng và chính xác của thông tin được phát hành cũng như giá trị của lao động báo chí.

Để bảo vệ bản quyền số, trong đó có bảo vệ bản quyền báo chí, ngoài thực thi pháp luật thì việc phát triển các giải pháp công nghệ hỗ trợ được xem là cần thiết và quan trọng.

Việc ứng dụng công nghệ số trong bảo vệ bản quyền báo chí được xem là rất quan trọng

Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (Hội Truyền thống số - VDCA) Hoàng Đình Chung cho biết: Trung tâm bản quyền số đã và đang phối hợp cùng các đối tác trong việc phát triển các giải pháp công nghệ hỗ trợ cho lĩnh vực bảo vệ bản quyền số và phân phối nội dung, trong đó có bảo vệ bản quyền báo chí. Việc ứng dụng công nghệ số trong bảo vệ bản quyền báo chí được xem là rất quan trọng.

dsc_7329.jpg
Giám đốc Hoàng Đình Chung: Ứng dụng công nghệ để rà quét, thống kê công khai đơn vị vi phạm sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền số nói chung và bản quyền báo chí nói riêng

Các cơ quan báo chí có thể sử dụng các công cụ giám sát trực tuyến như: Trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi các trang web hoặc trang mạng xã hội (MXH) có chứa nội dung bản quyền của họ; ứng dụng chuỗi khối (blockchain) trong tòa soạn để giúp xác thực, bảo vệ tính toàn vẹn của nội dung báo chí và bảo vệ quyền lợi của các nhà báo, tác giả, ngăn chặn việc vi phạm bản quyền cũng như tranh chấp liên quan đến sở hữu...

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần cần hoàn thiện cổng thông tin đăng ký tác quyền; từng bước triển khai việc nghiên cứu và phát triển công nghệ blockchain; tích hợp quản lý tác quyền số, nghiên cứu và phát triển các công nghệ thu phí tác quyền bằng blockchain...

Để giải quyết vấn nạn vi phạm bản quyền số nói chung và bản quyền báo chí nói riêng, hiện nay, ngoài thực thi pháp luật thì việc ứng dụng công nghệ để rà quét, thống kê công khai đơn vị vi phạm sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng này”, Giám đốc Hoàng Đình Chung chia sẻ.

Cũng theo Giám đốc Hoàng Đình Chung, hiện này, Trung tâm đã ra mắt một số giải pháp, như giải pháp truy quét nội dung các bài báo, hình ảnh (text và hình ảnh) trên báo chí, và quét âm thanh, video… Đây gọi là giải pháp quét tự động (DCC watcher).

Mỗi đơn vị báo chí, xuất bản được cung cấp một tài khoản trên hệ thống. Các đơn vị báo chí, xuất bản có nhu cầu bảo vệ bản quyền cho tác phẩm của đơn vị sẽ đưa nội dung lên hệ thống.

Dựa trên hệ thống có thu thập dữ liệu lớn của DCC, hệ thống sẽ phát hiện tỷ lệ trùng lặp nội dung của đơn vị cần bảo vệ và các đơn vị có nội dung vi phạm. Hệ thống gửi báo cáo kết quả để DCC phối hợp với đơn vị báo chí và cơ quan chức năng giải quyết.

“Trên môi trường mạng, các đơn vị vi phạm thường dùng công nghệ để vi phạm, vì thế chỉ có thể sử dụng công nghệ để làm rõ vi phạm này. Không thể dùng phương pháp thủ công chặn người dùng công nghệ vi phạm. Công việc này được triển khai để thực hiện việc minh bạch hóa vấn đề vi phạm bản quyền. Công nghệ sẽ báo về kết quả có sao chép hay không, đây là cách tốt nhất để giaỉ quyết vấn đề vi phạm bản quyền báo chí hiện nay”, Giám đốc Hoàng Đình Chung nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm, ông Hoàng Đình Chung cho biết sau khi xây dựng được cơ sở dữ liệu (CSDL) đủ lớn về các đơn vị thường xuyên vi phạm, DCC cung cấp hệ thống báo cáo (report) thường xuyên để đánh giá các đơn vị thường xuyên tuân thủ và đơn vị thường xuyên vi phạm bản quyền lĩnh vực báo chí.

Hệ thống báo cáo là cơ sở tham khảo cho các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, quản lý nghề nghiệp và các đơn vị quảng cáo xem xét đánh giá uy tín, năng lực của đơn vị báo chí.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tập hợp đủ các đơn vị lớn để tạo ra được CSDL lớn, tiếp tục ứng dụng công nghệ hiện đại, mang tính đồng bộ, tập trung. Sau khi đã có kết nối được hệ thống các cơ quan báo chí, Trung tâm sẽ có thống kê những đơn vị thường xuyên vi phạm bản quyền, những đơn vị ít vi phạm nhất… Các số liệu thống kê này sẽ được công khai. Dựa vào số liệu thống kê này, những doanh nghiệp thực hiện hợp đồng quảng cáo với các cơ quan báo chí có thể cân nhắc, lựa chọn những cơ quan báo chí uy tín để hợp tác truyền thông”, Giám đốc Hoàng Đình Chung cho biết.

screenshot-55-.png
VDCA đã ra mắt một số giải pháp, như giải pháp truy quét nội dung các bài báo, hình ảnh (text và hình ảnh) trên báo chí, và quét âm thanh, video…

Ứng dụng công nghệ để biết được nội dung nào đang bị vi phạm bản quyền

Đề cập đến giải pháp công nghệ trong bảo vệ bản quyền số nói chung và bản quyền báo chí nói riêng, đại diện Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết, cần ứng dụng công nghệ để biết được nội dung nào đang bị vi phạm bản quyền và ở đâu. Điều đó cần có sự can thiệp của kỹ thuật ở giai đoạn trước khi truyền. AI sẽ giám sát các luồng video.

Công nghệ này hạn chế việc sao chép nội dung trái phép và cho phép chủ sở hữu nội dung thực thi các yêu cầu cấp phép. Bảo vệ này được thực hiện bằng cách nhúng mã ngăn nội dung bị phân phối mà không được phép. Nó cũng hạn chế cách người dùng có thể lấy nội dung.

Ví dụ, khi người dùng cố gắng tải một tệp lên YouTube, hệ thống nhận dạng vân tay của YouTube sẽ phân tích tệp và kiểm tra tệp đối với dấu vân tay trong CSDL của nó để xem liệu nội dung có phải là tài liệu có bản quyền hay không.

Lấy dấu vân tay bao gồm quá trình phân tích video và âm thanh để tạo ra một dấu vân tay kỹ thuật số duy nhất cho phần nội dung cụ thể đó (một dạng ID content)

Theo đại diện Cục Báo chí, sau khi phát hiện thấy một vi phạm, cần phải có hành động nhanh chóng để xử lý. Điều này rất quan trọng vì trong những năm gần đây, vi phạm bản quyền đã xoay trục sang phát trực tuyến theo thời gian thực và các dòng doanh thu bất hợp pháp liên quan đến thể thao trực tiếp (giá đặc biệt phải trả để truy cập nội dung thể thao khiến nó trở thành mục tiêu vi phạm).

Việc xóa nội dung khỏi Internet càng nhanh càng tốt là cách tốt nhất để ngăn chặn những hành vi vi phạm và hướng người tiêu dùng đến các lựa chọn thay thế hợp pháp. Vấn đề là các chủ sở hữu quyền phải chủ động ứng dụng công nghệ rà quét để phát hiện sớm vi phạm…”, đại diện Cục Báo chí nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại diện Cục Báo chí cũng cho biết, thời gian qua, Trung tâm Lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia - Cục Báo chí đã có hai đề tài khoa học được nghiệm thu, đó là vận hành media hub để phối hợp với cơ quan báo chí đo, quét nội dung vi phạm bản quyền và hội đồng giúp xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí. Các mô hình đang được chạy thử và có thể đưa vào triển khai diện rộng trong thời gian tới./.

Bài liên quan
  • Bảo vệ bản quyền báo chí từ góc nhìn đạo đức và văn hóa
    Vi phạm bản quyền (VPBQ) báo chí không chỉ là vấn đề vi phạm pháp luật mà hơn thế, đó là sự xuống cấp đạo đức và văn hoá. Giá trị cốt lõi của nhà báo và toà soạn báo là tính chính trực, trung thực, tôn trọng khách quan, tôn trọng sự thật và quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ số cho phép thống kê, ngăn chặn vi phạm bản quyền báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO